Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn Dương Văn Minh:
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông
9:24', 31/1/ 2010 (GMT+7)

Đang làm trưởng phòng một cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, anh xin nghỉ việc chuyển qua một doanh nghiệp tư nhân. Mấy năm sau lại nghỉ việc công ty, đầu tư mở trường THPT tư thục đầu tiên của tỉnh; xây dựng trường từ con số không đến nay đã có cơ ngơi khang trang, đĩnh đạc. Nhưng với anh mọi việc chỉ mới bắt đầu; lần nào gặp anh, cũng nghe nói đến các ý tưởng, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp nhà trường, hoặc những vấn đề về cải cách giáo dục. 

 

Hiệu trưởng Dương Văn Minh tham gia một chương trình giao lưu rèn luyện kỹ năng sống.

 

v Thế chấp nhà để xây trường

* Sau 5 năm thành lập, theo anh đến nay, trường THPT Quy Nhơn đã đạt được những mục tiêu nào?

- So với Dự án, hiện các mục tiêu cơ bản đều vượt kế hoạch. Ví dụ, sĩ số học sinh hiện là 1.000 (theo dự án là 800), tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp là 95% (dự án là 40-60%), số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng là 25-30% (dự án là 5%)…

Nhưng điều quan trọng nhất là nhà trường đã tạo lập được một môi trường giáo dục thân thiện; giáo dục những học sinh “khó bảo” biết vượt lên chính mình để thành nhân và thành tài, hướng đến một thế hệ công dân tự lập. Những học sinh của trường sau khi tốt nghiệp, chọn lựa con đường vào đời hết sức “thanh thản”, không nhất thiết phải vào đại học.

* Còn về mục tiêu lợi nhuận?

- Hẳn nhiên đối với nhà đầu tư, khi bỏ vốn ra thì phải tính đến yếu tố lợi nhuận. Đó là nguyên tắc. Nhưng với tôi đây không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tôi đầu tư xây trường học trước hết là vì tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Bởi vậy, tôi chủ trương thu học phí vừa phải, đủ sức chịu đựng của đại đa số người dân. Hiện mức thu học phí của nhà trường là 350 - 400 ngàn đồng mỗi tháng/ học sinh, tùy khối lớp, học ngày 2 buổi. Và không có bất kỳ một khoản thu nào khác.

* Trường tư thục là một lĩnh vực mới mẻ ở tỉnh ta. Ngay từ đầu anh có tin sẽ thành công?

- Tin chắc! Bởi vậy, ngoài tài sản thế chấp theo quy định, tôi còn cầm cố cả hai ngôi nhà đang ở để vay tiền ngân hàng xây dựng trường. Không tin ai dám làm vậy?

 

Hiệu trưởng Dương Văn Minh trao thưởng cho học sinh xuất sắc trong lễ trưởng thành và tốt nghiệp.

 

v Mỗi giờ học là một giờ vui

* Nghe nói anh chủ trương và kiên trì thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực “dạy thực học thực”, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và “mang tiếng cười” đến với từng tiết học?

- Phương pháp dạy học tích cực là phương pháp dạy học thích ứng “Thầy dạy rõ - trò học hiểu”, lấy học sinh làm trung tâm “dạy ít - học nhiều”. Giáo viên phải biết tổ chức và hướng dẫn cho học sinh học tập; hướng dẫn cho học sinh biết cách tiếp cận và khám phá kiến thức, chứ không phải thầy thuộc bài lên thuyết giảng, vô hình chung giáo viên trả bài cho học sinh.

* Có phải đó là phương pháp dạy học 4L như có lần anh đã viết trên Báo Bình Định?

- Vâng, 4L là viết tắt bốn từ tiếng Anh: learn (học tập), live (sống), love (yêu thương) và laugh (vui). Phương pháp này đòi hỏi giáo viên không chỉ truyền đạt những nội dung kiến thức quy định mà còn phải biết đưa thực tế sinh động của cuộc sống vào bài giảng, phải làm cho học sinh yêu thích môn học và phải tạo không khí học tập sinh động thân thiện, mỗi giờ học là một giờ vui. Phương pháp 4L giúp giờ học sống động, học sinh dễ nhớ bài, phát triển được kỹ năng và nhiệt tình học tập; làm cho sau mỗi giờ học, thầy và trò đều cảm thấy vui vẻ, yêu đời. 

* Nhưng những tiết dạy như vậy buộc giáo viên phải “động não” và phải có phương tiện hỗ trợ?

- Đúng vậy, giáo viên không được để học sinh thụ động; phải luôn đặt những từ khóa nghi vấn “tại sao, là gì, như thế nào?”, để dẫn dắt học sinh nắm, hiểu, tái hiện kiến thức và rèn luyện cho học sinh cách nghĩ, cách tư duy. Quá trình tổ chức dạy học luôn phải có ý thức lật lại vấn đề để cùng phân tích mổ xẻ. Đồng thời phải tăng cường phương tiện trực quan, khai thác và ứng dụng có hiệu quả phương tiện công nghệ thông tin, tài nguyên thông tin trên mạng; thầy, trò cùng tìm kiếm thông tin để cùng học tập.

