Một người hết lòng với phong trào Đội
21:16', 30/10/ 2010 (GMT+7)

Có lẽ, những người làm công tác Đội ở tỉnh ta không ai lại không nghe tiếng Lê Quang Bảo, Tổng phụ trách (TPT) Đội Trường THCS Hoài Tân. Anh là một TPT giỏi, giàu kinh nghiệm; Liên đội anh phụ trách có bề dày thành tích, nhiều năm liền là Liên đội xuất sắc cấp tỉnh và Trung ương. 35 năm trong nghề, trong anh vẫn nguyên nhiệt huyết của một người hết lòng vì thế hệ trẻ…

 

Mỗi buổi sinh hoạt Đội do anh Bảo tổ chức đều sôi nổi, hấp dẫn với các em đội viên.

 

* “Nghề chọn người”

* Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề “chơi với trẻ em” này?

- Thời trẻ, tôi rất thích tham gia các hoạt động thanh thiếu niên ở địa phương. Thấy tôi hoạt náo, có năng khiếu “chơi với trẻ em”, nên các anh ở Phòng Giáo dục động viên tôi vào ngành. Thế là từ tháng 4.1975, tôi bắt đầu tham gia công tác Đội, làm “chức” TPT Đội đến bây giờ. Có thể nói, ngay từ đầu, nghề TPT đã chọn tôi. Tôi cứ nhớ mãi những tháng ngày sôi nổi trong giai đoạn 1975-1980, lúc phong trào thiếu nhi cả nước phát triển mạnh mẽ. Sau đó, phong trào TDTT cũng lên, tôi kiêm luôn vai trò của người giáo viên thể dục trong trường.

* Những người làm trong ngành giáo dục Hoài Nhơn vẫn thường nhắc đến anh như là một tay “đazinăng”, “món” nào cũng chơi được…

- Đúng vậy, có thể nói tôi là một cây văn nghệ, thể thao của ngành giáo dục Hoài Nhơn. Bóng đá, bóng chuyền tôi đều tham gia; hát múa, viết kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm đều làm được tuốt. Có thể mình không xuất sắc, nhưng được cái xăng xái, chân ưa đi, tay ưa làm, hết hội thi này đến hội diễn kia đều không ngại. Nhất là các cuộc thi dành cho học trò, tôi mà dẫn đi thi thì thể nào cũng có giải…

* Lê Quang Bảo vẫn được anh em trong giới TPT đánh giá là “cứng” chuyên môn, đặc biệt là rất “mát tay” trong huấn luyện các đội kỹ năng công tác Đội. Anh đã huấn luyện các em như thế nào?

- Đúng là học trò của tôi đi thi kỹ năng Đội rất cừ. Để luyện kỹ năng Đội cho các em cần phải chịu khó. Đối với các kỹ năng nhận morse, semaphore, dịch mật thư, nhận biết dấu đường… chỉ trí nhớ thôi thì chưa đủ. Trong các buổi sinh hoạt Đội, thỉnh thoảng tôi lại giao tiếp với các em bằng ký hiệu semaphore; dặn các em, những ký hiệu nào khó nhớ thì vẽ lên những nơi các em thường trông thấy hàng ngày. Để nhớ các động tác nghi thức, trước khi vào lớp thì tập vài động tác khoảng 1, 2 phút để tạo thành thói quen.

 

Anh Lê Quang Bảo dặn dò các đội viên nhân Đại hội Liên đội Trường THCS Hoài Tân.

 

* “Làm công tác Đội, kỵ nhất là “nhai lại””

Đầu tháng 8 năm nay, tôi về dự ĐH Đảng bộ huyện Hoài Nhơn lần thứ XVIII. Hôm ấy, anh Bảo dẫn đội nghi thức của Trường THCS Hoài Tân lên đánh trống thổi kèn chào mừng, tặng hoa cho đại biểu dự Đại hội. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người TPT mặc áo xanh, đeo khăn quàng đỏ, đứng ngoài hội trường phồng má thổi kèn, hòa nhịp cùng đội nghi thức…

* Ở Hoài Nhơn, hầu như các chương trình lớn khi cần đội thiếu nhi chào mừng đều phân công đội nghi thức của Trường THCS Hoài Tân. Anh đang “sở hữu” đội nghi thức “oách” nhất huyện thì phải?

