Cổng trời đã mở
18:31', 17/10/ 2010 (GMT+7)

Chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ đến chuyện đi về xã vùng cao An Toàn (An Lão) vào giữa mùa mưa. Hơn 20 năm làm báo giữa đại ngàn, chúng tôi hiểu chỉ cần một cơn mưa nhỏ là đường đến An Toàn chìm trong lầy lội, muốn đi phải băng rừng mất vài ngày. Vậy mà ngay giữa mùa mưa này, chiếc ô tô Ford Everest bon bon 80km/giờ đến An Toàn chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ. Mốc lịch sử đó được tính vào ngày 16.10, ngày thông đường tuyến An Quang - An Toàn.

 

Lễ Khánh thành đường và điện, niềm vui ngàn đời của người dân An Toàn.

 

* Thênh thang đường lên An Toàn

“Chính tôi thi công con đường này nhưng bây giờ cũng chưa dám tin đường bê tông đã đến An Toàn, huống hồ các anh”- anh Thành (Công ty TNHH Trung Tín), người lái xe đưa chúng tôi đi, như đồng cảm, tiếp lời. Những người ngồi trong xe thỉnh thoảng lại bảo xe dừng lại để chụp ảnh, để ngắm cho thỏa sức đại ngàn mênh mông đang trải ra trước mắt. Những khu rừng nguyên sinh, những thác nước đổ từ trên cao xuống như cô gái Bana hồn nhiên buông dài mái tóc, và có lẽ là để cho thỏa cảm xúc đang dâng trào trước con đường ngoằn ngoèo vắt qua Cổng trời.

Trước kia, ai muốn đi An Toàn thì phải dỡ cơm, mang võng băng rừng đi mất vài ngày, tối cột võng ngủ trong rừng. Khi lâm trường An Sơn khai thác, trồng rừng ở đây thì mới có đường đất, nhưng chỉ đi được mùa khô, mùa mưa “nội bất xuất ngoại bất nhập” bởi đường trở thành suối, bị bứt ra từng khúc. Đường lên An Toàn phải qua những con dốc, con đèo mới nghe tên cũng đủ sợ: đèo Ba Ghế, Ba Lon, Cổng Trời 1, Cổng Trời 2… Người làng giải thích, dốc Ba Lon là ăn ba lon gạo mới đủ sức vượt qua nó, còn Cổng Trời (MangYàng) luôn ngạo nghễ thách thức sức người. Chuyện kể, ngày xưa chỉ có chàng cóc mới đi lên tới trời.

Nhưng đó là chuyện xưa, còn hôm nay, xe ô tô lao vun vút trong mây, vượt qua Cổng Trời, bon bon qua đèo Ba Lon như đi giữa đồng bằng. Anh Bùi Văn Hoang, một người dân địa phương cùng chạy trên một chiếc xe máy, cười tít mắt: “Trước kia đi xe máy có khi mất một ngày, hết một bình đầy xăng, nay chỉ cần một lít là tới nơi rồi. Sướng lắm!”.

Cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm phủ trong sương mù, xã An Toàn được cho là vùng đất cao nhất và xa nhất của tỉnh. Tổng diện tích tự nhiên của huyện An Lão là hơn 26.000ha thì xã An Toàn đã chiếm hơn một nửa. Đất đai màu mỡ, nuôi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cỏ, chim thú. Vậy mà theo lời kể của ông Đinh Công Niên, Chủ tịch UBND xã An Toàn, có một thời người dân nơi đây đói khổ và nhiều người chết bởi bệnh tật, thiếu thuốc men, tin vào cúng bái. Người dân sống theo phong tục, bởi có khi hơn 6 tháng chưa thấy người nào ngoài làng đến. Thế nên mới có chuyện, ngày chiếc xe cạp đến cạp núi làm đường, một bà cụ nhìn thấy đã hoảng hốt và kể: “Tao đã thấy một con “ác quỷ” có sức mạnh khủng khiếp, chỉ có một bàn tay mà hốt cả một tảng đá to quăng ra đường”. Bà về nhà lập bàn cúng, xua đuổi tà ma. Người nhà biết chuyện, giải thích nhưng bà cụ vẫn không tin bởi bà nói, hàng ngày, từ chỗ con “ác quỷ” đó còn phát ra những tiếng nổ long trời, hất tung những tảng đá núi. Mãi cho đến khi tận mắt nhìn thấy những công nhân ngày đêm nổ đá mở đường, bà cụ mới tin con “ác quỷ” đó chính do bàn tay con người điều khiển.

Vài năm nay, những con đường đến An Quang, An Nghĩa và bây giờ là An Toàn được hình thành, đánh thức những “nàng tiên” đang ẩn mình trong đại ngàn. Trong buổi lễ thông đường tuyến từ An Quang đến An Toàn, con đường rợp cờ hoa và những bộ áo hoa sặc sỡ của người Kinh, người Bana, Hrê - vốn chỉ được mang ra mặc vào những ngày quan trọng nhất. Đâu đó giữa núi rừng vọng tiếng cồng chiêng trầm hùng, đánh dấu một mốc son: sức người đã chinh phục được những ngọn đèo cheo leo, để từ đây, có một con đường bê tông phẳng lì dài 31km quấn quanh những ngọn núi được hình thành.

Trời vừa ngả về chiều, sương mù giăng ngang tầm mắt rồi phủ xuống làng. Song trai gái vẫn còn nắm tay nhau múa hát quanh những ché rượu cần mừng ngày hội của làng, cho đến khi hoàng hôn lắng xuống và ánh điện quốc gia bừng lên…

 

Cổng trời mở, mở ra cơ hội phát triển cho vùng cao An Toàn.

