Tôi trở lại xóm nhà rầm ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) sau gần 12 năm kể từ vụ cháy kinh hoàng thiêu rụi 120 căn hộ nhà rầm ở KV 7. Phạm vi “đi thực tế” của tôi bây giờ đã hẹp hơn, song những bức xúc trong đời sống thường ngày của cư dân nhà rầm thì vẫn còn nguyên đấy…
|
Xóm nhà rầm ở tổ 32, KV6, phường Hải Cảng.
|
Sau vụ cháy nhà rầm lịch sử năm 1998, tôi cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Vĩnh Hảo vác máy ảnh đi làm phóng sự xuyên qua nhà rầm. Hồi ấy, nhà rầm ở Quy Nhơn rất “sầm uất”. Tôi nhớ, chúng tôi đã bắt đầu “đi thực tế” từ Nhà Văn hóa Thanh Thiếu niên, nơi quy tụ tạm bợ hàng trăm cư dân nhà rầm là nạn nhân của vụ cháy, chờ tái định cư. Và rồi, chúng tôi đi xuyên qua khu nhà rầm của phường Trần Phú, dọc xuống mũi Tấn qua phường Hải Cảng. Đến cầu Hàm Tử, để có được cái nhìn toàn cục của nhà rầm, chúng tôi đã thuê thuyền máy theo giờ và chạy lên từ cầu Hàm Tử. Tôi nhớ, số liệu nhà rầm ngày ấy của riêng 4 khu vực: 5, 6, 7, 8 ở phường Hải Cảng đã là hơn 600 nóc nhà.
120 căn hộ nhà rầm của KV 7 bị thiêu rụi, cư dân nơi đây đã được tái định cư về khu Bắc sông Hà Thanh. Vết tích của vụ cháy đã được công trình chợ Cá mới phủ đầy. Công trình đường Xuân Diệu cũng đã xóa đi toàn bộ khu nhà rầm ở phường Trần Phú và KV 8, phường Hải Cảng. Rồi thời gian, cùng với sự khấm khá hơn của một số cư dân nhà rầm, đã khiến nhiều nhà rầm được xi măng hóa. Ở phường Hải Cảng, giờ chỉ còn chừng hơn trăm căn hộ nhà rầm ở KV 5 và chủ yếu là ở KV 6, trải dài từ công trình chợ Cá mới lên phía đường Phan Chu Trinh.
* Cư dân nhà rầm - họ là ai?
Gần 12 năm trôi qua, âu thuyền- nơi được quy hoạch để tàu bè neo đậu tránh bão - giờ đã thu hẹp đến mức chúng tôi chỉ cần đứng ngay phía Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải đã có thể mục sở thị mọi sinh hoạt của cư dân nhà rầm mép nước ở phía đối diện. Thực tế, nhà rầm ở KV 5 và KV 6 đã “bành trướng” nhanh chóng chí ít là cho đến năm 2004. Ông Huỳnh Trung, Khu vực trưởng KV 6, xác nhận: “Nhà rầm đã ổn định từ năm 2004 đến nay”. Cũng theo ông Trung, KV 6 có tổng cộng 450 nóc nhà trong đó có khoảng hơn 100 nóc nhà rầm.
|
Những dãy nhà cách nhau bằng cái hẻm rầm gỗ mục nát.
|
Ông Lê Minh, một cư dân nhà rầm quê gốc Quảng Ngãi, sinh sống ở xóm nhà rầm từ trước giải phóng, cho biết: “Trước năm 1975, dân tứ chiếng tụ về đây để tránh bom đạn. Không có đất, họ cất tạm nhà sàn trên mặt biển. Lúc đầu thưa thớt, sau đông dần, thành xóm nhà rầm. Sau giải phóng, một số người về quê, số còn lại do quen mưu sinh với nghề biển nên trụ lại, rồi truyền đời nhau đến bây giờ”. Cũng có khá nhiều cư dân nhà rầm mới đến lập nghiệp chừng mươi năm nay. Nhiều người trong số họ có gốc gác từ những xóm nhà rầm bị giải tỏa, phải tái định cư trên xóm Tiêu (phường Quang Trung) hoặc đi nơi khác, nhưng rồi không thích nghi được khi phải xa môi trường biển, nên trở lại xóm nhà rầm này mua nhà rồi định cư. Hầu hết cư dân nhà rầm đều nghèo. Nghề của họ chủ yếu là đi ghe, đi bạn, làm chồ, rớ, đón đáy, khai thác hải sản ven bờ hoặc làm thuê, gánh mướn, gắn cuộc sống với chợ Cá.
