Chiếc thuyền đầy ắp cá tròng trành vào cảng, một ngư dân ở thôn Thiện Chánh 1 (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) tươi cười: “Mấy năm nay “biển no”, bà con đều trúng”. Từ những đoàn thuyền vươn ra khơi xa, nhiều ngư dân ở “thủ phủ” nghề biển đã trở thành tỉ phú.
|
Nhờ biển, nhiều ngư dân của “thủ phủ” nghề biển đã phất lên thành tỉ phú.
|
* Tỉ phú của biển
Lớn lên từ “thủ phủ” nghề biển Tam Quan Bắc, mùi biển thấm sâu vào từng tế bào, anh Phạm Ngọc Dương (thôn Thiện Chánh 1) vẫn bao lần tìm cho mình một hướng đi khác, nhưng rồi biển vẫn cứ “gọi” về. Ông Phạm Đê, cha của anh đã trải qua bao nổi chìm của sóng để gầy dựng lên cơ ngơi với ba chiếc thuyền trị giá trên 3 tỉ đồng. Anh Dương lớn lên được thừa hưởng gia sản lớn mà đời trước đã đổ mồ hôi gom về từ biển này. Không chỉ anh Dương, chủ tàu bây giờ phần lớn là người trẻ. Làng đã giàu lên từ sự vun đắp của nhiều thế hệ.
Anh Võ Văn Thành, cán bộ khuyến ngư của xã vui vẻ đưa chúng tôi đi dọc những con đường giữa những căn nhà cao tầng khang trang, nhộn nhịp bán mua chuẩn bị cho mùa biển chính. Anh Thành chỉ tay về phía những con tàu đang neo đậu ở Cảng cá Tam Quan, nói: trước năm 2003, quy mô tàu cá của Tam Quan Bắc nhỏ lẻ, chủ yếu đánh bắt gần bờ; từ năm 2007 đến nay, nghề cá trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Mùa này, lượng tàu xuất bến đã gần hết. Chính vụ từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch. Cứ tưởng tượng, hết mùa biển thuyền đổ về đây đậu kín bến, nhìn không thấy mặt nước.
Trên những boong tàu còn lại, những thuyền viên tất bật với ngư cụ, vật dụng chuẩn bị ra khơi, một số nhóm tụm lại bên cốc café huyên thuyên câu chuyện chia tay. Thực ra, đó là lời hẹn hò ngoài biển khơi giữa những người khởi thủy, bởi ở biển khái niệm chia tay đã mờ nhạt từ chuyến tàu đầu tiên của đời chài.
Ông Phạm Đê kể lại: “Trước, tui có một thuyền nhỏ, chiều ra sáng vào, chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày. Thấy bấp bênh, tui đầu tư đóng thêm hai tàu lớn (250CV). Sống bằng nghề biển thì chỉ có thể vươn ra sóng lớn mới tìm được cơ hội làm giàu!”. Ông bảo “của nả” là ở ba chiếc thuyền này hết. Bởi mỗi chiếc đóng xong lên đến hơn 1 tỉ đồng. Ba chiếc thuyền gia đình giăng ngang trên biển tạo thành một nhóm đánh bắt nên ít khi trở về mà thuyền không nặng cá. Từ những điển hình làm giàu, nhiều người của làng đã học tập, mạnh dạn đầu tư. Cả xã hiện có hơn 750 tàu lớn nhỏ; trong đó hơn 450 chiếc đánh bắt xa bờ, chiếm hơn 70% tàu thuyền trong huyện.
Cảng cá cũng là nơi trú ẩn, giao thương buôn bán của hàng trăm tàu thuyền ở các địa phương lân cận. Những ngày thuyền vào bờ, cảng cá tấp nập. Hiện các công ty thu mua, sơ chế, cấp đông và các đại lý mua bán nở rộ, tính ra đã có hơn chục công ty, đại lý; bốn xưởng đóng tàu cỡ lớn cũng rầm rập ngày đêm.
