ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN NGUYỄN THỊ PHÚC:
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”
10:42', 17/1/ 2010 (GMT+7)

14 tuổi tham gia cách mạng, 20 tuổi, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nghỉ hưu, chị lên Tây Nguyên làm kinh tế, “ba cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cuộc đời của chị là một bản anh hùng ca được bắt nguồn và xuyên suốt bởi một điều giản dị: Đã làm việc gì, tôi luôn cố gắng làm cho tới nơi tới chốn. Chị là Nguyễn Thị Phúc.

 

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Phúc giao lưu với các đại biểu tại buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập “Đội quân tóc dài” Bình Định (1960 – 2010). Ảnh: N.S

 

* Không ai nghĩ làm cách mạng để trở thành anh hùng

* 13, 14 tuổi… những đứa trẻ bây giờ còn chưa biết ăn, biết lo, chị đã hiểu gì về cách mạng khi tham gia làm cách mạng?

- Đúng là tôi chưa khái niệm được “cách mạng” là gì, “giải phóng dân tộc” là gì… chỉ thấy quê hương bị chiến tranh tàn phá, bom đạn, chết chóc liên miên. Nghe cán bộ giải phóng tuyên truyền tham gia kháng chiến để “giải phóng dân tộc” là tôi đi… Hồi ấy, ba tôi đã tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày, tôi đi cũng là theo con đường của ba. Lúc mới lên C2 (Huyện Đội Phù Mỹ), tôi còn nhỏ chút xíu, mang súng trường cao hơn đầu; nấu cơm thì xoong to hơn người. Anh em ái ngại nên cho tôi đi hoạt động hợp pháp tại thị trấn Phù Mỹ. Tôi giả làm cô bé bán chè đậu đen, bán thịt heo, người đi học may… để móc nối với cơ sở cách mạng trong lòng địch, làm liên lạc và chuyển thư từ, tin tức ra vùng giải phóng. Đến năm 17 tuổi, lớn hơn một chút, tôi mới được tham gia chiến đấu. Vẫn đi hợp pháp, đóng giả em sĩ quan ngụy, trà trộn vào hàng ngũ của chúng để vẽ sơ đồ đồn địch. Đến đêm, thì dẫn anh em mình vào chuẩn bị chiến trường, lên sơ bàn tác chiến và tham gia các trận đánh cùng anh em…

* Từ năm 1969 đến 1972, chị đã tham gia vào 58 trận đánh và trận nào cũng thành công. Đánh giặc, với chị sao… “dễ” quá vậy?

- Không dễ đâu. Ngoài sự dũng cảm, mưu trí, đòi hỏi công tác chuẩn bị chiến trường (tìm hiểu địch) phải hết sức tỉ mỉ, chính xác… vì chỉ cần chút sơ suất là “mất xương máu của anh em”. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Đánh thắng nhưng phải bảo tồn được lực lượng… Khó lắm chứ. Tôi ở đại đội đặc công, nhiệm vụ chủ yếu là mang thuốc pháo, lựu đạn, áp sát lô cốt địch mà đánh… Nguy hiểm lắm chứ. Nhưng hồi đó, chúng tôi đã xác định tư tưởng, nếu phải hy sinh là vì quê hương, đất nước, vì đồng đội…

* Và, 20 tuổi, chị đã là Anh hùng…

- Tôi là nữ, nhưng mấy anh thường khen, tôi nhỏ mà lanh nên hay chọn cùng tham gia. Bởi vậy, từ năm 1969, tôi đánh khá nhiều trận và năm nào cũng được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua. Đến năm 1973, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm đó, cả miền Nam có tôi và anh Nguyễn Minh Thắng ở Củ Chi được phong tặng danh hiệu này năm 20 tuổi. Không ai nghĩ làm cách mạng để trở thành anh hùng… Hôm đi dự Đại hội Anh hùng miền Nam và được nghe công bố, đêm nằm tôi cứ khóc, không biết anh hùng là… như thế nào. Rồi lại nhớ đến đơn vị, thương anh em... Cuộc đời của tôi, thành công của tôi là do anh em tạo dựng, đơn vị vun đắp. Tôi cảm thấy vinh dự rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Từ đây, tôi phải sống và chiến đấu sao cho xứng đáng với một người anh hùng…

