57 tuổi đời, 39 tuổi Đảng, ông từng giữ nhiều trọng trách, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù ở cương vị nào, ông cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn và bản chất trung hậu, nghĩa tình của một người con ưu tú của núi rừng. Ông là Đinh Y Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
|
Ông Đinh Y Nam (giữa) chào đón nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (bìa trái) về thăm và tặng 100 con bò giống cho những hộ nghèo của huyện Vĩnh Thạnh giữa năm 2010. |
* Người con ưu tú của núi rừng
Được biết, năm 1962, khi chỉ mới 9 tuổi, ông đã đăng ký tham gia cách mạng. Bị từ chối vì tuổi còn nhỏ, ông về sửa khai sinh lớn hơn 3 tuổi để được chấp nhận. Lúc đó, ông nghĩ gì?
- Cả nhà tôi đều tham gia làm việc cho cách mạng Trong khí thế sục sôi của những ngày cả nước kháng chiến, chúng tôi đã được nghe Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…”. Tôi muốn góp công sức nhỏ bé của mình như lời Bác Hồ. Hồi đó, không riêng gì tôi đâu, nhiều thiếu niên cũng hăng hái muốn góp sức mình cho cách mạng đấy! Và cả cuộc đời mình, tôi luôn gắng hết sức làm việc cho cách mạng, phục vụ nhân dân.
Năm 1962, tôi được phân làm công tác văn hóa - văn nghệ ở xã La Dê (nay là xã Vĩnh Hòa). Đầu năm 1965, tôi thoát ly lên huyện, tham gia Đội Văn nghệ huyện, do ông Y Băng làm Đội trưởng. Năm 1970, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh điều tôi qua làm công tác tuyên huấn, trực tiếp phụ trách Ban Văn hóa - Thông tin tuyên truyền. Đến năm 1975, sau ngày giải phóng, huyện Vĩnh Thạnh sáp nhập vào huyện Bình Khê lấy tên là huyện Tây Sơn, tôi về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Sơn, phụ trách Đài Truyền thanh Tây Sơn chi nhánh tại xã Vĩnh Kim.
Năm 1982, khi huyện Vĩnh Thạnh được tái lập, tôi về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; năm 1983, được bổ nhiệm Phó phòng, rồi Trưởng phòng. Năm 1986, tôi làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thạnh; năm 1987, làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện kiêm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Sau đó, làm Phó Chủ tịch UBND huyện 2 nhiệm kỳ (từ 1989 đến 1999); nhiệm kỳ tiếp theo (1999-2005), làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh. Tháng 2.2006, tôi làm Phó Ban Quản lý Dự án di dân hồ Định Bình; một tháng sau, về Ban Dân tộc tỉnh làm việc cho đến ngày nghỉ hưu.
Nghe nói ông là người giỏi lắng nghe tiếng lòng tâm sự của đồng bào…
- Tôi trưởng thành từ phong trào cách mạng, nguyện suốt đời trung thành với Đảng, không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, làm việc gì mà nhiều người được hưởng lợi, tạo cho người dân có cuộc sống ấm no thì làm. Muốn vậy, phải hiểu được dân. Để hiểu phải gần dân, tiếp xúc với dân, lắng nghe và nắm bắt nguyện vọng của họ. Phải chịu khó và kiên trì tìm hiểu, học hỏi để hoàn thành tốt những nhiệm vụ, công việc.
Hiểu được tâm lý ngại ngần của bà con dân tộc thiểu số khi đến các cơ quan nhà nước, nên khi còn làm Chủ tịch UBND huyện, tôi luôn dành thời gian rảnh, vào sáng sớm, trưa hoặc chiều tối, để tiếp bà con tại nhà. Các bok, các mí nói với tôi rằng: “Lũ tui là người già dân tộc, viết ra trên giấy khó quá, cán bộ có hướng dẫn cũng mất nhiều thời gian lắm. Muốn đến nhà cháu để nói chuyện, tâm sự, đề đạt nguyện vọng…”.
