Cuối năm ruổi rong xứ kiệu
20:51', 5/12/ 2010 (GMT+7)

Trên chuyến xe về quê, người bạn đang nằm lơ mơ bỗng chồm dậy mừng rỡ: Về tới Phù Mỹ rồi! Nhìn nét mặt hân hoan ấy, tôi như thấy niềm vui, niềm tự hào của người con xa xứ về miền quê của mình. Anh cảm nhận được quê chính nhờ vào cái mùi hăng hăng đến khó chịu. Rồi anh chỉ tay ra ngoài, nói gọn lỏn: “Kiệu !”...

 

Thu hoạch kiệu ở xã Mỹ Trinh.

 

* Phù... kiệu

Mùa này, dọc hai bên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phù Mỹ, những giỏ kiệu xếp hàng chi chít nối đuôi nhau, người bán - mua tấp nập. Mùi kiệu hăng hăng tạo nên nét đặc trưng không thể lẫn lộn. Nhiều người ở xa đến hay đùa: Đây là Phù Kiệu chứ không phải Phù Mỹ.

Kiệu mỗi năm có hai mùa, sáu tháng đầu là làm kiệu giống, nhưng không rầm rộ bằng sáu tháng sau làm kiệu mùa. Hầu như những đám ruộng không bị úng nước đều được nông dân Phù Mỹ đưa vào trồng kiệu. Nhà nhiều thì dăm ba sào, ít cũng một thửa. “Không làm kiệu, tay không hăng mùi kiệu vào tháng chạp thì buồn lắm, cảm giác như mình không phải người quê mình vậy” - chị Tuyết, người xã Mỹ Trinh, nói. Từ nhỏ, chị Tuyết đã cùng mẹ ra đồng sớm hôm cùng kiệu, rồi lớn lên theo những gánh kiệu kĩu kịt từ đồng ra chợ. Khác với nhiều người rời quê tìm công việc với hy vọng đổi đời, chị chọn cách mưu sinh ngay trên những đồng kiệu quê nhà. Chị Tuyết tâm sự, ngày trẻ, chị cũng đã đôi lần dự tính theo bạn bè đi xa làm ăn, nhưng mỗi lần nghĩ đến một nơi xa thì mùi quê cứ như níu kéo. Vậy rồi, chị gắn với cây kiệu đến giờ. Nay chị có nhà cửa khang trang, con cháu khôn lớn, học hành cũng là từ củ kiệu.

Nhiều cụ, nhiều bà, rồi các chị trong làng sau những giờ dậy sớm thức khuya bó kiệu đi bán mệt nhọc vẫn luôn nở nụ cười, bởi họ tự biết rằng, đặc sản của mình đang phân phối khắp nơi, nhất là khi nghe người mua hàng nhắn về: Kiệu Phù Mỹ ngon nhất! Bà Lợi, một người chuyên buôn kiệu ở thị trấn Phù Mỹ, cho biết: “Ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi, kiệu cũng nhiều nhưng khách hàng thích kiệu mình hơn. Họ nói, kiệu Phù Mỹ giòn, thơm, không nhẩn (đắng)”. Ông Trà, cán bộ nông nghiệp huyện Phù Mỹ, nhận định, kiệu Phù Mỹ ngon nhờ đất thịt pha cát, khí hậu thổ nhưỡng kết thành chất kiệu đặc trưng, kiểu như tỏi Lý Sơn vậy. Phàm ai lần đầu được ăn tỏi Lý Sơn mới ngỡ ngàng lâu nay mình ăn tỏi mà không phải tỏi. Kiệu Phù Mỹ cũng thế, ăn rồi mới cảm nhận hương vị rất riêng. Đến nỗi, nếu trong nhà không có một thẩu mắm kiệu, mà phải chờ một năm sau để ra chợ mua kiệu, thì người Phù Mỹ chắc hẳn ai cũng tiếc đến ngẩn ngơ. Nhưng ít ai để cơ hội ấy trôi qua. Cữ tháng chạp là họ tự làm dự trữ, có khi để ăn đến cả năm.

