|
Trung tá Hồ Thị Thúy |
Những năm qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh ta luôn được ổn định và giữ vững. Thành tích chung đó của lực lượng Công an tỉnh có một phần đóng góp công sức của những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an. Trong những “bông hoa” của lực lượng Công an, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10), chúng tôi đã có dịp chuyện trò với Trung tá Hồ Thị Thúy (SN 1966), Đội trưởng Đội Tham mưu- Tổng hợp, Phòng An ninh Kinh tế, Công an Bình Định, người đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và là “đầu tàu” của phong trào phụ nữ lực lượng An ninh.
* Chào chị! Tham gia lực lượng Công an nghĩa là sẽ phải chấp nhận những gian khó, hy sinh. Vậy vì sao chị chọn ngành Công an mà không phải là ngành nghề nào khác?
- Năm 1985, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định thi vào Trường Đại học An ninh nhân dân (bây giờ là Học viện An ninh- Bộ Công an). Sở dĩ tôi chọn ngành Công an là vì ngay từ ngày còn bé, tôi đã rất thích hình ảnh những người chiến sĩ Công an ngày đêm tuần tra bắt trộm, săn cướp, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân, trong đó có gia đình tôi. Tôi ước mơ sau này mình cũng sẽ làm được như vậy. Từ đó, tôi cố gắng chăm chỉ học tập và thật may mắn khi thi đỗ vào Trường Đại học An ninh.
Năm 1990, tôi ra trường và về công tác tại Phòng Tham mưu An ninh, Công an Bình Định, không liên quan gì đến việc bắt trộm, bắt cướp như suy nghĩ hồi trẻ của tôi, mà là công tác trên lĩnh vực an ninh quốc gia (ANQG). Hàng ngày, tôi cùng đồng đội thu thập thông tin về tình hình, kết quả hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ an ninh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, để tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh có quyết sách chỉ huy, chỉ đạo. Hai năm sau đó, tôi chuyển sang công tác tại Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế- văn hóa- tư tưởng. Tiếp đó, khi phòng này tách ra thành 2 đơn vị: An ninh kinh tế và An ninh văn hóa- tư tưởng, tôi công tác ở Phòng An ninh kinh tế cho đến nay. Từ năm 2007, nhiệm vụ của tôi là trinh sát địa bàn theo dõi mảng an ninh tài chính- tiền tệ. Cuối năm 2009, tôi chuyển sang công tác ở bộ phận Tham mưu- Tổng hợp của đơn vị.
|
Chị Thúy (người thứ 6, trái qua) nhận giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
|
* Nữ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an thường gặp những khó khăn về thời gian và điều kiện để chăm sóc, vun vén gia đình. Hẳn chị cũng gặp phải những khó khăn nhất định như vậy?
- Công tác ở lực lượng An ninh đòi hỏi phải có sự tập trung và đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí lực. Trong khi đó, tôi là một phụ nữ, nên bên cạnh công tác chuyên môn, còn phải thực hiện nhiệm vụ của người mẹ, người vợ, người con trong gia đình. Bởi vậy, tôi cũng không tránh khỏi có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, chiến đấu, tôi cũng như những nữ cán bộ chiến sĩ khác, luôn nhận được sự quan tâm động viên, khích lệ của lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo đơn vị cũng như những đồng nghiệp nam. Bản thân tôi cũng xác định là phải nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm tròn trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình.
Tôi lập gia đình sau 8 năm công tác. Chồng tôi hiện tại là giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Chúng tôi đã có 2 con gái sinh đôi, nay đang học lớp 5. Tôi may mắn và hạnh phúc có được ông xã luôn động viên tinh thần và hỗ trợ tôi hết mình. Anh ấy hiểu và thông cảm với công việc của tôi nên sẵn sàng chia sẻ, đảm nhận nhiều việc nhà như cho con ăn, dạy con học, kể cả đi chợ, nấu cơm… mỗi khi tôi trực chiến ở cơ quan. Người ta thường nói rằng: phụ nữ là hậu phương vững chãi của người đàn ông. Với tôi, ông xã lại là hậu phương vững chắc để tôi an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Công an.
|
Chị Thúy (người thứ 2, trái qua) nhận Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong công tác Hội Phụ nữ.
|
* Có lúc nào chị cảm thấy thực sự khó khăn khi thực hiện công việc chuyên môn và nghĩa vụ gia đình?
- Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất đối với tôi là từ năm 2005 đến năm 2007, khi đó chồng tôi đi học cao học ở Hà Nội. Ở nhà chỉ có mình tôi, vừa công tác chuyên môn và công tác đoàn thể ở cơ quan, vừa chăm 2 con, chăm cha già yếu, bệnh tật… Nói chung là khó khăn, vất vả lắm. Bận rộn nhiều, nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian nghiên cứu tài liệu, tham gia và đoạt giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh” do tỉnh tổ chức năm 2005. Đầu năm 2010, tôi được đề bạt Đội trưởng Tham mưu- Tổng hợp của đơn vị. Ở góc độ công tác Hội Phụ nữ, tôi tiếp tục hoàn thành tốt chức trách của một Chủ tịch Hội. Hội Phụ nữ lực lượng An ninh Công an tỉnh hiện có 29 hội viên, công tác ở 8 đơn vị, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau như trinh sát địa bàn, tham mưu tổng hợp, trinh sát kỹ thuật, quản lý xuất nhập cảnh… Tuy nhiên, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, chị em cũng cố gắng khẳng định mình, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tôi cũng đã vận động, khích lệ các chị em tham gia học các lớp nghiệp vụ hệ vừa làm vừa học; tranh thủ thời gian học thêm ngoại ngữ, tin học để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ.
5 năm qua, gần trăm lượt hội viên phụ nữ đã được các cấp biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác và tham gia hoạt động Hội (3 Bằng khen của Bộ Công an, 3 Bằng khen của Tỉnh ủy, 5 Bằng khen của UBND tỉnh). Trong công tác Hội, bản thân tôi luôn gương mẫu đi đầu, tham gia sôi nổi các phong trào do Hội phụ nữ cấp trên phát động và đã đạt những kết quả tích cực như: giải Nhất Hội thi “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” do Công an tỉnh tổ chức năm 2007; giải Nhất Hội thi “Làm theo di chúc Bác Hồ” do Ban Công tác thanh niên và Ban Công tác nữ tổ chức năm 2009… Có thể nói, phụ nữ lực lượng An ninh luôn nổi bật trong công tác chuyên môn, các hoạt động đoàn thể, các cuộc thi, diễn đàn, giao lưu văn hóa, thể thao…
|
Chị Thúy (giữa) và Đội Bóng chuyền nữ của lực lượng An ninh Công an tỉnh.
|
* Vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn, công tác Hội Phụ nữ, vừa làm tròn chức trách của người phụ nữ Việt Nam, chị có bí quyết gì chia sẻ với mọi người?
- Ở lĩnh vực nào cũng vậy, tôi nghĩ quan trọng nhất là phải biết sắp xếp thời gian sao cho hợp lý và khoa học. Về chuyên môn, bản thân mình phải tận tâm với nhiệm vụ, không nề hà, ngại khó khổ; phải xây dựng và bám sát vào chương trình công tác đề ra để thực hiện. Với công tác Hội, phải chủ động, sáng tạo và bám sát vào chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, để đề ra những hoạt động thiết thực, có hiệu quả, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao và khích lệ hội viên tham gia. Đồng thời, phải xung phong đi đầu để làm gương cho các chị em khác noi theo. Ví như các hội thi tìm hiểu, các diễn đàn… bản thân tôi luôn thực hiện nghiêm túc, tham gia đầy đủ và có chất lượng, đạt được nhiều giải thưởng; từ đó, động viên chị em khác cùng tham gia. Tôi nghĩ, có phong trào tốt, công tác chuyên môn sẽ tốt hơn, trôi chảy hơn.
|
Gia đình chị Thúy (ảnh chụp năm 2005).
|
Với gia đình, là mái ấm, cũng là nơi người phụ nữ phải thực hiện cho tròn thiên chức của mình, trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người con. Điều đáng mừng là chồng tôi luôn bên cạnh, chia sẻ những khó khăn của vợ và động viên tôi phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vui nhất các con tôi đều ngoan ngoãn, chăm lo học hành, biết vâng lời cha mẹ, ông bà. Có lẽ chính những điều đó đã góp phần giúp tôi an tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
* Cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này! Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10) xin chúc chị và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
|