Tôi đến nhà ông, vừa khi ông đang lên mạng tra cứu. “Phải công nhận rằng, từ ngày làm quen với cái máy vi tính, thấy nó tiện lợi quá. Tiếc là tôi phát hiện ra nó không sớm hơn. Từ đầu năm 2010, ở vào cái tuổi 70, tôi mới bắt đầu bài học vỡ lòng về vi tính”- ông tâm sự.
|
Buổi sáng là thời gian dịch giả Trà Ly dịch sách. |
* “70 tuổi học vi tính vẫn chưa muộn”
Tuổi cao, trí nhớ không còn nhanh nhạy như thời trẻ. Vậy làm thế nào mà ông nhớ được các thao tác trên máy?
- Ồ, phải ghi ra vở chứ. Cô xem này, đây là bài tạo ra file mới, là cách đếm chữ. Còn đây lại là công thức tuyển các file thành một tệp (folder). Con nó chỉ thế nào thì ghi vào đấy; quên, lại giở ra xem. Đến nay, tôi đã biết cách đếm chữ, biết gửi “meo” (mail), đọc báo trên mạng… May mà ngày xưa tôi đã biết đánh máy chữ nên bây giờ đánh vi tính cũng tương đối thạo. Hồi trước, mỗi khi dịch xong, từ bản thảo lại ghi sạch sẽ trên giấy, đánh vi tính, rồi mang tới hiệu in ra, thấy nhiêu khê quá chừng. 70 tuổi, còn làm được vi tính tôi mừng lắm!
* Tự học để thành dịch giả
Lên Google, đánh 4 chữ “dịch giả Trà Ly”, thì thấy cái tên này xuất hiện trên các trang web giới thiệu về sách như www.vibook.com, www.davibook.com với các tác phẩm “Tự bạch một cuộc tình” (Tập truyện ngắn đương đại Trung Quốc) của NXB Văn học (12.2008), “Làm chủ bản thân” của NXB Trẻ (6.2010)…
Cho đến bây giờ ông đã có bao nhiêu đầu sách dịch được xuất bản, thưa ông?
- Đúng 10 cuốn do các NXB Kim Đồng, Văn học, NXB Trẻ in ấn. Họ làm tất cả các khâu mua bản quyền, in ấn, và trả nhuận bút cho tôi. Nói tới truyện ngắn, thì tôi dịch có đến vài ba trăm truyện, gởi đăng khoảng 20 tờ báo, tạp chí trên cả nước, trong đó có một số báo, tạp chí rất có uy tín như tạp chí Văn học nước ngoài, báo Văn nghệ; Văn nghệ Công an, báo Tuổi Trẻ; tạp chí Văn nghệ quân đội…
|
Vì vợ mắt kém nên ngày nào ông cũng đọc báo cho bà nghe. |
Và những tác phẩm đang chờ được xuất bản khác?
- Hiện, tôi đã hoàn thành 6 tập sách, đó là cuốn tiểu thuyết Bạch Lộc Nguyên của Trần Trung Thực; tập truyện ngắn đương đại “30 năm, một nụ hôn”; “21 truyện hoang đường kinh dị Trung Quốc”; Truyện Khoa học viễn tưởng; truyện vụ án dành cho lứa tuổi thiếu nhi “Tập làm thám tử” và tập truyện cổ tích viết lại “Chiếc ấm đồng”.
Trước đây, mọi người vẫn biết đến ông như một nhà thơ, nhưng hơn chục năm nay, cái tên dịch giả Trà Ly- văn học đương đại Trung Quốc được nhắc đến nhiều hơn. Ông có thể cho biết mình trở thành dịch giả trong trường hợp nào?
- Tôi chỉ coi mình là “người dịch”, còn “dịch giả” thì nghe lớn quá! Tạp chí “Văn học nước ngoài” trong số kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, họ tự gọi Trà Ly là “dịch giả văn học” đấy chứ !
Tôi học tiếng Trung Quốc từ những năm học phổ thông như một ngoại ngữ bắt buộc. Có điều, tôi thích nên mày mò học thêm, tra từ điển, viết thư giao lưu với bạn học Trung Quốc để tăng vốn từ ngữ và hiểu thêm về cú pháp. Khi đã có một vốn từ vựng kha khá, tôi liều mạng dịch truyện tranh liên hoàn của Trung Quốc. Đến khi lên đại học, tôi cũng được học sơ qua vì ngành tôi học là Sư phạm Văn. Sau này, khi đi dạy, tôi có may mắn được đưa học sinh sang Trung Quốc học 1 năm (1967-1968) nên cũng có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn. Nói chung là tự học. Cả tiếng Anh cũng thế, tôi học chữ chứ không biết đọc, vì là tự học mà. Nhưng rồi, chẳng mấy khi dùng đến nên tiếng Anh mai một đi nhiều. Năm 1995, hồi ấy là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi có dịp đi tham quan Trung Quốc. Khách sạn tôi ở, sáng nào cũng có báo, tôi đọc và rất vui khi thấy mình vẫn còn hiểu được. Hóa ra, cái vốn tiếng Trung từ hơn 40 năm trước vẫn còn tác dụng. Mừng quá, tôi vớ luôn một ít mang về và tôi bắt đầu dịch từ đó.
Nguồn tư liệu ông lấy từ đâu ra?
- Thì từ bạn bè, người thân. Rồi con rể tôi nhờ bạn bè nó đang học ở Trung Quốc mua về giúp. Dạo còn làm việc, mỗi lần đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tôi đều vào các quầy ngoại văn tìm mua... Tôi đọc, thấy truyện nào tâm đắc thì dịch.
|
Vợ chồng ông vui vầy cùng con cháu bên bờ biển. |
Ông còn nhớ tác phẩm dịch đầu tay của mình không?
