Phong trào khiêu vũ ở TP Quy Nhơn mấy năm gần đây sôi động hẳn. Điều này không chỉ thể hiện rõ ở các sàn khiêu vũ trong nội thành Quy Nhơn, mà ngay khu vực ngoại thành như phường Bùi Thị Xuân, hay huyện Tuy Phước, một số “sàn” cũng thay phiên “đỏ đèn”…
|
Khách đến uống nước, khiêu vũ và thưởng thức những giọng ca cây nhà lá vườn tại “sàn” ở Khách sạn Cali.
|
* Đi “sàn”
Hơn 8 rưỡi tối, chị Thanh Hương “lên đèn” rực rỡ, chuẩn bị đi “sàn” ở Khách sạn Cali (đường Hoàng Quốc Việt, Quy Nhơn). Trong thang máy, có dăm, bảy vị khách nữa cũng lên tầng 10- nơi có sàn nhảy. Một phụ nữ áng chừng trên 40 tuổi, nghe chừng nóng ruột cứ đưa tay bấm thang máy liên tục. Cửa mở, đập vào mắt chúng tôi là không khí nhộn nhịp, tiếng nhạc xập xình. Lúc này, sàn khiêu vũ đã khá đông người.
Trong diện tích khoảng 40 m2, trừ khoảng không gian dành cho nhạc công, người hát, bàn ghế uống nước, diện tích còn lại cho khiêu vũ xem ra khá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 m2. Nhưng điều đó hình như chẳng phải là vấn đề lớn đối với những người đang say sưa dìu nhau theo điệu nhạc. Ông Nam, quê ở Đà Nẵng làm việc tại Quy Nhơn, cho biết ông thường xuyên lui tới đây: “Đi riết rồi biết mặt, biết tên những người ở chốn này. Quy Nhơn nhỏ, người đam mê khiêu vũ, thường xuyên lui tới sàn nhảy cũng không nhiều nên biết nhau không khó”.
Ở Quy Nhơn, nếu trước đây, người yêu thích khiêu vũ thường đến những nơi như ở Bar Hoàng Yến, Nhà văn hóa Thiếu nhi Quy Nhơn hay đình Cẩm Thượng (nay là Nhà văn hóa TP Quy Nhơn) để khiêu vũ, thì nay còn có thêm các địa chỉ như: Khách sạn Cali, Nhà văn hóa Lao động, Sàn khiêu vũ Hoa Hồng (trong Trung tâm Văn hóa tỉnh). Trong đó, sàn khiêu vũ ở Nhà văn hóa Lao động rộng hơn cả. Thường các sàn khiêu vũ bắt đầu lên đèn từ 8 rưỡi tối đến tầm 10 rưỡi tối thì kết thúc. Khách đến mua nước uống, nghe nhạc, ra nhảy. Các sàn khiêu vũ đều có ban nhạc sống, người dẫn chương trình, còn ca sĩ thường là “cây nhà lá vườn” hát cho nhau nghe.
Chị Linh, 34 tuổi, làm nghề chăm sóc sắc đẹp, cho biết: “Tôi mới học nhảy được vài tháng với mục đích ban đầu là để vận động giảm ốm, không ngờ càng tập càng mê và cũng mạnh dạn đi “sàn” dù nhảy chưa thật giỏi. Trung bình, tôi đi “sàn” khoảng 2-3 buổi/tuần”. Còn cô bạn tên Thủy, cùng đi với Linh, thì tự nhận mình thuộc loại “nghiện sàn”. Thủy đi 5 buổi/tuần, “sàn” này không có thì qua “sàn” khác, bữa nào không đi là thấy bứt rứt khó chịu.
|
Để phổ biến phong trào khiêu vũ, Nhà văn hóa Lao động đã khuyến khích nhân viên cơ quan tập khiêu vũ.
|
* Thể thao và đam mê
Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Nhà văn hóa Lao động, cho biết, bộ môn khiêu vũ là một trong những thế mạnh của Nhà văn hóa Lao động từ khi mới đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay. Hiện nay, Nhà văn hóa Lao động có 4 lớp khiêu vũ gồm: khiêu vũ giao tiếp, khiêu vũ thể thao (dance sport), khiêu vũ dưỡng sinh, khiêu vũ hiện đại với khoảng 100 lượt người tập/ngày. Thành phần tập khá đa dạng, từ học sinh, sinh viên, tiểu thương, đến công chức và người lớn tuổi tầm 60-70 tuổi. Ngoài ra, Nhà văn hóa cũng phối hợp tổ chức “lên sàn” vào các đêm thứ Ba, Năm, Bảy và các buổi sáng thứ Bảy và Chủ nhật để mọi người đến khiêu vũ.
