“Không đi thì mất tiền lương/ Còn đi thì sợ cầu Cương cắc cù”. Từ nhỏ, tôi đã nghe người lớn kể lại những câu chuyện chiến tranh ở cầu Cương, xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) và bao giờ cũng bắt đầu bằng câu ca dao đầy tự hào ấy.
Những năm đầu chống Mỹ, vũ khí còn thiếu thốn, du kích địa phương chủ yếu được cấp loại súng trường cùng vài viên đạn với khẩu hiệu “mỗi viên một tên địch”. Đoạn đường từ km số 7 (Quốc lộ 1) tới cầu Cương phải qua cánh đồng trống (đồng Cát). Đây là đoạn du kích ta từ đường sắt đặt tầm ngắm xuống Quốc lộ. Mỗi lần súng trường “cắc cù” thì một tên địch trên đường phải gục ngã. Khiếp đảm với du kích bắn tỉa, bọn địch đã tự đặt câu thơ nhắc nhở lẫn nhau.
|
Người dân đến viếng các anh hùng, liệt sĩ tại di tích lịch sử Chiến thắng Cầu Cương vừa mới được xây dựng.
|
* Du kích Mỹ Hiệp
Cầu Cương là chốt điểm quan trọng, kiên cố của địch nằm trên Quốc lộ 1, tiếp giáp giữa thôn Vạn Phước và Bình Long. Đây là cánh cửa quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch móc nối liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm, hậu cần tiếp tế cho hậu cứ của Quân khu và Tỉnh đội. Cấu trúc địa hình liên xóm tạo điều kiện cho bộ đội, du kích từ đèo Ngụy, dốc Dài xuống thôn Vạn Thiện, Vạn Phước, An Trinh, Bình Long đi qua cầu Cương để xuống Mỹ Tài, Mỹ Cát, qua cửa Đề Gi liên lạc với căn cứ ở núi Bà. Cá, mắm, gạo cũng từ đường đó mà tiếp tế lên. Nắm được yết hầu giao liên quan trọng ấy, bọn địch đóng hai chốt kiên cố án ngữ hai bên cầu Cương nhằm cắt đứt liên lạc của ta.
“Từ cây số 7 đến cầu Cương đánh nhau diễn ra thường xuyên, nhiều trận ác liệt, chủ yếu là du kích địa phương phối hợp với bộ đội tỉnh” - ông Nguyễn Quang Minh (62 tuổi), Trưởng ban Chỉ huy xã đội thời ấy nhớ lại. Du kích địa phương chỉ vài đội, mỗi đội 4 người hoạt động bí mật trong lòng địch. Phối hợp với bộ đội, du kích Mỹ Hiệp đã có nhiều trận đánh làm giặc khiếp hồn. Năm 1964, đánh tiểu đoàn cộng hòa đi mở đường đoạn đồng Cát, cầu Cương, diệt 40 tên; tập kích tổng đoàn dân vệ ở cầu Cương diệt 27 tên. Chúng huy động một tiểu đoàn phản pháo, dẫm phải bãi mìn, bị du kích đánh trả, diệt thêm 13 tên; trận đánh vào cầu Cương do du kích Nguyễn Sang chỉ huy đã tiêu diệt sạch một trung đội do tên Sen - một ác ôn khét tiếng cầm đầu.
Sau những thắng lợi trong chiến lược “Diệt ác - phá ấp - giành dân”, năm 1965, xã được khen “xã Thành đồng quyết thắng”. Bọn địch càn qua tuyên bố “đánh cho “thành đất” chứ không để “thành đồng””. Chúng bắt dân lập ấp, ráo riết bắt bớ, giám sát. Càng siết chặt thì người dân càng sáng tạo nhiều cách tiếp tế, họ vận chuyển gạo bằng đôi gánh ky ngụy trang phân bò ở trên giả đi làm ruộng. Có bà Mục Nhạc, gánh gạo đi qua cầu, bọn địch bắt lại, bà hô hoán rằng dân nghèo mua gạo về ăn mà cũng bắt bớ, bọn chúng đành phải cho bà đi. Ông Minh kể, có đêm cả làng- lớn, nhỏ đều đi vận chuyển gạo, chôn giấu cho bộ đội được 17 tấn; dân công đi nườm nượp cả ngày lẫn đêm.
Chiến sự cầu Cương diễn ra liên tục, kéo dài vì địch quyết tâm ngăn đường tiếp tế của ta. Vùng đất này địch tập trung nhiều, ác ôn cũng khét tiếng, vậy mà chưa bao giờ bị chỉ điểm. Du kích thì ít, bộ đội hỗ trợ về không nhiều nhưng chốt địch luôn đặt trong tình trạng báo động vì cả làng - lớn, nhỏ, già, trẻ đều làm cách mạng, không phân công nhưng ai cũng theo dõi địch để báo cho du kích. Chốt giặc vây quanh, nhưng điều kỳ diệu là du kích và bộ đội ở ngay trong làng, có lúc tập trung đến vài chục đồng chí, bọn chúng vẫn không hề hay biết. Địch không hiểu cộng sản ở đâu, vì sao lại vận động được dân nổi dậy ngay trong lòng chúng. Ông Minh kể lại bằng lòng khâm phục rồi khẳng định “Không chiến lũy nào bằng chiến lũy lòng dân”.
