* Bút ký của Bá Phúc - Văn Trang
Xưa, Định Bình chỉ là cái tên của một thôn nhỏ của xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh. Thế rồi, dự án chặn dòng sông Côn, xây dựng hồ thủy lợi Định Bình thành hiện thực. Kể từ đó, khi nhắc tới Định Bình, mặc nhiên người ta lại nghĩ ngay đến một công trình thủy lợi hiện đại bậc nhất hiện nay của tỉnh.
|
Sau thời gian xả nước, cổng đập hồ Định Bình vừa mới đóng lại, người dân lại tập trung đến chân đập bủa lưới bắt cá.
|
* Mở ra cơ hội
Còn nhớ, một ngày đầu tháng 6.2005, đất Vĩnh Thạnh rộn ràng, náo nức với lễ chặn dòng, bắt đầu ngăn con sông Côn để xây hồ chứa nước Định Bình. Không náo nức sao được, khi đó là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh ta, mang trong mình nhiều trọng trách lớn lao. Khi hoàn thành, toàn bộ công trình có thể cấp nước cho trên 34.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp không chỉ của riêng Vĩnh Thạnh, đồng thời có thể giảm nhẹ lũ chính vụ cho một số khu vực rộng lớn của tỉnh ta và khu vực lân cận. Một chương mới cho nhân dân Vĩnh Thạnh mở ra gắn liền với hồ nhân tạo này. Bởi vậy, lễ chặn dòng sông Côn, xây hồ Định Bình xứng đáng được coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh ta trong năm 2005.
Thêm một cột mốc đáng nhớ nữa của đất Định Bình, ngày 30.5.2008, sau 4 năm thi công, Công ty CP Thủy điện Định Bình đã tổ chức Lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Thủy điện Định Bình - hợp phần của công trình đầu mối hồ Định Bình trên sông Côn. Nhà máy không chỉ góp phần bổ sung nguồn điện phục vụ yêu cầu phát triển KTXH nói chung mà còn tác động tích cực cho sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Thạnh. Ngoài mục đích phát điện, nguồn nước của nhà máy thủy điện Định Bình còn được tận dụng để phục vụ tưới cho một số diện tích lúa chân cao thiếu nước trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nói rất hào hứng: “Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở một số làng thuộc các xã vùng cao của huyện, như Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh lâu nay còn khó khăn, vất vả do còn nhiều diện tích đất sản xuất bị thiếu nước, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa gieo khô. Từ khi có hồ Định Bình đã phục vụ nước tưới cho số lượng lớn diện tích cây trồng cho các huyện hạ lưu và địa bàn huyện. Ngoài thủy lợi, các nhà máy thủy điện hình thành, cung cấp lượng điện năng đáng kể. Từ khi có hồ, huyện cũng có dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ nước sinh hoạt cho thị trấn Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp… nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt lâu nay, do giếng nước đa số bị nhiễm vôi”.
|
Mô hình nuôi cá điêu hồng trên lòng hồ Định Bình đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra hy vọng cho người dân Vĩnh Thạnh.
|
* Tặng vật của nước
Cũng những ngày này cách đây 2 năm, chúng tôi có dịp đi lại con đường bê tông men theo bờ hồ Định Bình và được tận mắt chứng kiến một cảnh náo nhiệt ngay dưới chân đập ngăn nước. Đó là thời điểm sau thời gian xả nước, cổng đập vừa mới đóng. Dễ hơn trăm người, kẻ bơi xuồng, người bủa lưới bắt cá. Cơ man nào là cá, có những con cá mè to gấp hai ba bàn tay người lớn. Người chuyên nghiệp mỗi ngày bắt cả trăm ký. Người tay ngang thì cũng tóm được vài chục ký.
Cách chân đập chừng năm cây số là bến Đá. Ở đó có những ngư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Đặc biệt, vào mùa mưa nước lớn, cá nhiều, có đêm họ bắt được vài chục ký, kiếm được mấy trăm ngàn. Có người bảo, đó là lộc trời cho đất Định Bình này.
