Được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan sống kỳ thú nhưng người dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) lại luôn phải gồng mình chịu đựng cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt. Họ chỉ có sóng gió là “tài sản” dư thừa, còn lại mọi vật dụng sinh hoạt hàng ngày đều thiếu thốn và khan hiếm…
|
Sản lượng đánh bắt thủy sản ở Nhơn Châu đang ngày càng giảm sút. |
* “Không đi thì chẳng đặng nào...”
Tôi lấy làm lạ khi ngư dân đất đảo bảo rằng mùa biển động chính là mùa ra khơi đánh bắt hải sản được nhất trong năm. Nói là ra khơi chứ thật ra, hầu hết họ chỉ hành nghề gần bờ, trên những chiếc thúng nhỏ. Mùa sóng lặng (từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm) là khoảng thời gian buồn tẻ nhất đối với nghề đánh bắt của dân đảo. Phương tiện nhỏ vốn an toàn vào mùa biển êm lại không được phát huy hiệu quả, buộc họ phải hành nghề vào mùa biển động, bất chấp tính mạng mong manh trước sóng gió hung dữ. Có không ít người đã đánh đổi mạng sống của mình vì kế sinh nhai. “Không đi thì chẳng đặng nào/ Có đi thì sợ ba đào, lênh đênh…”- Người dân đất đảo vẫn bày tỏ nỗi niềm của mình về nghề bọt nước với một câu ca như thế.
Đánh cá là nghề mưu sinh chính nhưng thu nhập bấp bênh, nên cuộc sống dân đảo luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Cả đảo duy chỉ có 1 ngôi nhà 2 tầng, còn lại là những ngôi nhà cấp bốn đơn sơ mà mở cửa suốt ngày đêm cũng chẳng phải lo mất trộm cái gì! Đất đảo với thời tiết khắc nghiệt dường như đã triệt tiêu mầm sống của hầu hết các loại cây trồng cạn. Ngay cả cây dừa với sức sống mãnh liệt từng xuất hiện dày đặc trên đảo cũng đang ngày một thưa thớt dần.
Trước đây, nguồn cá thu đặc sản ở vùng biển đảo Nhơn Châu rất dồi dào. Giăng lưới đăng một ngày có thể bắt được đàn cá thu cả ngàn con. Thấy nguồn hải sản tiềm năng là vậy, người ta làm dự án xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Luồng chảy biến đổi từ ngày đắp đất xây kè, cầu cảng, khiến những đàn cá vốn được dân đảo quy đổi bằng vàng đột ngột “chạy” biệt tăm. Dự án hoàn thành nhưng chẳng ngày nào có được dịp xôm tụ cảnh bán mua. Câu chuyện kể ấy của ngư dân đất đảo đã lý giải nguyên nhân vì sao họ phải bất chấp hiểm nguy đi “tìm” tôm cá vào mùa biển động như thế.
Dẫu nguồn lợi từ biển đã dần cạn kiệt, người dân đất đảo vẫn cố bám trụ mưu sinh qua ngày. Đàn ông thì thả lưới mành, câu mực, lặn ốc… Phụ nữ và người già cặm cụi đan, vá lưới. Ngoài ra, không có một công việc gì khác để có thể đi làm thuê, làm mướn. Tất tả suốt ngày đêm, nhưng mỗi người may mắn lắm cũng chỉ thu được năm, bảy chục ngàn đồng. Tàu thuyền ở đảo hầu hết có công suất nhỏ, người dân đảo ví nó như “lá tre trên biển”. Có người từng trang bị “lá bàng trên biển” (tàu công suất lớn), nhưng vì khai thác kém hiệu quả, nên đành bán tống bán tháo, mua lại thúng nhỏ để tự hành nghề ven bờ, mưu sinh qua ngày.
Cuộc sống dân đảo thiếu thốn nhiều bề. Đảo xây chợ khá hoành tráng, nhưng người dân chẳng có gì để nhóm họp. Nó vắng vẻ ngày này sang tháng nọ. Trạm Y tế có phòng mổ, nhưng “xây xong rồi bỏ đó” vì không có bác sĩ và thiếu trang thiết bị. Y sĩ ở đảo chỉ chữa được cảm sốt thông thường. Nhiều sản phụ sinh con phải thuê tàu tốn kém tiền triệu vào Quy Nhơn. Có sản phụ sinh con ngay khi đang trên đường vượt biển. Mùa nắng, đảo thiếu nước ngọt. Mùa mưa, bão lại thiếu lương thực vì cô lập. Hàng ngày, máy điện của xã chỉ phát điện từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối.
Giấc mơ đại học của con em đất đảo xem ra vẫn còn xa vời. Ở đảo, học hết cấp 2 mà muốn học tiếp thì xem như là đã “đi học đại học” vì phải xa nhà vào đất liền. Các gia đình đều khó khăn, nên số con em của họ đã lấy được tấm bằng đại học đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
|
Người dân ra chợ nhưng không có gì để bán, mua. |
* Mất dần lợi thế
Dù không được hưởng những chính sách ưu đãi đặc thù của một địa bàn xã đảo, nhưng Nhơn Châu vẫn luôn được đất liền quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là việc vay vốn xóa đói giảm nghèo. Theo chỉ đạo của UBND TP Quy Nhơn, UBND xã Nhơn Châu phối hợp với các hội, đoàn thể đã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sửa chữa phương tiện, trang bị ngư lưới cụ và chăn nuôi… Chỉ tính trong năm 2009, đã có 77 hộ vay với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Vậy nhưng, dấu hiệu khởi sắc để có thể làm đổi thay diện mạo đất đảo Nhơn Châu vẫn chưa nhiều.
