Đất mới lên xanh…
20:46', 10/10/ 2010 (GMT+7)

Cách đây gần 7 năm, để phục vụ cho việc xây dựng hồ thủy lợi Định Bình, hơn 700 hộ dân của 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) phải rời bản làng gắn bó bao đời về định cư ở những vùng đất mới. Trải qua bao mùa nương rẫy, dẫu chưa hết khó khăn, thiếu thốn, song đời sống của người dân tái định cư đã có những dấu hiệu khởi sắc…

 

Để phục vụ cho việc xây dựng hồ thủy lợi Định Bình, hơn 700 hộ dân phải rời bản làng gắn bó bao đời về định cư ở những vùng đất mới.

 

* Đi theo tiếng gọi của Đảng

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, để xây dựng hồ chứa nước Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức di dời 732 hộ dân thuộc 2 xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Kim cũ nằm trong phạm vi lòng hồ Định Bình đến các khu tái định cư mới. Trong đó, đến các làng Kon-lokpok, làng Hà Rơn (thị trấn Vĩnh Thạnh) 112 hộ; khu vực Đồng Binh - Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa) 169 hộ; khu vực Suối Xem - Định Nhì (xã Vĩnh Thuận) 193 hộ; làng Thạnh Quang (xã Vĩnh Hiệp) 21 hộ và đến các địa phương trong, ngoài huyện theo nguyện vọng của dân là 237 hộ. “Dân mình tin Đảng, tin Nhà nước, nên khi có lời kêu gọi dân tái định cư để làm hồ thủy lợi, dân mình đi ngay”- ông Đinh Phil, Bí thư Chi bộ làng Kon-lokpok nói với chúng tôi. 

Những ngày mới tái định cư, Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ để bà con sớm ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhờ các Chương trình 134, 135, rồi chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, sự quan tâm của tỉnh, huyện nên cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được xây dựng đầy đủ, đời sống của người dân từng bước nâng lên. Người dân chăm lo phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn miền núi và cuộc sống bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi. Nhiều hộ đã dần dần ổn định và làm giàu trên quê mới”.

 

Trẻ em làng tái định cư Kon-lokpok.

 

Từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh, qua cầu Định Bình, con đường bê-tông thẳng tắp đưa chúng tôi đến với khu tái định cư Đồng Binh - Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa). Trong các khu tái định cư dành cho dân lòng hồ, Đồng Binh - Hà Nhe có địa hình khá đẹp, sau lưng là dãy đồi thấp kéo dài đến chân núi, phía trước mặt là dòng sông Côn hiền hòa chảy suốt bốn mùa. Con đường bê-tông mới chạy từ Vĩnh Thịnh đi Bình Thành (Tây Sơn) vắt ngang qua làng là điều kiện thuận lợi để dân tái định cư có điều kiện giao lưu buôn bán với các vùng lân cận. Ông Đinh A Luôi, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa khoe: “Những ngày mới tiếp nhận bà con ở lòng hồ về, cuộc sống khó khăn thiếu thốn trăm bề. Giờ thì hộ nào cũng có nhà ngói, xe máy, tivi…”.

* Cái bụng đã no, cái đầu đã sáng

Trước khi có đợt tái định cư “lịch sử”, thất học, mù chữ là nguy cơ đe dọa đến sự phát triển của đời sống người dân vùng lòng hồ. Bởi trường thì xa, mà bà con Bana vẫn chưa coi cái chữ là vốn quý. Đến khi chuyển về nơi ở mới, gần trường gần lớp, được cán bộ sâu sát vận động, nên trẻ em đến trường ngày càng nhiều, số bỏ học cũng giảm hẳn. “Hồi trước, trẻ con làng mình muốn đi học phải qua sông qua đò, mùa mưa lũ về là nghỉ hẳn. Giờ xuống làng mới, bất kể nắng mưa gì tụi nhỏ cũng đến trường đều đặn”- ông Đinh Hiền, người dân làng tái định cư Thạnh Quang chia sẻ.

Trong khi đó, ở làng Kon-lokpok, có 58 học sinh đang theo học các trường phổ thông trong huyện và Trường PT DTNT tỉnh, có 2 em đang học đại học. Năm học 2008-2009, cả làng chỉ có 3 em bỏ học giữa chừng. Đinh Văn Ply, người dân làng Kon-lokpok, vui mừng nói: “Dân làng mình giờ biết cái chữ nó quý lắm, nên động viên nhau, cha mẹ đi làm nương làm rẫy đừng bắt con theo, để chúng ở nhà chăm lo học hành…”.

Cách đây hơn hai năm, tôi có dịp đến thăm bà con hai làng Hà Rơn và Kon-lokpok. Ban trưa, những căn nhà mới khóa cửa im ỉm. Những căn nhà sàn cũng vắng lặng. Hỏi một cụ già thu mình bên góc nhà sàn mới biết, do thiếu đất sản xuất, hầu hết dân làng đều quay về nơi ở cũ, tranh thủ những mảnh đất chưa ngập nước để canh tác.

