Với năng lực mỗi ngày cho ra lò từ 15 -20 ngàn con gà ta giống và xây dựng được hệ thống khách hàng chằng chịt từ tỉnh Quảng Bình đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên, anh Lê Minh Dư- Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) được giới chăn nuôi trong khu vực đặt cho biệt danh là “Vua gà ta”.
|
Anh Dư nuôi gà bằng chuồng kín để phòng dịch bệnh, gà nhanh phát triển.
|
* Khởi nghiệp bằng mấy... ổ rơm
Mới 38 tuổi, anh Dư đã sở hữu trang trại có vốn đầu tư vài ba chục tỉ đồng nhưng khi tiếp chuyện, tôi nhận ra trong anh vẫn còn nguyên nét dân dã. Anh gãi đầu nhắc về thời điểm khởi nghiệp nuôi gà của mình bằng một câu: “Tôi mê chăn nuôi từ bé, khi đang học lớp 4 trường làng, tôi đã kiếm được tiền phụ cha mẹ mua sách vở, quần áo từ nghề nuôi gà”.
Thuở ấy, “tư liệu sản xuất” của cậu bé Dư là mấy cái ổ rơm đặt ở gian nhà bếp. Đầu tiên, Dư xin cha mẹ chục con gà mái để làm vốn. Gà đẻ được bao nhiêu trứng, cho ấp nở hết bấy nhiêu. Đàn gà đông đúc dần. Đến mùa tựu trường, cậu bé Dư nhờ mẹ mang ra chợ bán dăm con gà giò, mà chỉ là gà cồ để mua sách vở, quần áo, giày dép cho niên học mới, gà mái để lại nuôi sinh sản. Khi học đến lớp 9, trong tay cậu bé đã có 200 con gà mái đẻ. Càng về sau, niềm đam mê nuôi gà càng trở nên cháy bỏng trong lòng cậu học trò nông thôn. Do nuôi gà theo kiểu “trăm sự nhờ trời” nên khi đàn gà càng đông đúc, số lượng gà bị dịch bệnh chết càng nhiều. Xót của, cậu học trò lớp 9 mua sách dạy nuôi gà về đọc. Vừa đọc sách vừa rút kinh nghiệm, đến năm học cuối cấp III, kỹ thuật nuôi gà cũng đã tích lũy trong cậu học trò đầy khát vọng này. Và cậu bắt đầu tham gia cung ứng gà giống ra thị trường.
Đàn gà dần tăng trưởng theo thời gian, đến năm 2002, cậu bé Dư ngày nào đã sở hữu đến 10.000 con gà ta bố mẹ và trở thành “ông chủ nhỏ” trong ngành cung ứng giống gia cầm trong khu vực. “Vào thời điểm đó, nghề chăn nuôi gà trong khu vực đang phát triển mạnh, nhu cầu về gà giống rất cao, nhất là gà ta. Trong khi đó, làm giống gà ta rất khó vì chúng có đặc điểm ấp nhiều mà đẻ ít, sản xuất gà giống không hiệu quả nên chẳng có mấy đơn vị làm. Không ai làm thì tôi làm, vậy là tôi mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại để nuôi quy mô lớn” - Dư tâm sự.
|
Gà ta thương phẩm 60 ngày tuổi của ông Long ở Phước Hiệp.
|
* Nuôi gà ta bằng công nghệ Tây
Khi bước sang nuôi gà công nghệ cao, trong tay anh Dư đã có hàng chục ngàn gà bố mẹ được tuyển chọn suốt 20 năm qua, gồm những giống gà tốt, hội đủ những ưu điểm: ít ấp và mắn đẻ, có độ đồng đều cao, màu lông tương đối đồng nhất, ăn ít nhưng mức tăng trọng cao. Anh Dư nhớ lại: “Để có được số gà giống thuần hóa, suốt 20 năm ròng rã, tôi phải “gắn” đời vào những con gà, theo dõi để tuyển chọn, nhiều khi làm quên cả ăn”.
Từ năm 2002 đến nay, đàn gà bố mẹ của anh Dư đã tăng đến 70.000 con, được nuôi tại nhiều cơ sở. Tổng diện tích trang trại của Công ty cũng đã tăng đến hơn 7 ha với những dãy chuồng hiện đại. Nhìn từ xa tôi cũng nhận ra, ngoài những dãy chuồng hở truyền thống còn có những dãy chuồng kín. Anh Dư giải thích: “Chuồng kín (chuồng lạnh) làm ổn định độ ẩm và nhiệt độ cho đàn gà, giúp chúng phát triển tốt và khỏe mạnh. Thêm vào đó là độ an toàn sinh học rất cao. Để phòng khi cúp điện, bao quanh chuồng là màn che tự động, mỗi khi điện cúp là những tấm màn này tự động kéo xuống để gà không bị ngộp chết”.
Phát triển song song với hệ thống chuồng nuôi hiện đại, từ năm 1990 đến nay, thiết bị ấp, nở trong trang trại của anh Dư cũng đã qua mấy đời thay đổi công nghệ. Nếu như năm 1990, trang trại của anh còn ấp gà theo phương pháp thủ công bằng những chiếc đèn dầu thì sang năm 1995, đã tiến đến ấp bằng máy công nghiệp nhập từ nước ngoài. Từ máy có công suất nhỏ tiến lên máy có công suất lớn. Chưa hài lòng, năm 2000, anh Dư đích thân sang Hà Lan khảo sát và quyết định nhập về 1 loạt máy ấp và máy nở hiện đại hiệu Parefon. Hiện nay, trong trang trại của anh Dư có đến vài chục chiếc máy ấp gồm 3 loại, có công suất từ nhỏ đến lớn: loại thấp nhất ấp được 19.200 quả trứng/lượt, loại trung bình ấp 38.000 quả/lượt và loại cao nhất ấp được 57.600 quả/lượt, cùng 6 máy nở có cùng công suất 19.200 quả/lượt. Tổng kinh phí đầu tư cho trang thiết bị và chuồng trại lên đến gần ba chục tỉ đồng. “Từ khi sản xuất bằng công nghệ hiện đại, ngoài tỉ lệ ấp nở được tăng lên, chất lượng con giống của chúng tôi cũng được nâng cao rõ rệt”.
