Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1992, chị Tôn Nữ Mỹ Nhật về công tác tại Trường Đại học Quy Nhơn. Năm 1997, chị lấy bằng thạc sĩ, và năm 2005 bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Anh tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2010, trong danh sách 12 người được đề nghị phong học hàm Phó giáo sư ngành Ngôn ngữ học, TS. Mỹ Nhật là người trẻ nhất. Đối với Trường Đại học Quy Nhơn, đây là nữ PGS đầu tiên.
|
Với PGS-TS Mỹ Nhật, nghiên cứu là công việc của cả đời. |
· Học, học nữa
PGS-TS Tôn Nữ Mỹ Nhật, giảng viên Khoa Ngoại ngữ- Trường Đại học Quy Nhơn, kể: “Bạn bè, người thân của tôi bảo rằng: Học vừa thôi, để thời gian còn vui chơi, giải trí chỉ có thầy giáo của tôi là luôn động viên tôi tiếp tục học….
* Năm 2005, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Anh, 5 năm sau được phong là Phó giáo sư khi tròn 40 tuổi. Chị đánh giá giai đoạn 5 năm vừa qua như thế nào, trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư?
- Sau khi lấy được bằng tiến sĩ, tôi vừa giảng dạy vừa tiếp tục nghiên cứu lý luận ngôn ngữ, và áp dụng các nghiên cứu đó vào công tác giảng dạy. Tôi đã công bố được khoảng 30 công trình nghiên cứu về lý luận ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ; nhiều công trình đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, như “Ngôn ngữ”, “Ngôn ngữ và Đời sống”.
Về gia đình, năm ngoái tôi sinh thêm một bé gái- cách 13 năm kể từ khi sinh con đầu lòng. Ban đầu, vợ chồng tôi không định sinh nữa, nhưng thằng bé cứ đòi có em cho vui. Tuổi tôi đã hơi cứng nên phải vất vả lắm mới sinh được “cô công chúa này” đấy. Nếu không, có lẽ tôi đã được phong Phó giáo sư từ năm ngoái rồi. Hồ sơ đã lọt qua vòng hai, khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước mời tôi ra Hà Nội chất vấn một số vấn đề chuyên ngành thì tôi mới sinh bé được 3 ngày, không đi được. Năm 2010, tôi tiếp tục gửi lại hồ sơ thì được chấp nhận.
Nhìn lại 5 năm qua, tôi thấy vừa ý trên cả hai lĩnh vực, công việc cũng như gia đình.
* Chị có ý định phấn đấu để nhận học hàm Giáo sư?
- Không đâu. Bởi lẽ, theo quy định, muốn được phong Giáo sư phải hướng dẫn luận văn cho nghiên cứu sinh, nhưng ở chuyên ngành tiếng Anh thì sinh viên đi học ở nước ngoài hiệu quả hơn chứ. Tôi vẫn động viên các học trò của mình rằng, có điều kiện các em nên đi học ở nước ngoài. Song không vì thế mà tôi ngừng học tập, nghiên cứu. Tôi vừa dạy vừa nghiên cứu, áp dụng những điều mình nghiên cứu trong giảng dạy; và ngược lại, thực tế giảng dạy lại bắt buộc tôi phải tiếp tục nghiên cứu. Nói tóm lại, với tôi, học tập, nghiên cứu là quá trình phấn đấu suốt đời.
|
PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn tặng hoa chúc mừng PGS-TS Tôn Nữ Mỹ Nhật nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. |
· “Dũng sĩ diệt sinh viên”
Nhắc đến cô Mỹ Nhật, sinh viên khoa Ngoại ngữ đều có chung nhận xét: Cô rất nghiêm khắc. Ai học môn của cô thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện xin điểm hay mong cô “nới tay”; rớt thì chỉ có thi lại. Mà cô coi thi thì không ai lật được tài liệu hoặc “quay ngang quay ngửa”... Bởi vậy, một số sinh viên đặt cho cô biệt danh “Dũng sĩ diệt sinh viên”…
* Trung thực trong học tập, thi cử là nguyên tắc dạy học của chị?
- Đúng vậy. Tôi không bao giờ khoan nhượng việc gian lận trong thi cử, học tập. Suy cho cùng, không tự giác học tập thì không bao giờ tiến bộ được cả. Nếu anh đi thi mà mang một tờ tài liệu vào phòng thi thì có nghĩa là phần ấy anh đã không học, hoặc nắm bài không kỹ. Tôi cho rằng, đã đi học thì phải học nghiêm túc. Ngay từ đầu tôi đã dặn sinh viên học môn tôi đừng nghĩ đến việc xin điểm hay ỷ thế quen biết. Nhưng cũng nhờ vậy mà sinh viên học rất nghiêm túc, không ai đến nhà xin điểm. Ngay con trai của tôi, tôi cũng luôn dặn con như thế, không bao giờ được mang tài liệu đến lớp, không nhìn bài của bạn.
Cách đây một vài năm, tôi đã có lần lên tiếng về nạn “đạo văn” ở các lớp cao học và hạ điểm “thẳng tay” gần 10 sinh viên. Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của tôi, Phòng đào tạo sau đại học của trường đã quyết định bỏ làm tiểu luận môn Tiếng Anh.
