Thời trai trẻ, ông Hồ Ngọc Khiết, quê ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (Bình Định), cư trú tại huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã có tâm nguyện tự mình đạp xe xuyên Việt từ TP HCM ra Hà Nội để đi thăm non sông quê hương và đặc biệt là phải đến viếng Bác Hồ. Ngày 19.4.2010, lúc 71 tuổi, ông bắt đầu thực hiện ước nguyện, điểm xuất phát là Dinh Thống Nhất (TPHCM).
|
Ông Khiết chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam tại Văn phòng Hội ở Hà Nội.
|
* Trái tim phương Nam luôn hướng về phương Bắc
Ông chọn ngày 19.4 để khởi hành với hy vọng một tháng sau sẽ có mặt tại Hà Nội đúng vào ngày sinh nhật Bác (19.5). Từ điểm xuất phát là Dinh Thống Nhất (TP HCM), ông thẳng tiến ra Thủ đô trong tâm thế nghĩ về Bác Hồ kính yêu…
* Thưa ông, ông từng là một người lính của chế độ cũ. Tại sao lúc ấy ông lại có ước nguyện đi thăm non sông quê hương và phải viếng Bác Hồ?
- Có gì là khó hiểu đâu cô. Tôi làm việc cho chế độ cũ, nhưng khi ấy tôi là chuyên viên xét nghiệm tại Quân Y viện Quy Nhơn (nay là Bệnh viện Quân y 13). Khi làm việc tôi chỉ nghĩ đến việc cứu người. Tại đơn vị, tôi từng lẳng lặng cứu chữa nhiều binh lính Bắc Việt. Khí tiết của nhiều người khiến tôi khâm phục.
Ông Hồ Ngọc Khiết: “Bác Hồ là niềm tự hào của toàn dân Việt Nam, không riêng của miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, Người là danh nhân của đất nước mình”. |
Tôi yêu thương, kính ngưỡng Bác Hồ từ thời niên thiếu. Qua nhiều nguồn thông tin, từ nhiều bậc tiên hiền, tôi tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vĩ đại. Người đã bôn ba khắp nơi, chịu bao cay đắng, dành cả cuộc đời mình lo cho nước, cho dân. Những lời Bác nói, những việc Bác làm đều chứa đựng một tấm gương đạo đức với lòng bác ái bao la. Ví dụ, làm sao mình không rưng rưng cảm động khi nghe Bác Hồ nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Người anh thứ 6 của tôi tên là Hồ Lân, trước khi đi tập kết ra Bắc, đã cho tôi một tấm hình cỡ nhỏ của Bác. Tôi đã giữ nó ở bên mình suốt một thời gian dài, và thầm mong được một lần nhìn thấy Người ở ngoài đời thật, chứ không chỉ qua hình ảnh. Sống ở miền Nam những năm tháng ấy mà ước mộng như thế thật vô lý, nhưng từ thời trai trẻ tôi đã nghĩ, Bác sinh ra ở miền Trung nhưng Người là niềm tự hào của toàn dân Việt Nam. Người là danh nhân của đất nước mình.
* Ông nảy ra ý tưởng đi xe đạp xuyên Việt từ lúc nào, thưa ông?
- Tôi chưa được gặp Bác lần nào thì Bác mất. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in tâm trạng của mình khi nghe tin Bác mất. Hôm ấy là ngày 3.9.1969, khoảng 18 giờ, sau khi làm xong công việc, tôi lén vào phòng kín mở đài. Tai nghe hung tin mà tim tôi nghẹn thắt, nước mắt tuôn trào, toàn thân rã rời. Ngay lúc đó, tôi đã nín thở 1 phút để mặc niệm và lòng bật lên ước nguyện một ngày nào đó sẽ ra viếng Người. Tôi sẽ đạp xe đi thăm non sông mà khi còn sống Người đã ao ước thống nhất một dải vẹn toàn.
Ước nguyện là thế nhưng mãi đến năm nay, tôi mới quyết tâm thực hiện được cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe đạp ra thăm Lăng Bác, để mừng sinh nhật lần thứ 120 của Người và làm một việc ý nghĩa chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
Trên chiếc xe đạp này, ông Khiết đã rong ruổi gần 1.800km để ra Hà Nội viếng Bác Hồ.
|
* Hành trình đạp xe xuyên Việt
Suốt 22 ngày, từ 19.4 đến 10.5, trừ hai ngày dừng chân nghỉ ngơi, thăm quê, bình quân mỗi ngày, ông đi khoảng 90 km. Buổi sáng, khởi hành lúc 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi, đạp đến khoảng 9 giờ thì nghỉ để tránh cái nắng gay gắt đầu mùa hè. Chiều từ 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi, ông đạp đến 5 giờ rưỡi hoặc 6 giờ rồi tìm chỗ trọ qua đêm. Trên xe lúc nào cũng có sẵn thức ăn nhẹ, nước uống và thuốc hạ huyết áp.
* Tuổi cao, đạp xe xuyên Việt một mình, ông không thấy như thế là mạo hiểm sao?