Làm chuyện ấy, tôi không ngại bị mang tiếng đâu, vì với bà con, họ đến nhà mình thì mình còn phải mời họ trà thuốc, chứ họ không bao giờ đem cái gì đến cho mình. Nhưng nhờ nói chuyện như vậy mà mình hiểu bà con. Bà con càng có điều kiện nói với mình, họ càng thoải mái tâm tư và thêm tin tưởng. Những khó khăn, nan giải của huyện, như chuyện vận động đồng bào 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa ra khỏi lòng hồ Định Bình, đều được tôi đề xuất cách giải quyết hợp lý. Kết quả, mặt bằng được giao cho đơn vị thi công sớm hơn 1 năm so với dự kiến.
|
Ông Đinh Y Nam và một nghệ nhân người H’rê ở An Lão |
* Văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn
Là người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh, nhưng ông không chỉ hiểu rõ văn hóa dân tộc mình, mà còn biết rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh, H’rê ở An Lão và một số dân tộc khác. Hẳn ông phải tích lũy từ rất lâu…
- Tôi tự biết là mình không được đào tạo bài bản. Mà có nhiều chuyện, ngay cả được đào tạo cũng chưa chắc đã làm được nếu cứ máy móc làm theo sách vở. Tôi có nhiều năm làm việc ở cơ sở, đã tích lũy trong suốt quá trình công tác của mình, nhất là khoảng thời gian làm việc trong ngành văn hóa.
Bản thân tôi, từ nhỏ đã thích tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ quanh mình. Khi quen biết người dân tộc thiểu số nào, tôi thường hỏi han, chuyện trò về phong tục, tập quán, nếp nghĩ, nếp làm của đồng bào. Khi về làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh, tôi xuống cơ sở rất nhiều, hòa mình vào dân. Nhờ hiểu biết có sẵn, tôi được các già làng, trưởng bản tin cậy. Nhờ đó, việc tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con thực hiện theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng dễ dàng hơn.
Có mặt ở hầu hết các hội thảo, hội nghị bàn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số do các cấp tổ chức, ông muốn chia sẻ điều gì?
- Tôi luôn trăn trở trước thực trạng đáng lo ngại của văn hóa miền núi. Những giá trị truyền thống tốt đẹp như đan đát, dệt thổ cẩm; những điệu múa, lời ca, nhạc cụ dân gian của người Bana, Chăm, H’rê đang phai nhạt dần. Việc đào tạo đội ngũ làm công tác sưu tầm, lưu giữ và phát huy chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người trẻ đang lờ mờ về bản sắc, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Việc sưu tầm và gìn giữ những giá trị tốt đẹp cần được đầu tư tích cực hơn.
Tiếng nói, chữ viết cho đồng bào là vấn đề rất quan trọng. Từng có nhiều cuộc hội thảo bàn về việc này, nhưng mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại trên văn bản, hầu như chưa có một cấp, ngành nào triển khai cụ thể. Cái đã làm thì hiệu quả chưa cao. Nỗ lực lớn nhất cho đến nay là xuất bản 3 tập sách về chữ viết của 3 dân tộc chính là Bana, Chăm và H’rê, nhưng cũng chỉ là sách tham khảo. Mong ước biết mặt cái chữ dân tộc mình của nhiều bà con còn xa quá…
|
Ông Đinh Y Nam |
* Nghỉ hưu không có nghĩa là ngừng cống hiến
Nhiều người xem việc nghỉ hưu là để nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc. Với ông thì sao?
- Tôi nghỉ hưu là theo chế độ của Nhà nước, tức là nghỉ làm việc ở cơ quan thôi, chứ lòng tôi sao yên khi nhìn lại công tác đào tạo và những người đã qua đào tạo về mảng miền núi, có nhận thức và hiểu biết về dân tộc thiểu số quá chung chung. Tôi tự nguyện hy sinh niềm vui đầm ấm cùng gia đình ở Vĩnh Thạnh để tiếp tục ở lại Quy Nhơn, ở nhà thuê để làm việc. Cũng may là Đài Truyền hình Bình Định (BTV) ngỏ lời mời tôi về cộng tác thực hiện các chương trình về mảng miền núi. Vậy là tôi có cơ hội làm việc, với vị trí của một phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Bana trên BTV. Tôi còn được nhà đài phân công tìm kiếm con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh, tạo điều kiện để họ tham gia thu âm, lên sóng các chương trình bằng tiếng nói của dân tộc mình.
Nếu được phép đề xuất một vấn đề, ông sẽ…
- Mong muốn lớn nhất là các cấp lãnh đạo quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Với tôi, còn sức khỏe là tôi tiếp tục cống hiến. Tôi luôn sẵn sàng đem hết khả năng, vốn hiểu biết của mình ra để cống hiến.
Cảm ơn ông!
|