Ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), mỗi khi xảy ra vấn đề mất an ninh trật tự (ANTT), người dân hay gọi đến số máy điện thoại di động của anh Trưng Quốc Khoa (SN 1961, công an viên xã Tây Giang). Và nhiều vụ việc mất ANTT trên địa bàn đều được anh Khoa có mặt kịp thời để xử lý. Bởi vậy, ngoài tên “Khoa Công an xã”, nhiều người còn đặt cho anh một tên khác: “Khoa 113”. PV Báo Bình Định đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh.
|
Anh Khoa đang trao đổi với PV Báo Bình Định.
|
* Làm công an viên là một cơ duyên
* Vì sao anh được nhiều người dân trong xã gán cho cái tên “Khoa 113”?
- Tôi chẳng hiểu sao mà khi có tin báo tội phạm hay xảy ra vụ việc mất ANTT trên địa bàn xã, nhiều người dân lại gọi vào máy điện thoại di động của tôi. Mỗi khi nghe dân gọi, bất kể giờ giấc nào, tôi đều báo cáo xin ý kiến lãnh đạo cơ quan. Khi được lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo, tôi xách xe máy chạy ngay đến hiện trường xảy ra vụ việc. Thường thì chỉ sau vài phút nhận được điện thoại chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan hoặc tin báo tội phạm của người dân là tôi có mặt tại hiện trường. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người trong xã hay gọi đùa tôi là “Khoa 113”.
Không chỉ có dân, mà mỗi khi có việc, nhiều khi đồng nghiệp ở Công an huyện Tây Sơn hoặc Công an tỉnh cũng gọi trực tiếp cho tôi, nhờ hỗ trợ truy bắt khi đối tượng đến địa bàn xã. Dân hay anh em đồng nghiệp tin tưởng mới gọi cho mình, nhưng dù có việc gì đi nữa thì trước khi đi giải quyết vụ việc tôi cũng đều điện thoại xin ý kiến lãnh đạo trực tiếp.
* Được biết, trước đây anh là thầy dạy võ. Vậy cơ duyên nào anh lại vào lực lượng Công an?
- Tôi mới làm công an viên được 7 năm nay. Trước đó, tôi dạy võ cho Câu lạc bộ Võ thuật huyện Tây Sơn, sau chuyển sang dạy võ cổ truyền ở Bảo tàng Quang Trung. Năm 2003, xã Tây Giang cần tăng cường công an viên, được sự tín nhiệm của lãnh đạo xã, lãnh đạo Công an xã, tôi xin vào làm công an viên cho xã Tây Giang cho đến nay.
Tôi nghĩ, trước đây, mình theo đuổi nghề võ, giờ không tận dụng vào công việc gì có ích cho xã hội thì quả là phí. Bởi vậy, sau khi sắp xếp được công việc dạy võ ngoài giờ hành chính, tôi muốn tận dụng những ngón võ đã học được để cùng anh em đồng nghiệp góp phần bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
* Lớn tuổi, lại làm công việc khá vất vả này, có lẽ, những ngày đầu mới bước vào nghề, anh đã gặp không ít khó khăn?
- Tôi bắt đầu làm công an viên ở tuổi 42. Quả thật, những ngày đầu khi mới làm công an viên, tôi đã gặp không ít bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, nên tôi nhanh chóng tiếp cận được công việc, sớm vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.
Trước khi gia nhập vào lực lượng Công an, tôi đã lường trước được những khó khăn trong công việc của một công an viên: lương thấp, hay đi khuya, về sớm và thường đối mặt với hiểm nguy. Nhưng tôi thích công việc này, lại được vợ con thông cảm, chia sẻ, động viên, nên tôi có điều kiện chú tâm vào công việc.
|
Anh Khoa kể lại vụ truy bắt đối tượng cướp có vũ khí.
|
* Những chiến công ấn tượng
Chỉ mới gần 7 năm làm công an viên, nhưng anh Trưng Quốc Khoa đã nhiều lần trực tiếp bắt giữ trên 30 đối tượng hình sự, kịp thời giải quyết hàng trăm vụ việc mất an ninh trật tự ở địa phương. Trong số các đối tượng anh từng truy đuổi, có cả những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm sử dụng hung khí. Tuy nhiên, bằng những thế võ, lòng can đảm và sự mưu trí trong công việc, hầu hết những tên tội phạm mà anh được giao nhiệm vụ truy bắt đều bị anh khống chế gọn.
* Thường xuyên tham gia truy bắt tội phạm, chắc anh không ít lần gặp nguy hiểm?
- Phải nói là nhiều lần suýt chết vì truy đuổi tội phạm chứ không chỉ có nguy hiểm thôi đâu. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, không ít lần, tôi đã bị đối tượng cho “ăn đòn”, thậm chí có lần còn bị chĩa súng vào đầu định bóp cò. Qua hàng chục lần truy bắt tội phạm, tôi nhớ nhất là lần bắt Nguyễn Đăng Phây (29 tuổi, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - đối tượng đang bị truy nã - vào đêm 27.6.2010.
21 giờ hôm đó, tôi đang trực đêm thì nhận được điện thoại của Công an huyện Tây Sơn và anh em cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 19 yêu cầu hỗ trợ để truy bắt đối tượng cướp tài sản, đang tẩu thoát từ hướng thị trấn Phú Phong lên xã Tây Giang. Ngay lập tức, tôi xin ý kiến lãnh đạo, rồi xách xe máy chạy đi truy tìm. Khi phát hiện ra 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi, nhưng chưa kịp bắt giữ, thì đối tượng đã bỏ xe, chạy thoát thân về hướng núi. Sau một hồi truy đuổi lòng vòng, lúc tôi chuẩn bị tóm được thì hắn bất ngờ rút khẩu súng ngắn ra chĩa vào đầu tôi, bảo: “Giơ tay lên!”. Nói thật lúc đó, tôi hoảng quá, tưởng như sắp tiêu đời rồi. Tuy nhiên, chỉ trong chớp mắt, tôi định thần được, liền tìm cách lừa để hắn phân tán tư tưởng. Tôi giả vờ quay sang hướng khác la lên: “Anh Hai gọi em có chuyện gì đó”. Nghe tôi nói vậy, hắn quay mặt sang hướng tôi nhìn. Lập tức, tôi đá văng khẩu súng, tiếp đó, khống chế đối tượng.
Sau này, nghe anh em điều tra viên Công an huyện Tây Sơn nói hắn là đối tượng hình sự nguy hiểm, có 4 tiền án về tội cướp và cướp giật, đang bị Công an tỉnh Long An truy nã về tội Trộm cắp tài sản, tôi vẫn còn ớn lạnh khi nghĩ đến chuyện hắn chĩa súng vào đầu tôi.
* Nếu có lời mời làm việc với mức lương hậu hĩnh hơn lương công an viên nhiều lần, anh có nhận lời không?
- Thực tế, thời gian qua, cũng có nhiều công ty vệ sĩ, ngân hàng, trường học… mời tôi về làm việc cho họ với mức lương khá cao, nhưng tôi đã kiên quyết từ chối. Dù đồng lương của công an viên có ít, nhưng tôi đã và sẽ chọn công việc này. Khi được địa phương mời tham gia Công an xã, tôi đã hứa rằng mình sẽ cố gắng làm tròn chức trách, để góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên ở địa phương, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an, không phụ lòng tin yêu của bà con. Tôi mong sao quê tôi luôn bình yên, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc, vậy là tôi thấy vui rồi.
* Cảm ơn anh!
|