Với tư cách là nhà đầu tư độc lập, một chuyên gia kinh tế có uy tín và cũng là người có gốc gác ở Bình Định, ông Trần Sĩ Chương là khách mời của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Bình Định năm 2010, do UBND tỉnh phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức ngày 20.1 vừa qua. Bên lề Hội nghị, phóng viên Báo Bình Định đã gặp gỡ và có cuộc trao đổi với ông Trần Sĩ Chương.
v Sống đàng hoàng cũng là một bí quyết thành công
- Ông có thể kể một chút về gốc gác của mình?
Nội tôi gốc ở Bình Định, ngoại tôi quê ở Quảng Ngãi, tôi sinh ra ở Huế. Một thời gian ông cụ tôi làm việc ở các tỉnh miền Trung, gia đình tôi có ở đây một thời gian ngắn, nhưng lớn lên chủ yếu là ở Nha Trang (Khánh Hòa). Cho nên, trung miền Trung là quê hương tôi. Dù ở xa, nhưng tôi được nghe nhiều câu chuyện về Bình Định, hơn chục năm nay tôi có nhiều dịp về đây thăm mộ ông bà.
|
Ông Trần Sĩ Chương đang tiếp xúc với các phóng viên. |
- Ông là người thành đạt ở nước ngoài. Có phải thành đạt đó là nhờ nỗ lực học tập và lao động?
Thành công là một khái niệm rất tương đối. Tôi chỉ là người biết cố gắng trang bị để làm được những gì mình thích làm và có ích cho chính mình, cho xã hội đó là hạnh phúc rồi. Tôi tin rằng mọi sự thành đạt của mỗi cá nhân nó tùy vào cơ may, cơ duyên, cơ hội mà người khác mang đến cho mình. Tôi cũng được may mắn bước lên vài cái bục tương đối nhỉnh hơn người khác một chút, cũng là nhờ xã hội, nhờ cha mẹ tôi cho tôi.
Tôi có một băn khoăn, tại sao dân mình sống ở nước ngoài thì chẳng thua ai mà đất nước mình vẫn chưa giàu mạnh. Tôi và những người bạn của tôi khi nhỏ cũng học ở những trường mái tôn, nền đất, uống nước đựng trong lu, trong thạp…; nhưng khi có điều kiện ra nước ngoài học, họ đều có những thành đạt nhất định. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam mình không thiếu những tố chất để thành công vượt bậc. Chỉ vì hoàn cảnh chiến tranh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế.
Giờ đây chúng ta cần nhìn lại mình, cần tạo ra môi trường hợp tác, phát triển. Cần chú ý hơn đến độ công minh, độ rạch ròi cao để các đối tác làm ăn đến với chúng ta họ có sự tin cậy, mạnh dạn hợp tác đầu tư. Mình tuân thủ “luật chơi” thì chỉ có lợi, bởi luật chơi nó phạt những người chơi không đúng luật, nó thưởng cho những người chơi đúng luật. Theo tôi, sống đàng hoàng cũng là một bí quyết thành công.
- Được biết từ 15 năm qua, ông thường xuyên về Việt Nam làm việc. Ông có thể cho biết công việc của ông ở Việt Nam cụ thể là như thế nào?
Về nước, đầu tiên tôi làm tư vấn kinh tế và đầu tư. Hiện giờ cá nhân tôi cũng đầu tư một số công ty dịch vụ trong nước, mọi việc đang tiến triển tốt. Tôi là một nhà đầu tư, một người làm kinh tế chuyên nghiệp, thì một đồng vốn bỏ ra phải suy tính hiệu quả đầu tư sao cho cao nhất. Thế nhưng tôi chọn đất nước mình để đầu tư không phải vì mục đích đó; chỉ đơn giản là tôi thấy giá trị của việc đầu tư của mình nó có ích, nó có ý nghĩa.
