Con đường mơ ước
6:16', 26/10/ 2010 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Thái

Từ bao đời nay, người dân vùng đất phía Tây tỉnh luôn mơ ước có một con đường nối liền những làng quê nơi đây với mạng lưới giao thông của cả nước, tạo điều kiện để họ đi lại thuận tiện, làm ăn dễ dàng... Giờ đây, ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh...

 

Cầu An Thái.

 

1.

Từ khi tỉnh đầu tư xây dựng xong con đường phía Đông, nối Nhơn Hội (Quy Nhơn) với Tam Quan (Hoài Nhơn), mở ra diện mạo mới cho khu vực ven biển thì người dân các địa phương phía Tây tỉnh càng cháy bỏng giấc mơ về một con đường để đánh thức tiềm năng nơi đây. Từ xa xưa, phía bên này sông Côn - chợ An Thái (Nhơn Phúc - An Nhơn) - khá sầm uất, nên nông sản của nông dân phía bên kia sông Côn (Tây Vinh - Tây Sơn) đều đưa sang bên này bán. Thế nhưng giữa đôi bờ sông ấy không có cầu nối nhịp. Quá bức xúc, cách đây gần 10 năm, một số hộ dân Tây Vinh hùn tiền làm cây cầu sạp bằng tre dài hơn 300m bắc qua sông Côn để qua lại. Tuy nhiên, chiếc cầu sạp này chỉ tồn tại vào mùa nắng và không đáp ứng được nhu cầu giao thông khá lớn của người dân nơi đây.

Không riêng gì An Thái - Tây Vinh, có một bộ phận lớn người dân ở khu vực phía Tây tỉnh vì giao thông trắc trở, việc chi phí cho khâu di chuyển, đi lại khá tốn kém nên ít giao du, trao đổi với bên ngoài. Người ta chỉ ra khỏi vùng quê của mình khi “vạn bất đắc dĩ” hoặc vì kế mưu sinh. Bởi vậy, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây rất thấp; kinh tế, văn hóa chậm phát triển.

2.

Với quyết tâm mở đường, rút ngắn khoảng cách về địa lý, xã hội giữa các vùng miền, năm 2007, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây nối thông các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn với QL 1A và QL 19. Tuyến đường có tổng vốn đầu tư trên 386 tỉ đồng, mở đầu từ quán Cai Ba trên QL 19 (An Nhơn) và điểm cuối tại Chương Hòa (Hoài Nhơn), với chiều dài gần 120 km.

Trong năm 2008, tỉnh đã tập trung thi công 2 cây cầu lớn, có ý nghĩa mấu chốt của dự án đường phía Tây, là cầu An Thái và cầu Cát Lâm. Năm 2009, tiếp tục khởi công xây dựng một số đoạn giao thông trên tuyến. Qua bao năm tháng vất vả thi công, một số dự án thành phần đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như cầu An Thái và đường dẫn vào 2 đầu cầu; cầu Cát Lâm và đường dẫn vào 2 đầu cầu… Còn nhớ, hôm thông xe cầu An Thái (ngày 15.9.2010) có người đã bật khóc vì vui mừng, bởi cây cầu “khát vọng” mà nhiều thế hệ người dân mong đợi đã trở thành hiện thực. Ông Võ Văn Phát - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc – tâm sự: “Cả cuộc đời người dân An Thái luôn phải đối mặt với khó khăn về giao thông. Mỗi mùa mưa lũ, nước bao bọc xung quanh, việc đi lại, giao lưu giữa đôi bờ sông Côn phải gián đoạn. Bởi vậy, khi cây cầu An Thái khởi công, các cụ già ở đây “sướng” lắm, rảnh rỗi là chống gậy ra đầu cầu “tham quan”, chờ đợi cây cầu hoàn thành từng ngày.

 

Nhà thầu đang nỗ lực thi công những đoạn còn lại của tuyến đường phía Tây tỉnh.

 

3.

Cầu An Thái và cầu Cát Lâm được xây dựng xong là một trong những điều kiện cho thông tuyến đường phía Tây tỉnh. Hiện nay, các nhà thầu đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn đường Nhơn Tân - Nhơn Phúc - Tây Vinh và đoạn Bồng Sơn - Hoài Phú - Chương Hòa. Nhìn những công nhân hối hả làm việc trên công trường đường phía Tây tỉnh dưới nắng, dưới mưa để đưa công trình về đích đúng hẹn, mới thấy được sự nỗ lực của các nhà thầu. Ngoài việc giữ uy tín với chủ đầu tư, họ còn thi công dưới “áp lực” của niềm ước mơ và khát vọng bao đời của bà con nơi đây. Ông Nguyễn Hà Đông- Giám đốc Sở GTVT tỉnh - cho biết: “Việc xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh đã bám sát nhu cầu cấp thiết phục vụ phát triển KTXH của vùng đất này. Hiện nay chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo cuối năm 2010 tuyến đường phía Tây tỉnh sẽ thông xe”.

Như vậy, không bao lâu nữa tuyến đường phía Tây tỉnh sẽ hoàn thành. Ước nguyện ngàn đời của người dân nơi đây sẽ trở thành hiện thực. Sự hiện diện của con đường sẽ thổi lên làn gió mới đến tận từng căn nhà của bà con. Từ tuyến đường này, những vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng ở các địa phương phía Tây tỉnh có điều kiện được đánh thức. Hiện nay, mặc dù chỉ mới có một số đoạn được xây dựng hoàn thành, nhưng nhiều gia đình sống ở đây đã và đang “rục rịch” các “dự án” phát triển kinh tế trong tương lai...

4.

Chia tay vùng đất phía Tây tỉnh, chúng tôi nhớ mãi câu nói của cụ Nguyễn Tiến Bình - một người dân ở Tây Vinh: “Nhiều người bảo, ở cái tuổi 80 như tui thì con đường phía Tây tỉnh không còn ý nghĩa gì nữa cả. Không phải như vậy. Nó có ý nghĩa lắm chứ. Ít ra mình cũng được nhìn thấy dáng dấp của con đường, của cây cầu trước khi “về với tổ tiên”. Có cầu, có đường, cuộc sống của con cháu mình sẽ sướng hơn, thế là mãn nguyện rồi!”.

Ra thế đấy. Đường phía Tây tỉnh không chỉ là con đường giao thông bình thường nữa, nó đã trở thành vật chứng xác tín trước nhân dân lời cam kết của Đảng, Nhà nước: Từng bước nỗ lực giải quyết sự khó khăn về giao thông, đưa KTXH của các vùng miền phát triển.

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)
Tản mạn trước thềm Đại hội…  (24/10/2010)
“Trẻ mãi không mòn”  (23/10/2010)
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)
Người Bana ở xứ Cát  (19/09/2010)
Người con của Hà Tĩnh chọn “đất Võ” là quê hương   (18/09/2010)
Đất Thành lên thị  (12/09/2010)
Vực dậy làng nghề trăm tuổi  (11/09/2010)