 

Anh Trung (ở xã Mỹ Quang) bán kiệu rau ở chợ Phù Mỹ.

 

* Mùa kiệu

Đầu tháng 11 âm lịch, thị trấn Phù Mỹ lại rộn ràng bán buôn. Giờ đang mùa kiệu lá. Ông Phan Văn Trung, ở xã Mỹ Quang, cho biết, chính mùa là tháng chạp, nhưng đầu tháng 11 âm lịch, nhiều người đã bắt đầu bán kiệu lá. Người dân nhổ cả cây kiệu bán với giá bằng 1/3 kiệu củ (hiện tại dao động từ 7 đến 10 ngàn đồng/kg). Kiệu lá cho thu nhập cao nhưng tốn nhiều công. Sau khi nhổ kiệu, phải rửa cho sạch, lặt bỏ lá già rồi bó lại, mỗi bó thường khoảng nửa ký. Củ và lá lúc này còn non, dùng ăn sống hoặc xào đều rất ngon. Nhiều người thích ăn  rau kiệu vì hương vị kiệu đầu mùa hấp dẫn, hơn nữa, mùa này trời hay mưa, các loại rau sống khác khó trồng nên ăn rau kiệu thay rau sống. Mùa kiệu lá ít rầm rộ, chủ yếu người dân thu hoạch vài rò để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Đến đầu tháng chạp, kiệu bắt đầu già, phần lá không còn ăn được nên chỉ lấy củ. Mỗi ký kiệu củ dao động từ 10 đến 20 ngàn đồng, tùy theo năm.

Cả huyện Phù Mỹ có 537 ha kiệu, chủ yếu tập trung ở các xã: Mỹ Trinh (119 ha), Mỹ Hòa (130 ha), Mỹ Hiệp (123 ha), còn lại phân bố rải rác ở các xã lân cận. Theo tính toán của người dân, hiệu quả kinh tế của kiệu rất cao; tuy thời gian sinh trưởng gấp hai cây lúa nhưng thu nhập cao gấp 10 lần.

Mỗi sào đất thường cho thu hoạch 6 - 8 tạ kiệu củ, tính bình quân, mỗi mùa người trồng kiệu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào. Người làm kiệu khổ từ lúc xuống giống, từ việc phải chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân, đến giữ không cho sâu hại, nhưng sợ nhất là thời tiết, bởi nếu mưa nhiều, kiệu dễ bị úng chết hoặc phát triển chậm. Hỏi có năm nào bị mất mùa, cho thu hoạch thấp, anh Hòa (ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa) hãnh diện: “Chưa bao giờ. Tuy cây kiệu khó làm nhưng ở đây ai cũng thừa kinh nghiệm, làm chủ được cây mình trồng”.

Chăm sóc đã khổ, lúc thu hoạch kiệu, vất vả lại nhân lên. Người làm kiệu, ban ngày đi nhổ, gánh đến những mương, ao nước giũ hết đất; tối đem về nhà phơi cho ráo nước, vì nếu để thấm nước lâu kiệu sẽ bị úng. Gà gáy, họ lại dậy gom kiệu vào bao, chở đến chợ trước 4 giờ sáng, cò kè giá cả đến 9 giờ mới xong. Họ đến chợ rất sớm nhưng ít ai bán liền mà nghe ngóng, thăm dò giá, sức mua, mong tăng thêm vài giá, bởi sự vất vả của họ trên đồng ít ai hiểu hết. Chị Tuyết tâm sự: “Khổ nhưng thấy vui vì nhiều người tới mua và gọi đó là đặc sản. Thích nhất là khi đếm tiền, giống như đếm công của mình trên đồng ruộng vậy”.

