Như là được sinh ra cho sân khấu với muôn mặt cuộc đời và số phận, ngay từ những vai diễn đầu tiên, người nghệ sĩ con nhà nòi này đã nhanh chóng khẳng định tài năng. Từ vai chính của cả trăm vở diễn đến những đêm diễn lớn tại các Liên hoan, Hội diễn Sân khấu toàn quốc, anh luôn là cái lõi căn bản sống động và cao trào cho từng kịch mục, từng kỳ hội nghề. Cuộc thăng hoa này ngót ba mươi năm qua trên sân khấu dân ca kịch, đã lừng lững một gương mặt nghệ sĩ trong công chúng và đồng nghiệp.
|
Hoài Huệ trong vai diễn Hồ Quí Ly (vở Nhìn lại một vương triều). Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Anh, NSƯT Nguyễn Hoài Huệ. Là con của “ông Tám kèn” NSƯT Nguyễn Hoài Ân, người Nhơn Phong, An Nhơn và bà Thanh Hảo, một diễn viên chèo, tuồng có tiếng ở Thái Bình, con gái bầu hát đất Bắc. Chị gái Hoài Huệ là NSND Thu Hiền của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, vợ anh là NSƯT Hồ Thu, một bạn diễn tâm đắc của anh, cùng đơn vị nghệ thuật công tác: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, trước đây là Đoàn Dân ca Liên khu V. Anh là lớp diễn viên khóa I Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình, 1978-1981, thế hệ được đào tạo bài bản và là chủ lực của Đoàn mấy chục năm qua. Năm 1993, anh được cử làm Phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Từ năm 2001-2005, anh theo học lớp Đạo diễn Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Mấy dòng “lý lịch trích ngang” này cũng là chung chung, mọi khác biệt chỉ có ở sân khấu, nơi những khóc cười buồn giận và ý nghĩa cuộc đời được chuyển hóa, được phân định từ những tài năng đích thực.
* Trên từng vai diễn
Xem NSƯT Hoài Huệ diễn, nhiều người khen anh diễn “khôn”, tức là biết tiết chế, mai phục những dồn nén để tạo bùng vỡ về cảm xúc, những “cao trào” trong tiếp nhận nghệ thuật của công chúng. Các nhân vật do vậy không phô diễn bề ngoài hời hợt mà sống động, sâu sắc, kịch và đời, sân khấu, vai diễn, nghệ thuật và những khát vọng vươn tới cái cao đẹp đã hòa vào nhau tạo nên giá trị mỹ cảm. Anh lại sở hữu chất giọng thổ trời phú khá dày, nhiều ưu thế và giỏi các kỹ thuật luyến láy, ngắt hơi nhả chữ trên mỗi làn điệu nên dễ dàng tròn cuộc vào vai, công chúng thường gọi nôm na là hát hay diễn giỏi. Với những “cao trào”, thực ra Hoài Huệ không diễn, anh đã sống, đã hóa thân.
|
NSƯT Hoài Huệ Ảnh: L.H.L |
Hơn trăm vai chính của gần ngần ấy vở, ngót 30 năm làm nghề, có thể nói Hoài Huệ đã trải qua khá nhiều những ngóc ngách của số phận và cuộc đời, tâm trạng và tính cách. Từ cổ điển, lịch sử dã sử đến hiện đại, đề tài dân tộc hay chuyển thể từ nước ngoài, vai diễn nào, cuộc hóa thân nào cũng được anh thể hiện sống động, có sức lan tỏa với bạn diễn, ấn tượng trong công chúng. Nhưng có lẽ sở trường của anh là những vai bi kịch, bi hùng. Có thể kể những vai diễn tiêu biểu: Vạn Lịch (vở “Đồng tiền Vạn Lịch”), Chế Mân (vở “Huyền Trân công chúa”), Nguyễn Huệ (vở “Anh hùng với giai nhân”), Rạng (vở “Biển và tôi”), Hồ Quí Ly (vở “Nhìn lại một vương triều”)… Và trong vùng đắc địa của mình, Hoài Huệ rất mạnh ở những vai diễn có tầm vóc, những nhân vật của đỉnh cao quyền lực và uy vũ; ở đó, trên nền cái bi, những sở đắc trữ tình: anh hùng với giai nhân như Chế Mân, Nguyễn Huệ hay phức hợp những giằng xé như Vạn Lịch, Hồ Quí Ly, là những cuộc nhập vai hoàn hảo của trạng thái như lên đồng, nhập nhòa ranh giới đời sống và ước vọng, vai diễn và diễn viên trong trạng thái siêu việt hòa nhập bí ẩn giữa bản năng thỏa mãn quyền lực và niềm kiêu bạc nghệ sĩ.
Chỉ có thể gọi tên những vai diễn này là tài năng. Và anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.
Anh là một nghệ sĩ tài năng và cô đơn. Trên phần đông những vai diễn, trừ một số sở đắc trữ tình như đã nói, khi anh diễn khá ăn ý cùng người bạn đời cũng giỏi diễn, NSƯT Hồ Thu, còn lại thường có hiện tượng quá khổ. Yếu tố tài năng cùng vị thế vai diễn trong tương quan chung của đơn vị nghệ thuật, của kịch bản đã tạo ra hiện tượng này. Và vai diễn chủ đạo nếu không tìm kiếm được sự hài hòa từ những tiết chế, dìu nhau, cuộc “hạ xuống” vừa tầm với bạn diễn, sẽ dễ chênh vênh, cái chênh vênh đáng trách về tổng thể. Đây cũng là hiện tượng chung của nhiều đơn vị nghệ thuật. Nhưng ở khía cạnh vai diễn, người nghệ sĩ giỏi là người nhập vai, nhập vai đến xuất thần càng tốt, cứ ít nhiều “va chạm” với sự hài hòa chung. Và “mâu thuẫn” giữa sống với nhân vật và sắm vai, giữa nghệ sĩ và toan tính thường tạo ra những khoảng hẫng. Những vệt hẫng không chỉ trên sân khấu.
