Cộng tác viên văn hóa Lê Duy Thiện:
“Trẻ mãi không mòn”
20:53', 23/10/ 2010 (GMT+7)

Chặng đường dài của phong trào văn nghệ quần chúng huyện Hoài Nhơn từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay có dấu ấn sáng tạo và đóng góp của một cộng tác viên địa phương giàu tâm huyết: ông Lê Duy Thiện. Ông Thiện đã 70 tuổi. Nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi là ông chưa có dấu hiệu cạn nguồn sáng tạo, chưa hao mòn nhiệt huyết và đặc biệt tâm hồn ông rất trẻ… Tôi chợt liên tưởng đến một cách nói vui về những người như ông - “Trẻ mãi không mòn”!

* Làm văn hóa với trách nhiệm công dân

Lê Duy Thiện là một người làm văn hóa đa năng. Ông sáng tác nhạc, phổ nhạc; viết, dàn dựng tiểu phẩm, nhạc cảnh; viết lời phi lộ cho các tiết mục, chương trình… Và ông làm tất cả với sự cẩn trọng, hết mình và sáng tạo. Một cán bộ văn hóa của thị trấn Bồng Sơn kể với tôi về những lần ông hướng dẫn tập kịch cho đơn vị họ, một cảnh mà tập đi tập lại từ sáng đến quá trưa, anh em diễn viên vốn hiểu tính “bầu Thiện” nên chẳng ai cáu hay than vãn nửa lời, bởi họ nhận thức được sau sự luyện tập cần mẫn, hóa thân tròn vai trong văn nghệ là chất lượng nghệ thuật cao.

 

Âm nhạc là niềm đam mê của ông Thiện và con trai Lê Duy Sang - Giáo viên dạy nhạc ở Trường tiểu học Bồng Sơn.

 

- Nhiều năm qua, ông được ghi nhận là cộng tác viên đắc lực của phong trào văn nghệ quần chúng huyện Hoài Nhơn, không dễ dàng gì để nhận được điều này?

- Tôi trưởng thành từ văn nghệ học đường; hai năm đệ tam và đệ nhị, tôi là trưởng khối văn nghệ báo chí của trường trung học Tăng Bạt Hổ. Từ lúc ấy, tôi đã tự thấy mình là người yêu lời ca tiếng hát, nhạy cảm và cả đa cảm với đời sống. Học hết cấp 3, tôi trốn chạy chiến tranh, phiêu bạt vào miền Nam, làm nhiều nghề để kiếm sống. Thời gian đó, tôi có theo học đàn, thanh nhạc ở Sài Gòn (là bạn học nhạc cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - NV), được học nhạc khá bài bản, nên sau này làm việc cũng thuận lợi hơn.

Làm văn hóa văn nghệ quần chúng là được làm công việc mình yêu thích, được thể hiện năng khiếu của mình. Tôi tự hào được đóng góp, cống hiến chút tài mọn cho địa phương. Có thể nói cảm xúc cống hiến là dòng máu nóng, trái tim trẻ để tôi sống hết mình với văn nghệ phong trào. Thông qua văn hóa văn nghệ cách mạng, tôi thấm nhuần được trách nhiệm công dân…

Nhiều người trong ngành nhận xét, tác phẩm của bầu Thiện không có tính một chiều đơn thuần, không có những câu chuyện, vở kịch mà cao trào, mâu thuẫn được giải quyết gượng ép, dễ dãi, khiến người xem chặc lưỡi “ôi dào, ba cái kịch phong trào mì ăn liền!”. Mỗi tác phẩm dù nhỏ, ngắn đến đâu, vẫn được ông đầu tư, trau chuốt nghiêm túc.

Nhắc đến Lê Duy Thiện, người ta nghĩ ngay đến một đạo diễn chuyên dàn dựng những ca cảnh, nhạc kịch trên nền một bài hát cụ thể hay liên khúc. Ông còn nhớ nhạc cảnh đầu tiên mình đã dàn dựng chứ?