- Hiện nay các trường đều có đội nghi thức, nhưng có thể nói đội của tôi nổi trội vì các em được đào tạo luyện tập bài bản, lại có đội kèn giỏi. Để có đội kèn này, tôi phải tự học, tự rèn rồi luyện cho các em. Tôi có đến 4 đội nghi thức của 4 khối lớp, có thể dùng bất kỳ đội nào khi cần, để không ảnh hưởng đến giờ học của các em.

* Làm công tác Đội lâu năm như vậy, đâu là bí quyết để cho các giờ sinh hoạt của anh không nhàm chán?

- Đó là sự sinh động, mới mẻ của từng giờ sinh hoạt. Tôi có nhiều tài lẻ, như xiếc, “xiệc” (tức ảo thuật). Thời trẻ, tôi làm thành thạo các động tác uốn dẻo, giờ thì già rồi, chỉ làm những trò ảo thuật đơn giản với những đạo cụ không cần chuẩn bị trước. Bên cạnh đó, với khiếu hài hước, tôi hay kể chuyện tiếu lâm giáo dục để giờ sinh hoạt thoải mái. Những kiến thức lịch sử được “viết lại” bằng những câu chuyện kể sinh động để các em dễ nhớ. Buổi sinh hoạt nào tôi cũng “mách” cho các em những mẹo nhỏ trong cuộc sống như chữa đau răng như thế nào, làm sao để giặt tẩy quần áo dính mực, ly tách uống trà ở nhà bị bẩn thì làm sao…

Người TPT phải là trung tâm của hoạt động Đội; luôn tìm tòi học hỏi ở sách báo, phương tiện nghe nhìn, học ở đồng nghiệp để trau dồi, thêm chuyên môn nghiệp vụ, luôn sáng tạo, tìm ra những nội dung, kiến thức hay truyền đạt cho học sinh. Làm công tác Đội, kỵ nhất là “nhai lại”. Mỗi lần được giao quản trò lửa trại, tôi lại dựng một tiểu phẩm, xoáy vào nội dung mang tính giáo dục chứ không chỉ là nhai đi nhai lại motip “thần ánh sáng - thần bóng tối” cũ kỹ.

* Và đâu là chìa khóa để mở cánh cửa giao tiếp với học sinh khi khoảng cách lứa tuổi là quá lớn?

- Người TPT phải nắm bắt đặc điểm tâm lý của các em. Ở lứa tuổi các em, mình phải biết cách dỗ dành, nhưng khi cần cũng phải làm mặt “rắn”. Khi chuẩn bị cho một chương trình lớn, đội nghi thức của tôi luôn có một thành viên dự bị, phòng khi có em bị đau ốm đột xuất. Khi tập luyện, tất cả các em đều cố gắng hết mình; với các em, được trình diễn trước đám đông là một vinh dự lớn. Trước giờ trình diễn, phải làm công tác tư tưởng cho thành viên dự bị, phải biết động viên, hứa lần sau sẽ cho biểu diễn để các em không tủi thân.

Tôi được Ban Giám hiệu nhà trường phân công theo dõi về nề nếp, đạo đức học sinh, xử lý ban đầu những học sinh vi phạm. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ đánh học trò, mà phải tâm tình, phân tích cái đúng cái sai, việc làm của các em sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào. Nhờ vậy, tôi đã động viên và giáo dục hàng chục học sinh hay nghịch phá, gây rối trật tự; kịp thời phát hiện, uốn nắn những lệch lạc trong học sinh để các em không mắc phải sai lầm, trở thành học sinh ngoan hiền.

 

Đội viên Liên đội THCS Hoài Tân tham gia dọn vệ sinh đường sắt hưởng ứng phong trào “Em yêu đường sắt quê em”.