Tranh công với người bán, bà Lợi, người mua kiệu, cũng đôi co: “Ai cũng biết người trồng khổ, nhưng người mua như tôi cũng đâu sướng gì. Buôn kiệu là ngồi trên đống lửa mà. Nhiều lúc, trong có một buổi sáng mà đổi giá năm, bảy lần. Ở thành phố gọi ra: “Cháy chợ”, là ngoài này phải tăng giá để gom hàng; nhưng khi tăng giá thì người dân dè dặt không bán, đến khi mua được thì giá ở thành phố đã hạ. Đi mua kiệu mà cũng phải lướt sóng”. Ở Phù Mỹ hiện có trên chục đại lý lớn và hàng trăm đại lý nhỏ thu mua kiệu. Vào mùa, mỗi ngày họ chuyển đi thị trường miền Nam, Tây Nguyên hàng trăm tấn kiệu.

 

Chị Sao, một thương lái kiệu ở chợ Phù Mỹ.

 

* Hương kiệu

Bạn tôi, vì công việc làm ăn xa, mỗi năm chỉ về nhà một lần vào dịp Tết. Bạn bảo, làm việc ở thành phố, mỗi lần thấy ở chợ bán kiệu là lòng nao nao. Nhớ cái mùi hăng hăng quen thuộc mà người đi xa thường gọi là mùi quê, rồi cái hương vị nồng nồng, cay cay của kiệu, nhất là khi ăn với bánh tét… Ôi thôi, sao mà thèm, gắp miếng kiệu như tận hưởng cả hương quê, chỉ tiếc là năm nào cũng về muộn nên không được nhìn cánh đồng kiệu xanh rì tự tình với gió. Trên tấm thảm xanh gợn sóng, thỉnh thoảng vài cánh cò trắng chao liệng, ngỡ cánh đồng lúa mỡ màu định khép cánh, rồi vội bay lên. Kiệu rập rờn lả lơi với gió, để đến mùa gió đông se se lạnh, cánh đồng lại rộn ràng cảnh nông dân thu hoạch, gánh gồng.

Ít hay nhiều, sau mùa thu hoạch, người trồng kiệu cũng để dành cho mình một vài ký ngon nhất làm mắm kiệu cho ngày Tết. Người ta làm theo nhiều cách, chua ngọt hay dưa món, có người chỉ ngâm đường với ít muối, giấm rồi ai muốn ăn mặn ngọt thì chế biến. Trong mâm cúng tổ tiên, đưa rước ông bà, đều có dĩa kiệu nhỏ, còn trong bữa ăn tháng chạp mà không có kiệu là không ngon. Mùa kiệu thì ăn thoải mái hơn, không giới hạn với đủ các món rau, xào, dưa, mắm…

Ông Nam, ở xã Mỹ Hòa, vì công việc thường ăn Tết xa quê, tâm sự: “Ăn Tết xa nhà lại không có kiệu, nhiều lúc thấy trống trải vô cùng. Mỗi nơi có một đặc sản ăn trong ngày Tết, mình quen hơi kiệu rồi nên khi nào Tết không về được thì nhờ người ở quê gởi vào, có kiệu dù xa cũng thấy ấm áp, gần gũi”.

Mùa tháng chạp, ai đi ngang thị trấn Phù Mỹ sẽ bị xông vào mũi mùi nồng cay của kiệu. Ấy là mùi vị mà người dân Phù Mỹ bao đời nay cho là hồn của quê mình.

  • Trường Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phạm Đình Tòng - người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán  (04/12/2010)
Nhơn Châu mùa biển động  (28/11/2010)
Tôi cho lại những gì đã nhận  (27/11/2010)
THANH HẢI VÔ THƯỢNG SƯ - Tà đạo, mê hoặc  (21/11/2010)
Người chủ hiệu vàng không tham của gian   (20/11/2010)
Khẩn trương ổn định đời sống, sản xuất các vùng lũ lụt  (19/11/2010)
Gượng dậy sau lũ  (14/11/2010)
Xuyên Việt để viếng Bác Hồ  (13/11/2010)
Rủ nhau đi “sàn”  (07/11/2010)
Người gắn bó sự nghiệp với lĩnh vực tự động hóa   (06/11/2010)
Đi chụp ảnh cưới  (31/10/2010)
Một người hết lòng với phong trào Đội  (30/10/2010)
Nỗi đau đi qua…  (26/10/2010)
Con đường mơ ước  (26/10/2010)
Đất ngọt Định Bình  (26/10/2010)