Dẫu 3 giờ chiều hướng dẫn viên mới đến sàn tập, nhưng chị Minh, khoảng 50 tuổi, học viên mới của Sàn khiêu vũ Hoa Hồng, đã đến sớm trước khoảng 30 phút, tranh thủ ôn lại điệu rumba mới học cùng một học viên khác. Chị Minh tâm sự: “Tôi đã có tuổi nên muốn chơi một môn thể thao để giữ sức khỏe. Tôi chọn tập khiêu vũ vì thấy nhẹ nhàng, di chuyển vừa phải nhưng vẫn ra mồ hôi. Mới học 2 tháng, nhưng tôi không chỉ thấy mình khỏe ra mà còn có cảm giác yêu đời, trẻ trung hơn…”.
Còn ông T., chủ một DNTN ở Phú Tài, cũng cho hay, ông biết khiêu vũ từ thời trẻ, song mới “chơi” lại cách đây khoảng 5 năm khi phong trào sôi động trở lại: “Thể tạng tôi mập, lên cân nhanh nên cần vận động nhiều. Một buổi tối nhảy liên tục khoảng 2 tiếng thì vận động không kém gì so với chơi một môn thể thao nặng đâu”.
Cũng là một môn thể thao, nhưng khiêu vũ là môn thể thao khá “tốn kém”. Ngoài tiền nước uống (trung bình khoảng 20-30 ngàn đồng/người/đêm), còn có thể tốn thêm tiền ăn khuya (nếu có). Trung bình một tuần đi “sàn” khoảng 3 tối, thì một tháng tối thiểu cũng phải tốn 300-500 ngàn đồng/người. Đó là chưa kể có những người sẵn sàng bỏ ra cả bạc triệu “tầm vũ sư giỏi” dạy riêng cho mình chỉ một điệu nhảy đẹp hoặc thuê riêng “kép” (bạn nhảy nam) hoặc “đào” (bạn nhảy nữ) cho mình. Qua những người hay đi sàn, tôi được nghe kể về chuyện của một phụ nữ ở tầm tuổi ngoại 70, nhưng mê khiêu vũ đến mức thuê hẳn một “kép” cho mình, trả lương tháng hậu hĩnh. Bà không ngại sắm sửa, “tân trang” cho “kép” chỉ để anh này dìu mỗi mình bà vào mỗi tối lên sàn.
Ở Quy Nhơn, nhìn chung khách đến sàn khiêu vũ thuộc lớp tuổi trung niên chiếm tỉ lệ áp đảo. Họ thường đi từng tốp, cặp vợ chồng hoặc có khi chỉ đi một mình. Không ít người cho biết, ban đầu họ tập khiêu vũ chỉ đơn thuần như tập một môn thể thao, sau dần cảm thấy yêu thích và “mê” lúc nào chẳng biết. Hâm mộ bộ môn khiêu vũ từ thời còn trẻ, nhưng đến tuổi 45, chị Thanh Hương mới đi tập. Càng tập càng mê, bất chấp sự phản đối của gia đình, chị Hương vẫn quyết tâm theo đến cùng, thậm chí tự bỏ tiền vào TP Hồ Chí Minh theo học khóa Dance sport (Khiêu vũ thể thao). Nay thì chị Hương cùng với một người nữa mở lớp khiêu vũ Dance sport Hướng Dương tại Nhà văn hóa Lao động.
|
Người mới tập khiêu vũ bao giờ cũng cần có một bạn nhảy dìu. - Trong ảnh: Ông Minh Tánh, một người đam mê khiêu vũ, thường làm “kép” dìu bạn nhảy mới tập khiêu vũ.
|
* Và những góc khuất...