- Đó là truyện “Cây bạch dương cao cao”, truyện cảm động lắm nên tôi dịch thử. Tuy ngắn nhưng truyện rất có ấn tượng. Thời gian đầu tôi dịch vất vả lắm, gần như phải đánh vật với từng con chữ, nhưng rồi cũng quen dần. Càng dịch tôi càng thấy mình dịch nhanh hơn, hay hơn.
Nhưng thưa ông, có người vẫn cho rằng dịch giả chỉ là người “nói lại”?
- Người sáng tác hẳn nhiên là sáng tạo rồi, nhưng người dịch cũng có cái sáng tạo của họ chứ. Có hàng trăm hàng triệu người biết ngoại ngữ nhưng có phải ai cũng thành dịch giả được đâu? Nhiều khi, chỉ một cái tên truyện, nguyên tác là thế, nhưng để phù hợp với nội dung và nhất là tình cảm của người đọc Việt, người dịch phải nghĩ nát nước mới được một cái tựa ưng ý.
Vậy, trong quá trình dịch thuật, ông thấy khó khăn lớn nhất là gì?
- Trước hết là vốn từ ngữ, vì tiếng Trung Quốc có những từ có đến vài ba chục nghĩa, có từ phải hiểu nghĩa bóng mới dịch được, lại có quá nhiều thành ngữ, tra cứu mệt lắm. Ngoài ra, cũng phải có những kiến thức nhất định về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội khác, như Toán, Logic, Tâm lý lứa tuổi chẳng hạn. Dạo tôi dịch bộ sách Rèn luyện trí thông minh (gồm 3 cuốn) cho NXB Trẻ, không có những kiến thức này thì chịu. May mà vợ và con gái tôi là giáo viên Toán, Lý nên cũng giúp tôi nhiều.
* “Truyện được đăng là mừng lắm rồi”
Năm 2004, vì muốn mới mẻ hơn nên ông có ý định dịch tiểu thuyết Bạch Lộc Nguyên dày khoảng 1.500 trang. Thoạt đầu ông đọc, dịch tóm tắt, ghi chép lại kín cả 5 quyển vở học trò rồi… để đấy, nghiền ngẫm thêm, mãi đến 2008 mới dịch chính thức. mất 6 tháng để dịch và 2 tháng đánh vi tính, ông gửi bản thảo cho NXB Văn học, đến khi họ đồng ý in thì Bạch Lộc Nguyên đã xuất hiện ở các cửa hàng sách bởi một dịch giả khác, và do một NXB khác in. Vậy nên, cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết của ông đến giờ vẫn phải “án binh bất động”.
tại sao ông không làm như các dịch giả chuyên nghiệp vẫn làm: Ký hợp đồng trực tiếp với NXB. Mình vừa được cung cấp nguyên tác, vừa khỏi sợ “đụng hàng”?
- Có NXB đã đề nghị tôi rồi đấy chứ. Nhưng, tôi không dám nhận lời vì nghĩ mình đã già rồi, sức khỏe lại có hạn. Làm theo hợp đồng, phải chịu áp lực lớn lắm! Mình cứ làm tà tà cho vui, được đăng thì mừng vậy thôi.
Ông gửi truyện nhiều báo, tạp chí, hẳn có sự so sánh về nhuận bút?
- Cũng vầy vậy thôi, các tạp chí địa phương trả trăm rưỡi, hai trăm ngàn cho một truyện ngắn. Báo Bình Định có khá hơn một chút, nhưng cũng ít ỏi so với công sức mà mình bỏ ra.
Ông có định dịch tiểu thuyết nào nữa không ạ?
Dịch giả Trà Ly tên thật là Phan Trọng Cầu (SN 1941) tại Tuy Phước, Bình Định.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1962, học tại Đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1965-1975: dạy tại Trường Học sinh miền Nam. Năm 1975-1987: làm việc tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình. Năm 1987-1991: Phó Giám đốc NXB tổng hợp Nghĩa Bình. Năm 1991-2002: Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định. |
- So với dịch truyện ngắn, dịch tiểu thuyết khó hơn nhiều vì nó liên quan đến đời sống văn hóa của vùng miền, phong tục tập quán, những sự kiện đặc thù mà chỉ ở nơi đó mới có…Gặp những tình huống khó, tôi phải đánh vật với nó có khi cả tuần mới hiểu nổi; hoặc “cầu cứu” những vị am hiểu hơn mình. Hiện nay, tôi chuyển sang dịch truyện ngắn, cỡ 1.000 – 1.500 chữ trở lại, loại này dễ được đăng hơn.
Về hưu, thời gian rảnh rỗi nhiều, ngoài dịch sách, ông còn có thú vui gì khác?
- Buổi sáng, uống trà xong tôi dịch; buổi chiều chơi cờ tướng với ông bạn già cạnh nhà, ra công viên đi dạo. Còn buổi tối thì xem ti vi, đọc báo. Tôi được cái may mắn là bà nhà rất thích văn chương nên chuyện thường ngày giữa chúng tôi nhiều khi rất thú vị. Bà ấy thỉnh thoảng cũng làm thơ, viết truyện, có bài đã được đăng báo, tạp chí. Báo Bình Định vừa đăng bài thơ “Dưới giàn bông giấy” của bà ấy đấy.
Và nếu có một lời tự nhận xét về mình, ông sẽ nói…
- Tôi sống vui vẻ, thoải mái và làm việc mà mình yêu thích!
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.
|