Chị Hoàng Thị Tĩnh, cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty, cho biết thêm: “Bình quân mỗi ngày trang trại của chúng tôi ấp nở được từ 15.000 đến 20.000 con gà giống. Thế nhưng, không lúc nào nguồn hàng của Công ty đủ cung ứng cho thị trường. Khách muốn đặt hàng phải liên hệ trước 2 tháng. Năm nào cũng vậy, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, Công ty luôn bị “cháy” hàng”.
Tình cờ gặp anh Lê Văn Tình ở thôn Thuận Đạo, xã Mỹ An (Phù Mỹ) vượt gần 100 cây số vào đặt mua hàng, anh Tình cho biết: “Tôi nuôi gà đã 4 năm nay, mỗi lứa nuôi từ 1.000 - 2.000 con, đều lấy giống từ Công ty Minh Dư. Tôi mê giống gà ta ở đây bởi tỉ lệ hao hụt rất ít, cùng một chế độ ăn và cùng thời gian nuôi nhưng trọng lượng xuất chuồng của giống gà ở đây luôn tăng cao hơn hơn 4-5 lạng/con. Thêm vào đó, chúng rất khỏe, ít dịch bệnh. Vì vậy, dù giá gà giống ở đây 14.500 đồng /con, cao hơn gấp đôi so với các cơ sở cung ứng gà ta giống ở trong tỉnh nhưng tôi vẫn lựa chọn”.
|
Xuất gà đi xa.
|
* Trang trại vô nhiễm
Ở trang trại gà của Công ty Minh Dư, đàn gà hầu như được “vô nhiễm” với dịch bệnh. Thậm chí trong cơn “đại dịch” trên gia cầm xảy ra vào năm 2004-2005 hoành hành khắp nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhưng đã “chừa” trang trại gà của Công ty Minh Dư ra. Không phải dịch bệnh “né” gà của anh Dư mà chính gà của anh Dư “né” được dịch bệnh. Nhiều người nghĩ rằng, do gà ta là giống gà bản địa, vốn đã quá thích nghi với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của địa phương nên không bị dịch bệnh xâm nhập nhưng theo anh Dư thì không phải vậy. “Trong khi làm việc, tất cả 40 nhân viên của chúng tôi đều được tiệt trùng “tận răng”. Khu vực sản xuất luôn thực hiện nghiêm ngặt quy chế “ngoại bất nhập, nội bất xuất”. Trong 1 tuần, công tác vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện 2 lần, dọn sạch từng ngóc ngách. Mặc dù gà ta vốn có sức đề kháng rất tốt nhưng không vì thế mà lơ là việc tiêm phòng. Tôi xây dựng hẳn cho trang trại lịch phòng vắc-xin, lịch dùng thuốc và vitamin cho gà. Trang trại của tôi có hẳn 10 cán bộ thú y chuyên theo dõi, quản lý dịch bệnh và tiêm phòng cho gà”.
Theo chân anh Dư, tôi lên xã Phước Hiệp (Tuy Phước) thăm trang trại nuôi gà ta thương phẩm của ông Long. Nhìn 1.500 con gà đã 65 ngày tuổi to lớn đồng đều, lông mướt rượt nằm ken chật trong chuồng mà mê cả mắt. Ông Long khoe: “Do giống gà của anh Dư đã được thuần hóa mấy chục năm nay nên dễ nuôi lắm. Khi mỗi con gà ăn hết 2,5 kg thức ăn là chúng sẽ tăng trọng được 1 kg/con. Nuôi 90 ngày, bình quân đạt 1,7 kg/con. Giá gà ta ngoài thị trường hiện nay là 80.000 đồng /kg nên hầu hết người chăn nuôi bây giờ đã chuyển sang nuôi gà ta thay cho các loại gà khác”. Có lẽ vậy mà vợ chồng anh Ngọc đã vượt hơn một ngàn km từ Ba Vì (Hà Nội) vào đến tận Công ty Minh Dư để mua giống và học hỏi kinh nghiệm nuôi gà ta. Anh Ngọc tâm sự: “Trước nay vợ chồng tôi nuôi các loại gà siêu thịt (gà trắng, gà lương phượng) rất khổ, khi bán giá thương phẩm hiện chỉ có 30.000 đồng /kg, có lúc giá “sập” chỉ còn hơn 10.000đ/kg. Liên tục bị lỗ nên bây giờ vợ chồng tôi quyết định chuyển sang nuôi gà ta, lên mạng tìm thông tin mới biết đến thương hiệu gà giống Minh Dư”.
Đã ăn gà là phải gà ta mới ngon. Đã nuôi gà thì phải nuôi gà ta mới có lãi. Bởi vậy, nhu cầu giống gà ta ngày càng tăng cao, đến cả thị trường miền Bắc giờ cũng đang hút hàng, đó là chưa kể thị trường của một số nước trong khu vực cũng đang “ăn” mạnh gà giống của Công ty Minh Dư. Anh Dư cho biết: “Trong thời gian đến, phải tăng quy mô sản xuất lên gấp 10 lần thì mới đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đất đai bây giờ khó quá, nên loay hoay mãi tôi vẫn chưa nâng thêm được quy mô sản xuất cho trang trại”.
|