* Vì sao anh đặt nặng vấn đề này?

- Trên thực tế, nhiều môn học không được học sinh hứng thú, nhất là các môn học Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân. Bởi vậy, đổi mới phương pháp dạy học không thể chỉ dừng lại ở việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, mà trước hết phải đổi mới mục tiêu và nội dung chương trình. Bởi chương trình hiện nay còn quá nặng về cung cấp thông tin về lượng mà thiếu đi phần cảm, cách sống, cách nghĩ và kỹ năng giao tiếp.

* Được biết, Trường THPT Quy Nhơn là đơn vị đi đầu trong việc trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học?

- Có thể nói đây là thế mạnh của chúng tôi. Hiện nhà trường có 105 máy vi tính kết nối Internet; có 4 đường truyền ADSL bảo đảm cho hàng trăm máy hoạt động cùng lúc. Tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường có máy vi tính riêng để làm việc và đều biết soạn và dạy học bằng giáo án điện tử. 15/22 lớp học có màn hình Lasma và CPU vi tính riêng có kết nối ADSL phục vụ cho giảng dạy. Nhà trường có trang web riêng và tất cả cán bộ, giáo viên đều sử dụng e.mail trong giao nhận thông tin.

v Tạo dựng một môi trường văn hóa trách nhiệm

* Có đôi lúc anh gọi phụ huynh, học sinh là “khách hàng”. Như vậy có làm “thương mại hóa” trong môi trường giáo dục hay không?

- Tôi nói như vậy là nhằm nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường. Cơ chế trường tư thục có khác trường công ở chỗ người học phải đóng học phí nhiều hơn nên có quyền đòi hỏi sự phục vụ tương ứng. Ở đây không chấp nhận tư tưởng xin - cho mà là trách nhiệm phục vụ. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu chiến lược là xây dựng một môi trường văn hóa trách nhiệm. Hẳn nhiên, nhà trường cũng phải giữ gìn đạo lý thầy - trò, không phải cậy có tiền thì muốn làm gì cũng được.

* Còn việc tổ chức cho học sinh bỏ phiếu chấm điểm giáo viên thì sao? Làm vậy có căng lắm không?

- Không phải là phiếu chấm điểm mà là phiếu ghi cảm tưởng. Cách làm nhẹ nhàng thôi, không phải phê phán, moi móc gì. Tôi nghĩ các em có quyền được nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề của trường, của lớp, như các em nghĩ gì về thầy cô, các em thích môn học nào? Điều đó là tự nhiên, không nói được ở trường thì ra ngoài các em cũng nói. Điều đó còn giúp cho nhà trường và thầy cô có thêm thông tin để điều chỉnh mọi hoạt động cho phù hợp. Riêng tôi lúc nào cũng luôn lắng nghe các em, lắng nghe phụ huynh. Nói chung, làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sống. 

* Nghe nói tới đây Trường THPT Quy Nhơn sẽ phát triển thành trường đa cấp, cụ thể đó là gì?

Anh Dương Văn Minh, sinh năm 1957. Từ 1980 - 1988 là giáo viên trường Trung học Kinh tế – Tài chính Nghĩa Bình. Năm 1989 là Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến NLS An Hòa (An Nhơn), rồi Trưởng phòng Kế hoạch -Tài chính Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định. Đến năm 2001 nghỉ việc Nhà nước ra làm Phó giám đốc Công ty xây dựng An Bình. Năm 2004 thành lập Công ty TNHH Dương Minh, đầu tư xây dựng Trường THPT Quy Nhơn và làm Hiệu trưởng từ năm 2005 đến nay.

- Thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015, nhà trường sẽ xin tỉnh bổ sung cấp học và chuyển thành trường đa cấp, với các cấp: Tiểu học, THCS, THPT; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng theo phương thức cổ phần hóa. Trong đó, tổng diện tích sàn đầu tư đến 2012 là 3.500m2 nhà cấp 1; cải tạo, nâng cấp làm đẹp 3.000m2 sân vườn…

* Anh bận rộn nhiều như vậy nhưng nghe nói còn làm thơ, và thường đọc thơ cho học sinh nghe?

- Tôi có một tập thơ tựa “Thương về xưa”, đã in năm 2003, gồm 43 bài. Từ đó đến nay có thêm nhiều bài về học trò, về giáo dục đủ để xuất bản thành hai tập, nhưng bận quá chưa tập hợp để in được. Một vài bài trong số đó được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần phổ nhạc và BTV có giới thiệu trong một chương trình văn nghệ nhân dịp khai giảng năm học mới vừa rồi.

Nói chung ai làm thơ cũng muốn được chia sẻ. Bởi vậy, trong các buổi sinh hoạt của trường, tôi thường đọc thơ cho học sinh nghe. Lâu dần thành quen. Bài thơ Hạt nắng được phổ nhạc, có những ca từ mà học sinh tôi rất thích: Con đò cứ qua đi rồi trở lại/ Dòng sông thu tĩnh lặng phút giao mùa/ Xin hỏi nắng cài chi hoa phượng đỏ/ Tuổi học trò cổ tích những mùa thi.

* Cảm ơn anh!

  • Ngọc Minh (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)