Sau hơn 10 ngày lũ chồng lũ, tranh thủ khi mưa đã tạnh, nước rút dần, người dân vùng rốn lũ của 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát tất bật lau dọn nhà cửa, khôi phục lại sản xuất...
Tuy nước đã rút nhưng đến ngày 14.11, một số thôn của các xã: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước An, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước); ở Cát Nhơn, Cát Tiến, Cát Chánh (Phù Cát) nước lũ vẫn còn lênh láng, người dân vẫn phải dùng sõng để đi lại.
|
Những phần quà cứu trợ là nguồn động viên, tiếp thêm sức lực với người dân vùng lũ. Ảnh: Văn Lưu
|
* “Đứt bữa” vì lũ chồng lũ
Trong những ngày lũ, chúng tôi đến những địa phương bị cô lập nặng và đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều gia đình phải chịu “đứt bữa” do lương thực dự trữ cạn kiệt. Thường những người dân nơi đây chỉ dự trữ lượng thực phẩm trong khoảng 5-6 ngày; trong khi đợt lũ vừa qua kéo dài hơn 10 ngày, nên thiếu thực phẩm là điều dễ hiểu.
Ngày 10.11, theo đoàn công tác của huyện Tuy Phước do ông Huỳnh Đức Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện, dẫn đầu, chúng tôi đã đến một số thôn bị ngập nặng của 2 xã Phước Hòa và Phước Thắng. Thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn còn 7 xã, 43 thôn, với hơn 5 ngàn hộ dân (khoảng 22 ngàn nhân khẩu) bị ngập nước. Đời sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đã chuyển 500 suất quà gồm mì tôm, nước uống để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân ở các xã: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, giúp người dân vượt qua cái đói trước mắt.
Nhận được suất quà, bà Trần Thị Thanh, ở thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, vui mừng chia sẻ: “Có cái để ăn rồi, chứ 2 hôm rồi nhà chỉ còn 2 lon gạo phải chia nhỏ ra từng bữa nấu cháo cầm hơi. Tui đã phải chạy đi khắp thôn mượn gạo ăn tạm nhưng nhà nào cũng hết sạch. Lúa trong nhà thì còn nhưng nước lũ còn cao không thể đem đi xay được”.
Còn bà Trần Thị Mỹ Nga, 70 tuổi, cũng ở thôn Kim Xuyên, thì nói: Người dân ở đây đều làm ruộng. Vụ vừa rồi khi lúa đang thời kỳ trổ bông thì bị nước lũ đổ về gây ngập úng, mất mùa, nên trong nhà chẳng còn được bao nhiêu lúa để ăn. Còn ít gạo, mấy ngày nay tui phải nấu cháo, rồi hái rau muống độn vào, chờ nước rút rồi tính”. Với gia đình bà Phạm Thị Ba, 82 tuổi, do chỉ có 1 sào ruộng, lại mất mùa nên thu hoạch còn có 20 kg lúa. Trước khi lũ xảy ra, nhà đã không còn hạt gạo nào, bà phải đi vay nóng 1 triệu đồng, để mua gạo ăn tạm.
Chúng tôi đến thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, giữa lúc nước lũ vẫn còn mênh mông, nhiều thôn, xóm vẫn còn bị cô lập. Gần 10 ngày qua, người dân nơi đây đã đuối sức vì chống chọi với lũ. Nhiều nhà hết gạo phải bơi xuồng hái những nắm rau muống bị nước lũ cuốn trôi về luộc ăn qua ngày.
|
Ông Mai Hữu Từ (ngồi bên trái) ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, có nhà bị sập, được chị Võ Thị Thiện đón về cho ăn, ở nhờ. Ảnh: V.L
|
Khi thuyền chúng tôi tấp vào đầu xóm ở đội 2, thôn Lạc Điền, thì gặp bà Trần Thị Thuận cùng nhiều người khác đang tìm hái rau muống nước. Gia đình bà Thuận có 7 người, nhà làm được 2 sào lúa, vừa rồi thu hoạch được hơn 250 kg lúa, sau khi bán 200 kg để lấy tiền trả nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho đại lý; 50 kg còn lại đem đi xay về nấu ăn trong mấy ngày qua thì lũ đột ngột đổ về. Vậy là đứt bữa.
Bà Thuận tâm sự: “2 ngày qua, gia đình tui đã phải ăn rau muống thay cơm, cả mấy đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn cũng phải chịu cảnh thiếu cơm như thế. Chỉ mong sao nước rút thật nhanh, đi kiếm tiền mua gạo về nấu cơm cho các cháu”.
