Phạm Đình Tòng - người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán
20:27', 4/12/ 2010 (GMT+7)

Ông Phạm Đình Tòng

Dáng người gầy, gương mặt hiền với nụ cười thân thiện, tự tin - đó là ấn tượng đầu tiên về ông Phạm Đình Tòng, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư). Ông là một cán bộ tận tâm, nhiệt tình, được nhiều người đến liên hệ công việc quý mến…

* Vượt khó đến trường

Trò chuyện với ông Phạm Đình Tòng, chúng tôi vô cùng xúc động và cảm phục trước tấm gương vượt khó đến trường của ông. Ông Phạm Đình Tòng tâm sự: Tôi sinh ra trên mảnh đất nghèo thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, trong một gia đình có 6 anh chị em. Cha là giáo viên, mẹ làm nông. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn bởi chỉ lệ thuộc hoàn toàn vào đồng lương dạy học ít ỏi của người cha và mấy hạt lúa từ sự lao động vất vả của người mẹ. Hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng lúc nào, cha tôi cũng khuyên nhủ, dạy bảo các con phải cố gắng học thành tài để sau này có kiến thức mưu sinh. Và rồi, từ lời dạy của cha, cả 6 anh chị em chúng tôi ai nấy cũng ăn học đến nơi đến chốn, đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định.

Xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của ông Phạm Đình Tòng bao nhiêu thì chúng tôi càng khâm phục trước nghị lực vượt khó vươn lên của ông. Thương cha mẹ vất vả, khi còn nhỏ, ông đã miệt mài đèn sách và luôn phụ giúp bố mẹ việc nhà. Khi bước vào học cấp 3, lúc đó, gia đình ông đã chuyển về Quy Nhơn sinh sống, ông vừa học, vừa làm thêm nhiều công việc để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.

* Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải vừa học vừa làm thêm, có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi và có ý định sẽ dừng việc học?

- Tôi có thể thiếu thốn về vật chất, song không thể vì thế mà học kém hơn các bạn. Tôi luôn nghĩ rằng, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn thì mình càng cố gắng học, học giỏi, thành đạt thì mới có thể thay đổi được số phận. Lúc còn nhỏ, ngoài một buổi đi học, tôi đã phải phụ giúp cha mẹ nhiều việc nhà. Lớn lên, khi học lớp 10, tôi đã phải mưu sinh để kiếm thêm thu nhập cho gia đình… Tôi làm đủ thứ công việc, ai thuê gì làm nấy và làm nhiều nhất là đạp xích lô, vì nó phù hợp với việc vừa học vừa làm của mình. Ban ngày vất vả là vậy, nhưng không bao giờ tôi để bê trễ việc học hành. Cứ đúng 7 giờ tối là tôi thu xếp mọi việc để ngồi vào bàn học bài. Tôi miệt mài học, có khi đến tận 12 giờ đêm, nhiều hôm học tới 2 giờ sáng. Ở lớp, tôi cũng luôn là người bạn vui vẻ, cởi mở, hay giúp đỡ bạn bè. Bởi vậy, chúng tôi thường động viên, an ủi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn cũng như trao đổi nhau trong học tập để cùng tiến bộ.

 

Ông Phạm Đình Tòng đang hướng dẫn các thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

 

Mong ước lớn nhất của ông Phạm Đình Tòng khi đó là thi đỗ đại học để sau khi ra trường có thể giúp đỡ gia đình. Và rồi, sự nỗ lực trong học tập đã giúp ông đặt được bước chân vào Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Việc ông đậu đại học là niềm vui mừng khôn xiết, nhưng cũng là nỗi lo lớn của gia đình ông. Nở nụ cười hiền, ông Tòng tâm sự: Đỗ đại học là niềm vui lớn nhưng gánh nặng cuộc sống gia đình sẽ đè nặng hơn trên đôi vai của cha mẹ. Nhìn tay chân mẹ chai sần vì lam lũ, mặt rám nắng, còn cha cằn cỗi, tôi luôn tự dặn lòng phải phấn đấu học tập để cha mẹ vui lòng. Vào đại học, tôi đã nỗ lực hết mình để liên tục giành được học bổng; mặt khác, cố gắng để vừa học vừa làm thêm, nhằm giảm bớt nỗi lo của cha mẹ. Khó khăn chất chồng, nhưng lúc nào tôi cũng lạc quan, tin rằng ngày mai rồi sẽ khác đi. Tôi luôn nghĩ: Tất cả trong tay mình, cứ siêng năng và cố gắng, ắt sẽ có kết quả tốt.

