* Ghi chép của Thu Hiền
Cuộc sống yên bình đã hiển hiện trong mỗi thôn, xóm một thời là vùng thảm sát ở Bình An (Tây Sơn), Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Hiệp (Tuy Phước). Mảnh đất thấm máu xưa, nơi kẻ thù từng trút không biết bao nhiêu bom đạn, tàn sát không biết bao nhiêu người dân nay đã được thay thế bởi những đìa tôm ngang dọc, những cánh đồng lúa xanh tươi vươn mình giữa nền trời xanh thẳm...
|
Anh Hồ Xuân Dũng vẫn ngày ngày chăm sóc ngôi mộ chung trong cuộc thảm sát ở Bình An năm xưa.
|
* Tận cùng nỗi đau
Ngày ấy, khu Đông Tuy Phước trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, là nơi xuất phát đội trinh sát, đặc công hoạt động ở nội thành Quy Nhơn. Tháng 3.1965, các xã khu Đông được giải phóng, thì ngay lập tức trở thành trọng điểm của các cuộc hành quân tìm diệt của địch. Với quân số đông đảo của Mỹ ngụy và Nam Triều Tiên phối hợp cùng lực lượng cơ giới pháo binh không quân và hải quân dày đặc, chúng gây ra những đau thương, tang tóc.
Phó chủ tịch UBND xã Tôn Kỳ Hải bắt đầu câu chuyện bằng từ “nghĩa trang” với trên 500 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập. Ở vùng đất này, gần như mỗi xóm làng đều có một tấm bia ghi công Tổ quốc để tưởng nhớ các liệt sĩ. Trong trí nhớ của ông Trần Đức An (thôn Vinh Quang 2), vẫn còn hằn rõ những ký ức buồn trong cuộc thảm sát xóm Đông An. Còn người dân xã Phước Hòa đến giờ vẫn không quên được cuộc tàn sát tập thể của lính Đại Hàn năm 1965 làm 52 người chết ở Tân Giản.
Ngày 26.2.1966 đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh). Như những con dã thú, giặc đã điên cuồng giết hại 380 người bằng những hành động man rợ nhất. Chúng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…
Hôm tôi về xã Tây Vinh (Tây Sơn), nghe câu chuyện của những nhân chứng sống vụ thảm sát Bình An năm xưa mà thấm nỗi đau đến tột cùng của đồng bào, dân tộc. Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân. Anh Hồ Xuân Dũng, người trông coi khu tưởng niệm ngày ngày vẫn cùng con trai chăm sóc ngôi mộ tập thể, trong đó không ít người mãi mãi nằm xuống với cái tên “vô danh”.
Trong ký ức của người lính già năm xưa - ông Hồ Diêu, 73 tuổi, ở thôn An Vinh 1 - vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Sau những ngày tháng hãi hùng, nhiều người còn sống sót phải bỏ làng ra đi. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn.
|
Tên tuổi những người bị thảm sát vẫn còn đó trên những tấm bia ở Phước Sơn.
|
* Sức sống “xanh”
Hôm khánh thành cây cầu An Thái nối liền thôn An Vinh 1 (Tây Vinh) với thôn An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) đúng vào ngày sinh nhật Bác, cụ Hồ Diêu “sướng” lắm: “Hồi trước đi sõng, đi đò; sông cạn thì đóng trụ bắc tre làm cầu; bây giờ có hẳn cây cầu bê tông đâu phải dễ, đời sống bà con vậy là ngon lắm”.
Chuyện tỉnh làm con đường phía Tây, xây cây cầu An Thái trở thành chuyện vui nhất của dân Tây Vinh. Câu chuyện ấy râm ran từ đầu làng đến cuối xóm; từ cụ già đến trẻ con; từ anh nông dân đến lãnh đạo xã. Ông Nguyễn Tấn Lân, 59 tuổi, mấy nhiệm kỳ làm Chủ tịch rồi Bí thư xã, giờ cũng về định cư ở quê An Vinh 1. Hỏi chuyện làng chuyện xã ngày nay, ông cựu lãnh đạo vui như mở cờ: “Bà con trong xã làm ra sản phẩm loay hoay chẳng biết bán đâu, nay thì bớt khổ rồi!”.
Trong khi đó, các xã khu Đông lại có thế mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ và mặt nước đầm Thị Nại trên 4.000 ha để phát triển nông-ngư nghiệp. Ông Tôn Kỳ Hải tự hào làm các con số thống kê: “Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện-đường-trường-trạm đã từng bước được hoàn thiện, xã đang quy hoạch cụm kinh tế kỹ thuật Kỳ Sơn, làm xong cái này là đã tạo được bộ mặt cho xã phát triển. Bà con đã đưa giống lúa có năng suất vào sản xuất, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khá. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,07%. Nước sạch “bí” thế mà giờ đã đến được 4 thôn khu Đông, đặc biệt là “ốc đảo” Cồn Chim”.
Bây giờ, khu Đông là những cánh đồng lúa chín trĩu hạt, đạt giá trị kinh tế trên 50 triệu đồng/ha/năm. Những mặt nước được quy hoạch thành những đìa tôm thẳng tắp. Việc mở mang các làng nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất nông-ngư nghiệp, gắn với quy hoạch các khu dân cư đã làm “sống lại” những đô thị từng một thời phồn thịnh, như Gò Bồi (Phước Hòa), Kỳ Sơn (Phước Sơn)… Kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng xây dựng, đã có trên 170 km đường bê tông liên thôn, liên xã được hoàn thành; 8,8 km đường Gò Bồi-Bình Định và đường ĐT 640 được nhựa hóa, mở ra những cơ hội buôn bán, trao đổi. Những ngôi nhà mới cao tầng mọc lên san sát, lớp học ngập tràn tiếng trẻ…
* Mở hướng...
Nói là vậy, nhưng ông Lân vẫn đau cái tiếng một thuở Bình An là vựa lúa chính của huyện Tây Sơn; đến khi tách xã, Tây Vinh cũng còn “nức” cái tiếng giàu nhất huyện. Vậy mà chỉ qua vài năm, Tây Vinh lại rớt xuống hàng xã nghèo nhất huyện. Từ đầu xã đến cuối xã “rặt ri” ruộng lúa, nhưng diện tích cũng chỉ ngần ấy; đất chật hẹp, lại ở vùng trũng nên rất khó phát triển. Xã cũng đã có kế hoạch xây cụm TTCN phía sau khu chiến tích Gò Dài, nhưng ngặt nỗi mưa xuống là lụt. Ông Lân trầm ngâm: “Lũ trẻ học hành xong, không đất chuộng võ cứ thế bỏ làng đi. Giờ dân Tây Vinh phải nhìn từ hướng mở cây cầu mới mà thôi”.
Còn các xã khu Đông cũng đang gặp không ít trở lực để phát triển. Đó là cái khắc nghiệt nằm ở vùng đất, đâu chỉ nổi tiếng “khu Đông chín áo, một quần” bởi hàng năm phải hứng nước lũ từ sông Côn và sông Hà Thanh mà còn thường xuyên thiếu nước tưới trong mùa nắng nóng.
Thế nhưng, khi nói về hướng phát triển của các xã khu Đông, ông Trần Hữu Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện, vẫn “đặt cược” vào sản xuất nông - ngư nghiệp bền vững. Ông tự tin: “Người dân khu Đông Tuy Phước xưa đã không tiếc máu xương, sát cánh bên nhau đấu tranh giành độc lập. Thì nay, họ đã không ngừng học hỏi, nắm bắt những kiến thức về khoa học kỹ thuật để làm giàu”.
|