Người gắn bó sự nghiệp với lĩnh vực tự động hóa
21:21', 6/11/ 2010 (GMT+7)

Rất tâm huyết với nghề giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Quy Nhơn, thầy giáo Cao Anh Phổ còn rất quyết tâm nghiên cứu lĩnh vực tự động hóa. Hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực này, ông đã nghiên cứu, chế tạo nhiều thiết bị hữu ích cho cuộc sống.

° “Kinh doanh bằng niềm tin vào lĩnh vực tự động hóa”

Khát khao muốn tìm hiểu về công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới đã thôi thúc thầy giáo Cao Anh Phổ mở trung tâm chuyên về tự động hóa. Năm 1997, thời điểm khái niệm “tự động hóa” còn chưa được nhắc đến nhiều, Trung tâm Tự động hóa ATC được thành lập. Với niềm tin rằng đây là xu thế tất yếu, ông đã từng bước đưa Trung tâm tự động hóa ATC (nay là DNTN ATC, số 64 Hoàng Văn Thụ, Quy Nhơn) trở thành cái tên được khách hàng khắp nơi biết đến.

 

Thầy giáo Cao Anh Phổ đang vận hành máy hàn lưới nhiều điểm tự động - một thiết bị mới của Trung tâm ATC. Ảnh: Mai Hồng

 

* Được biết, ngày thành lập, Trung tâm ATC chỉ có 1 giám đốc, 1 trợ lý và vốn đầu tư vỏn vẹn 5 triệu đồng. Vậy điều gì khiến ông đủ tự tin để đi theo con đường này?

- Năm 1987, tôi tốt nghiệp ngành Lý - Kỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, cũng là lúc Đại hội VI của Đảng đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Bằng những thông tin thu nhận được, tôi thấy rằng, tự động hóa là xu thế tất yếu để đất nước tiến theo con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Và tôi muốn hòa nhập vào tiến trình đó.

Khi trình độ của cộng đồng phát triển, nguồn lao động phổ thông sẽ giảm. Các nhà máy, xí nghiệp sẽ phải đầu tư các thiết bị tự động để thay thế dần nguồn nhân lực phổ thông bị thiếu hụt. Hơn nữa, để tạo ra sản phẩm mang tính đồng loạt, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, dây chuyền sản xuất phải là những thiết bị mang tính tự động cao. Đó là xu thế tất yếu trong tương lai. Và hiện nay, điều này cũng đã bộc lộ rõ.

Theo tôi, khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp là đương nhiên. Tôi nghĩ, người kinh doanh phải biết “biến không thành có”. Dù thời gian đầu không có vốn, kinh doanh rất khó, nhưng tôi đã xác định: vốn ở đây không chỉ là tiền mà còn là niềm tin vào bản thân mình; đồng thời, phải biết khai thác và sử dụng kiến thức của nhân loại. Tôi đã bắt đầu kinh doanh với niềm tin như thế.

* Tự động hóa là một ngành khá mới và không phải ai cũng am tường. Ông đã làm thế nào để gây dựng lòng tin ở những khách hàng đầu tiên?

- Từ sự tự tin vào bản thân mình, tôi mạnh dạn trao đổi với khách hàng và giải quyết các vấn đề một cách khoa học, tối ưu nhất. Ngoài ra, để tạo niềm tin trong khách hàng, tôi lắp đặt thiết bị, cho vận hành thử không tính tiền. Nguyên tắc này đến nay vẫn được chúng tôi áp dụng.

 

Máy khắc chữ trên gỗ dùng công nghệ Plasma CNC, do Trung tâm ATC chế tạo, được trưng bày tại Techmart Đà Nẵng năm 2007. Ảnh: Hoàng Lân

 

° Nỗ lực sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của khách hàng

Để đứng vững trên thị trường, Trung tâm ATC không ngừng đưa ra những sáng tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nhiều sản phẩm trong số này đã đoạt các giải thưởng khoa học sáng tạo cả ở trong và ngoài tỉnh.

* Trong nhiều thiết bị tự động hóa đã nghiên cứu và sản xuất thành công, ông tâm đắc với những sản phẩm nào?   

- Một khách hàng lớn đầu tiên của Trung tâm và rất nhiệt huyết với tự động hóa là Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (nay là Tổng Công ty Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định). Những năm đầu mới xây dựng nhà máy, Ban Giám đốc Công ty đã tin tưởng giao cho tôi lập trình một số máy theo công nghệ mới. Từ đó, tôi có thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục phát triển.

Trong những năm đầu vất vả làm dịch vụ, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi lao vào nghiên cứu các máy móc tự động trong ngành đá granite và có rất nhiều nhà máy đã đặt tôi lập trình máy mài đá tự động, máy cắt đá tự động…

Tôi tâm đắc với việc làm ra những thiết bị đáp ứng các tiêu chí: giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại; linh kiện dễ thay thế, dễ sửa chữa và có độ bền cao, ít hư hỏng… Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm như: máy đục mộng gỗ tự động (sản phẩm liên doanh), máy cắt sắt Plasma CNC, máy khắc CNC, máy hàn lưới nhiều điểm tự động, máy kéo lưng, cổ tự động…

* Ông đã đầu tư nghiên cứu như thế nào để cho ra đời một sản phẩm tự động hóa?