Theo chân anh bạn đồng nghiệp Trần Hoa Khá, nguyên là cán bộ văn hóa của phường Hải Cảng, tôi đã phải luồn lách qua khá nhiều con hẻm “rầm” ngoằn ngoèo, chật hẹp, chỉ vừa đủ dắt chiếc xe máy. Cầu ván ẩm ướt, mục nát lỗ chỗ, khiến bạn tôi phải luôn miệng nhắc: “Coi chừng thụt chân xuống biển đấy!”. Đến tận mép nước một con hẻm thuộc tổ 29, KV 6, chúng tôi bắt chuyện một cư dân đang loay hoay trên chiếc thuyền thúng; xin ghé thăm nhà và được biết anh tên là Phan Duy Minh. Trong căn hộ chừng 20 m2, không có giường, không có bàn ghế, vợ anh, chị Trần Thị Thủy, và đứa con 4 tuổi vừa tỉnh ngủ ngồi dậy trên sàn gỗ. Anh Minh kể: 6 năm trước, anh lấy vợ rồi tách hộ ra mua căn nhà rầm sát mép nước này với giá 20 triệu đồng. Mỗi chiều, anh Minh theo thuyền nhỏ của gia đình đánh giã cào bắt tôm, cá nhỏ; còn chị Thủy buôn bán cá ở chợ. Lúc chúng tôi ngồi nói chuyện, lũ chuột cống chạy loạn xạ ngay trước mặt. Cạnh nhà anh Minh chị Thủy là nhà anh Phạm Dũng, có diện tích rộng gần gấp đôi song lại chứa đến 6 nhân khẩu. Anh Dũng nói: Trông nhà rách nát vậy, song nếu sang nhượng cũng kiếm được gần trăm triệu đồng đấy. Rồi anh kể: Nhà rầm trông vậy mà cất lên cũng tốn kém lắm. Trụ cọc phải là gỗ có tẩm dầu rái, gỗ màng lin hay sao xanh để lâu mục. Muốn đóng trụ, phải chờ nước ròng thuê thổi cát; rồi thì gỗ sàn, gỗ vách năm nào cũng phải tu bổ.
|
Ngày ngày cư dân nhà rầm phải sống cùng rác bẩn.
|
* Nhà rầm - nhà ổ chuột
Ở nhà rầm cơ cực nhất là vào mùa mưa bão. Cơn bão số 9 rồi số 11 vừa qua, tất cả cư dân nhà rầm đều phải di tản. Do tài sản của họ rất gọn nhẹ, đáng giá nhất là xe máy, tivi, nên cuộc di tản cũng dễ dàng, chóng vánh. Họ gửi nhờ “người và của” vào nhà người thân trong phố và bỏ mặc nhà rầm cho gió bão. Bão qua, lại dọn rửa rều rác và trở về sinh sống. Song trọn mùa mưa bão, chẳng phải chỉ có những “cơn bão chính thức” được công bố như vậy. Mưa to gió lớn, nước biển dâng lên săm sắp trên sàn nhà, khiến cư dân nhà rầm rất nhiều đêm phải ngồi, thậm chí đứng canh nước xuống. Hỏa hoạn cũng là nỗi lo thường trực của cư dân nhà rầm. Trong lịch sử, các khu nhà rầm Quy Nhơn từng 3 lần bị hỏa hoạn lớn: 1973, 1993, 1998 làm cho nhiều người điêu đứng. Vụ hỏa hoạn mới nhất xảy ra vào cuối năm 2006, ở ngay tổ 30, KV 6 này, đã thiêu rụi 4 căn nhà rầm của các hộ: Nguyễn Ngọc Phụng, Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Thi, Lê Văn Tân…