Dẫu phong trào khiêu vũ ở Quy Nhơn và vùng ven đã sôi nổi hơn trước, tuy nhiên vẫn có những cái nhìn thiếu thiện cảm về bộ môn này. “Có người dù rất thích khiêu vũ nhưng e dè không dám tập vì ngại điều tiếng không hay. Thậm chí, khi đã đến đây tập rồi, họ vẫn không muốn bị nhiều người nhìn thấy…”- ông Long xác nhận.
Chị Liên, một người dạy nhảy khá lâu năm và am tường chuyện trong nghề, nhận xét: Bên cạnh những người đến với khiêu vũ vì sức khỏe, vì công việc, còn có những nguyên nhân khác như: cuộc sống gia đình không mấy trọn vẹn, hạnh phúc, chồng/vợ thường xuyên xa nhà; hoặc đơn giản chỉ là đeo đuổi đam mê của riêng mình hay muốn thử cảm giác phiêu lưu, một mình giữa chốn xa lạ. “Có chị buồn vì chồng tối nào cũng nhậu say xỉn đến khuya mới về nhà, nên mới đi học nhảy, riết rồi mê luôn. Ban ngày, chị làm việc vất vả, đêm đến lại lẻn chồng, giấu con, mang giày, váy ra ngoài, “lột xác” thành “bà hoàng” trên sàn nhảy, “cháy” hết mình trong điệu nhạc. Khi chồng về thì mình đã có mặt ở nhà rồi…”- chị Liên kể một trường hợp mà mình biết.
Cũng có những trường hợp gia đình lục đục, vợ chồng bất hòa, thậm chí tan vỡ khi một trong hai người đam mê khiêu vũ, trong khi người kia lại không thông cảm cho niềm đam mê của người bạn đời. Chuyện phát sinh tình cảm giữa bạn nhảy “hợp cạ” với nhau, tuy ít nhưng cũng đã xảy ra. Thậm chí có trường hợp gia đình, chồng con đến tận sàn nhảy và gây lộn với “kép” của vợ. Những chuyện ấy đã phần nào làm cho một số người “dị ứng” với khiêu vũ.
Khách lui tới các sàn nhảy ở Quy Nhơn có hiện tượng “âm thịnh, dương suy”, trong khi các đôi vợ chồng đi thường chỉ nhảy với nhau, nên có chị ngồi cả buổi mới được mời một bản, thậm chí có khi “ngồi không” rồi về. “Những lúc đó, thấy buồn, và tủi thân lắm. Bởi vậy, có người mời thầy dạy hoặc “kép” đi cùng cho có bạn nhảy. Thường thì người mời lo luôn tiền nước, thậm chí còn “phong bì” bồi dưỡng cho người được mời”- một khách nữ thường đi “sàn” cho biết thêm.
Khách đến sàn khiêu vũ ở Quy Nhơn, có khá nhiều đôi là vợ chồng cùng tập, cùng khiêu vũ với nhau, cho dù một trong hai người lúc ban đầu là miễn cưỡng. Có đôi vợ chồng rất thoải mái, thường xuyên đổi bạn nhảy; nhưng cũng có đôi không bao giờ nhảy với ai khác ngoài chồng, vợ. Một khách nữ hay đi “sàn” kể chuyện của mình: “Tôi làm thợ may, ít giao lưu bên ngoài nên bạn bè rủ đi tập nhảy cho vui. Ban đầu, ông xã tôi chỉ đến xem tôi nhảy, xem người khác dìu tôi đi. Lúc về, anh ấy nói, người ta dìu em được thì anh cũng làm được. Vì em, anh sẽ tập. Không ngờ anh ấy cũng có khiếu nên học nhanh lắm. Giờ thì mỗi tuần chúng tôi đi nhảy với nhau khoảng 4 buổi, hai vợ chồng không chỉ trẻ, khỏe ra mà tình cảm ngày càng thêm khắng khít”.
Còn ông T. ở Phú Tài bảo trước đây đã nhiều lần động viên vợ học nhảy, chở vợ đến sàn cho vui, nhưng rốt cuộc, bà vợ vẫn không thích. Thành ra, ông chỉ một mình “đi sàn”. Với ai, ông cũng lịch sự mời, song không bao giờ quá thân thiết với người nào, bởi với ông, khiêu vũ, đơn thuần chỉ là môn thể thao.
|