- Tôi nhớ như in! Khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do”, được dạy trên sóng đài phát thanh phổ biến đến toàn dân. Sáng hôm đó, xúc động sau khi nghe ca khúc đó, anh Hoàng Thế Long (nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoài Nhơn) đến bảo tôi: “Thiện cùng anh em dựng nhạc cảnh này, kêu gọi nhân dân bảo vệ biên cương, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, nghe!”. Dựa trên nền bài hát, tôi dựng ca cảnh bắt đầu với tiếng súng nổ “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và đoàn người nối dài, người đi trước dùng loa gọi người đi sau, “gọi toàn dân ta tiến vào cuộc chiến đấu mới”, cứ thế trên sân khấu trai gái trẻ già nối nhau…

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và NSƯT Nguyễn Văn Khánh (cha của NSND Trà Giang) lúc ấy đi sáng tác từ Bắc vào, ghé thăm anh em văn hóa Nghĩa Bình. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đứng lặng im xem chúng tôi diễn, xong chạy lên sân khấu ôm chầm mọi người, vừa khóc vừa nói: “Các anh em ở đây đi trước cả nước rồi”. Anh Hoàng Thế Long dắt tôi ra giới thiệu với 2 vị khách ấy, lúc ấy tôi còn trẻ, những anh văn công tỉnh lẻ, thôn xóm như chúng tôi mà được nghệ sĩ trung ương khen, động viên như thế là tiếp thêm sức mạnh nhiều lắm đấy.

* “Văn nghệ quần chúng là văn nghệ của nhân dân”

- Gắn bó với văn nghệ quần chúng qua nhiều giai đoạn xây dựng, phát triển của đất nước, bối cảnh và điều kiện xã hội cũng có nhiều đổi thay, quan điểm của ông về văn nghệ quần chúng có thay đổi không?

Tôi cho rằng, văn nghệ quần chúng trong bất cứ thời điểm nào cũng phải là nền văn nghệ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động. Điều quan trọng nhất, ý nghĩa đích thực của văn nghệ quần chúng là sự tham gia đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân. Người lao động phải được dự phần vào cuộc vui trên sân khấu, sáng tác kịch, làm diễn viên, ca sĩ, thể hiện tâm tư, nói lên tiếng nói của mình. Văn nghệ quần chúng có câu “hát hay không bằng hay hát…”, cái hấp dẫn của loại hình văn nghệ này trước tiên là ở tinh thần yêu văn nghệ, ở không khí bình dân, cởi mở, mộc mạc của nó; sau đó mới đến cái hay, giá trị nghệ thuật. Đừng nghĩ văn nghệ quần chúng thiếu hoặc kém giá trị nghệ thuật. Nghĩ như thế là sai lầm, mỗi loại hình có thước đo riêng. Không ai lấy “thước hàn lâm” để “đo” văn nghệ quần chúng và ngược lại. Phải dùng đúng thước đo thì mới nhận ra chân giá trị nghệ thuật đích thực.

 

Lê Duy Thiện: Niềm vui với văn nghệ quần chúng trong gia đình tôi sẽ còn nối dài...

 

Công tác văn nghệ quần chúng mỗi thời kỳ có một đặc điểm khác nhau. Văn nghệ quần chúng ngày nay có nhiều điều kiện để phát triển hơn, được đầu tư, hiện đại hơn… nhưng sự nhiệt huyết, khí thế thì có lẽ không bằng ngày trước. Điều tôi trăn trở nhất khi nghĩ về văn nghệ quần chúng ngày nay là tình trạng vay mượn hạt nhân văn nghệ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, ban ngành… Thử hỏi khi vay mượn con người, một nghệ sĩ chạy sô, họ không phải là con người của đơn vị đó, địa phương đó, không đại diện cho tiếng nói của bộ phận lao động đó thì sự không am hiểu, tình cảm không gắn bó là điều dễ hiểu. Tôi thấy văn nghệ quần chúng ngày nay cũng nhiễm “bệnh thành tích” rồi (cười).

- Để văn nghệ quần chúng là văn nghệ của nhân dân lao động, để phát triển phong trào, phải thường xuyên tổ chức các sân chơi văn hóa - văn nghệ ở cơ sở?

Đúng vậy. Đó sẽ là nơi để người làm công tác văn hóa phát hiện nhân tố mới, từ đó gầy dựng phong trào. Đồng thời phải chịu khó, đi nhiều, quan sát kỹ, phát hiện người có năng khiếu và không nề hà giúp đỡ, động viên họ phát triển.

