Họ có chung một xuất phát điểm: Không học hành bài bản, không bằng cấp mà chỉ là người nông dân, người thợ. Những phát minh, sáng chế của họ xuất phát từ lao động, từ cuộc mưu sinh vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Từ nhu cầu của mình và của khách hàng, họ sáng tạo ra những sản phẩm, thiết bị “không đụng hàng”, phục vụ cho cuộc sống…
|
Nhà sáng chế khuyết tật Võ Đình Minh (bên phải) cùng công nhân đang lắp hộp số lùi vào xe máy 3 bánh.
|
* Sáng tạo từ cuộc sống
Nhắc đến anh Võ Đình Minh (TP Quy Nhơn), người ta nghĩ ngay đến “biệt danh” Minh “số lùi số tới”. Chiếc xe máy ba bánh được anh lắp thêm hộp số, giúp người khuyết tật có thể điều khiển tới cũng được mà lùi cũng tốt. Sự cải tiến ấy ra đời chính từ sự bất tiện trong di chuyển của anh - một người khuyết tật - mà thành. Chẳng là trong một lần hết loay hoay tìm cách quay đầu xe máy trong hẻm nhỏ chật chội, ngóng mỏi cả mắt chờ người giúp, đã khiến anh nảy ra ý chế tạo loại xe máy có thể vừa tiến, vừa lùi nhờ hộp số lùi gắn phía sau động cơ. Sau khi mày mò tháo tung cả một chiếc máy nổ, anh mới hoàn thành ý tưởng của mình.
Năm 2003, khi được mời vào Phú Yên dự một chương trình dành cho người khuyết tật, phải khó nhọc chống nạng leo lên đến tầng 4, thở không ra hơi, anh lại nghĩ: “Sao không làm xe lăn lên cầu thang nhỉ”. Rồi “bản quyền” chiếc xe lăn điện thay vì dùng tay để đẩy của anh Minh cũng ra đời xuất phát từ những bất tiện trong việc di chuyển của người khuyết tật.
Với anh nông dân Nguyễn Kim Chính (ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát), sau hơn 10 năm kể từ ngày anh sáng chế ra máy cắt lúa đa năng, đến nay, qua 15 lần cải tiến lớn nhỏ, máy cắt lúa cải tiến FUTU1 “made in KICHICO” (tên viết tắt của Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất cơ khí nông nghiệp Kim Chính) ngày càng đổi mới và có thêm những tính năng vượt trội như: máy cắt được trong nước, trong mưa, dưới ruộng lúa sâu hơn 20 cm, có đèn chiếu sáng để cắt ban đêm, người ngồi cắt có thể vận hành máy trên nhiều địa hình…. “Ban đầu máy không có nhiều tính năng như bây giờ. Trong quá trình sản xuất, vận hành máy và từ yêu cầu của khách hàng, tôi mới dần hoàn thiện được sản phẩm. Nói tóm lại, mình sáng tạo từ lao động và từ yêu cầu của khách hàng”- anh Chính khẳng định.
Rồi anh dẫn chứng thêm, như cái máy cắt tỉa cành, thu hoạch quả mà anh “trình làng” tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2010 tại Bình Định và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ có 2 chức năng cắt tỉa cành, thu hoạch quả. Nhưng sau khi tham gia thêm nhiều hội chợ nông nghiệp khác và dò hỏi yêu cầu của các nhà vườn Nam bộ, anh được họ góp ý “giá mà có thêm chức năng bao quả nữa thì tốt”. Từ đó, anh về nghiên cứu, mày mò và cuối cùng đã hoàn thiện chiếc máy “3 trong 1”: vừa tỉa cành, thu hoạch và bao trái cây. Để bao được quả, chỉ cần đưa cần máy lên cây, chọn trái rồi bấm vào tay cầm là ở phía trên xuất hiện ra loại túi bao trái bao gút lấy quả, tránh bị bọ tấn công cũng như bị nhiễm hóa chất từ thuốc phun.
