NHÀ THƠ, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN HÀ GIAO:
Lặng lẽ một hành trình
21:36', 2/10/ 2010 (GMT+7)

Mỗi người cầm bút có một xác định riêng về cái đích tới, về lý do và những mưu cầu. Có những ồn ào tôn vinh, có rơi vèo vào vô tăm tích. Nhưng những phản hồi kịp thời luôn là niềm vui, sự hưng phấn cho người cầm bút. Ở khía cạnh này, có thể nói cuộc lặng lẽ đến với vẻ đẹp kỳ vĩ những sử thi Bahnar của nhà folklore Hà Giao có gì như một chấp nhận, một lựa chọn, một thôi thúc riêng…

 

Nhà nghiên cứu VHDG Hà Giao

 

* Từ ân tình thời đất nước gian lao...

Hà Giao sinh năm 1937 ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạnh. Sẽ chẳng có chút âm vang gì nếu chỉ là nơi sinh, như mọi vùng miền sinh ra của ai ghi trong lý lịch. Nhưng Vĩnh Hòa của ông khác. Đó là nơi ông từng đóng quân thời bộ đội làm rẫy 5 năm. Nơi năm 1993, ông tìm về và chứng kiến bok Đoan diễn cho bà con nghe 30 sử thi, những bản hơamon hấp dẫn và quyến rũ, những bản anh hùng ca viết về những dũng sĩ huyền thoại chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ điều thiện, tiêu diệt cái xấu, cái ác. Không thiếu bên cạnh những chiến công này là nét trữ tình đằm sâu, rất riêng của núi rừng nam Trường Sơn.

* Từ cái rựa, cái cuốc, cây súng đến cây bút… Ông có thể nói về duyên nghiệp cầm bút của mình?

- Năm 1965 tôi đi bộ đội thì 5 năm sau được chuyển sang làm báo Quân giải phóng của Khu 5, chủ yếu viết về các anh hùng như Nguyễn Công Tòng, Võ Lai, Lê Văn Cao, Nguyễn Hữu Quang… Năm 1968 có thể coi là bước ngoặt về chặng đường chữ nghĩa của tôi khi truyện ngắn “Cái rựa” được in và được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật miền Trung Trung bộ. Cuối năm 1971 tôi bị thương, được chuyển ra Bắc điều trị, năm 1974 về làm biên tập viên Phòng văn nghệ Đài Giải phóng, năm 1975 về làm ở Báo Nghĩa Bình rồi về Sở Văn hóa tham gia Phòng Văn nghệ, tiền thân của Hội Văn nghệ tỉnh sau này. Năm 1999, tôi nghỉ hưu từ cơ quan Hội Nhà báo tỉnh. Nhìn lại quãng đời cầm bút của mình, tôi rất vui vì đã có những đóng góp cụ thể là hơn chục đầu sách các mảng sáng tác, sưu tầm, biên dịch văn học dân gian miền núi. Đó là những đầu sách gắn bó sâu thẳm với núi rừng, buôn làng như một món nợ ân tình.

Chiến tranh và những gian nan, khốc liệt, máu xương rồi cũng qua đi, cả một phần thân thể ông gửi lại chiến trường cũng đã lùi xa, nhưng buôn làng và những con người khổ nghèo chung thủy, hào hiệp luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi mời gọi như quê hương trong lòng người xa xứ. Hãy thử đọc vài giãi bày bằng thơ của ông: “Có thể bạn chưa tin đây là chuyện thật/ ta ngủ nhờ xích lô/ kẻ mỏi mòn đợi khách/ và ngủ đến quá nửa đời/ giật mình tự đánh thức/băng lên đỉnh đồi xa/ dõi đàn ong bay đi tìm hoa/ lại tìm hoa văn trên cửa nhà rông/ tìm hoa văn trên ngực áo no tròn” (Phác thảo), hoặc: “Nhập nhòa bếp lửa nhà sàn/ bóng già lặng lẽ hơ bàn tay chai/ lưng còng đầu gối chạm tai/ mắt lim dim ngó tháng ngày long đong” (Bếp lửa nhà sàn)… Và những chuyến đi cứ nối tiếp nhau. Nối tiếp nhau qua suối lũ gió ngàn với bập bùng ngọn lửa chinh chiên, cần rượu vít cong lời  hơamon miên man. Miên man trang nối trang phồm phàm và sống động những miền trữ tình và bi tráng, hoang sơ và ước vọng, nối tiếp nhau được lưu giữ bằng văn bản, tiếng phổ thông và cả tiếng người vùng cao. Công việc của ông là mối giao hòa tự nhiên giữa ân tình và số phận.

