Không chỉ dạy võ cổ truyền Bình Định ở Mỹ, ông còn giới thiệu văn hóa Bình Định với võ sinh của mình. Ông tin rằng “hiểu được lịch sử, văn hóa và những nét đẹp đặc trưng của vùng đất võ thì sẽ dễ cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của võ Bình Định”. Ông là võ sư Hồ Bửu, Giám đốc Võ đường Tây Sơn - Bình Định tại bang Virginia (Mỹ).
Võ sư Hồ Bửu là học trò của võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và võ sư Hồ Ngạnh (Hồ Nhu). Sinh năm 1942 tại Quy Nhơn, lên 5 ông được cha dạy võ để phòng thân. Năm 10 tuổi, ông bái võ sư Diệp Bảo Sanh làm thầy. Có một thời gian, ông vào Sài Gòn học Nhu đạo và dạy võ. Năm 1966, ông thường về quê và theo võ sư Hồ Nhu học võ đến tận năm 1974.
|
Võ sư Hồ Bửu chụp ảnh lưu niệm với một số võ sư, chưởng môn tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. |
* Dạy võ Bình Định trên đất Mỹ
- Người Việt ở nước ngoài, khi dạy võ thường lập võ phái riêng, để dễ thu hút người đến học, vì sao ông không làm vậy?
Bởi tôi quan niệm, võ cổ truyền là di sản của cha ông để lại. Tôi chỉ là người gìn giữ và truyền lưu. Có phát triển thêm thì cũng dựa trên những nền tảng cơ bản đó. Tôi học võ Bình Định, nên năm 1988, khi mở võ đường thì lấy tên là “Tây Sơn - Bình Định”. Tôi luôn cho mình là người may mắn khi bái sư được hai người thầy tiêu biểu của hai làng võ lừng danh của đất võ Bình Định. Khi dạy học trò, tôi luôn cố gắng tổng hợp những tinh hoa của hai dòng võ này thành một hệ thống.
Tôi học võ Bình Định, nên năm 1965, khi mở võ đường thì lấy tên là Tây Sơn - Bình Định. Sau này ra nước ngoài mở võ đường, tôi vẫn dùng tên Tây Sơn - Bình Định. Đến nay, gần 40 năm hoạt động, võ đường Tây Sơn - Bình Định đã đào tạo được hàng ngàn học trò, trong đó hàng trăm người đã lên đai đen. Tôi cũng hay mời các võ đường khác đến giao lưu hoặc tổ chức thi đấu, để võ sinh có cơ hội cọ xát, học hỏi cái hay cái đẹp của họ.
- Được biết, không chỉ dạy võ, ông còn hướng dẫn võ sinh mình học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam?
(cười) Đó là một sở thích của tôi. Từ nhỏ, tôi đã thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thích cả thơ ca nhạc họa nữa. Tôi dạy tiếng Việt, giải thích về văn hóa, lịch sử nước Việt vì muốn học trò mình, nhất là những người Việt Nam sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, hiểu biết tận tường gốc gác, tổ tiên môn võ mình đang học. Tôi còn định gắn kết võ học với lịch sử, bằng cách lấy tên các vị anh hùng dân tộc gắn vào những bài thảo chưa có tên gọi hoặc những đòn thế mới. Chẳng hạn như Ngô Quyền trạo pháp hay Trưng Vương kiếm pháp. Làm vậy để kích thích người học tò mò tìm hiểu nhiều hơn.
|
Võ sư Hồ Bửu |
* Phổ biến nhạc võ Tây Sơn
- Cả ba lần về tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, ông đều nán lại quê khá lâu sau khi Liên hoan kết thúc…
Đúng là lần nào về dự Liên hoan, tôi cũng ở lại thêm một hai tuần. Mà không chỉ vào dịp này, gần 10 năm qua, cứ một hai năm tôi về Việt Nam một lần, mỗi lần nán lại đôi ba tuần, nghiên cứu và chuẩn bị phương thức xuất ngoại nhạc võ Tây Sơn.
Ở Mỹ, vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm, võ đường của tôi tổ chức Ngày tưởng niệm Thánh tổ võ học Tây Sơn - Quang Trung. Tôi muốn đưa nhạc võ Tây Sơn về biểu diễn vào dịp này, để giới thiệu nét đặc trưng độc đáo của võ Bình Định. Nhưng tôi thể hiện theo cách con nhà võ: tức là dùng tay, chân và các thế võ. Việc này tôi được thầy Mười Thông - một danh trống nhạc võ Tây Sơn cách đây 50 năm, hướng dẫn từ khi chưa sang Mỹ.
