Triển vọng từ nuôi đà điểu
8:2', 18/1/ 2010 (GMT+7)

Nuôi đà điểu đang trở thành một hướng phát triển kinh tế mới, là sự lựa chọn của nhiều công ty, trang trại và hộ nông dân. Ở Bình Định, phong trào nuôi đà điểu đã bắt đầu xuất hiện và có nhiều triển vọng…

 

Trang trại nuôi đà điểu của chị Tuyết.

 

Năm 1996, trong một chuyến công du châu Phi, một số cán bộ của Bộ NN&PTNT thấy ở châu lục này người ta nuôi đà điểu dễ và giá trị kinh tế rất cao, đã cho nhập về 100 trứng đà điểu giao cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi Quốc gia) ấp nở và nuôi thử nghiệm được 38 đà điểu con. Đến nay, đàn đà điểu của Việt Nam đã phát triển lên tới trên hàng chục ngàn con và đã khai sinh một ngành chăn nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước.

Tại Bình Định, vài năm gần đây, một số hộ dân bắt đầu nuôi thử nghiệm đà điểu với quy mô nhỏ để thăm dò thị trường. Năm 2008, trang trại chăn nuôi đà điểu đầu tiên được hình thành với quy mô lớn tại xóm Đông, thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Từ đây, mở ra nhiều triển vọng biến những vùng đất cát, đất bạc màu bị bỏ hoang lâu nay trên địa bàn tỉnh thành nơi hái ra tiền bằng nghề nuôi đà điểu.

 

Cho đà điểu ăn.

 

* Biến đất hoang ra tiền

Ý định nuôi đà điểu của gia đình chị Lê Thị Ánh Tuyết, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu ở xã Cát Trinh, bắt đầu từ khi hay tin Việt Nam ấp nở thành công 38 con đà điểu giống đầu tiên. Nhưng lúc đó chưa có vốn, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nên ý định của chị tạm thời gác lại.

Trong thời gian này, chị Tuyết cùng chồng lặn lội vào Nam, ra Bắc, cứ hay tin nơi nào nuôi đà điểu là đến học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Mãi đến năm 2008, sau khi làm việc với Tổng Công ty Khánh Việt (KHATACO), nơi đây chịu đứng ra cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm, thì gia đình chị mới mạnh dạn đầu tư nuôi đà điểu. Đầu tiên, gia đình chị mua đất và xin thuê đất pha cát bị bỏ hoang của người dân quanh xóm. Với 4 ha đất (2 ha làm chuồng trại và 2 ha trồng cỏ, rau muống làm thức ăn cho đà điểu), chị cho tuyển dụng 10 lao động trong xóm đưa vào KHATACO học cách nuôi đà điểu trong một tháng. Ngoài ra, khi giống được nhập về, KHATACO còn cử 2 cán bộ kỹ thuật trực tiếp ra trang trại của chị để theo dõi và chỉ thêm cách chăm sóc đà điểu.

Ở đợt nuôi đầu tiên, anh chị đã mạnh dạn nhập về 500 con giống hai tháng tuổi, với giá 1,5 triệu đồng/con. Sau 7 tháng nuôi, đầu tháng 11.2009, chị cho xuất chuồng với trọng lượng bình quân 97 kg/con, giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng/kg. Lứa đầu tiên, chị thu về hơn 2 tỉ đồng và được một khoản lãi kha khá. Hiện nay, trang trại của chị đang thả nuôi tiếp 300 con được một tháng rưỡi tuổi.

Chị Tuyết tâm sự: “Không ngờ từ những mảnh đất bị bỏ hoang, giờ đây, trang trại đà điểu của gia đình tôi có thể mang về tiền tỉ mỗi năm, giải quyết được 10 lao động tại chỗ, với thu nhập bước đầu 1,6 triệu đồng/người/tháng”.

 

Nhân viên kỹ thuật đang chăm sóc đà điểu bị bệnh.

 

* Giá trị kinh tế cao

Theo chị Tuyết, nuôi đà điểu không khó, vì thức ăn của chúng rất đơn giản và sẵn có (ngũ cốc, rau, cỏ, cám và thức ăn tổng hợp của gà). Khả năng thích nghi của chúng cũng rất cao, có thể sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt từ - 10oC đến trên 40oC. Từ 9-11 tháng tuổi, đà điểu đã cho thu hoạch, mỗi con có trọng lượng 100-110 kg, trừ mọi chi phí, người nuôi có thể lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con. Còn nếu đầu tư nuôi đà điểu sinh sản thì lãi hơn. Một đà điểu mẹ đẻ 40-50 trứng/năm, tỷ lệ ấp thành công là 20-25 đà điểu con. Tính ra, mỗi năm, một con đà điểu mẹ có thể cho 2 - 2,5 tấn thịt hơi; một đời đà điểu mẹ kéo dài 10 năm, tương đương với số thịt mà nó sản xuất ra là khoảng 20-25 tấn, gấp gần 10 lần sản lượng thịt hơi của một đời bò cái. Như vậy, chỉ với một “gia đình” đà điểu bố mẹ (2 mái, 1 trống), người nuôi có thể thu nhập 25-30 triệu đồng mỗi năm, lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với nuôi bò hay heo nái.