Tháng 10.1992 tôi có dịp về nước lần đầu tiên, không phải vì mục đích đầu tư, cũng không phải về thăm nhà, mà chuyến đi đó tôi nhận lời một người bạn của tôi, anh Trần Văn Ca (hiện là Chủ tịch Hội VNAH, một tổ chức từ thiện). Anh ấy thực hiện một chương trình từ thiện tại Việt Nam về những người khuyết tật và nạn nhân chiến tranh. Sau đó tôi thấy công việc này có ích cho những người không may mắn của đất nước mình, nên tôi tham gia. Hiện tôi là Phó Chủ tịch VNAH. Chương trình của chúng tôi sau 18 năm hoạt động đã vận động giúp đỡ hơn 20 triệu đô la cho các đối tượng khuyết tật và nạn nhân chiến tranh.
v Đừng quên những người con của Bình Định
- Qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định lần này, ông có nhận xét và những góp ý gì?
Tôi có anh bạn đang đầu tư phát triển tại khu resort ở Vĩnh Hội (Phù Cát) khoảng 3 năm nay. Lần đầu khi đến đây các nhà đầu tư, kể cả tôi cũng chưa hình dung như thế nào, nhưng đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên quá tuyệt vời, họ rất mê. Nhưng từ việc nhà đầu tư thích đến chỗ họ muốn, đến chỗ họ đến để đầu tư cái gì đó ở mình là một quãng đường khá xa.
Tôi nghĩ, một trong những cái mà Bình Định có thể tiếp tục hơn nữa là huy động nguồn lực của bà con, thân hữu của Bình Định. Tôi thấy nhiều người bạn của tôi gốc Bình Định hiện ở Sài Gòn, hay ở nước ngoài đang là nhà đầu tư rất thành đạt, từ lĩnh vực ngân hàng đến du lịch, nghề nào cũng thành công. Nếu để huy động các nguồn lực để phát triển nội lực, thì nên huy động họ trước. Vì sao? Vì họ có những cảm nhận tốt, vì đó là “sức mạnh mềm” của địa phương. Những người này họ sẵn sàng đóng góp và họ có những cảm thông nhất định để cùng mình hợp tác.
Điều mà tôi tha thiết là đừng quên những người con của Bình Định đang sống trong nước và nước ngoài. Mình có buổi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vô Bình Định, như buổi Hội nghị hôm nay đã diễn ra rất tốt. Nhưng tại sao mình không có những hội nghị gồm những người ở địa phương và thân bằng quyến thuộc của Bình Định về đây để tìm hiểu, đầu tư cái gì ở đây?
- Hiện Bình Định đang có những dự án mời gọi đầu tư như cảng biển nước sâu, nhà máy lọc dầu… Theo ông, việc đầu tư nguồn nhân lực của địa phương và của cả nước để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo quy mô nào thì phù hợp?
Dự án lớn thì nghe nó hấp dẫn, nhưng mà nó rất khó làm và nó cần có quá trình triển khai rất dài. Trong khi có những cái rất nhỏ mình có thể làm ngay, mà mình làm ngay thì có lúc nó sẽ tỏa sáng. Ví dụ Bình Định có khả năng phát triển du lịch. Vì văn hóa du lịch là văn hóa kể chuyện. Bình Định có những lịch sử oai hùng, có những câu chuyện về văn hóa đặc thù.
Khi mà ta phát triển du lịch ở địa phương, thì một trong những điều kiện để phát triển ngành du lịch tốt là vệ sinh môi trường. Mình có thể không sang, không giàu, không đẹp nhưng mà nếu sạch thì mới có thể mời khách đến dự. Phải tập cho người dân cái nếp sống đàng hoàng. Như Bác Hồ đã nói, phải đàng hoàng thì mới xây dựng được những cái to đẹp.
Khi mình nghĩ xây cái gì to, làm cái gì đẹp thì tự mình phải sống đàng hoàng, sống có văn hóa. Đấy là cái mà cả người dân và cả chính quyền phải có ý thức bảo vệ. Điều đó nó liên quan đến vấn đề đào tạo. Phải đào tạo như thế nào cho đàng hoàng, đúng mức, đúng chuẩn. Có những cái tưởng chừng rất nhỏ nhưng phải làm trước; ví dụ đào tạo về dịch vụ thương mại, hay đào tạo về ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ở địa phương và xuất khẩu... Những cái đấy đều nằm trong tầm tay mình cả.