Bây giờ trở lại, vẫn khung cảnh trống vắng ấy. Có khác chăng là sự hiện diện của lũ trẻ chơi đùa trên đường làng. Tuy nhiên, bây giờ, người dân tái định cư không còn tự ý phát rừng chiếm đất sản xuất, mà được chính quyền bố trí đất sản xuất hẳn hoi. Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện đã đứng ra khai hoang 32,76 ha đất tại Đak Chmun (xã Vĩnh Hảo) để bố trí đất sản xuất cho người dân tái định cư của 2 làng Kon-lokpok và Hà Rơn. Sau khi có đất, người dân còn được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hiện đã đi vào sản xuất mùa vụ đầu tiên trong năm 2010. “Tuy khu đất vừa khai hoang nằm khá xa so với nơi ở của người dân tái định cư (khoảng 40km), nhưng bà con vẫn chăm chỉ sản xuất để lo cái ăn, tích lũy vươn lên trong cuộc sống. Bây giờ, người dân không còn kiến nghị về tình trạng thiếu đất sản xuất như những năm trước đây”- ông Quang cho biết thêm.

 

Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lòng hồ Định Bình đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra hy vọng cho người dân Vĩnh Thạnh.

 

Không chỉ được bố trí đất canh tác, người dân vùng tái định cư còn được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ khác. Theo ông Đinh Phil, mấy năm gần đây, nhờ chính sách khuyến khích trồng rừng và giao khoán giữ rừng nên cuộc sống của người dân tái định cư có nhiều thay đổi, số hộ nghèo trong làng đã giảm đi nhiều. Năm 2009, cả làng Kon-lokpok có 35/74 hộ nghèo, đến nay còn 31 hộ. Ở làng Thạnh Quang, ngoài thời gian làm nương rẫy, người dân còn rủ nhau đi dọn keo cho các lâm trường, mỗi ngày được trả 80.000 đồng, góp phần cải thiện đời sống. Nhờ đó, đời sống của người dân làng “Bốn bếp” không còn chật vật, ăn bữa trưa, lo bữa tối nữa.

Một tín hiệu vui nữa cho người dân tái định cư là mô hình nuôi cá nước ngọt trên lòng hồ Định Bình đã thu được những kết quả khả quan. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, nhiều bè nuôi cá điêu hồng đã xuất bán có lãi, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo, khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và cá giống. Đây là hướng mở cho đời sống kinh tế của người dân tái định cư nói riêng, người dân Vĩnh Thạnh nói chung.

* Mong lắm dòng nước...

Có một thực trạng xảy ra khá lâu ở các làng tái định cư ở Vĩnh Thạnh là thiếu nước sạch. Từ những năm đầu tái định cư, nhiều hộ dân ở làng M6, M8 (Vĩnh Hòa), làng 1, làng 6 (Vĩnh Thuận), làng Kon-lokpok (thị trấn Vĩnh Thạnh) rất bức xúc vì hầu hết giếng nước đều bị nhiễm vôi khá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, các công trình nước sạch cho người dân vùng tái định cư chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tại làng Thạnh Quang, hồ chứa nước sạch đầu làng đã hơn hai năm qua không có nước. Đưa tay vặn vòi nước đã rỉ sét, ông Đinh Hiền bức xúc cho biết: “Hồ này dẫn nước từ Ri (Vĩnh Thịnh) về, mới xây xong dùng được mấy hôm đã không còn giọt nào”. Ở khu tái định cư Đồng Binh - Hà Nhe, để có nước sạch dùng, người dân phải đi lấy nước xa hơn cây số.

 

Gần 2 năm qua, công trình nước sạch ở làng Thạnh Quang đã không sử dụng được.

 

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, các khu tái định cư còn thiếu nước sản xuất. “Làng Thạnh Quang không đến nỗi thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới nên nhiều diện tích đất phải bỏ hoang hoặc chỉ sản xuất một vụ vào mùa mưa. Nếu được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, cung cấp nước tưới đầy đủ thì diện tích đất sản xuất sẽ được phát huy tối đa, mỗi năm có thể làm 3 vụ lúa” - ông Đinh Pơ, Trưởng làng Thạnh Quang cho hay.

Theo ông Đinh A Luôi, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa, hiện tại, các làng tái định cư ở Vĩnh Hòa vẫn còn thiếu đất sản xuất, bên cạnh đó nước sản xuất cũng chưa đảm bảo. Ngày mới thực hiện tái định cư, khu vực này được Nhà nước quan tâm cho xây dựng đập Hà Nhe, nhưng vẫn không đủ nước tưới cho diện tích đất sản xuất trên địa bàn xã. Do đó, năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, năm nào bất lợi thì thiếu ăn. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của đời sống kinh tế vùng tái định cư, huyện Vĩnh Thạnh cần quan tâm giải quyết vấn đề này.

* * *

Một ngày đi khắp các khu tái định cư ở Vĩnh Thạnh. Để nghe và thấy. Màu xanh của những luống đậu, hàng keo. Tiếng cá quẫy lồng giữa lòng hồ mênh mang. Và, tiếng lòng của những người dân di cư: Tiếc, tiếc lắm chứ! Nhưng phải di dời thôi. Phải đi để dòng nước Định Bình chảy đến nhiều nơi khác nữa. Đến nơi ở mới, mình vẫn gieo hạt lúa, trồng cây điều, xây dựng cuộc sống mới… 

  • Bá Phúc - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)
Đưa con trở lại “thiên đường”  (22/08/2010)
Trò chuyện với chiến sĩ chuyên truy bắt “kẻ bỏ trốn”  (22/08/2010)