|
Anh Chính và chiếc máy cắt lúa cải tiến FUTU1.
|
* Từ nhà ra thương trường
Tôi đến Cơ sở hàn tiện Văn Lý (ở Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), cũng vừa lúc anh Huỳnh Văn Lý, chủ cơ sở đi Phù Mỹ về. Một nhà máy ngoài đó gọi anh ra xem xét để lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch. Vốn là người cẩn trọng, nên anh Lý ngại nói đến các dự định hợp tác vì sợ “nói trước bước không qua”, trong khi công nhân tại xưởng của anh đang phải làm việc hết sức để kịp giao các máy ép ngói thủy lực tự động cho các cơ sở sản xuất gạch ngói trong và ngoài tỉnh. Có máy này, các chủ lò gạch tiết kiệm được nhân công lao động, hạ giá thành sản phẩm mà viên ngói làm ra lại bền, chắc, mặt láng mịn nhờ lực ép lớn. Nhiều năm trước, máy đùn gạch cải tiến hai phay do anh Lý sáng chế cũng đã góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí cho làng nghề gạch ngói ở Tây Sơn.
“Khách hàng của tôi chủ yếu là ở huyện Tây Sơn, ngoài ra, còn có những người sản xuất gạch ngói ngoài tỉnh. Có khi, khách đến yêu cầu tôi sản xuất máy theo đơn đặt hàng, tôi suy nghĩ, ra giá thành rồi mới báo giá cho họ. Công việc suốt ngày, hết gia công, sửa chữa máy móc, rồi đi giao dịch. Thợ cũng tui mà chủ cũng tui…” - anh Lý nói về công việc của mình.
Không chỉ anh Lý mà hầu hết những nhà phát minh không bằng cấp khi bước ra thương trường đều không dễ dàng. Họ thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất và cả những thông tin về các mối liên hệ quen biết hữu ích có thể phát triển được sự nghiệp của mình.
Tính đến nay, anh Chính lập công ty tròn một năm. 4 cha con anh làm thợ, còn bà xã lo vật tư. Bình quân mỗi tháng, họ sản xuất 1 máy cắt lúa, chỉ tính riêng khung sườn, giá đã 18 triệu đồng. “Nhìn chung, Công ty gia đình chúng tôi làm ăn vẫn còn yếu, chưa mở rộng được sản xuất. Khách đặt hàng thì tôi mới làm, không dám sản xuất đại trà vì không có vốn, cơ sở sản xuất chưa quy mô…” - anh Kim Chính nói.
Cách đây vài năm, có người ở Khánh Hòa đặt vấn đề chung vốn sản xuất, nhưng rồi do điều kiện cách trở và thấy không hợp, anh Chính rút lui. Mới đây, một doanh nghiệp ở phía Nam đến đặt vấn đề hùn hạp sản xuất máy cắt lúa và máy cắt cành, thu hoạch quả. Anh Chính có kỹ thuật, họ có vốn. Trước khi nhận lời, anh Chính đã bỏ tiền túi đi tham quan 6 tỉnh Nam bộ, nghe ngóng tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường máy nông cụ của nông dân trong đó. “Tôi thấy rất khả quan vì cơ sở ở gần TP Hồ Chí Minh, nhu cầu máy nông cụ trong đó cũng lớn. Sắp tới, tôi sẽ vào bàn bạc, gút lại hợp đồng. Đến xem các ruộng tôm trong đó, tôi nghĩ mình có thể nâng cao gấp đôi năng suất của máy bơm nước mà người dân trong đó đang sử dụng. Tôi còn nhiều sáng tạo nữa…” - anh Chính hồ hởi nói.