Kinh tế biển vốn là mũi nhọn, là “đầu tàu” của Nhơn Châu, nhưng dường như nó đang mất dần lợi thế. Các loại nghề khai thác hải sản luôn có chiều hướng giảm. Theo số liệu báo cáo của UBND xã Nhơn Châu, khai thác thủy sản năm 2009 đạt khoảng 920 tấn (giảm 80 tấn), tôm hùm giống chỉ bắt được 4.000 con (giảm 11.000 con so với năm 2008). Mô hình khuyến ngư thả chà tập hợp cá để khai thác đã triển khai, song cũng không hiệu quả.
Sang 6 tháng đầu năm 2010, tình hình kinh tế cũng không có tiến triển khả quan. Khai thác thủy sản ước thực hiện 415 tấn (giảm 35 tấn), có 3 hộ nuôi tôm hùm lồng mà số lượng chỉ với 350 con (giảm 1.150 con so với cùng kỳ năm trước). Phương tiện đánh bắt thủy sản có 111 chiếc, tổng công suất 2.199 CV, giảm 3 chiếc - 56 CV so với đầu năm 2010 và giảm 12 chiếc - 333 CV so với 6 tháng đầu năm 2009. Lĩnh vực chăn nuôi cũng không khá hơn. Dù các hộ dân tiếp tục đầu tư chăn nuôi gia cầm nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình bù vào nguồn thu từ biển ngày càng eo hẹp, nhưng cả xã ước chỉ có 2.080 con gà, vịt các loại; đàn gia súc có 130 con. Con số này có lẽ còn thua xa một trang trại quy mô vừa và nhỏ ở đất liền.
Kinh tế chủ lực của xã với chừng ấy “gia sản” thì có lẽ dân đất đảo không thể giàu lên được. Ấy là chưa kể cầu cảng Nhơn Châu đang có nguy cơ bị sóng đánh sập vì 2 hàng trụ của cầu cảng đã bị… “hỏng cẳng!”.
Và giờ đây, người dân Nhơn Châu, đặc biệt là giới trẻ, đã có những chuyến quay trở lại đất liền đặng tìm kiếm tương lai…
|
Cầu cảng Nhơn Châu có nguy cơ bị sập. |
* Tương lai cho đất đảo
Ông Ngô Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: Dân số của đảo giảm dần qua từng năm, hiện chỉ có 484 hộ với 2.215 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 320 học sinh, 500 thanh niên, còn lại là người già và những cặp vợ chồng trung niên (1.395 người, chiếm tỉ lệ trên 60%); hơn 80% thanh niên đã rời đảo vào đất liền tìm việc làm. Hơn 90% dân số của đảo làm nghề biển. Việc thu hút thanh niên quay trở lại đảo đang là vấn đề nan giải.
Có người ví Nhơn Châu giờ đã thành… đảo người già, trong khi chuyện tình yêu đôi lứa là nỗi niềm của lớp trẻ. Nam thanh nữ tú nơi này phần đông có mối quan hệ họ hàng với nhau, nên đến tuổi kén vợ chọn chồng, loay hoay mãi chẳng thể kiếm được “mối” nào, bèn tìm cách vào đất liền. Trong hai đứa con trai của ông Nguyễn Văn Mông (57 tuổi), đứa lớn đã vào đất liền mấy năm nay, đứa nhỏ cũng đang chuẩn bị nối gót người anh. Họ đi để kiếm một công việc mưu sinh, và một mục đích khác là kiếm tìm tình yêu lứa đôi.
Mà không chỉ riêng gia đình ông Mông mới có hoàn cảnh như thế. Cư dân trên đảo nay chủ yếu là người già và những đôi vợ chồng trung niên. Ông Mông nói với nỗi buồn trĩu nặng: “Giờ bắt lũ trẻ ở lại thì chuyện dựng vợ gả chồng rất khó. Vợ chồng già ai cũng muốn con cái ở gần, nhưng ở lại mà chúng nó mỏi mòn chăn đơn gối chiếc thì cũng lo lo”.
Thực hiện chủ trương phát triển tiềm năng kinh tế và an ninh quốc phòng biển đảo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Bình Định xúc tiến lập Dự án xây dựng “Đảo Thanh niên Cù Lao Xanh”. Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 60 tỉ đồng, sẽ đầu tư kéo điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo; trang bị phương tiện giao thông hiện đại để giao thương giữa đất liền và đảo; lập đội tàu lớn gồm 10 chiếc phục vụ đánh bắt xa bờ; hỗ trợ vốn mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản và kinh doanh dịch vụ cho thanh niên xung kích khi đến định cư lập nghiệp tại đảo…
Hướng đi lên cho đảo Nhơn Châu đang ở phía trước!
|