Tản mạn trước thềm Đại hội…
20:34', 24/10/ 2010 (GMT+7)

Mới đấy mà đã 5 năm, thời gian “bóng câu qua cửa sổ”. Thật không dễ kể bằng lời tất thảy những gì đã đi qua, những gì đã ở lại trong ta khoảng thời gian ấy. Như lẽ thường tiếp nối một nhiệm kỳ, ở đấy luôn đầy đặn có ký ức, có tương lai; có yêu thương và có cả điều suy tư, trăn trở…

 

Trong những ngày sắp diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, TP Quy Nhơn rợp trời cờ, hoa, biểu ngữ chào mừng. Ảnh: Văn Lưu

 

1. Bình Định bây giờ đang là mùa mưa. Trên công trường xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội (KKT) những ngày hửng nắng, vẫn một không khí hối hả chạy đua với thời gian đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông… để tiếp tục đón các nhà đầu tư (NĐT). Trong bức tranh sinh động của nền công nghiệp tỉnh, phải kể đến những bước chuyển động mạnh từ KKT Nhơn Hội - đây được coi là một điểm nhấn, điểm đột phá phát triển của Bình Định trong những năm gần đây. Đến nay, khu kinh tế này đã có 32 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 32.402,1 tỉ đồng, trong đó có 7 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD…

Chung quanh tiến trình phát triển của KKT Nhơn Hội không ít lời khen chê, thậm chí phê phán gay gắt. Nhưng nói cho cùng, đó là sự sốt ruột xuất phát từ tình cảm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, đồng chí. Bình tâm một chút, ta có thể thấy, nếu tính từ ngày chính thức động thổ khởi công xây dựng KKT đến nay cũng chỉ mới một nhiệm kỳ hay ít hơn. Trong khoảng thời gian chưa thể gọi là đủ nhiều để làm nên dáng, nên hình một trọng điểm kinh tế. Hơn thế, đặt trong bối cảnh là người đi sau chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ nhiều khu kinh tế khổng lồ như Dung Quất, Chu Lai. Rồi nữa, cơn bão khủng hoảng tài chính; suy thoái kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn…

Nhận trách nhiệm nặng nề mà vinh quang trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, nhiều lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các đồng chí ở Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các ban, ngành liên quan đôn đáo trong Nam ngoài Bắc, bôn ba nước ngoài để tổ chức các hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, của KKT Nhơn Hội; xúc tiến đầu tư (XTĐT), mời gọi các NĐT. Và cũng chẳng có bút mực nào viết được hết độ mặn của những giọt mồ hôi người thợ đang lao động quần quật trên công trường Nhơn Hội. Để giờ đây đã thu hút được sự chú ý của các NĐT, ít nhất cũng đã có những công trình tương đối đồ sộ. Xin được nhắc lại: cầu nối TP Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, dài hơn 7 km, trong đó có đoạn vượt biển dài 2,5km (trở thành cây cầu dài vượt biển đầu tiên của nước ta) đi xe chỉ năm, mười phút mà trước đây người dân muốn vào thành phố cách trở đò giang, quẩy bộ hơn nửa ngày đường. Trong KKT, các phân khu chức năng A,B,C; khu phi thuế quan cũng đang lộ dần hình hài. Để thấy rằng, những gì đã có hôm nay trên KKT Nhơn Hội là kết quả của sự nỗ lực vỡ vạc buổi đầu là rất đáng mừng, rất đáng được nghiêng về điểm cộng.

2. “Năm năm có bấy nhiêu ngày”. Quên sao được những thời điểm, nền kinh tế tỉnh nhà phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn. Chính trong “hoàn cảnh điển hình” đó, cũng là lúc phương châm “linh hoạt trong môi trường linh hoạt” được vận dụng, thể hiện rõ bản lĩnh trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh là: tập trung quyết liệt đầu tư phát triển những huyết mạch giao thông và tạo bước tiến vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với nâng cấp tuyến đường ven biển dài 103 km Hoài Nhơn - Quy Nhơn, là dự án xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh dài trên 120 km, đi qua nhiều xã thuộc các huyện trung du - miền núi. Đến nay, công trình này đã thi công được khoảng 60% khối lượng toàn tuyến. Rồi Chương trình giao thông nông thôn, nhất là với giao thông miền núi được tiếp tục đầu tư. Nhờ đó đến nay, hầu hết các xã miền núi đều đã có điện lưới quốc gia, đường bê-tông đến tận trung tâm xã, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa như Canh Liên (Vân Canh), An Toàn (An Lão) trước đây muốn đến được những nơi này, phải đi bộ hàng ngày đường và vượt qua những “cổng trời”…

Sân bay Phù Cát, ngoài đường bay TP Hồ Chí Minh, 10 chuyến/tuần, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để VietnamAirlines nối thêm đường bay thẳng Hà Nội, với tần suất 6 chuyến/tuần (và sẽ là 7 chuyến/tuần sang năm 2011). Bản đồ giao thông Bình Định hiện thời trở nên hoàn thiện hơn với sự kết nối giữa các vùng nội tỉnh, giữa tỉnh với những khu vực lớn. Giúp Bình Định gần hơn với Trung ương, gần hơn với các trung tâm kinh tế lớn…