- Vậy đến nay, ông đã thực hiện dự định ấy đến đâu rồi?
Tôi đã đặt làm và chuyển sang Mỹ 12 cái trống loại lớn (cái lớn nhất, đường kính mặt là 1,2m, rồi nhỏ dần xuống 1m, 8 tấc, 6 tấc…). Tôi cũng tuyển ra 20 võ sinh, và hướng dẫn họ cách đánh. Tôi bố trí 4 người cùng đánh một lúc, để tạo sự mạnh mẽ, hoành tráng. Tùy theo từng hồi mà tiếng trống lúc khoan, lúc nhặt, tạo cảm xúc cho người nghe. Băn khoăn của tôi hiện nay là phần nhạc bổ trợ cho bài diễn, tôi định làm một đĩa nhạc nền, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Nếu nhạc sĩ Bảo Phúc sống đến giờ, có khi đã xong rồi đấy! Tôi và anh ấy đang triển khai công việc rất tốt, thì anh lại đột ngột mất đi. Tôi từng nghĩ đến nhạc tuồng, và năm 2008, đã về nhờ Nhà hát Tuồng Đào Tấn làm một đĩa nhạc. Nhưng khi đem ráp lại thì thấy không phù hợp.
Tôi đang liên hệ với một vài nhạc sĩ trong nước khác, và hy vọng mọi việc sẽ sớm hoàn thành để nhạc võ có thể xuất hiện trong Ngày tưởng niệm sắp tới.
|
Các môn sinh võ đường “Tây Sơn - Bình Định” tại Mỹ. |
* Trăn trở với võ Việt
- “Trăn trở” là tâm trạng chung của những người nặng lòng với võ Việt ở trời Tây. Còn ông…?
Tôi luôn ưu tư và loay hoay tìm cách tập hợp sức mạnh, mong muốn làm nhiều hơn nữa cho võ Việt. Ở Mỹ, người Việt sống rải rác, rất khó để phát triển võ cổ truyền dân tộc. Sau nhiều năm xa quê, một số người không hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn truyền thống cha ông. Một số nước khác như Pháp, Thụy Sĩ, Đức, võ Việt tuy phát triển khá mạnh môn phái nhưng lại thiếu tính hợp quần, thiếu thống nhất để có thể tập trung sức mạnh.
- Theo ông, nên làm gì để phát triển võ Việt sâu rộng hơn nữa?
Tôi nghĩ ngay từ trong nước cần có một tổ chức đủ uy tín và năng lực đứng ra kết nối tất cả các hoạt động của võ Việt trên thế giới. Kết nối không chỉ những võ đường ở nước ngoài với nhau, mà còn giữa các dòng võ trong và ngoài nước. Các chưởng môn, võ sư, huấn luyện viên võ Việt phải đoàn kết, gắn bó, mở lòng chia sẻ, đổi trao kinh nghiệm của mình, cùng hướng đến mục đích chung là phát triển võ Việt ngày càng lớn mạnh.
Việc tổ chức những hoạt động mang tính quốc tế như Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam là cần thiết và đáng khích lệ. Các võ sinh sẽ có cơ hội sống trong không khí võ thuật, hay tìm về “nguồn cội” của dòng võ mà mình đang theo học. Những hoạt động như vậy góp phần quảng bá rất lớn cho võ Việt.
- Ba kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định ông đều tham dự. Ông có thấy hài lòng với vị thế của võ Bình Định tại các sự kiện này không?
Tôi cho rằng, Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định cần nỗ lực nhiều hơn nữa, để khẳng định sự vượt trội của đất võ Bình Định. Các làng võ là nét đẹp độc đáo cần được chú trọng đầu tư và quan tâm nhiều hơn. Khi đến với liên hoan võ, điều người ta quan tâm là, tinh hoa võ Bình Định có gì khác và đặc biệt so với những dòng võ họ đang học.
Để làm điều này, nên chăng, các võ đường ở Bình Định liên kết lại, chọn ra những bài võ tiêu biểu của Bình Định, để vào những kỳ liên hoan, chọn các võ sinh giỏi thể hiện thật tốt những tinh hoa ấy, góp phần tạo tiếng thơm cho miền đất võ.
- Xin cảm ơn ông! Xin chúc những mong muốn của ông sớm thành hiện thực.
|