· Dạy không “giấu bài”
Ngoài một giảng viên Mỹ Nhật nghiêm khắc, sinh viên còn biết đến cô như một nhà giáo mẫu mực trong tác phong cũng như trong giảng dạy.
* Giáo viên giỏi là người biết rút ngắn quãng đường đi của học trò và giúp trò đứng vững trên đôi chân của mình. Ở môn Tiếng Anh, đâu là bí quyết làm nên thành công ấy, thưa chị?
- Theo tôi, đó là phải quán triệt lý luận ngôn ngữ học, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, tâm lý ngôn ngữ học, cộng với điều không thể thiếu ở một giáo viên là cái tâm, lòng nhiệt tình. Ngày xưa, tôi được các thầy dạy như thế nào thì bây giờ tôi dạy sinh viên thế ấy. Tôi cho lại những gì mà tôi đã nhận được từ tấm lòng các thầy, các cô đã dạy tôi. Đã không dạy thì thôi, nhưng đã dạy thì tôi dốc lòng, đặt quyền lợi của sinh viên lên hàng đầu, không “giấu bài”. Tôi cho rằng, người giáo viên thành công là phải biết cách truyền đạt cho sinh viên thế nào để các em lĩnh hội nhanh nhất, chỉ ra phương pháp để các em tự học, tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Có lần, một bạn đồng nghiệp đến nhà chị Nhật chơi, thấy có người vào hỏi mua chiếc xe máy chị đang đi để về độ chế thành xe cổ. Người bạn cười ngất, bảo các đồng nghiệp nữ ở khoa đều đi xe ga hết trơn, chỉ còn mỗi mình chị là đi chiếc cub 92 cổ lỗ.
* Không ít giáo viên Tiếng Anh “ăn nên làm ra” vì đi dạy thêm, mở trung tâm Tiếng Anh chất lượng cao. Còn chị, hình như không quá đặt nặng vấn đề làm kinh tế?
- Mỗi người một chí hướng. Tôi chỉ chuyên tâm việc dạy, gạt hẳn vấn đề tiền bạc sang một bên. Có những gia đình sẵn sàng bỏ vài triệu đồng/tháng để tôi dạy cho con của họ mỗi tuần một buổi, nhưng tôi vẫn phải chối từ, vì không có thời gian. Còn nếu nhận dạy, thì những em học lâu nhất với tôi cũng chỉ chừng 10 tháng. Tôi chỉ cho các em phương pháp học, đến khi nào các em có thể tự học, tự nghiên cứu được thì coi như “hoàn thành nhiệm vụ”. Phụ huynh mời dạy nữa, tôi không nhận. Tôi dạy làm sao để trò “lớn” lên từng ngày, từng giờ chứ không phải dạy để “giữ” trò.
* Nhưng nếu đi dạy ở các trung tâm, chị có thể truyền đạt kinh nghiệm học Tiếng Anh của mình cho các học viên, giúp họ biết cách lĩnh hội Tiếng Anh hiệu quả nhất?
- Nếu dạy theo cách của tôi thì không trung tâm nào chấp nhận, vì chẳng hiệu quả kinh tế chút nào (cười). Bởi vậy, tôi hầu như không dạy ở các trung tâm. Các học trò của tôi hiện vẫn đi dạy ở các trung tâm. Tôi nghĩ, ai cũng phải trải qua giai đoạn ổn định kinh tế trước khi theo đuổi lý tưởng sống của mình. Tôi cũng đã từng qua giai đoạn đó rồi. Nay, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn, tôi lại tiếp tục theo đuổi lý tưởng sống của mình, giảng dạy và nghiên cứu…
|
13 năm sau khi sinh con đầu, chị Nhật mới có thêm đứa thứ hai. |
* Chị có thể cho biết những dự định sắp tới của mình?
- Dự định thì nhiều, nhưng bận con nhỏ nên có lẽ phải mất vài năm nữa. Sau khi sinh bé, tôi hoàn thành được 2 bài nghiên cứu và hiện đang cùng một cộng sự làm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng dạy học Tiếng Anh tiểu học tại Bình Định”. Tôi cũng ấp ủ viết một cuốn sách đúc kết những kinh nghiệm dạy và học Tiếng Anh, nhưng chưa biết khi nào thực hiện được vì thiếu thời gian quá.
* Và chuyện nhà của hai PGS
Trường Đại học Quy Nhơn hiện có 7 PGS; trong đó, gia đình chị Nhật đã chiếm “hai suất” (Chồng chị là PGS-TS Thái Thuần Quang, giảng viên khoa Toán).
Tôi hỏi PGS-TS Quang, anh phục “bà xã” điểm gì nhất. “Tính chịu khó. Đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì cô ấy nhất định không bỏ cuộc... “- anh nói ngay.
Còn chị Nhật lại bảo, chị may mắn có được “ông xã” hiểu ý, luôn phối hợp nhịp nhàng và chia sẻ công việc với vợ. Chẳng hạn như thời gian chị đi làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, anh Quang lo “kinh tế” cho cả nhà. Đến thời anh làm nghiên cứu sinh, chị cũng ra ngoài đó, vừa đi học vừa đi dạy thêm để kiếm tiền mua sữa cho con, trang trải chi phí. Hiện nay, khi đã có thêm đứa con thứ hai, anh chị lại sắp xếp lịch dạy sao cho có thể thay phiên nhau trông con, không phải gởi trẻ.
|