 

* “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với chiếc khăn quàng đỏ”

Đối với một người TPT, bộ sưu tập huy chương, bằng khen, giấy khen của anh coi như đã đủ đầy. Song, hàng ngày anh vẫn đến với học sinh với cảm xúc và nhiệt huyết nguyên vẹn. Và, chính vì nhiệt huyết với nghề, nên trong anh vẫn còn nhiều trăn trở…

* Các anh TPT Đội vẫn thường hay nhắc đến câu nói “bất hủ” của anh: “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với chiếc khăn quàng đỏ”. Sao anh lại nói vậy?

Anh Lê Quang Bảo, sinh ngày 13.4.1958, ở thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn.

- 35 năm là Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoài Tân.

- 2 Huy chương Tổng phụ trách giỏi; 2 Huy chương Vì thế hệ trẻ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

- Hơn 40 bằng khen, giấy khen của Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, UBND tỉnh và Trung ương Đoàn…

- Trước đây, Phòng GD-ĐT huyện nhiều lần mời tôi lên làm việc, nhưng tôi không đi vì không muốn rời xa học trò. Hơn 50 tuổi đời, 35 tuổi nghề, tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm công việc không sách giáo khoa, không giáo án này. Tôi nguyện gắn bó suốt đời với công tác Đội, nên khi sinh hoạt giao lưu với anh em TPT trẻ, tôi hay nói vui: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với chiếc khăn quàng đỏ”.

* Là một TPT giàu kinh nghiệm, anh có lời khuyên nào dành cho những TPT trẻ?

- Các liên đội thuộc Hội đồng Đội huyện Hoài Nhơn được chia làm 3 tổ. Tôi làm tổ trưởng của tổ 3, hễ có dịp là tôi lại truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ, hướng dẫn chuyên môn cho những đồng nghiệp trẻ. Những kinh nghiệm ấy được áp dụng thành công trong thực tiễn công tác Đội, nên tôi được đồng nghiệp tín nhiệm. Nói khuyên thì không dám, nhưng tôi vẫn thường tâm sự với các TPT trẻ: làm TPT thì đừng sợ sai, đừng ngại khó, cứ mạnh dạn tổ chức các hoạt động tập thể cho các em, từ thực tiễn sẽ thu được kinh nghiệm…

* Những người làm công tác Đội cũng có cái khó riêng. Hầu hết các TPT Đội đều kiêm nhiệm, khó mà toàn tâm toàn ý cho công tác Đội…

- Đúng vậy. Hiện nay, hầu như 100% TPT phải kiêm nhiệm. Các trường hay cử giáo viên chưa đúng chuẩn do thừa hoặc thiếu giáo viên mà Ban giám hiệu phân công làm TPT, phải kiêm nhiều việc. Những người kiêm nhiệm vì áp lực chuyên môn chính mà không mặn mà với bộ môn phụ là công tác Đội. Một số lãnh đạo các trường và các tổ chức trong trường rất hờ hững với công tác Đội. Ngay cả công tác đào tạo TPT cũng có vấn đề. Đào tạo giáo viên “2 trong 1”, ghép Thể dục - phụ trách Đội như hiện nay là chưa phù hợp; thật ra, Nhạc mới là môn học gần gũi với công tác Đội hơn Thể dục rất nhiều…

Trong hoạt động giáo dục, lâu nay chúng ta không gắn công tác Đội với vai trò của giáo viên chủ nhiệm, nhiều người không biết lớp mình có bao nhiêu em đã vào Đội nữa. Trung ương Đoàn quy định, mỗi giáo viên chủ nhiệm là một anh chị phụ trách, nhưng lại không bó buộc trách nhiệm cụ thể; căn cứ đánh giá kết quả xếp loại giáo viên cũng như học sinh đều không có tiêu chí hiệu quả công tác Đội. Tôi nghĩ, để tăng cường hiệu quả công tác Đội trong trường học, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, chỉ riêng nỗ lực của lực lượng TPT thôi thì chưa đủ…

* Xin cảm ơn anh!

  • Nguyễn Văn Trang

(Thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi đau đi qua…  (26/10/2010)
Con đường mơ ước  (26/10/2010)
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)
Tản mạn trước thềm Đại hội…  (24/10/2010)
“Trẻ mãi không mòn”  (23/10/2010)
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)