-  Đã nghiên cứu thì không thể tính toán cụ thể thời gian vì điều này còn tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết bị. Có sản phẩm được ra đời chỉ sau một, vài tháng, có sản phẩm sau một, vài năm. Đôi khi, chỉ một chi tiết nhỏ cũng mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và thử bằng nhiều cách khác nhau để cho ra kết quả tối ưu nhất. Có một số sản phẩm, tôi nghiên cứu sản xuất vì nhận thấy nhu cầu của thị trường; một số khác thì theo yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, thiết bị “giường kéo lưng, cổ tự động” được tôi nghiên cứu từ sự gợi ý của một khách hàng. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy các thiết bị cùng chức năng của nước ngoài được các đơn vị trong tỉnh sử dụng nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Vì vậy, sau gần 3 tháng nghiên cứu, tôi đã sản xuất ra thiết bị này với giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại; đồng thời, tăng tuổi thọ của thiết bị và khắc phục được các nhược điểm so với các thiết bị cùng loại.

° Đam mê sẽ giúp mỗi người có thể làm được nhiều việc

Thầy giáo Cao Anh Phổ hiện đang là giáo viên giảng dạy điện tử, tin học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Quy Nhơn. Vừa nghiên cứu, kinh doanh, vừa giảng dạy, đối với ông, nếu có đủ niềm đam mê, mỗi người đều có thể làm được nhiều việc và theo đuổi đến cùng lĩnh vực mình đã chọn.

* Tốt nghiệp ngành Vật lý - Kỹ thuật công nghiệp, vậy tại sao ông lại gắn bó với mảng tự động hóa?

- Ngay từ khi còn học phổ thông, Vật lý luôn là môn học mà tôi yêu thích, đam mê. Hầu hết các thiết bị thí nghiệm được nêu ra trong các bài học tôi đều tự làm. Những thiết bị thí nghiệm của tôi đã được các thầy giáo khen ngợi. Chính điều đó đã chắp cánh cho ước mơ nghiên cứu khoa học trong tôi. Khi học hết phổ thông, theo truyền thống gia đình, tôi thi vào trường sư phạm và chọn ngành Vật lý - Kỹ thuật công nghiệp mà mình yêu thích để bước tiếp.

Kỹ thuật tự động là lĩnh vực mà kiến thức cơ sở là vật lý. Vì vậy, gắn bó với tự động hóa cũng là tiếp nối niềm đam mê mà tôi đã có từ thời đi học.

* Vừa nghiên cứu, kinh doanh, lại vừa giảng dạy, ông làm thế nào để có thể đảm đương được nhiều việc đến vậy? 

Thầy giáo Cao Anh Phổ đã đạt nhiều giải thưởng: Máy cắt kim loại Plasma (thiết bị được sử dụng trong ngành cơ khí, quảng cáo) được trao Cúp Vàng tại Chợ Công nghệ -Thiết bị (Techmart) Đà Nẵng năm 2007; máy cắt Plasma CNC đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2006-2007); hệ thống giường kéo lưng, cổ tự động đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI (2008-2009)…

- Nếu chỉ thuần nghiên cứu thì chắc chắn Trung tâm ATC sẽ không tồn tại được vì không đủ kinh phí. Kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu; ngược lại, những sản phẩm nghiên cứu sẽ giúp doanh nghiệp đi lên và phát triển.

Việc sắp xếp thời gian để làm được nhiều công việc không phải là vấn đề khó nếu ta có lòng đam mê. Các công việc được bố trí đan xen nhau không những không làm ảnh hưởng lẫn nhau, mà còn bổ trợ cho nhau. Việc nghiên cứu sẽ giúp phát triển kiến thức chuyên sâu, làm cho những bài giảng trở nên thực tế, sinh động hơn. Qua đó, tôi cũng có thể định hướng nghề nghiệp cho học trò một cách thiết thực hơn…

* Theo ông, học sinh, sinh viên muốn tiếp cận và thành công trong lĩnh vực tự động hóa thì cần phải chuẩn bị những gì?

- Để tiếp cận được nghề này, bên cạnh am hiểu kiến thức chuyên môn thì phải có lòng đam mê và tự tin. Công nghệ phát triển không ngừng, vì vậy, muốn thành công trong nghề phải tự học hỏi, cập nhật kiến thức thường xuyên. Ngoài ra, nếu không có lòng đam mê thì dù có kiến thức cũng sẽ bỏ cuộc giữa đường, bởi đây là một nghề không dành cho những người thích sự nhàn hạ…

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

  • Mai Hồng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi chụp ảnh cưới  (31/10/2010)
Một người hết lòng với phong trào Đội  (30/10/2010)
Nỗi đau đi qua…  (26/10/2010)
Con đường mơ ước  (26/10/2010)
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)
Tản mạn trước thềm Đại hội…  (24/10/2010)
“Trẻ mãi không mòn”  (23/10/2010)
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)
Đất mới lên xanh…  (10/10/2010)
Kết nối các doanh nhân trẻ   (09/10/2010)
“Vua gà ta” ở miền Trung  (03/10/2010)
Lặng lẽ một hành trình  (02/10/2010)
Người Bình Định nuôi heo ở Sài Gòn  (26/09/2010)
“Tôi đang nỗ lực phổ biến nhạc võ Tây Sơn”  (04/10/2010)