THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ - Tà đạo, mê hoặc
17:57', 21/11/ 2010 (GMT+7)

Từ một tỳ kheo ni với pháp danh Thanh Hải, Đặng Thị Trinh tự gắn thêm đuôi “vô thượng sư”, nhận mình là người cao nhất trong đạo giáo và tuyên truyền, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin hình thành cái gọi là “đạo Thanh Hải vô thượng sư” (THVTS). Hoạt động của THVTS trong những năm qua cho thấy đây là một kiểu tôn giáo hổ lốn, không phù hợp với truyền thống đạo lý, tình cảm của dân tộc. Nói cách khác: THVTS là một tà đạo.

 

Tài liệu Thanh Hải vô thượng sư in ấn, phát tán vào Bình Định.

 

* Tham vọng “vô thượng sư”

Đặng Thị Trinh sinh năm 1948 ở thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình có 3 anh chị em, cha làm ruộng kiêm nghề bốc thuốc Nam. Năm 1966, Đặng Thị Trinh “đi lại” với lính Mỹ và sinh con ngoài giá thú đặt tên Đặng Thị Thảo; sau này Thảo bị bệnh qua đời. Từ năm 1967 đến năm 1972, Đặng Thị Trinh sinh sống tại Anh và Pháp. Năm 1974, thị kết hôn với một người đàn ông ở Tây Đức và đến năm 1980 thì ly hôn khi chưa có con chung. Sau đó, Đặng Thị Trinh xin đi tu và được thầy Thích Như Điền, ở Tây Đức, đặt cho pháp danh Thị Nguyên nhưng không đồng ý cho quy y. Đặng Thị Trinh bỏ sang Đài Loan và được Thượng tọa Thích Trí Hạnh tiếp nhận, đặt pháp danh Thanh Hải, nhưng cũng không cho thọ giới vì Trinh đã lập gia đình, muốn xuất gia phải vào chùa ở tập sự ít nhất 5 năm. Không được thọ giới, Đặng Thị Trinh đã bỏ đi. Năm 1989, thị quay lại Đài Loan lần nữa và đến vùng núi Bạch Hoa, Tây Hồ Thượng huyện Miaoli tuyên bố lập ra đạo Thanh Hải và tự xưng là “minh sư” với pháp danh THVTS, thực hiện tham vọng trở thành một “đấng sáng lập” tôn giáo.

Nếu hiểu giáo lý là học thuyết của một tôn giáo, với những quan điểm được coi là chân lý buộc tín đồ phải chấp nhận, thì giáo lý của THVTS là sự cóp nhặt, vay mượn, lố bịch. Trong đó, có một số điểm chính trong Kinh thánh của Thiên Chúa giáo, kinh Thủ Lăng Nghiêm của Phật giáo và giáo lý Ấn Độ giáo được sao chép, lắp ráp; do đó, nội dung không rõ ràng, mâu thuẫn và phức tạp như một mớ “hổ lốn”. Thượng tọa Thích Trí Hạnh trong thư ngỏ gửi phật tử nêu rõ: “Thanh Hải dùng phương pháp tâm ấn để khống chế người theo đạo, làm cho tâm trí kẻ chịu theo đạo bị mê hoặc”.

Ông Huỳnh Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh: “Căn cứ điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16.6.2004 và được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh công bố ngày 29.6.2004) thì đạo THVTS do bà Đặng Thị Trinh lập nên từ nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam, bởi lẽ: giáo lý, giáo luật không rõ ràng; không có hiến chương, điều lệ hoạt động cụ thể; lén lút truyền vào Việt Nam không có đăng ký hoạt động ổn định. Hoạt động của đạo THVTS trái với thuần phong mỹ tục, đạo lý, tình cảm của người Việt Nam, dẫn đến hậu quả người theo đạo phải đóng góp, phục vụ THVTS, chỉ lo đạo tràng, bỏ gia đình, chia rẽ mất đoàn kết với tín đồ tôn giáo khác. THVTS còn tuyên truyền mê tín dị đoan khiến nhiều người cả tin bị mê hoặc không lối thoát”.

