Từ ngày 14 đến 19.11, trên địa bàn tỉnh ta lại xuất hiện mưa vừa đến mưa to liên tục, khiến nước lũ dâng cao, gây nhiều thiệt hại về nhà và tài sản của nhân dân.
|
Ông Nguyễn Xuân Bình ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, Tuy Phước có nhà bị lũ làm sập. Ảnh: T.S |
* Các huyện miền núi và phía Bắc tỉnh thiệt hại nặng
Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB-TKCN), từ ngày 14 đến 19.11, trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến ở phía Nam tỉnh từ 184-342 mm, vùng núi và phía Bắc tỉnh từ 453-472 mm, đã gây lũ lớn trên các sông trong tỉnh ở mức báo động II, III và trên báo động III. Các hồ chứa nước lớn như: Định Bình, Núi Một, Hội Sơn… đã đầy nước, buộc ngành chức năng phải xả điều tiết nước để bảo vệ hồ. Do lượng mưa lớn, nước từ đầu nguồn và nước từ các hồ thủy lợi đổ về đã làm ngập nhiều địa phương trong tỉnh.
Những ngày qua, các huyện miền núi và các huyện phía Bắc tỉnh đã xảy ra mưa lớn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Riêng tại An Lão, đã xảy ra lũ quét bất ngờ làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở nặng. Trong đó, tuyến đường An Hòa đi An Toàn đã bị đất, đá núi sạt lở và đổ xuống, lấp 6 đoạn đường liên xã từ thôn 3 đi thôn 7 và thôn 5 (xã An Vinh); tuyến An Hòa đi An Toàn, An Nghĩa; tuyến An Hòa- An Hưng với khối lượng hơn 134.550 m3. Tuyến đường từ trung tâm huyện đi xã An Vinh bị sạt lở 4 đoạn với khoảng 720 m3 đất, đá, khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trụ sở UBND các xã: An Vinh, An Nghĩa, An Dũng, An Quang, An Toàn, An Hưng cũng đã bị gió làm tốc mái. Mưa lũ còn làm ngập nước 287 nhà dân, có 3 ngôi nhà bị sập; bồi lấp 10 km kênh mương, gây sa bồi thủy phá 25 ha đất sản xuất… Ước thiệt hại ban đầu ở An Lão trên 17 tỉ đồng.
Từ ngày 15 đến 17.11, trên địa bàn toàn huyện Hoài Ân có mưa rất to, lượng mưa đo được trên 380 mm, làm cho mực nước của 2 con sông An Lão, Kim Sơn bất ngờ dâng cao đột ngột làm sập 2 ngôi nhà, 1.600 ngôi nhà bị ngập nước từ 0,5 đến 1,5 m, tập trung tại các xã: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa…
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Hoài Ân, đến chiều 19.11, trên địa bàn huyện đã có 2 người chết, 1 người mất tích.
Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, thủy lợi trên địa bàn toàn huyện. Hơn 66 tấn lúa giống của các HTXNN, các hộ dân trên địa bàn huyện bị ướt không thể gieo sạ trong vụ Đông Xuân tới; 220 ha hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ ngã, ngập úng; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Hiện tại 20/22 hồ chứa nước ở địa phương nước đã ngập qua tràn, gây sạt lở, bồi lấp 9.500 m kênh mương, với khối lượng đất đá bị sạt lở gần 4.000 m3. Các công trình thủy lợi như: Trạm bơm Đội 14 Phú Văn, Trà Du, Cây Thị (xã Ân Thạnh); Trạm bơm Đội 3 Gia Đức (xã Ân Đức) bị sạt lở nặng. Các đập dâng của các xã vùng cao gồm: Đăk Mang, Bok Tới, Ân Nghĩa bị sạt lở, bồi lấp khá nghiêm trọng; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi hoàn toàn. Một số đập tạm lớn bị xói lở cuốn trôi như: đập Trại Thơ (xã Ân Tường Tây), đập Suối Trắng (xã Ân Đức), đập Đa Khoa (Ân Nghĩa), đập Bàu Đá (Ân Thạnh)… Sông Bù Nú đoạn qua thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) bị sạt lở bờ dài 200 m, với khối lượng sạt lở 1.000 m3.
|
Nhiều hộ dân ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, Tuy Phước bị lũ cô lập. Ảnh: T.S |
Về giao thông, mưa lũ đã làm cho tuyến đường Xuân Sơn - Đak Mang, tuyến Đá Bạc T6 dài 10 km bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị đất đá vùi lấp không đi lại được. Cầu Hóc Thiên (xã Đak Mang) và cầu Bản trên tuyến Xuân Sơn - Đak Mang bị nước lũ cuốn trôi chân khay và cuốn trôi chân khay hạ lưu. Các tuyến đường bê tông T4, T5 đi Gò Dũng (xã Bok Tới), tuyến Phú Ninh - Phú Trị (xã Ân Nghĩa), đoạn đường Hương Quang - Phú Hữu… bị sạt lở, gây khó khăn cho việc giao thông đi lại. Theo ước tính, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho huyện Hoài Ân 18 tỉ đồng.