Bây giờ, kinh tế khá hơn, để chào mừng một sự kiện của địa phương, xã, thôn thường bỏ tiền ra mời một đoàn hát về biểu diễn cho nhanh, chuyên nghiệp mà chất lượng nghệ thuật cao hơn. Chính suy nghĩ ấy đã “giết” văn nghệ quần chúng, thui chột trí sáng tạo, tâm hồn nghệ sĩ của người lao động khiến họ bị động và ngày càng lười tham gia phong trào.

Sản phẩm tinh thần mà người lao động tự làm ra, chương trình, tiết mục văn nghệ do họ tự biên tự diễn, đồng thời họ là người thưởng thức, phẩm bình thì sự quý trọng, đầu tư công sức, phát huy phong trào sẽ càng lớn, nhất là khi có sự ghi nhận, khích lệ của lãnh đạo địa phương.

* “Không mòn” với tình ca

Trong ngôi nhà đơn sơ quá đỗi ở khối 1, thị trấn Bồng Sơn, với cây đàn guitar đã cũ và chất giọng nhuốm khàn đục của tuổi tác, ông ca bài “Nhớ quê” - một trong những sáng tác mà ông tâm đắc: “Nhớ sao là nhớ những chiều xưa, nhìn thủy triều đưa chuyến xe qua, ai về bên này thương bên đó, khúc hát lưng đèo Bình Đê xa. Nhớ sao là nhớ, cá bống kho tiêu nồi cơm nóng, con cò cánh lả gió tàn đông…”. Tôi cảm nhận được ông đang giới thiệu, ngợi ca về quê hương mình, vừa nồng nhiệt vừa sâu sắc, từ tốn.

CTV văn hóa Lê Duy Thiện:

“Tôi nhận thấy công tác sáng tác chưa được chú trọng đúng mức trong khi phong trào sáng tác ở Hoài Nhơn có tiềm năng, đây cũng là cốt lõi của việc nuôi dưỡng văn nghệ địa phương một cách lâu bền mà không phải đi thuê mượn cả kịch bản lẫn con người”.

- Nhiều người giới thiệu ông là nhạc sĩ của hàng chục ca khúc và mỗi ca khúc là một bản tình ca, chúng  có vẻ đẹp mềm mại, đầy chất thơ?

Tôi có cả trăm ca khúc cất trong tráp gỗ này đây, từ những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước (Nhớ quê, Bồng Sơn – khúc hát quê mình…), về người Mẹ (Dòng sông của mẹ, Nhớ mùa Vu Lan…), và cả những tình ca lãng mạn (Nơi em chẳng hẹn, Lối em qua, Hàng cây thắp nến, Mưa bụi Bồng Sơn…). Càng có tuổi, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, tôi lại có thời gian cho mình viết lách.

Chiều chiều, tôi dạy guitar, thanh nhạc, tập hát cho các cháu nhỏ gần nhà. Mơ ước lớn nhất của tôi là Bồng Sơn, Hoài Nhơn có một câu lạc bộ sáng tác để tập hợp, phổ biến các sáng tác văn nghệ (thơ, nhạc, kịch…) và một đội văn công có tấm lòng văn nghệ thật “trẻ” để thể hiện những sáng tác đó.

-  Ông có thể đưa ra một nhận xét về quãng đời làm văn nghệ phong trào của chính mình?

  Tôi được rất nhiều thứ, được sống một cuộc đời hữu ích, sôi nổi cùng niềm đam mê của mình. Con trai, con gái, con dâu tôi đều có năng khiếu văn nghệ, là hạt nhân văn nghệ của huyện, rời cánh gà sân khấu, tôi trở thành “cố vấn” cho các con, niềm vui với văn nghệ quần chúng trong gia đình tôi sau tôi sẽ không đứt mà còn nối dài. Còn nữa, (chỉ tay về Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ quần chúng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng đầu năm 2010), cả đời tôi làm anh văn công cấp thị trấn, tác phẩm chỉ phổ biến nơi thôn dã nhưng Trung ương ngành đã ghi nhận sự đóng góp của tôi, quả này chẳng phải ngọt ngào lắm sao!  

  • Sao Ly (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)
Nước cơm… ký sự  (29/08/2010)