Trận đánh ngày 31.3.1975 tại cầu Cương là trận đánh quyết định của du kích Mỹ Hiệp. Khi bọn địch thất thế ở Hoài Nhơn, thị trấn Phù Mỹ chạy vào, du kích địa phương được giao phó đánh chặn chốt cầu Cương. Bọn giặc tan tác tháo chạy, ta tiến công vào hạ tiếp chốt cầu Phù Ly, thu thêm hai khẩu pháo. Đến 18 giờ, xã Mỹ Hiệp hoàn toàn giải phóng, huyện Phù Mỹ giải phóng.
|
Ngoài cầu Cương là cánh đồng Cát, nơi bọn giặc thường xuyên bị bắn tỉa.
|
* Xứng danh anh hùng
Trong thời khắc trước lúc giải phóng, một du kích Mỹ Hiệp đã ngã xuống trong sự tiếc thương vô hạn của người dân. Đó là Xã đội phó Nguyễn Thanh Trà. Nhiều trận đánh vào cầu Cương do anh Trà chỉ huy làm nản lòng kẻ địch, nhưng chiến công lớn của anh là tiêu diệt ác ôn… Trong trận cuối cùng, Trung đoàn 40 của giặc ở Hoài Nhơn, 41 ở Phù Mỹ, 2 tiểu đoàn bảo an ở Mỹ Tài, Mỹ Hiệp tháo chạy, đổ dồn về chốt cầu Cương. Sáng sớm 31.3.1975, mũi du kích do anh chỉ huy đã đánh chiếm chốt. Hai trung đoàn và hai tiểu đoàn bảo an địch ngỡ rằng đồng minh của mình ở chốt nên ung dung tiến vào. Chiếc xe Jeep đi đầu bị bắn cháy nằm ngang đường; không đi được, chúng dồn pháo, hỏa lực, lựu đạn đánh công sự, bắn phá hỗn loạn. Trong lúc đạn giăng như mưa, đội du kích chỉ có vài người, anh Trà giữ trong tay khẩu đại liên M60 xông lên nhằm thẳng đám địch siết cò. Khi 250 viên đạn nhả hết cũng là lúc anh ngã xuống. Sự hy sinh anh dũng của một du kích gan dạ, thông minh, nhanh nhẹn ấy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Những công lao, sự hy sinh của du kích, nhân dân xã Mỹ Hiệp trong kháng chiến chống Mỹ được ghi nhận sớm nhất tỉnh với danh hiệu xã Anh hùng LLVT (1978). Năm 2009, cầu Cương được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử: Chiến thắng Cầu Cương. Đây là địa điểm đại diện cho nhiều địa danh của xã mà mỗi lần nhắc đến người Mỹ Hiệp ai cũng tự hào như: núi Lá, đèo Ngụy, dốc Dài, hang Cọp, hang Đá Trắng…
Cuốn Lịch sử địa phương phần nhiều viết về chiến trận ác liệt từ đèo Ngụy, dốc Dài chạy xuống tuyến giao thông cửa khẩu này, trang nào cũng ghi lại những ác liệt, sự hy sinh mất mát nhưng không hề lay chuyển lòng người dân Mỹ Hiệp.
|
Trụ sở xã Mỹ Hiệp hôm nay.
|
* Vĩ thanh
Chiến tranh đã đi qua, người dân ở đây đã biết quên đau thương để xây dựng cuộc sống. Năm 1977, HTXNN1 Mỹ Hiệp là HTX điểm đầu tiên của huyện được thành lập (HTX xây dựng ngay trên đồn bót cầu Cương), đội xung kích (đội 202) với 100 đoàn viên, thanh niên cũng được thành lập giúp HTX xây dựng nhiều công trình thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, làm đường, trường học... Sau 10 năm (1977-1987) sản xuất, HTX đã được Hội đồng nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III và cho đến nay vẫn luôn là một trong những HTX làm ăn hiệu quả trong tỉnh.
Ngay sau chiến tranh, tôi chưa đủ lớn để cảm nhận hết về hai chữ Anh hùng, nhưng những câu chuyện đi làm cách mạng được kể ở bất cứ nơi nào, giờ giải lao trên bờ ruộng, trong những bữa cơm, cả những buổi đi chăn bò cùng các cụ; và những hình ảnh quê hương thay da đổi thịt mỗi ngày mà phần nào cảm nhận được truyền thống anh hùng của quê hương mình.
|