Song điều tệ hại mà cư dân nhà rầm phải ngày ngày đối mặt là việc sống chung với côn trùng và rác bẩn. Ông Lê Minh, ở tổ 32, than thở: “Từ ngày quy hoạch chợ Cá mới, cửa từ âu thuyền ra biển bị thắt lại như cái cổ chai và xóm nhà rầm trở thành cái túi rác đủ các loại: từ gỗ mục, bao ni lon, xốp, cao su đến xác súc vật, phân người… Tất cả tạo nên mùi nồng nặc, nhất là mỗi buổi sáng khi thủy triều xuống…”. Và chúng tôi cũng đã tận mục sở thị cảnh rác vây quanh thân thể cư dân nhà rầm. Mỗi sáng, muốn đưa thuyền ra ngoài, họ phải lội xuống nước mà trên mặt nước thì kín đặc rác. Thực tế Đội Môi trường mặt nước thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn cũng có đi lấy rác trên mặt nước, nhưng không lấy xuể, nhất là đối với rác nổi lềnh bềnh dưới sàn nhà. Vị Khu vực trưởng KV 6 xác định: “Khi nước lên, rác từ các nơi tràn vào, nước ròng thì đọng lại do cửa âu thuyền hẹp quá. Mặt khác, trình độ nhận thức về vệ sinh môi trường của cư dân nhà rầm còn kém, nhiều người nghĩ, đi vệ sinh được xuống nước thì rác cũng vứt được, nên xóm nhà rầm bị ô nhiễm ngày càng nặng…”.
Còn có biết bao sự phiền toái khác trong cuộc sống của cư dân nhà rầm. Anh Trung kể: “Nhà liền vách liền rầm, song vách gỗ, rầm gỗ, nên dẫn âm, dẫn nhiệt rất tốt. Nhà bên này nói gì bên kia nghe hết, thậm chí một cặp “làm chuyện vợ chồng” là cả dãy nhà rúng động. Chúng tôi vẫn gọi đùa đó là “nhịp điệu quê hương”!...
|
Không bàn ghế, không giường chiếu, cả nhà anh Minh ăn, ngủ, sinh hoạt trên sàn gỗ 20m2.
|
* Hướng ra biển lớn
Không thể phủ nhận rằng trong hành trình vươn lên thành phố loại 1, diện mạo của Quy Nhơn đã thay đổi nhiều. Từ chỗ gần ngàn ngôi nhà rầm che chắn khắp mặt biển, giờ Quy Nhơn đã khác. Từ Ghềnh Ráng đến mũi Tấn, thành phố đã hướng tầm mắt về biển lớn. Những đường viền quan trọng ở phía Bắc thành phố cũng đã được vẽ xong. Sắp tới, khi khu du lịch ốc đảo mũi Tấn triển khai - một điểm nhấn quan trọng của thành phố văn minh sẽ hình thành. Lẽ nào còn một đoạn đường viền và thân phận của hàng trăm con người… vẫn mãi đợi chờ trong xóm nhà rầm- ổ chuột?
Tôi chợt nhớ ánh mắt rạng rỡ của chị Trần Thị Thảo ở tổ 29, KV 6 khi đón chúng tôi: “Các anh đi làm chương trình “Vượt lên chính mình” hay “Ngôi nhà mơ ước” (những chương trình truyền hình giúp đỡ người nghèo- NV) cho tôi được tham gia với!” và tôi mong một ngày nào đó chị cũng sẽ được giúp đỡ để thoát ra khu nhà ổ chuột này!
“Nhà rầm” là những ngôi nhà “cất” trên mặt nước, được chống đỡ bằng cọc gỗ hoặc cọc bê tông, có sàn bằng gỗ, vách che bằng gỗ, hoặc cót ép, thậm chí bằng giấy các tông; còn mái chủ yếu được lợp bằng tôn. Những căn hộ cùng dãy thì liền vách nhau và dãy này cách dãy kia bởi những con đường ngoằn ngoèo, ghép bằng những mảnh gỗ gập ghềnh. Khái niệm “rầm” ở đây được những cụ ông, cụ bà sống lâu đời nơi đây giải thích giống như “rầm” là sân khấu hát bội được dựng bằng gỗ và ván ở nông thôn, hay “rầm” là trần nhà bằng ván… xuất phát từ việc đi lại trên ấy gây ra tiếng động “rầm, rầm…”. |
-
Bài: Quang Khanh
-
Ảnh: Trần Hoa Khá |