* Công chức nhiệt tình, mẫn cán

Và rồi, 5 năm đại học trôi qua. Tốt nghiệp đại học, ông Phạm Đình Tòng về quê nhà công tác. Ban đầu, ông xin vào làm việc ở Xí nghiệp Quy hoạch thiết kế (trực thuộc Sở Nông nghiệp), sau đó được điều chuyển qua Trọng tài Kinh tế tỉnh và cuối cùng về công tác ở Sở Kế hoạch - Đầu tư cho đến nay. Trong quá trình công tác, bất cứ ở đâu, với công việc gì, ông luôn là người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán. Phần lớn những người đến liên hệ làm việc với ông đều có chung nhận định này. Ông đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây, ông đã được bầu chọn đi dự Hội nghị Điển hình tiên tiến ngành Kế hoạch - Đầu tư do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức.

* Phần lớn người dân lâu nay rất ngại đến làm việc các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Là Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh và phụ trách bộ phận một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Văn hóa ứng xử là một trong những yếu tố phản ánh trình độ văn hóa của một cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng; phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ… Tất cả các công chức nhà nước đều biết điều này. Tuy nhiên, trong thực tế, đâu đó vẫn có những cán bộ còn gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân, với người đến liên hệ công tác. Theo tôi, đây chỉ là một phần rất nhỏ, là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ở Phòng Đăng ký kinh doanh cũng như bộ phận một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, tôi luôn căn dặn anh chị em rằng, mình làm việc vì người dân, phải nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn những người đến liên hệ công việc, không được gây phiền hà, nhũng nhiễu. Nhìn chung, anh em làm việc ở đây đều có ý thức trách nhiệm cao, tinh thần, thái độ phục vụ các tổ chức và công dân ngày càng được nâng cao.

 

Bộ phận một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh.

 

* Từ năm 2007, tỉnh ta triển khai thực hiện một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh. Việc thực hiện này đã đem lại thuận lợi gì trong việc khởi sự của doanh nghiệp, thưa ông?

- Thực tế thời gian qua, việc thực hiện mô hình giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh đã giảm phiền hà, chi phí về vật chất cũng như thời gian cho việc khởi sự doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Phần lớn các thủ tục, hồ sơ hành chính đã được đơn giản hóa, một số thủ tục không còn phù hợp bị loại bỏ. Thêm vào đó, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân rõ ràng, mối quan hệ phối hợp trong giải quyết công việc khá đồng bộ, chặt chẽ. Tại bộ phận một cửa, các thủ tục hành chính được niêm yết công khai về hồ sơ, trình tự, thời gian giải quyết, lệ phí, lịch phân công cán bộ, công chức trực tại bộ phận một cửa để người dân và tổ chức đến làm việc nắm rõ. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được nhiều công sức, rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế sự chờ đợi, đi lại của tổ chức và công dân. Từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm, bộ phận này đã giải quyết khoảng 900 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Phần lớn các hồ sơ này đều được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.

* Với những bạn trẻ đam mê kinh doanh, ông có lời khuyên nào khi họ bước vào môi trường kinh doanh ngày càng năng động, rộng mở, nhưng cũng đầy thử thách?

- Hiện nay, việc mở một doanh nghiệp là rất dễ dàng. Ai cũng có thể mở doanh nghiệp riêng, song để kinh doanh thành công thì không dễ. Thông thường có ba lý do chính để bạn bắt tay vào kinh doanh: Thứ nhất, bạn có một ý tưởng mới mẻ và muốn trở thành ông chủ. Thứ hai, bạn cảm thấy mình có thể làm được điều gì đó tốt hơn bất kỳ ai khác. Thứ ba, bạn buộc phải khởi nghiệp, nếu không bạn sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh rất khắc nghiệt, nó chỉ có chỗ cho người có quyết tâm, được rèn luyện và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi áp lực. Do vậy, điều quan trọng nhất để thành công là bạn phải có sự chuẩn bị kỹ ở tất cả mọi vấn đề, và thành công nằm chính trong những bước đi đầu tiên khi bắt tay vào hành động.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Châu mùa biển động  (28/11/2010)
Tôi cho lại những gì đã nhận  (27/11/2010)
THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ - Tà đạo, mê hoặc  (21/11/2010)
Người chủ hiệu vàng không tham của gian   (20/11/2010)
Khẩn trương ổn định đời sống, sản xuất các vùng lũ lụt  (19/11/2010)
Gượng dậy sau lũ  (14/11/2010)
Xuyên Việt để viếng Bác Hồ  (13/11/2010)
Rủ nhau đi “sàn”  (07/11/2010)
Người gắn bó sự nghiệp với lĩnh vực tự động hóa   (06/11/2010)
Đi chụp ảnh cưới  (31/10/2010)
Một người hết lòng với phong trào Đội  (30/10/2010)
Nỗi đau đi qua…  (26/10/2010)
Con đường mơ ước  (26/10/2010)
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)
Tản mạn trước thềm Đại hội…  (24/10/2010)