Còn nói đến những dự án vĩ mô vài chục triệu đô la, hay vài tỉ đô la có thể có nhưng nó đòi hỏi nhiều lắm. Đôi khi để kêu gọi sự đầu tư đó mình phải hy sinh rất nhiều; mình chấp nhận những hy sinh về môi trường chẳng hạn, thì đó là cái giá rất lớn mà nhiều địa phương phải trả. Có một số dự án rất lớn, nhưng chưa chắc có lợi ích lâu dài cho địa phương.
v Văn hóa du lịch là văn hóa kể chuyện
- Nếu đầu tư du lịch ở Bình Định, chúng ta nên bắt đầu như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Sĩ Chương (SN 1956) là một chuyên gia tư vấn quản lý và đầu tư, với 20 năm kinh nghiệm hoạt động ở các nước châu Á. Từ năm 1995 đến năm 2005 là giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn Quốc tế Hoa Kỳ James Riedel Asociates, phụ trách các dịch vụ tư vấn kinh tế vĩ mô cho các cơ quan tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, USAID (Hoa Kỳ), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản; đồng thời cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư tại Việt Nam, tái cấu trúc các dự án đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác cho các công ty đa quốc gia đang đầu tư hoặc có ý định đầu tư tại Việt Nam.
Ông Chương từng phục vụ tại Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 1986 đến 1988, là thành viên Ban cố vấn Các vấn đề ngân hàng và kinh tế vĩ mô cho Ủy ban Ngân hàng.
Ông tốt nghiệp Đại học Berkeley năm 1977; Trường Kinh tế và Chính trị học Luân Đôn năm 1981; Trường Quốc tế học Cao cấp tại Đại học Jonh Hopkin năm 1986, nơi ông đã nhận được giải thưởng William Foster cho “thành tích lãnh đạo và học tập xuất sắc”. |
Theo kinh nghiệm của tôi văn hóa du lịch là văn hóa kể chuyện. Phải làm sao kể lại được câu chuyện của mình, của quê hương mình để hấp dẫn nhiều người đến. Như Trung Quốc, có những tour đi trên xe buýt hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng chỉ đưa khách đến để xem một cục đá mà hồi xưa có một ông văn hào nào đó đã ngồi trên đó làm thơ, viết văn. Vậy mà họ cũng đem được hàng triệu du khách đến đó hàng năm và họ bán những đồ lưu niệm.
Trong khi đó mình có những câu chuyện, những nét văn hóa, những di tích lịch sử rất lớn ở Bình Định này. Không có câu chuyện gì trên đất nước này hay hơn câu chuyện về Quang Trung lần đầu tiên thống nhất đất nước, chuyện về Ngài kể hoài không hết. Người ta đến Bình Định, người ta cần nghe những câu chuyện ở đây với chất giọng và nhiệt huyết của người làm du lịch, chứ không phải người ta đến Bình Định để người ta ở khách sạn 5 sao.
- Chỉ số PCI của Bình Định năm 2009 đứng thứ 7 toàn quốc. Theo ông chỉ số này có đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của Bình Định?
Tôi không rõ giá trị tuyệt đối của nó như thế nào, nhưng giá trị tương đối của nó là có. Tôi rất ấn tượng với thành tích của tỉnh Bình Định, tôi cũng rất tò mò tìm hiểu về quê hương mình và cái tò mò đó đã đưa tôi về với buổi gặp mặt hôm nay. Đây là sự quyết tâm cao của lãnh đạo chính quyền và của người dân Bình Định. Bình Định còn phải nỗ lực nhiều hơn, cải cách nhiều hơn trong quá trình hội nhập, thu hút đầu tư trong thời gian đến.
- Xin cảm ơn ông.
|