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phúc tại nhà riêng (đường Phạm Ngọc Thạch, TP Quy Nhơn). Ảnh: Q.H

 

* “Ba cùng” với người J’Rai

Hòa bình lập lại, chị Phúc được cùng với cô Ba Định (bà Nguyễn Thị Định-nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) đi tham quan các nước xã hội chủ nghĩa; rồi chị được cử đi học chính trị và bổ túc văn hóa… Sau đó, chị tham gia công tác phụ nữ, là ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh. Đến năm 1993, do đau yếu, bệnh tật, chị nghỉ hưu (lúc đó, chị 40 tuổi, nặng 36 kg).

* Đau ốm, bệnh tật, đã có Nhà nước lo. Điều gì đã khiến chị rời bỏ mái ấm gia đình, lên Tây Nguyên làm kinh tế?

- Ai cũng nói với tôi như vậy. Là thương binh, có công với cách mạng, tôi có chế độ chính sách và không sợ đói, không sợ mọi người không chăm lo cho mình. Nhưng lúc đó, tôi vẫn còn trẻ, ít nhiều vẫn còn sức lực. Chẳng lẽ cứ ngồi không… Năm 1995, tôi quyết định đi kinh tế mới. Lúc đó, “ông xã” tôi còn làm Bí thư phường Trần Phú, các con đang đi học, nên tôi đành phải tách hộ… đi một mình. Nơi tôi đến thuộc xã Iavê, huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai. Tôi sống với bà con người dân tộc J’Rai. Lúc mới lên, đường không có, điện cũng không, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà con người dân tộc J’Rai sống rất lạc hậu. Còn tôi, phong tục tập quán ở vùng này lại không biết. Nhưng rồi, tôi thích nghi rất nhanh… Năm 1997, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã; năm 2000, làm Phó Bí thư Thường trực và từ 2006 đến nay, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Iavê.

Hướng dẫn bà con người dân tộc J’Rai từ cách ăn, cách mặc, cách sống… chị Phúc đã từng bước thay đổi cuộc sống của họ theo nếp sống văn minh. Trước đây, xã Iavê (1.005 hộ với 11 thôn, làng, trong đó, có 500 hộ người dân tộc J’ Rai) có 47% số hộ nghèo, thì nay chỉ còn 7,7%. Năm 2006, xã đã thoát ra khỏi Chương trình 135; trong số 6 làng rặt đồng bào dân tộc thiểu số, có một làng 5 năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh, ba làng là làng văn hóa cấp huyện, một làng là khu dân cư tiên tiến… Gặp chị, bà con người dân tộc J’Rai luôn trìu mến gọi “Phúc hem”! (Phúc tốt) hay “cựu chiến binh Phúc”…

* Nghe nói, chị đã từng “đuổi” được con “ó ma lai” ra khỏi làng?

- Năm 2002, trong lúc đi kiểm tra rừng để thực hiện chính sách giao khoán cho nhân dân bảo vệ, tôi đã gặp một nhóm người J’Rai sống ở trong rừng sâu. Người cùng đi nói tôi đừng lại gần, vì họ là “ó ma lai” đấy. Lại gần họ, sẽ bị chết…. Không tin câu chuyện hoang đường đó, tôi đã tìm cách tiếp cận và được biết, đó là các hộ gia đình gồm ông V.L và các con, chị gái, chị dâu, em gái… Cách đó 21 năm, ông V.L chỉ vì bứt mấy quả cà và bị nói là ăn trộm. Ức quá, ông nói độc: “Mày nói tao ăn trộm, mai mày chết!”. Không ngờ, người đó chẳng may đau ốm và chết thật. Thế là, gia đình người này kích động dân làng đuổi ông V.L cùng người thân vào sâu trong rừng, vì cho rằng ông là “ó ma lai”. 21 năm phải sống trong rừng sâu, có người ra đi khi đang là con gái, giờ đã trở thành bà già. Họ rách rưới, ngơ ngác, cô độc và không biết chữ… Bức xúc quá, tôi đã về triệu tập ngay một cuộc họp đảng ủy và đề nghị lên Huyện ủy cấp đất và đưa số bà con này trở về làng sinh sống. Trong cuộc họp làng, tôi đã vận động bà con, “đó là người dân tộc mình, không phải con ó ma lai đâu, đừng để người mình phải sống trong rừng sâu, đói rét sẽ chết mất… Ai tin Ba Phúc thì ngoéo tay với Ba Phúc nào”. Rất nhiều người đã ngoéo tay tôi và cùng tôi đi đón gia đình ông V.L về… Bây giờ thì họ đã có cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh những đồng bào của mình.