Ông Trương Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà cho biết, mỗi mùa công ty mua và xuất đi 400-700 tấn cá, giải quyết việc làm cho trên 30 công nhân thời vụ. Riêng các xưởng đóng tàu mỗi năm đóng mới khoảng 15 chiếc công suất lớn và sửa chữa hàng trăm tàu thuyền. Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu tàu về, tàu đi. Rồi, sản phẩm từ biển cũng góp phần tạo nên các “thương hiệu” mạnh của Tam Quan Bắc, như nước mắm Như Hoa, Như Mười…
|
Mỗi chiếc thuyền công suất lớn để đánh bắt cá ngừ đại dương có giá trị cả tỉ đồng.
|
* Lấy chồng nghề biển...
Bước qua quá nửa cái tuổi ngũ tuần, ông Nguyễn Quốc Vương (ở thôn Thiện Chánh 2), đã có đến 45 tuổi nghề. Mười lăm tuổi, ông chập chững theo ghe đánh bắt gần bờ. Đêm trên biển mênh mông với bầu trời đầy sao, những vệt sáng của cá lướt trên mặt nước đã làm chàng trai trẻ say mê. “Ai đã một lần ra khơi ban đêm mới thấy biển đẹp. Tôi mê biển nên làm việc chưa bao giờ thấy mệt” - ông tâm sự.
Từ chiếc thuyền nhỏ của gia đình, ông đầu tư sắm chiếc thuyền câu cá chuồn. Lần này thì ra biển xa hơn, mỗi chuyến đi 10 ngày. Sức trai tráng tha hồ đạp sóng trên biển cho đến khi thuyền đầy ắp cá. Năm 2005, ông tiếp tục chinh phục biển khơi bằng chiếc thuyền lớn hơn (210CV) để câu cá ngừ đại dương. Tài sản của ông bây giờ không chỉ là hai chiếc thuyền mà cả cậu con trai và hai con rể nối nghiệp.
Biển có lúc đẹp, hiền hòa nhưng luôn ẩn chứa sự dữ dằn, hung hãn như muốn thách đố con người. Ông Vương bỏ nghề biển đã hai năm nay sau một lần bị tai biến nhẹ. Năm 2005, thuyền ông Vương vào cách bờ chỉ chừng chục hải lý thì gặp bão. Gió biển bổ lên tàu như bom nổ. Phải qua một đêm chống chọi với bão, tỉnh dậy ông mới biết là mình vẫn còn sống. Lần ấy, có chủ thuyền mạo hiểm chạy vào bờ liền bị bão đánh và nhấn chìm. Còn bà Số - vợ ông - mỗi lần nghe tin áp thấp nhiệt đới, bão, biển động là lo thon thót. Đến giờ bà vẫn rùng mình: “Cứ mỗi mùa ổng đi biển, tui ở nhà thấp thỏm không yên. Vậy mà, từ ngày thôi đi biển, tui thấy ổng già trông thấy. Mùa vừa rồi, tự dưng ổng quyết đi theo tàu, tui sợ hết hồn luôn”. Nghe vợ nói, ông cười khà khà: “Thấy anh em đi, mình nằm ở nhà nhớ biển không chịu nổi. Mà biển là tri kỷ, không phụ người đâu!”.
Biển không phụ họ, và họ cũng không phụ biển. Mỗi chiếc thuyền ra khơi hôm nay đã trang bị tương đối đầy đủ ngư cụ: máy tầm ngư, định vị, máy đàm thoại đường dài, những dàn lưới hiện đại, dàn đèn đến hàng trăm triệu đồng.
Trước kia ra khơi không đánh bắt được, chuyện lỗ tổn hay gặp tai nạn là thường xuyên. Nghĩ lại thấy liều, trên tay chỉ có la bàn, dò dẫm tìm luồng cá như mò kim đáy biển. Thông tin liên lạc cũng kém, mỗi lần gặp nạn gọi bạn hỗ trợ rất khó, nhiều lúc đang đánh cá thì bão ập tới... “Tui đã nhiều phen suýt bỏ mạng trên biển. Có lúc gặp bão sóng đập phủ lên tàu, nhiều người sợ phải bật khóc. Nước mắt trên biển mặn lắm, số phận mỏng manh như tấm ván thuyền vậy” - ông Vương tâm sự.
