“Già làng” văn hóa ở An Lão
9:42', 10/1/ 2010 (GMT+7)

Có người nói về Hoàng Ngọc Thành (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Lão) như thế này: “Nếu không nói về văn hóa H’rê, anh sẽ... chẳng biết nói gì”. Quá lời! Nhưng hàm ý khen. Bởi khi nói về văn hóa của đồng bào H’rê ở An Lão, Hoàng Ngọc Thành cứ như người “lên đồng”. Cái kho văn hóa H’rê ấy trong anh đã và đang được tích trữ trong suốt 33 năm qua, từ khi anh còn là nhân viên của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài An (Hoài Ân và An Lão) cho đến bây giờ, khi đã là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Lão.

* Người tâm huyết với phong trào văn hóa ở cơ sở

Một cách tự tin, Hoàng Ngọc Thành nói mình là “già làng” văn hóa ở An Lão, dù lý do ban đầu anh đến với ngành này chỉ là vì thấy mình có năng khiếu âm nhạc. Thế rồi, trong 33 năm gắn bó với công tác văn hóa, từ viết báo, sáng tác kịch dân ca, dàn dựng các chương trình văn nghệ cho các lễ hội, dịp kỷ niệm lớn của huyện, cho đến khi lên làm quản lý, Hoàng Ngọc Thành nghiệm ra rằng, làm văn hóa là tâm niệm suốt đời của anh.

 

 

- Với những người muốn tìm hiểu về văn hóa ở An Lão, anh sẽ nói gì với họ?

Trong 3 huyện miền núi của Bình Định thì An Lão xa “mặt trời” nhất, địa hình nhiều núi đồi, đi lại khó khăn. Những năm 1985, 1986, đời sống của đồng bào H’rê ở đây vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng, giờ An Lão tự hào có những điểm rất đặc biệt về văn hóa so với các huyện miền núi còn lại. 

Trước, An Lão có tập tục nguy hiểm như nghi cầm đồ thuốc độc, nay đã bỏ rất nhiều. Đó là một thành tựu văn hóa quan trọng nhất.

Trong 3 huyện miền núi, An Lão là địa phương đi đầu trong phong trào văn hóa. Từ năm 1985, An Lão đã thành lập đoàn văn nghệ cấp huyện đi biểu diễn ở các xã. Hồi đó, An Lão có đến 7/9 xã là miền núi với hơn 30 làng, từ trung tâm huyện về các xã xa như An Toàn, An Vinh, An Nghĩa phải mất nửa ngày, nhiều làng cách nhau cũng từng ấy thời gian đi bộ, nhưng năm nào đội cũng luân chuyển phục vụ các xã cả trăm buổi, không bỏ sót nơi nào. Chúng tôi đi cả “tiểu đoàn”, mang cõng máy móc, đạo cụ để biểu diễn. Phải làm vậy là để đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa của người dân miền núi và kích thích phong trào văn hóa cơ sở. Có thể nói, đến giờ, phong trào văn nghệ quần chúng ở 57 thôn, làng thuộc 10 xã, thị trấn của huyện An Lão có được là nhờ được kích hoạt từ thời đó. Tôi tự hào đó là thành tích cực kỳ lớn trong việc gầy dựng và phát triển phong trào văn hóa cơ sở ở An Lão.

Thành tựu thứ hai của An Lão là lễ hội. Từ năm 1990, An Lão đã có Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc của huyện, tổ chức 2 năm/lần. Đến năm 2003, từ mô hình cấp huyện, An Lão đã tổ chức được Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc cấp xã cũng với chu kỳ như vậy. Phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở mạnh lên từ đó. Không chỉ có người dân hào hứng tham gia mà cả bí thư, chủ tịch cũng đều là diễn viên, vận động viên của lễ hội.

Thế mạnh thứ ba của An Lão là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư. Sự bình yên của An Lão (cụ thể là ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội) có sự đóng góp của phong trào này. Các cơ quan, gia đình đều tâm huyết với phong trào.

- Thế còn nạn tự tử ở An Lão gần đây có sự gia tăng thì sao, thưa anh?

Đây là điều bức xúc nhiều năm qua và rất khó ngăn chặn, có nguyên nhân từ bản tính tự ái của đồng bào dân tộc H’rê. Họ tự tử vì những lý do rất đơn giản. Huyện đã từng lập đề án với mục đích tuyên truyền, vận động để ngăn chặn, nhưng không được. Bởi tâm lý người dân rất dễ bị kích động. Dù đây không phải là một tiêu chí bắt buộc khi bình xét danh hiệu văn hóa theo quy định, nhưng địa phương nào xảy ra hiện tượng này thì chúng tôi không xét danh hiệu này.

 

 

Nói rồi, anh Thành khoe hiện trong laptop của anh có dữ liệu cụ thể của tất cả 6.268 hộ gia đình toàn huyện An Lão. Cũng phải thôi, vì anh hiện là Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện An Lão. Nhưng nắm chắc và lưu giữ đặc điểm từng hộ của cả một huyện thì chắc chỉ có mình ông Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin An Lão làm được. Nghe nhận xét này, anh cười: “Tôi phải biết rõ để xét danh hiệu văn hóa cho từng hộ gia đình. Bây giờ, nhiều gia đình, thôn làng, cơ quan lo không đạt danh hiệu văn hóa. Bởi nếu một hộ gia đình không đạt tiêu chí gia đình văn hóa, thì khu dân cư nơi họ cư trú và cơ quan bị trừ 5 điểm trong điểm tổng để xét danh hiệu làng hay cơ quan văn hóa”.