Không những thiếu lương thực mà trong hơn 10 ngày bị cô lập, nước uống cũng bị thiếu trầm trọng. Người dân hứng nước mưa sử dụng, nước mưa không đủ thì múc nước lũ lên dùng.
* Tình người trong cơn lũ
Ở vùng lũ, chúng tôi đã được nghe và được chứng kiến không ít nghĩa cử cao đẹp trong cơn hoạn nạn, những hành động nhường cơm sẻ áo giữa những nông dân chân chất. Ngày thường, nghĩa tình của họ được ẩn giấu giữa lo toan bộn bề của đời sống; “qua cơn hoạn nạn mới tận hiểu lòng nhau” là vậy.
Những hạt gạo sót lại trong hũ, những gói mì tôm cứu trợ được chia nhau, để cùng vượt qua cái đói trong lúc ngặt nghèo. Chị Huỳnh Thị Lan, ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, cho hay: “Nếu hàng xóm không cho mượn 5 kg gạo ăn trong những ngày lũ thì chắc 4 người trong gia đình tôi đã kiệt quệ vì đói”.
|
Vợ chồng ông Nguyễn Tứ được hàng xóm đưa lên ở tạm tại Trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thắng 2 để tránh lũ. Ảnh: V.L
|
Nhà của ông Mai Hữu Từ, 75 tuổi, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, bị sập hoàn toàn sau đợt lũ chồng lũ. Vợ ông đã vào TP Hồ Chí Minh bán ve chai kiếm sống, nhà chỉ còn mình ông. Những ngày không còn nhà, ông được gia đình chị Võ Thị Thiện, hàng xóm, đón về cho ở nhờ và lo cơm nước. Hôm chúng tôi đến, bữa ăn của cả gia đình chị Thiện chỉ có nồi cơm và chén nước tương… Ông Từ xúc động cho biết: “Chỉ là hàng xóm với nhau, nhưng cháu Thiện đón tôi về nhà ở, rồi cho ăn nữa, đối xử không khác gì người thân trong nhà, tôi cảm động lắm”.
Còn ông Nguyễn Tứ, 72 tuổi, cũng ở thôn Lạc Điền, thì tâm tình: “Nếu không có hàng xóm cứu giúp thì có khi vợ chồng tôi đã bị lũ cuốn trôi mất rồi”. Lúc nước lũ dâng lên, nhà ông Nguyễn Tứ chỉ có 2 vợ chồng già, con cái đi làm ăn xa, nhà lại nằm ở vùng trũng, nước lũ chảy xiết. Người dân trong xóm đã kịp thời dùng sõng chuyển vợ chồng ông và một số đồ đạc đến Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thắng 2.
* “Đứng dậy” sau lũ
2 ngày qua mưa đã tạnh, trở lại vùng rốn lũ, trên con đường ĐT 640 từng đoàn học sinh cắp sách đến trường, sau gần nửa tháng nghỉ học. Nhiều em trong cặp không còn sách, vở. Bếp trong những mái nhà đã đỏ lửa trở lại, cơm đã có ăn sau những ngày rau, cháo. Xe đưa đón công nhân đã về lại các xã khu Đông để giúp công nhân sống trong vùng lũ trở lại làm việc. Chị Hồ Thị Liên, ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, công nhân gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài (Quy Nhơn), nói: “Đợt lũ vừa rồi nhà hết gạo ăn, tiền cũng hết sạch. Giờ được đi làm trở lại, tôi sẽ xin ứng trước tiền lương để về mua lương thực, sắm sửa lại một số đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bị hư sau lũ”.
|
Ông Nguyễn Xuân Bình phơi lúa giống, để chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân. Ảnh: V.L
|
Bà Trần Thị Thuận, ở thôn Lạc Điền, dự tính: Lũ rút, dọn dẹp xong nhà cửa là tôi tức tốc đón xe lên Tây Nguyên đi bẻ bắp, hái cà phê thuê, để có tiền trả nợ và lo cái ăn cho những ngày tới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, 86 tuổi, ở thôn Lạc Điền, đang dọn dẹp căn nhà bị đổ sụp do lũ, che tạm thành túp lều, chờ xây dựng lại nhà mới. Tranh thủ trời hừng nắng, ông đem số lúa giống bị ướt ra phơi.
Người dân vùng lũ đang nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau lũ. Ở bất cứ đâu, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh mọi người đang tất bật dọn bùn, lau dọn đồ đạc, sửa sang nhà cửa. Và trong những ngày này, nhiều đoàn cứu trợ nối nhau về tặng quà cho người dân bị thiệt hại do lũ . Đây chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức lực, để giúp họ nhanh chóng “đứng dậy” sau lũ.
|