 

Những cuốn sách này, những công trình này đã lặng lẽ gom nhặt, lưu giữ những giá trị văn hóa của một dân tộc...

 

* Đến sự cuốn hút của những vẻ đẹp

* Sưu tầm và biên dịch văn học dân gian miền núi, môït công việc hoàn toàn không dễ dàng nếu không xuất phát từ một đam mê và cả lòng yêu thương, trân trọng văn hóa của đồng bào, bản thân ông đã đến với mảng văn học này như thế nào?

- Từ ăn cơm lúa rẫy, nghe hát dân ca, kể chuyện cổ tích mấy mươi năm trước, một lần về thăm quê, tôi sửng sốt khi nghe bok Đoan nằm tòn teng trên võng khan hơamon. Tôi không ngờ “vùng rừng núi này có những bài hát cỡ Đam San, Xing Nhã”, và không chỉ bok Đoan, Bă Pơ ở làng Tà Lăng, các làng Tà Điệk, Hà Nhe, Tà Lấk, Klot, Kon Blò… đều có những nghệ nhân dân gian hát hay, thuộc nhiều bài, ngắn cũng gần một giờ, dài cũng đến ba, bốn giờ.

Vậy là liên tiếp 5 năm, tôi đã làm những cuộc “trở về” để sưu tầm, biên dịch cả chục trường ca sử thi Bahnar Konkđeh và Bahnar Kriêm. Mỗi câu chuyện có chủ đề và tình tiết khác nhau; những diễn biến ly kỳ, hấp dẫn khác nhau, nhưng đều là những thiên anh hùng ca tráng lệ về nghĩa khí, những trang trữ tình đằm thắm, hoặc những mông muội khác thường. Đó là một Dyông Dư mặt xấu nhưng có tài đức cảm hóa được tính hung bạo của người nhà Bok Tung Bul, nàng Bya Pkao yêu chàng và chàng đã cởi bỏ lốt xấu thành đẹp trai nhất núi rừng và họ hạnh phúc mãi mãi. Đó là chàng Pham Sao kỳ dị, không biết làm rẫy, chỉ biết ngủ và ngủ một giấc đến bảy trăm năm, chỉ có chàng mới tiêu diệt được người đầu hổ, một biến tướng của người thú tài sức và ác, ăn thịt người. Đó là chàng dũng sĩ Dyông Wiwin giết con vích cái Bya Kbư cứu nàng Bya Bông xinh đẹp, cuộc tương tư ốm o của nàng và Dyông để cuối cùng sau khi dẹp yên các trai làng ghen tức thành giặc giã, hai người mới đến với nhau. Rồi một Đăm Pen mới lên ba chỉ với cái khiên của ông cha để lại, một mình dám xông vào hang hổ, đối đầu với lão Bok Grơă, một con người thú chuyên ăn thịt người. Cậu bé diệt kẻ thù hung bạo bằng đôi tay mình, cứu cha mẹ, cứu bộ tộc khỏi hiểm họa xong trở về với làng cũ, rừng xưa… Vô cùng phong phú những người, những cảnh và những diễn biến bất ngờ, kỳ ảo trong các trường ca mà chỉ riêng chuyện Dyông Dư có tám nhân vật chính, mỗi nhân vật kể đến bảy, tám đêm, khan hơamon “từ lúc mới tra hột bắp xuống đất đến lúc bắp ăn tràng mới hết”!