- Vì sao anh khắt khe đến thế?

Để cán bộ gắn bó với cơ sở, đoàn kết với khu dân cư, bộ máy hành chính khu dân cư gắn với cán bộ, cán bộ gương mẫu. Ví như thôn 9 của thị trấn An Lão có 172 hộ, trong đó có 102 hộ là gia đình cán bộ. Khi tổ chức cho đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, nếu dân không đi, thì ít nhất cũng có 102 cán bộ đi dự. Vì tham dự đầy đủ các cuộc hội họp ở khu dân cư là một trong các tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa.

- Làm vậy, anh có sợ bị ghét không?

Người ta ghét tôi là chuyện bình thường và chắc cũng có nhiều người ghét (cười). Nhưng tôi nghĩ rằng, khi mình làm mà có niềm vui thì đó là hạnh phúc. Tâm niệm suốt đời của tôi là làm văn hóa. 

* Đam mê và trăn trở

Mê văn hóa H’rê, Hoàng Ngọc Thành biết rõ đến tường tận làng nào ở An Lão còn bao nhiêu bộ li tu (bộ trang phục của phụ nữ H’rê); vì sao người H’rê dùng cần nhỏ để uống rượu cần trong khi người Bana thì dùng cần lớn hơn; vì sao người Bana có nhà rông còn người H’rê thì không… Anh mê văn hóa H’rê đến độ người đối diện có cảm giác nếu hầu chuyện anh thì sẽ được nghe anh kể về văn hóa H’rê như kể chuyện ngàn lẻ một đêm…

- Nhưng anh không phải là người H’rê, vậy sao lại đam mê văn hóa của người H’rê đến thế?

Có nhiều lý do. Tôi hoạt động lâu trong ngành văn hóa, có điều kiện thâm nhập cơ sở nên nhận thấy, người H’rê rất hiền, dễ thương và mến khách. Tôi ví dụ thế này nhé, người H’rê có một nét văn hóa rất đẹp và đáng quý thể hiện sự hiếu khách là “chiếu khách”. Gia đình nào dù nghèo đến đâu vẫn dành một chiếc chiếu đẹp nhất chỉ để tiếp khách quý. Vậy không phải họ dễ thương lắm sao!

Ví dụ như âm nhạc của người H’rê rất khác âm nhạc của người Bana. Nghe nhé, tiếng chiêng Bana trầm hùng, khỏe khoắn “Tum t-rum tum, tum tum tum tum…”, trong khi bài chiêng H’rê lại mảnh mai, dìu dặt, nhịp điệu như sóng lúa “Ta... ra tà ta tá tà...”.

Tôi cũng ngẫm ra, nhiều năm qua, huyện An Lão không có những bất ổn về trật tự, an ninh xã hội. Đó là nhờ nội lực người dân mạnh, nên có thể “kháng” lại các yếu tố văn hóa ngoại lai.

- Thế còn điều gì làm anh trăn trở?

Hoàng Ngọc Thành sinh năm 1960 tại An Lão. Mới 13, 14 tuổi, anh đã đi theo Đoàn văn công Bình Định ở vùng giải phóng. Năm 1977, anh nhận công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài An. Từ năm 1987 giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Lão cho đến nay.

 

Tôi vẫn nghĩ, giá như trong quá trình triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Kết luận số 10 của Trung ương về bảo tồn văn hóa các dân tộc đừng có sự “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của một số ngành, ít nhất là trên địa bàn huyện An Lão. Hay như chuyện, các em học sinh từ khi học mẫu giáo cho đến hết cấp 3 tại địa phương - tức trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách - thì các trò chơi dân gian tuổi thơ, trang phục của dân tộc các em đã bị “Kinh hóa”. Tại sao không nghĩ đến đặc thù riêng của mỗi dân tộc để giữ lại những nét riêng của họ nhỉ? Bộ trang phục cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số H’rê tại sao không may theo truyền thống của người H’rê? Tương tự vậy, khi hỗ trợ họ làm nhà, tại sao không giúp xây luôn nhà sàn mà lại làm một cái nhà xây, để rồi bên cạnh đó, họ vẫn làm một nhà sàn để ở?…

- Có ai đồng cảm và chia sẻ với anh những tâm tư này?

Nói không có thì không đúng; nhưng chưa mạnh lắm, chưa đối trọng với những tư tưởng “bên kia”. Cái tôi đang sợ và rất sợ là đến độ nào đó, người H’rê chỉ còn mỗi cái tên H’rê. Nhưng điều này không thể một ngành làm được.

- Những dự định của anh trong thời gian tới?

Tôi rất tâm huyết với văn hóa H’rê, nhưng cảm thấy lực bất tòng tâm. Sự ủng hộ cho việc bảo tồn văn hóa H’rê còn mỏng. Tuy nhiên, nói thế thôi chứ tôi cũng không nản lòng. Tôi vẫn sẽ làm hết khả năng của mình.

- Xin cảm ơn anh!

  • Nguyên Sương-Thu Hiền  (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)