* 15 năm tiếp tục đeo đuổi việc làng, việc nước, bí quyết nào giúp chị thành công?

Chị Nguyễn Thị Phúc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 20 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1953, tại Mỹ Lợi, Phù Mỹ. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại biểu Quốc hội khóa VI. Những thành tích mới nhất: Bằng khen 5 năm làm công tác dân vận khéo; cựu chiến binh gương mẫu và được cử đi dự Đại hội Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ IV tại Hà Nội (năm 2009); điển hình 3 năm thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy Gia Lai trao tặng…

- Trước đây, bà con người J’Rai sống theo các triền núi. Giờ thì Nhà nước đã mở đường, bắt điện, xây trường… bà con làm nhà dọc hai bên đường lộ sinh sống. Để vận động bà con ăn bằng chén, múc bằng thìa, gắp bằng đũa, thay vì bỏ cơm trong lá, nhúm tay ăn, tôi đã phải mua chén, đũa cho bà con, rồi đến ăn cùng; muốn họ uống nước đun sôi thay vì đào đất vốc nước lên uống, tôi phải đến từng nhà bày vẽ tỉ mỉ. Nói chung là phải cầm tay, chỉ việc, “ăn cùng, ở cùng, làm cùng” và phải có tấm lòng thì họ mới tin, mới nghe theo. Ban ngày đi làm rẫy, tối đến tôi đến nhà bà con… “uống rượu” để tuyên truyền. Nhưng phải nói là, từ khi có Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo ra thay đổi lớn nhất, toàn diện nhất đối với bà con người dân tộc thiểu số ở đây. Tôi chỉ là một trong những cán bộ biết nắm lấy “cây gậy màu nhiệm” đó để giúp đỡ bà con mà thôi…

* Chị Phúc này! Mục đích của chị khi lên Tây Nguyên là làm kinh tế cơ mà?

- Đúng, tôi lên Tây Nguyên với mục đích đi làm kinh tế để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng cuộc sống cứ tự nhiên đưa đẩy… Và với ý thức trách nhiệm của một con người, tôi nhận tham gia công tác xã hội. Mà khi đã nhận thì phải cố gắng làm với hết khả năng của mình… Bản chất của tôi, đã làm gì là làm cho đến nơi đến chốn, không làm thì thôi, dù có phải hy sinh hay thiệt thòi…

Nói sang chuyện kinh tế, chị Phúc khoe với tôi, chị có 3 ha đất, đang trồng khoảng 2 ngàn cây cà phê, 500 gốc hồ tiêu, nuôi vài chục con bò. Chị cũng đã cất được một ngôi nhà khang trang rộng chừng 110 m2. Từ hai bàn tay trắng, nay tài sản của gia đình chị đã tính được bằng bạc tỉ. Thế là tốt rồi…

“Chị vừa thu hoạch cà phê xong, giá cà phê năm nay chỉ được bằng nửa so với năm ngoái. Qua Tết, chị sẽ bắt đầu hái tiêu… Nếu được, em cố gắng lên chỗ chị thăm chơi. Chị và bà con ở đây sẽ rất mừng” - chị Phúc mời.

* Cám ơn chị và mong gặp lại chị!

  • Quỳnh Hoa (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)