Không gian sử thi không hề hạn hẹp ở cảnh núi cao rừng sâu mà mở rộng đến bao la cõi trời, cả cõi âm huyền bí. Sử thi Dyông Wiwin không gian dài đến biển. Thậm chí có cả làng dưới đáy biển trong Bông Dyông…

Trong lời bạt cuốn “Sử thi Bahnar Konkđeh” Hà Giao viết: “Người Bahnar hiện thời đều ở núi xa, sao trong sử thi của họ nói người Bahnar có ở biển khơi? Vậy sử thi không chỉ là đối tượng nghiên cứu của văn học và âm nhạc, sử thi còn là đối tượng của sử học, của xã hội học, của triết học…”.

Tất nhiên rồi, cả phong hóa, địa chí, dân tộc học nữa, vân vân. Và chính những phong phú bất ngờ, những độc đáo về các vẻ đẹp khám phá, các hơamon đã luôn là nguồn cổ vũ động viên ông miệt mài sưu khảo, biên dịch một phần mảng văn hóa dân gian quý giá này trước khi nó hoàn toàn rơi vào quên lãng.

* Lặng lẽ một hành trình

* Trong điều kiện sức khỏe suy giảm phải thường xuyên thuốc men điều trị như hiện nay, ông còn mơ ước điều gì đối với công việc sưu tầm và biên dịch văn học dân gian miền núi?

- Tôi từng có nhiều cuộc lặn lội điền dã từ Vân Canh, Vĩnh Thạnh đến Ya Hội, An Khê để tìm gặp sưu tầm, biên dịch. Song vẫn còn nhiều vùng cao như: An Toàn, Canh Liên có thông tin còn người biết hơamon mà tôi chưa thể tìm đến ghi nhận. Tôi rất băn khoăn không biết rồi những sử thi ở những nơi ấy có còn kịp lưu giữ hay sẽ tiêu tán theo thời gian? Giá như tôi còn có sức lực để có thể tiếp tục những chuyến đi. Hiện tại tôi còn 2 tập bản thảo đã hoàn thành chưa có điều kiện in: “20 sử thi của dân tộc H’re” (làm chung với Đinh Văn Thành) và “Văn hóa Phước Lý” (làm chung với Võ Ngọc An).

Trừ các nhà nghiên cứu, ít người mặn mà với những sản phẩm từ văn nghệ dân gian, mảng miền núi thì càng ít quan tâm. Trước mắt ta là những cuốn sách mà phần đông được trân trọng xếp vào mục lưu trữ. Không riêng Hà Giao, hành trình của các nhà folklore thường lặng lẽ. Lặng lẽ làm. Lặng lẽ gom nhặt một đời và niềm vui cũng không phô phang. Nhưng sẽ thật đáng sợ cho sức sống một dân tộc nếu không có những cuốn sách này, những công trình, những gom nhặt này. Hạnh phúc lớn nhất của họ là những phát hiện và lưu giữ. Trong nỗ lực tự thân vận động, hầu như họ đơn độc và chấp nhận.

Những tác phẩm đã in của Hà Giao:

+ Sáng tác: Giọt mưa (thơ), Ngôi sao rừng dừa (truyện- ký), Tấm áo vỏ cây (trường ca), Lá đầu sông đang xanh (thơ), Từ Krông Bung (thơ, in chung), Nắng tím (thơ).

+ Sưu tầm, biên dịch: Truyện cổ Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Kriêm (2 tập), Sử thi Bahnar Konkđeh (tập 1), Hơamon Bahnar Konkđeh (tập 2), Trường ca Bahnar Đăm Pen, Trường ca Bahnar Hai chị em Dyông, Trường ca Bahnar Chàng Dyôông, Trường ca Bahnar Kriêm Dyông Wiwin, Hơamon Bahnar Giơlơng.

  • Lê Hoài Lương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (25/09/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)
Cây, con mới ở Vân Canh  (15/08/2010)
35 năm gắn bó với rừng   (14/08/2010)
Xóm Ga  (08/08/2010)