Mưa lũ cũng tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại cho các huyện phía Nam tỉnh. Các xã: Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận (Tuy Phước); Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Nhơn (Phù Cát) và nhiều xã khác thuộc khu Đông các huyện: Phù Mỹ, Hoài Nhơn… tiếp tục bị ngập nặng, khiến cho cuộc sống của hàng ngàn hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Riêng tại Tuy Phước, nước lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn đê sông Gò Chàm; hệ thống đê biển qua nhiều đợt bị lũ đã bị vỡ đứt nhiều đoạn, nước mặn xâm nhập vào nhà dân. Chiếc cầu gỗ qua thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa) đã bị mưa lũ làm sập, nhiều ngày qua, 330 hộ dân sinh sống ở đây đã bị cô lập hoàn toàn, nhân dân đang gặp khó khăn về lương thực và nước uống. Trên 500 hộ dân ở thôn Lạc Điền (xã Phước Thắng) và hàng trăm hộ dân khác sống ở ven đê Đông cũng đã bị nước lũ cô lập. Nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh, huyện Tuy Phước đã chỉ đạo cho các trường học ở các xã ngập lũ cho hơn 30 ngàn học sinh nghỉ học.
Tại Phù Cát, dù hệ thống đê sông Côn qua xã Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Tiến đã được nâng cấp, gia cố khá chắc chắn, nhưng do sức nước quá mạnh đã làm sạt lở nhiều đoạn, trong đó đoạn tràn đê sông Tân Tiến trên đê sông Đại An, thuộc địa bàn xã Cát Tiến, bị vỡ dài 200 m, uy hiếp đến tính mạng của hàng trăm hộ dân. Ao Cảng Tàu ở thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh) cũng đã bị vỡ, làm sập 2 ngôi nhà dân, 8 ngôi nhà khác bị hư hỏng. Đến chiều 19.11, vẫn còn hơn 3.800 ngôi nhà dân bị ngập nước, trong đó, 1.800 hộ dân ở các xã Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến... bị cô lập hoàn toàn.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện (bìa phải) thăm hỏi động viên gia đình anh Đặng Văn Quân ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Ảnh: N.Hân |
* Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 19.11, đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Hoài Ân.
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến chiều 19.11, mưa lũ đã làm 4 người chết, 1 người mất tích; trong đó, huyện Hoài Ân 2 người chết, 1 người mất tích; An Nhơn: 1 người chết; Hoài Nhơn: 1 người chết. Mưa lũ còn làm sập đổ hoàn toàn 66 ngôi nhà dân, 164 nhà bị hư hỏng, 14.568 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, mưa lũ đã làm 1.732 ha lúa bị ngã đổ; 3.411 ha hoa màu và 2.430 cây lâu năm bị ngã đổ hư hỏng; 1.231 tấn lúa giống và 553 tấn lúa thịt bị hư; 298 ha diện tích đất bị sa bồi thủy phá; 9.700 con gia cầm bị chết; 4 tàu cá bị chìm. Hệ thống đê sông, đê biển tiếp tục bị mưa lũ làm hư hỏng nặng, trong đó có 80 m đê kè bị vỡ đứt; 41.023 m đê kè bị sạt lở với khối lượng 130.286 m3; 64.000 m kênh mương bị sạt lở với khối lượng 71.512 m3; 8 đập dâng bị hư hỏng và 128 đập tạm bị cuốn trôi.
Về giao thông, mưa lũ đã làm 109.148 m đường giao thông bị hư hỏng với khối lượng 228.190 m3, 4.825 m2 mặt đường bị hư hỏng. Ước tổng giá trị thiệt hại 178 tỉ đồng. |
Tại huyện Hoài Ân, đồng chí Nguyễn Văn Thiện đã đến thăm, chia sẻ, động viên, trao tiền hỗ trợ của tỉnh cho gia đình nạn nhân Đặng Văn Quân (thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín) bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 17.11. đồng chí Nguyễn Văn Thiện lưu ý chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân. Trước mắt, huyện huy động lực lượng, phương tiện tổ chức sửa chữa lại nhà ở cho các hộ dân có nhà bị sập, hư hỏng; gia cố, tu sửa hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, tạo thuận lợi cho việc đi lại và khôi phục sản xuất. Đồng thời, các địa phương nhanh chóng kiểm tra, tổng hợp lại tình hình lúa giống cho sản xuất vụ Đông Xuân bị thiếu để có biện pháp hỗ trợ, giúp nông dân triển khai sản xuất kịp thời vụ… UBND tỉnh sẽ có biện pháp hỗ trợ huyện kinh phí để khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.
Những ngày qua, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB-TKCN các địa phương tiếp tục bám sát địa bàn được phân công, phối hợp cùng với chính quyền kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các địa phương ở vùng cửa sông, ven biển, hải đảo, vùng lũ quét, sạt lở nguy hiểm cũng đã chủ động và kịp thời tổ chức sơ tán nhiều hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại các tuyến đường bị ngập nước, các địa phương cử người túc trực.
Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung khôi phục lại đường giao thông, hàn khẩu các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ, sạt lở, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng cục bộ tại một số nơi trong huyện. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị chết do mưa lũ; trao hàng ngàn thùng mì tôm, gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng lũ, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống…”.
Hiện nay, nước lũ trên các triền sông và vùng ngập lụt đang rút dần, các địa phương trong tỉnh, ngành chức năng, các hội - đoàn thể đang vận chuyển lương thực, thực phẩm và nước uống để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ. Chính quyền các địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại về người và nhà ở theo quy định của tỉnh.
|