Gần chục năm mở Cơ sở sửa chữa xe máy Hoàng Minh, anh Minh đã 5 lần chuyển cơ sở sản xuất vì chủ đất lấy lại mặt bằng, giá thuê đất tăng... Dời về cơ sở mới (số 350/2 Tây Sơn, TP Quy Nhơn) chưa đầy năm, anh Minh đã 3 lần chạy lụt. Xưởng ở trong hẻm thấp, mỗi khi mưa to, nước tràn vào xưởng rất nhanh, công nhân toàn là người khuyết tật, không thể “nhanh chân” di chuyển đồ đạc nên máy móc bị hư hỏng hoàn toàn. Hiện, anh Minh vừa sản xuất vừa dần khôi phục lại. Xưởng có chục công nhân khuyết tật, mỗi tháng làm được 6 chiếc xe, nhưng nếu tăng gấp đôi năng suất, xưởng của anh vẫn làm được. “Tiếc là khách hàng không nhiều như thế. Hiện tôi đang lo tìm mặt bằng mới vì chủ nhà muốn lấy lại đất. UBND tỉnh đã chỉ chỗ mặt bằng cho tôi thuê 50 năm, nhưng có lẽ chờ thủ tục cũng còn lâu…”- anh Minh trầm ngâm.
|
Công nhân tại Cơ sở hàn tiện Văn Lý đang gấp rút hoàn thành máy ép ngói thủy lực tự động giao cho khách hàng.
|
* Và chuyện “sở hữu công nghiệp”
Đây là trăn trở và cũng là vấn đề không dễ thực hiện đối với các nhà phát minh không bằng cấp. Sản phẩm họ sáng tạo ra, do không được đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nên dễ bị làm nhái, thậm chí có khi còn bị kiện ngược. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm, sau khi máy cải tiến đùn gạch hai phay của anh Lý ra đời, đã có người ở Đắc Lắc kiện anh Lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp, đề nghị ngành chức năng thu hồi các sản phẩm do cơ sở anh Lý sản xuất vì họ đã đăng ký quyền sở hữu loại máy này từ trước, mặc dù trước đó, người này đã xuống Tây Sơn đề nghị anh Lý cùng hợp tác sản xuất loại máy này, nhưng bị anh từ chối. Vụ việc cuối cùng chẳng đi đến đâu, nhưng cũng là một kinh nghiệm.
Ông Hồ Xuân Mẫn, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học Công nghệ, nhận xét: “Những nhà phát minh không bằng cấp là nông dân, thợ cơ khí chưa hiểu biết nhiều về quyền sở hữu công nghiệp. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, phần nào họ cũng đã nhận thức về vấn đề này”. Tuy nhiên, biết là một việc, còn việc được công nhận quyền sở hữu công nghiệp hay không lại là chuyện khác. Anh Minh cho biết, năm 2005 anh đã 3 lần ra Hà Nội xin đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm hộp số lùi, nhưng cuối cùng đành chào thua vì không rành thủ tục, đi lại tốn kém và bất tiện. Hộp số lùi do anh sáng chế đã bị nhái ở nhiều nơi. Có lẽ, cho đến nay, trong số các nhà phát minh không bằng cấp ở tỉnh ta, mỗi mình anh Nguyễn Kim Chính đã thực hiện bài bản việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp với Cục Sở hữu trí tuệ, cả kiểu dáng lẫn tính năng các loại máy mình sáng tạo ra vì biết nhiều thông tin và có mối quan hệ quen biết với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).
Còn anh Lý lại có quan điểm khác: “Tôi không quan tâm đến việc sở hữu công nghiệp mà nghĩ có cạnh tranh thì mới có phát triển. Tôi không thể “ôm” cái quyền sở hữu mà chạy lên tận Đắk Lắk sửa máy cho người ta vì tốn tiền, tốn thời gian. Cứ để họ làm, mình được cơm thì để người ta kiếm được cháo. Trong quá trình cạnh tranh, khách hàng sẽ có sự so sánh và tìm đến mình nhiều hơn. Và từ yêu cầu của khách hàng, tôi lại sáng tạo nhiều hơn nữa…”.
|