Tất cả các bộ phận cơ thể đà điểu đều hữu ích cho con người và có giá trị kinh tế cao. Ngoài thịt ra, da đà điểu đẹp và bền hơn cả da cá sấu, nhờ có chứa một loại mỡ đặc biệt nên không đứt, gãy, cứng và khô, trong khi nguồn nguyên liệu khá dồi dào, nên giá thành thấp hơn. Ngành công nghiệp thời trang đã có thâm niên trong việc thường dùng da đà điểu sản xuất áo khoác, ví, túi xách, thắt lưng, bọc nệm sofa... Giá bán sỉ trên thị trường, 1m2 da đà điểu khoảng 400 USD; tại Mỹ một tấm da đà điểu rộng 1,2-1,4 m2 trị giá hơn 600 USD, nhưng 1 đôi giày da không dưới 2.000 USD.

Lông đà điểu không tạo ra dòng tĩnh điện, nên thường được sử dụng để làm bàn chải lau chùi máy vi tính hoặc ô tô trước khi đưa vào phun sơn. Lông tơ của đà điểu còn được dùng làm đồ trang sức và tô điểm quần áo thời trang cao cấp. Giá bán xô 1 kg lông đà điểu khoảng 100 USD, lông tơ hơn 2.000 USD/kg, bởi vì suốt một vòng đời, mỗi con đà điểu chỉ sản sinh được 1 kg lông tơ.

Vỏ trứng, móng vuốt đà điểu đều có thể làm đồ trang sức và tác phẩm mỹ nghệ. Tóm lại, tất cả các bộ phận từ đà điểu đều có giá trị, có thể nói là “không có gì bỏ đi”. Ngoài ra, các khu du lịch cũng đưa đà điểu vào phục vụ du khách, nên nguồn thu mang lại không nhỏ.

Tuy hứa hẹn cho thu lợi lớn, nhưng hiện nay, nghề nuôi đà điểu phát triển còn khá rụt rè ở tỉnh ta. Lý do là vì đây là giống gia cầm lạ, lớn, lại du nhập vào nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa lâu, nên người dân vẫn ngại ngần. Phần nữa, người nuôi đà điểu cần nguồn vốn lớn và lo sợ đầu ra không đảm bảo. Cho tới nay, một ít trang trại tư nhân và hộ gia đình trong tỉnh mới chỉ dám nuôi thử nghiệm 5-10 con, những trang trại nuôi vài trăm con trở lên, ngoài trang trại của gia đình chị Tuyết, còn chưa thấy ở đâu.

 

Đà điểu thương phẩm xuất chuồng đi tiêu thụ.

 

* Hướng đi triển vọng

Hiện nay, một số địa phương lân cận như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam... đà điểu được nuôi nhiều trong các trang trại, với số lượng lớn. Nhiều hộ nông dân ở các địa phương này cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện để nuôi đà điểu, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Theo chị Tuyết, trong năm nay, trang trại của chị sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích để nuôi khoảng 1.000 con và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Đồng thời, chị sẽ đầu tư mua máy ấp và máy nở để chủ động ấp nở, tự cung cấp nguồn giống cho mình và cho những nông dân trên địa bàn tỉnh với giá thành hợp lý, giúp nông dân dễ tiếp cận với con giống và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sau đó tiến tới việc nhân rộng mô hình nuôi đà điểu trong nông dân, giúp họ vươn lên làm giàu. Hiện chị Tuyết còn liên kết với một số nhà đầu tư để tìm địa điểm mở một quán ăn tại Quy Nhơn, giới thiệu thịt đà điểu cho mọi người và đưa các mặt hàng lưu niệm làm từ đà điểu về bán cho khách.

Với diện tích đất cát, đất bạc màu bỏ hoang còn nhiều, Bình Định đang có rất nhiều triển vọng để phát triển chăn nuôi con đà điểu. Nếu được các ngành liên quan của tỉnh tích cực quan tâm, hỗ trợ, mô hình này sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Mỗi hộ dân chỉ cần nuôi 15-20 con đà điểu cũng có thể lãi vài chục triệu đồng/vụ.

Đà điểu sống chủ yếu ở châu Phi, với tên gọi khoa học là Struthio camelus, được gọi nôm na là chim lạc đà vì khi nhìn đà điểu, người ta thấy giống con lạc đà có cánh. Một con đà điểu trưởng thành nặng khoảng 120 - 150 kg. Ở châu Phi, đà điểu sống hoang dã, chạy nhanh đến 65km/giờ, con người có thể cưỡi chúng. Cánh của đà điểu nhỏ nên chúng không bay được, đôi chân thì dài lênh khênh với 2 móng giúp chúng bám mặt đất khi chạy. Do đà điểu không có răng, lại là loài ăn cỏ, nên thường vùi đầu vào cát để tìm những viên sỏi nhỏ, nuốt vào dạ dày để giúp chúng nghiền nát cỏ và thức ăn mà chúng đã ăn... Vì giá trị kinh tế rất cao, nên hiện nay, nhiều hộ gia đình đã chọn đà điểu là đối tượng để nuôi kinh tế. Thịt của chúng giống như thịt bò, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Hiện nay, trên thế giới, đã có trên 50 nước chọn đà điểu làm vật nuôi. Còn tại nước ta, đã có hơn 30 tỉnh, thành có nuôi đà điểu.

  • Bài: Nguyễn Phúc
  • Ảnh: Văn Lưu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)