Để chinh phục biển, chống chọi lại sự khắc nghiệt, ngư dân đã dần cải tiến phương tiện, làm chủ công nghệ. Nhưng sáng tạo lớn nhất của họ là tạo thành nhóm liên kết cùng ra khơi. Nhóm ban đầu là những người trong gia đình, anh em hỗ trợ nhau trên biển. Khoảng mười đến mười lăm tàu cùng tìm đánh bắt cá trên một vùng biển, khi trúng vùng cá, họ gọi nhau chia sẻ; khi gặp nạn, họ hỗ trợ lẫn nhau hoặc phân công chở cá vào bờ để tiết kiệm chi phí. Đánh bắt nhóm có hiệu quả, an toàn là mô hình thu hút nhiều tàu kết nhóm cùng ra khơi. Anh Lê Văn Duẩn, ngư dân ở thôn Thiện Chánh 1, cho biết: “Ra khơi đơn lẻ, lúc gặp tàu bị hư, ít ai nhiệt tình hỗ trợ bởi nếu phải lai dắt vào tới bờ nghĩa là họ phải bỏ một chuyến cá, có khi lỗ tổn trên 100 triệu đồng. Giờ đi theo tổ, anh em không chỉ hỗ trợ nhau trong đánh bắt, tai nạn mà còn ít bị uy hiếp bởi “tàu lạ” trên biển”.
|
Anh Duẩn và các thuyền viên chuẩn bị ra khơi.
|
* Lấp lóa niềm vui
Lênh đênh trên biển cả tháng trời, các dịch vụ hậu cần trên biển rất cần thiết, họ có thể chia sẻ nhau từng can nước ngọt, đàn cá, tránh cảnh tàu đói tàu no, may nhờ rủi chịu. Từ giúp nhau trên biển, họ giúp nhau trong cuộc sống để vươn lên. Những thuyền viên luôn được chủ tàu hỗ trợ nếu có khả năng sắm tàu riêng. Từ sự hỗ trợ, hùn hạp, nguồn vốn vay hỗ trợ, những ngư dân nghèo có quyền nhen nhúm giấc mơ làm chủ biển khơi trên những thân tàu hàng trăm mã lực.
Có câu chuyện kể rằng, sau một mùa biển trúng đậm, hai chàng trai nhiều ngày lênh đênh với nắng gió biển khơi đã cầm một xấp tiền lớn mua hết bia ở một cái quán rồi ngông ngạo thi ném vào vách đá, ai ném nổ to hơn thì chiến thắng. Phần thưởng cho người thắng cuộc là… một ly café đen! Hành động này không ai chấp nhận nhưng phần nào thể hiện chút tự hào, kiêu căng, thách thức trước biển của những chàng trai vai u thịt bắp của “thủ phủ”.
Những ngày vào bờ, Tam Quan Bắc cũng tưng bừng như vậy. Từ boong tàu, quán xá, hay ở nhà đều ồn ã những cuộc ăn nhậu. Họ uống say cho thỏa những ngày rong ruổi lao động mệt nhọc trên sóng biển, ít bóng dáng con người, nhất là ngày tết rơi vào chính vụ nên cũng phải ăn tết xa nhà. Mỗi chuyến về mà nhậu như vậy là biết trúng mùa.
Về Tam Quan Bắc hôm nay, những ngôi nhà cao tầng, bề thế sang trọng như biệt thự mọc lên ngày càng nhiều; nhiều công ty về đây đầu tư cho nghề biển, đời sống của ngư dân cũng từng ngày khởi sắc. Nổ máy, vẫy chào chúng tôi, trên khuôn mặt sạm nắng tràn đầy niềm tin, anh Duẩn cười rất tươi: “30 ngày nữa về, nhớ ghé nhậu nhé!”.
Tiếng máy tàu 250CV đưa mười thuyền viên cùng ngư cụ nhẹ tênh xuất cảng…
|