- Tôi đi thăm non sông quê hương mình, đi xe đạp là hợp lý nhất, biết đâu lại còn là cách cổ xúy đồng bào tập luyện nâng cao sức khỏe. Khi biết chuyện, con cháu tôi kịch liệt phản đối vì lo cho sức khỏe của tôi và bao bất trắc chờ chực trên hành trình. Nhưng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi chuyện, từ rèn luyện thể lực, dành dụm tiền làm lộ phí đến việc đặt may cái túi có thể kẹp ở hai bên dóng xe đạp. Tôi chỉ đem theo 3 bộ đồ, trong đó có hai bộ quân phục bộ đội và 1 bộ đồ mới để đến Hà Nội mặc cho trang trọng.
* Được biết, ông đã viết nhật ký trong suốt hành trình này?
- Đúng vậy. Dọc chuyến đi, tôi chụp hàng trăm tấm hình và ghi chép lại những sự kiện đáng nhớ trong ngày, về nơi mình vừa đi qua, về con người mình vừa gặp, cả tâm trạng và cảm xúc của tôi trong suốt hành trình.
Lần đầu tiên đạp xe ra Thủ đô, tôi gặp không ít khó khăn. Không thông thuộc đường sá nên tôi đã lạc sang tỉnh Hưng Yên, phải vòng ra lại đường quốc lộ gần 30km. Hay lần đến địa phận Cam Ranh, xe bị thủng lốp, phải dắt bộ suốt 2 tiếng đồng hồ mới tìm được chỗ vá. Rồi những lúc trời tối, lỡ đường, không tìm ra nhà trọ, phải xin tá túc ở nhà dân, chùa Phước Sơn (gần đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa), chốt chắn đường sắt Phú Điền (tỉnh Phú Yên)...
|
Ông Khiết ở Đức Phổ (Quảng Ngãi).
|
Tôi gặp rất nhiều trở ngại nhưng tôi cũng gặp rất nhiều đồng bào tốt. Khi dựng xe bên ngoài vào thăm đền thờ An Dương Vương ở Nghệ An, chỉ vào một lát nhưng khi quay ra thì chiếc xe đạp và toàn bộ hành lý biến mất. Tôi tá hỏa chạy khắp nơi tìm kiếm. Cuối cùng thì thấy chiếc xe được dựng cách nơi cũ gần 40m. Có lẽ ai đó giở ra và biết được mục đích của tôi nên họ thương tình trả lại chăng?
Tuy nhiên, tôi cũng có những niềm vui bất ngờ, như ngày gặp được đồng hương tên Phúc, quê Tây Sơn, làm ở cây xăng Thành Hiệp Phát 2 (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Biết việc tôi làm, anh Phúc thích quá, biếu 100 ngàn đồng làm lộ phí. Đêm ở chốt chắn đường sắt Phú Điền, tôi và chú Phước chơi cờ với nhau rất vui. Gặp và trò chuyện với các em học sinh ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Ở nhà trọ được giảm hoặc miễn tiền phòng... Những lúc thấy mệt mỏi, tưởng chừng không thể đi được nữa, tôi lại nghĩ đến ngày vào Lăng viếng Bác, lại thấy khỏe (cười).
* Muốn một lần đi bộ xuyên Việt
Ngày 10.5, đạp xe đến trung tâm Thủ đô, từ xa, nhìn thấy Cột cờ Hà Nội và Lăng Bác Hồ, nơi hàng chục năm qua ao ước một lần đặt chân đến, lòng ông Khiết phơi phới.
* Cảm xúc của ông khi vào thăm Lăng Bác sau 41 năm kể từ khi có ý nguyện ra sao, thưa ông?
- Đó là ngày 11.5, trời mưa bay lất phất. Tôi hòa vào dòng người chầm chậm tiến vào Lăng Bác. Không khí trong Lăng rất trầm lặng, trang nghiêm. Ai ai cũng cố mở thật to mắt nhìn Bác thật rõ. Lúc đó, tôi xúc động nghẹn ngào đến ngạt thở. Hai dòng lệ chực trào ra khóe mắt. Tôi chỉ muốn được khóc thật to, hét thật to cho thỏa cảm xúc trào dâng trong lòng.
|
Các con ông Khiết rất tự hào về việc làm của cha mình. - Trong ảnh: Ông Khiết cùng con gái và cháu ngoại trong một bữa cơm khi ông ghé lại Quy Nhơn.
|
* Ước nguyện bấy lâu đã thành hiện thực. Ông có còn mong ước điều gì nữa không?
- Được nhìn thấy Bác là tôi đã thỏa nguyện. Tôi còn đi thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, tham quan chùa Một Cột. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi ghé gian hàng lưu niệm, “thỉnh” một bức tượng của Bác về đặt ở tủ thờ để hàng ngày chiêm ngưỡng Bác. Chỉ có điều, phút giây gặp gỡ sao quá ngắn ngủi. Bao nhiêu năm chờ đợi chỉ cho chừng ấy phút giây, thấy vẫn chưa thỏa lòng.
Kết thúc chuyến đi này, tôi thấy ý chí và nghị lực của mình thêm mạnh mẽ, vững vàng. Vẫn có những người không tin tôi làm được điều này, nhưng tôi không quan tâm. Bởi trước giờ, tôi rất thích câu nói của danh nhân thế giới Bagehot, rằng “Niềm vui lớn nhất trong cuộc sống là làm được cái gì mà người đời cho rằng ta không làm được”.
Tôi vẫn mong có một ngày trở về Thủ đô thăm Bác, nhưng không đi bằng xe đạp, mà sẽ thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt.
* Xin cảm ơn ông! Chúc ông có nhiều sức khỏe để thực hiện ước nguyện mới của mình.
|