Lần này trở lại, dọc hồ Định Bình lại xuất hiện một hình ảnh mới. Đó là những bè cá điêu hồng đã được phép thả nuôi từ một năm qua trên lòng hồ, cách đập ngăn nước chừng vài trăm mét. Ông Nguyễn Cao Kỳ, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, thuộc diện hộ nghèo, được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh chọn làm mô hình nuôi cá điêu hồng thử nghiệm trong bè. Cùng với 7 hộ nghèo khác, ông Kỳ được hỗ trợ từ lồng nuôi, con giống đến thức ăn. Hiện nay ông Kỳ đang nuôi 2.800 cá điêu hồng được 3 tháng tuổi.
Ở gần nhà ông Kỳ, song không thuộc diện hộ nghèo, nên ông Nguyễn Sự phải bỏ vốn ban đầu gần 70 triệu đồng để làm bè nuôi. Trong bè của ông Sự đang có 12 ngàn con cá điêu hồng được 3,5 tháng tuổi. Ông Sự cho hay: “Nghề nuôi cá trong bè hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cái khó hiện nay là đầu ra chưa mạnh nên tôi chưa dám mở rộng quy mô”.
Giữa trưa, chúng tôi lên chiếc sõng bơi ra bè cá cùng anh Vương ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo. Vương đang học trung cấp hàn thì bỏ ngang, về nuôi cá cùng gia đình. Bè cá của anh có 6 lồng, trong đó có 4 lồng đang nuôi hơn 12 ngàn con điêu hồng lớn nhỏ. Anh bảo, nuôi cá kiểu này phải thường xuyên “bám bè”, vớt những con cá chết ra khỏi lồng, cho cá ăn liên tục… Ném từng nắm thực phẩm xuống cho lũ cá háu ăn, anh Vương nói: “Hồi đầu cũng nuôi thử cá rô phi, nhưng cá chết nhiều quá nên chuyển hẳn sang điêu hồng. Loài cá này hợp với môi trường, hiệu quả cao hơn, chỉ cần khoảng 3 tháng là xuất bè được, giá hiện thời khoảng 30 ngàn đồng/kg”.
Hãy còn quá sớm để kết luận rằng nuôi cá trên lòng hồ là siêu lợi nhuận. Nhưng ít ra, đến thời điểm này, có thể nói rằng, đó là một hướng mở đáng khích lệ trong cách làm ăn của người dân miền núi, vốn quanh năm chỉ biết sống bằng cái nương cái rẫy…
|
Từ khi có hồ Định Bình đã phục vụ nước tưới cho số lượng lớn diện tích cây trồng cho các huyện hạ lưu và địa bàn huyện. Ảnh: Minh Tuấn
|
* Viết tiếp hy vọng
Trước ngày Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XVI khai mạc ít ngày, tôi có dịp trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Kim. Trong cuộc chuyện trò ấy, ông Kim nhiều lần nhắc đến tiềm năng du lịch bấy lâu còn ngủ yên của Vĩnh Thạnh. Bên cạnh thủy điện Vĩnh Sơn, thành Tà Kơn, suối nước khoáng Vĩnh Trường… hồ thủy lợi Định Bình cũng là một điểm dừng chân lý tưởng trong một tour du lịch ấn tượng.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ninh thì “bật mí”: Công ty CP Xây dựng 47 đang có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái trên hồ Định Bình, làm một điểm dừng chân của tour du lịch Quy Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh. Hy vọng một ngày không xa, tour du lịch này sẽ đi vào hoạt động, trở thành một cú hích để đẩy nhanh nhịp độ phát triển của huyện miền núi này…
*
* *
Nhiều lần qua lại con đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh lên Vĩnh Sơn, lần nào tới đỉnh con dốc bên cạnh bờ đập của hồ thủy lợi Định Bình tôi cũng dừng xe lại hồi lâu. Để ngắm bao la lòng hồ, thu vào tầm mắt sự kỳ vĩ của cảnh vật nơi đây. Để nghe tiếng nước ầm ào vượt qua các cổng xả, cho dòng điện vươn xa. Và, tôi hiểu vì sao Định Bình là niềm tự hào của không chỉ riêng người dân Vĩnh Thạnh…
|