Nông nghiệp của tỉnh liên tục được mùa; sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt khoảng 128.500 tấn (tăng 21.500 tấn so với năm 2005). Cơ cấu kinh tế của ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng giá trị chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Cơ giới hóa trong sản xuất tiếp tục phát triển. Cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, chợ…) tiếp tục được đầu tư xây dựng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân nhiều vùng được cải thiện đáng kể. Đây là những yếu tố có vai trò, ảnh hưởng tích cực đến lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế của tỉnh trong quá trình phát triển, nhất là trong những thời điểm khó khăn vừa qua…

 

Cùng với việc nâng cấp tuyến đường ven biển dài 103 km, là dự án xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh dài 120 km, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân và các địa phương trong tỉnh. - Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan tuyến đường Nhơn Hội - Tam Quan. Ảnh: Văn Lưu

 

3. Những ngày này, TP Quy Nhơn rộn ràng một không khí lễ hội; rợp trời cờ, hoa, biểu ngữ chào mừng Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh. Quy Nhơn hôm nay đã có đường nét của một đô thị hiện đại với những khu dân cư mới khang trang, nhiều nhà cao tầng, nhiều đường phố mới rộng, dài… Sức lực, trí tuệ và sự đồng thuận “ý đảng lòng dân” đã và đang làm cho thành phố biển này ngày một đổi thay, bề thế, vạm vỡ hơn. Tuy nhiên, để Quy Nhơn thực sự là đô thị loại I tương ứng với chất lượng sống của người dân, TP còn nhiều việc phải làm. Khi vẫn còn đó những phố nhỏ, ngõ nhỏ quanh năm nắng bụi, mưa lầy; khi sự đào bới của công trình thoát nước thành phố diễn ra quá ì ạch, ảnh hưởng nặng nề đến làm ăn, sinh hoạt thường nhật của người dân. Biết cải tạo, xây dựng thì phải đào xới, bề bộn nhưng cái cung cách làm ăn được chăng hay chớ, khiến dân chịu hết nổi. Nhưng rồi với dân, những điều đó cũng chỉ là nhất thời, chưa hẳn bức xúc trước những vấn đề lớn mà mọi người đều quan tâm như cuộc chiến chống tham nhũng kết quả còn hạn chế; kỷ cương phép nước còn bị vi phạm. Khi mà đó đây, những tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai thuộc thành phố, thuộc tỉnh chưa được xử lý đúng mức, đúng tội; còn những vụ việc nghiêm trọng không được giải quyết trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật...

4. Phải thừa nhận rằng, bước đột phá của Bình Định có phần hơi chậm. Phải chăng, một trong nhiều nguyên nhân, là công tác cán bộ của tỉnh chưa có sự đột phá? Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức là gốc của người cán bộ. Và ta cũng thường nôm na, “cán bộ nào phong trào đó”. Con người Bình Định có tính cách riêng, đầy tài năng, trí tuệ; không ít người đi xa đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Làm sao khơi dậy, phát huy được những thế mạnh, năng lực tiềm tàng của người Bình Định nói chung, của đội ngũ cán bộ vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước? Trước hết vẫn là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của những người lãnh đạo. Mới đây, trong một dịp làm việc với chúng tôi, anh Vũ Hoàng Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tâm tình: Một trong những điều mà lãnh đạo tỉnh trăn trở nhất là công tác cán bộ. Có đường hướng đúng, có nền tảng đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực cao nhưng không có cán bộ đủ sức thạo việc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đề ra thì rõ ràng hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Nhận thức rõ điều đó nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, trên nguyên tắc phát huy dân chủ, khách quan, công tâm trong đánh giá năng lực cán bộ, Tỉnh ủy đã thực hiện việc bố trí cán bộ vào các vị trí công tác một cách khá hợp lý, phát huy được năng lực, sở trường của phần lớn đội ngũ. Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện luân chuyển cán bộ; nhiều người trong số đó đã trưởng thành, đủ “độ chín” đảm nhiệm vị trí công tác cao hơn.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa tạo được bước đột phá trong vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tình trạng “tuần tự tiến” vẫn tồn tại cứng nhắc. Có nơi, có cấp còn hiện tượng “lãng phí”người tài, cán bộ giỏi. Trong công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn bị động; việc quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều nơi thực hiện thiếu chặt chẽ, chất lượng chưa cao; đội ngũ cán bộ kế cận ở nhiều ngành, địa phương còn mỏng, bị hẫng hụt, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Chính vì vậy công tác cán bộ được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ mới.

Với Bình Định, vượt qua được những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế, trong công tác cán bộ, quả thật là một bài toán hóc búa. Đó cũng là một thách đố tình cảm, trí tuệ, ý chí và trách nhiệm của những đại biểu ưu tú dự Đại hội tỉnh lần này và rộng hơn là thách đố tất cả cán bộ, đảng viên, toàn đảng bộ đối với nhân dân Bình Định, đối với niềm tin yêu của đồng bào, đồng chí cả nước.

Bình Định - một nhiệm kỳ mới bắt đầu, một trang mới mở ra, hứa hẹn ! 

  • Mai Trung

(Báo Nhân Dân)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Trẻ mãi không mòn”  (23/10/2010)
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)
“Tháo gông” cho làng nghề  (05/09/2010)
Người dẫn Cảng Quy Nhơn vươn ra biển xa   (04/09/2010)