Về hoạt động của tà đạo THVTS, Đặng Thị Trinh thực hiện theo phương pháp tu thiền của đạo Phật, nhưng chủ trương không xuống tóc, ăn mặc tùy thích (thậm chí “có thể không mặc gì cả” như thị từng tuyên bố khi bị chỉ trích việc mặc áo hở rốn, lên sân khấu nhảy nhạc rock, tổ chức cho các nữ tu của THVTS diễn thời trang bằng y phục nhà chùa); có thể tu tại gia hoặc “thiền cộng tu”, không xây chùa, nhà thờ lớn, chỉ xây nhà thiền… Đặng Thị Trinh cũng không ngần ngại bộc lộ tham vọng của mình một cách lố bịch khi rao truyền trong tín đồ: “Nếu ai niệm Phật A Di Đà thì chỉ về cõi hạ phẩm, thuộc loại tu hành bậc thấp; còn nếu thành tâm cầu nguyện “Nam mô THVTS” thì sẽ được cứu rỗi và giải thoát”(!)

Đặng Thị Trinh lập ra tà đạo THVTS không chỉ để lừa đảo quần chúng, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin nhằm sai khiến họ phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cá nhân của mình, mà còn thông qua đó tuyên truyền chống phá cách mạng. Thị đã nhiều lần tuyên bố: “Sư phụ cũng là chiến sĩ chống cộng, nhưng chống cộng hòa thuận, an toàn. Sư phụ đánh cộng sản nhưng không giết người, chỉ hoán cải họ”.

Hiện nay, tà đạo THVTS đang được một số tổ chức phản động lưu vong tung hê nhằm lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Bên cạnh sự ủng hộ vật chất của các tổ chức phản động, Đặng Thị Trinh còn sử dụng chiêu bài từ thiện, cứu trợ nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai, xây dựng nơi thờ tự… để vận động quyên góp tiền. Cuộc sống xa hoa hiện nay của “minh chủ” Đặng Thị Trinh là câu trả lời rõ nhất cho mục đích sử dụng tiền quyên góp…

* Thâm nhập vào Bình Định

Tà đạo THVTS thâm nhập vào Bình Định từ năm 1993, thông qua một nhóm người ở Tuy Phước, Quy Nhơn, trong đó có Nguyễn Văn Kinh (SN 1967, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước). Là một thợ hồ thường ra vào quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh làm ăn, Kinh bị tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ gia nhập tà đạo này. Sau khi “thọ tâm ấn”, Kinh được giao nhiệm vụ phát triển tín đồ tại Bình Định. Từ đó, cùng một số đối tượng khác, Kinh về địa phương lén lút tuyên truyền: “Theo THVTS thì nghiệp chướng trong quá khứ bị tiêu trừ. Khi được “thọ tâm ấn” thì phải vâng lời sư phụ, nếu không thì thượng đế sẽ lấy lại tâm ấn và nghiệp chướng sẽ lại bay về với đệ tử…”. Luận điệu đó cùng với kiểu tu thiền, nghiêng về đạo Phật của THVTS đã làm một số người, trong đó có những người theo đạo Phật nhưng chưa hiểu sâu sắc về Phật pháp, ngộ nhận nghe theo.

Hiện nay, trên địa bàn Bình Định có khoảng 110 người - hầu hết là những người có trình độ học vấn thấp, hiểu biết về xã hội hạn chế và có quan hệ bà con họ hàng hoặc bạn bè thân thiết với nhau - tham gia tà đạo THVTS. Ở Quy Nhơn và Tuy Phước, mỗi địa phương có khoảng hơn 40 người, còn lại ở các huyện: Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát, An Nhơn, mỗi địa phương có từ 1 đến 6 người. Dù vậy, bà con họ Đặng của Đặng Thị Trinh ở TP Quy Nhơn (có khoảng 10 gia đình với hàng chục nhân khẩu; có người là anh, chị, em chú bác ruột) nhưng không một ai theo tà đạo THVTS. Ngay cả ở Quảng Ngãi, quê hương của Đặng Thị Trinh, cũng không có đất cho tà đạo TNVTS tồn tại, phát triển, bởi nhân dân Quảng Ngãi biết quá rõ về nhân cách, phẩm hạnh của người phụ nữ này.