 

* Bừng sáng trong mây

Trước đó, đúng 16 giờ 15 phút ngày 15.10, trạm trung thế lưới điện quốc gia tại xã An Nghĩa được đóng điện. Tiếp theo, lúc 17 giờ 15 phút, trạm biến áp tại xã An Toàn hòa lưới điện quốc gia. An Toàn bừng sáng trong những đám mây giữa đại ngàn. Những trụ điện như đứng xếp hàng nắm tay qua những con đèo rồi lượn xuống những con suối róc rách. Nương theo con đường, dòng điện đem ánh sáng đến cho vùng cao, nơi mà người dân lâu nay vẫn nghĩ rằng, giữa rừng núi làm gì có xe lớn, có điện mà mong.

Những năm gần đây, các làng ở xã An Toàn được Nhà nước trang bị máy phát điện diezen, sử dụng từ 18 giờ đến 21 giờ là tắt. Đã trở thành thói quen, cứ tắt điện là mọi người đi ngủ, thi thoảng chỉ vài nhà hứng thú thì trò chuyện khuya hơn bên bếp lửa bập bùng. Đêm nay, họ cũng xem tivi, uống rượu cần, nhưng uống mãi, men rượu cần chếnh choáng mà sao điện vẫn chưa tắt. Rồi họ vỡ òa, ừ, điện quốc gia sẽ không tắt. Họ lấy thêm ché rượu cần, rồi thêm ché nữa… “Vênh ét min mân trô nga” (tiếng Bana) - hãy uống, hãy vui đến sáng. Anh thanh niên làng như muốn chúng tôi cảm nhận hết niềm vui của bà con nên kéo chúng tôi đi khắp làng. Đồng hồ đã chỉ 3 giờ sáng nhưng các làng ở An Toàn như không có đêm, nhà nào cũng tụm năm tụm bảy quanh ché rượu cần hoặc say sưa xem hết chương trình ti vi này đến chương trình khác như chưa bao giờ được xem. Cạn nước, rượu nhạt thì sang nhà khác cõng về mà uống. Đêm, khách ở nhà ông Bí thư xã Đinh Văn Lớ cũng không sao ngủ được.

Những câu chuyện kéo dài quanh ché rượu chủ yếu là chuyện thán phục sức người, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chuyện làm ăn trong tương lai. Rồi đây, hàng hóa sẽ được lưu thông, con gà, con heo nuôi lớn sẽ có người đến mua, quán xá sẽ mở ra, những thác nước hoang sơ đẹp đến say lòng sẽ có du khách tìm đến… Điện về còn mang theo ánh sáng văn hóa, văn minh mà người dân An Toàn lâu nay ít được hưởng thụ. Họ nhen nhóm trong lòng một niềm tin vào ngày mai, vùng đất có khí hậu ôn hòa này sẽ “thay da đổi thịt” khi nguồn lâm sản vô cùng phong phú và giá trị ở đây như: trầm hương, rùa vàng, mật ong, nấm linh chi, mây, đót, gỗ… được khai thác và sử dụng hợp lý.

Ngày làm lễ thông đường, nhiều người đã bao đời sống ở An Lão nhưng chỉ nghe đến An Toàn chứ chưa bao giờ đặt chân đến, hôm nay mới “tận mục sở thị”, không khỏi say sưa với cảnh vật và khí hậu nơi này, cứ tấm tắc: “Ở đây đẹp quá, mát quá! Vậy mà lâu nay cứ nghe An Toàn là sợ”.

 

Trẻ con Bana đón mừng làng có điện.

 

* Cổng trời đã mở

Phát biểu tại lễ thông đường tuyến An Quang - An Toàn và khánh thành lưới điện REII tại xã An Toàn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, xúc động: “Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển sau hàng chục năm phôi thai, hình thành ý tưởng và những cố gắng vượt bậc, để giờ đây chúng ta có thể triển khai được nhiều quyết sách mới giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tiếp ước mơ bao đời nay: ấm no - hạnh phúc”.

Cổng trời đã mở nơi vùng đất màu mỡ chưa được đánh thức. Ngày thông đường, già làng Đinh Văn Tĩnh đã khóc trong niềm vui khôn xiết. Cũng trong ngày ấy, anh Nguyễn Xuân Hùng ở An Hòa đã sắm ngay một chuyến xe hàng “khai sơn”, đưa hàng hóa đến tận nhà người dân ở An Toàn. Rồi đây, những chuyến xe hàng lớn hơn sẽ lăn bánh đến tận các làng vùng cao của An Lão.

Chia tay với An Toàn trong tiếng cồng chiêng âm vang giữa núi rừng, những cánh tay vẫy chào lưu luyến, nhìn ánh mắt hiền hòa chất phác của người dân Bana, chúng tôi đọc được niềm vui và cả những lời nhắn nhủ của họ. Như già làng Đinh Văn Tĩnh đã nói: “Dân làng mình vui lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã cho mình cái đường, cái điện. Dân làng mình vẫn còn cần Đảng, Nhà nước chỉ cho mình cách làm ăn để có cái ăn, cái để như người miền xuôi”. Mà không chỉ người dân nơi đây, có lẽ ai cũng mong sớm đưa An Toàn trở thành một vùng đất trù phú tương xứng với tiềm năng vốn có.

  • Trường Đăng - Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)
Bác sĩ cộng đồng - vừa khó, vừa khổ!  (28/08/2010)