Do hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái với quy định của pháp luật, nên sau một thời gian công khai, những “tín đồ” tà đạo THVTS đã chuyển sang hoạt động lén lút. Đối với số người đã theo đạo THVTS thì họ tổ chức đọc kinh “Khai thị”, “ngồi thiền” hoặc “thọ tâm ấn” tại nhà. Với những người mới được tuyên truyền, lôi kéo thì được cho mượn kinh sách, băng đĩa hình để tìm hiểu. Nghi thức tu cũng đơn giản, như mỗi thành viên gia nhập THVTS (được gọi là “đồng tu”) có thể ngồi thiền tại gia hoặc ngồi thiền tập thể (gọi là “cộng tu”). Những người đã gia nhập tà đạo THVTS thường tổ chức tụ tập xem băng, đĩa hình thuyết pháp của Đặng Thị Trinh hoặc cùng “ngồi thiền”.

Mặc dù những “tín đồ” tà đạo THVTS ở Bình Định tích cực tuyên truyền lôi kéo, phát triển đạo, nhưng đại bộ phận quần chúng nhân dân nhận rõ đây là hoạt động mê tín dị đoan, xúc phạm đến đức Phật nên đã tỏ rõ thái độ phản ứng thông qua việc phát hiện, giúp đỡ cơ quan chức năng ngăn chặn hoạt động trái phép của tà đạo này. Từ năm 1994 đến nay, chính quyền cơ sở đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, băng, đĩa hình có nội dung tuyên truyền tà đạo THVTS. Điển hình như ngày 29.4.1994, qua phản ánh của nhân dân, chính quyền địa phương đã thu giữ tại nhà Nguyễn Thị Lợi (SN 1954, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) một số tài liệu tuyên truyền tà đạo THVTS; ngày 30.6.2006, chính quyền xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, thu giữ tại nhà ông Lê Mậu Đỗ nhiều sách có tựa đề như: “Bí quyết tức khắc khai ngộ”, “Khai thị” do tà đạo THVTS in, phát tán để tuyên truyền phát triển đạo; ngày 26.9.2004, chính quyền xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, phát hiện ông Nguyễn Văn Huấn (SN 1946, ở xã Phước Mỹ) tụ tập 24 người trên rẫy bạch đàn để cộng tu; ngày 5.9.2008 các ngành chức năng thu giữ của một số người ở các phường: Nhơn Bình, Nhơn Phú, Ngô Mây, Thị Nại… 5 bộ ăng ten parabol và đầu thu tín hiệu truyền hình để xem chương trình truyền hình “Khai thị” của THVTS Đặng Thị Trinh phát từ vệ tinh… Những người trên đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

* Thay lời kết

Thời gian qua, được sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền cơ sở đã ngăn chặn, giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với đối tượng lén lút tuyên truyền phát triển đạo trái phép. Qua đó, đã giải thích chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta, chỉ rõ những biểu hiện cho thấy THVTS là một tà đạo; nhờ vậy, nhiều người đã tự nguyện không tham gia nữa. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn bị mê hoặc, lén lút hoạt động tuyên truyền, phát triển tà đạo THVTS trong quần chúng. Những vi phạm đó cần được ngăn chặn, xử lý kiên quyết, để góp phần làm lành mạnh các hoạt động tôn giáo, đáp ứng đời sống tâm linh của quần chúng là tín đồ của các tôn giáo chính thống, phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam, tồn tại hợp pháp và được Nhà nước bảo vệ. 

  • Mai Linh Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người chủ hiệu vàng không tham của gian   (20/11/2010)
Khẩn trương ổn định đời sống, sản xuất các vùng lũ lụt  (19/11/2010)
Gượng dậy sau lũ  (14/11/2010)
Xuyên Việt để viếng Bác Hồ  (13/11/2010)
Rủ nhau đi “sàn”  (07/11/2010)
Người gắn bó sự nghiệp với lĩnh vực tự động hóa   (06/11/2010)
Đi chụp ảnh cưới  (31/10/2010)
Một người hết lòng với phong trào Đội  (30/10/2010)
Nỗi đau đi qua…  (26/10/2010)
Con đường mơ ước  (26/10/2010)
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)
Tản mạn trước thềm Đại hội…  (24/10/2010)
“Trẻ mãi không mòn”  (23/10/2010)
Cổng trời đã mở  (17/10/2010)
Có phong trào tốt, chuyên môn sẽ tốt hơn  (17/10/2010)