Có lần NSƯT Hoài Huệ đã phản ứng với những “điều tiết” ngoài sân khấu, những phản ứng thuần nghệ sĩ và bất lợi nhiều cho anh, dù cuộc hội nghề này vai diễn của anh rất được tôn vinh. Không phải anh không dự lường hết những bất lợi. Nhưng biết làm sao được, anh là một nghệ sĩ đúng nghĩa. Và một trong những thuộc tính của nghệ sĩ là cô đơn. Niềm cô đơn kiêu hãnh.
|
Chơi hoa lan là thú vui thư giãn của Hoài Huệ. Ảnh: L.H.L |
* Ở một vị trí nghề khác
Hoài Huệ đã dàn dựng nhiều vở trước khi tốt nghiệp lớp đại học đạo diễn với tấm bằng giỏi. Vừa làm vừa học là một cách lấy nghề nuôi nghề, một cách tạo điều kiện của Đoàn dành cho anh. Và nghệ thuật sân khấu Bình Định đã có thêm một đạo diễn. Tất nhiên công việc của diễn viên và đạo diễn hoàn toàn khác nhau, nhưng có sự hỗ trợ nhau rất nhiều về mặt nghề.
Từ diễn viên, nhất là diễn viên giỏi, người đạo diễn rất có ưu thế khi làm mẫu (thị phạm) cho diễn viên ở những đoạn diễn cần thiết. Nghề đạo diễn, nhất là sân khấu truyền thống với những đặc thù của nó, càng cần sự hiểu nghề của một diễn viên giỏi. Ngược lại, nghề đạo diễn cũng giúp anh cách kiểm soát vai diễn của mình mang tính xuyên suốt cho một chủ đích nghệ thuật chung của vở diễn.
Giải thưởng Đạo diễn trẻ xuất sắc của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 ở Đà Nẵng vừa rồi với anh là những động viên bước đầu. Còn nhiều thử thách ở vai trò đạo diễn từ những định hướng nghệ thuật, những quan niệm chủ đạo có tính triết lý nghề, về bộ môn, về những tìm tòi kế thừa và phát triển…
Nhưng đó là cái khó của những điều học được, còn thực tế của Đoàn ca kịch mà giờ anh phải làm luôn cả việc quản lý còn gian nan hơn nhiều.
* Ngổn ngang trăm mối ông bầu
Các giải thưởng sân khấu chính của NSƯT Hoài Huệ:
Giải A Tiếng hát hay Sân khấu toàn quốc, 1982
HCV, vai Hùng, vở “Tội lỗi”, 1985
HCV vai Vạn Lịch, “Đồng tiền Vạn Lịch”, 1990
HCV vai Chế Mân, “Huyền Trân công chúa”, 1995
HCV vai Phương, “Hương thầm”, 1998
HCV vai Nguyễn Huệ, “Anh hùng với giai nhân”, 1999
HCV vai Rạng, “Biển và tôi”, 2005
Giải Đạo diễn trẻ xuất sắc của Hội diễn SK chuyên nghiệp toàn quốc, 2010, vở “Thời con gái đã xa”. |
Ví như hệ thống trang thiết bị sân khấu đã quá sức lạc hậu, ngay cả một cái xe chuyên dụng cho sân khấu cũng không có. Người có tài, tâm huyết, muốn làm nghề, toàn tâm toàn trí với nghề giờ quá khó khăn. Các quy định về bồi dưỡng, về thu nhập nói chung đã là quá thấp trong “bão giá”. Cũng kéo theo hệ lụy: người trẻ có tài nhìn đó mà không đến với nghề. Đã từng có cuộc phối hợp các cấp tỉnh: Đoàn Ca kịch, Trường Nghệ thuật, giăng băng- rôn về tận huyện, xã, phát thanh tìm tuyển diễn viên, rồi cũng thất bại. Cảnh thầy già con hát trẻ mờ mịt… Biết đến bao giờ có đội hậu bị cho tương lai?
Ai cũng biết ngành sân khấu, nhất là mảng kịch hát truyền thống cần sự quan tâm đặc biệt mới tồn tại và phát triển. Riêng thực trạng của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định càng khó khăn hơn: ngay chỗ làm việc, luyện tập của anh chị em nghệ sĩ cũng xập xụi, bao lần đề nghị xin cái rạp hát đến giờ chưa có, mỗi lần làm vở phải đi thuê. Và con người cũng cần sống được. Muốn gìn giữ văn hóa trước hết phải còn con người của văn hóa. Bây giờ nghệ sĩ mang tính công chức quá, đã công chức hóa nghệ sĩ hết rồi, không còn người “sinh ư nghệ tử ư nghệ” nữa rồi- Ông bầu Hoài Huệ than van.
Tôi chợt nhớ tới vai diễn mới đây của anh: Hồ Quí Ly. Nhân vật lịch sử và những hoài bão, những ý thức cải cách, đổi mới để chấn hưng đất nước không thành. Vương triều của ông chỉ tồn tại ngắn ngủi rồi phải tiêu vong. Lại thấy một Hoài Huệ mệt mỏi và cô đơn. Cái cách nắm bắt vấn đề chứng tỏ anh không phải là người quản lý tồi, dù rằng đáng ra chỉ nên để anh chuyên tâm làm nghệ thuật.
Anh đã có tất cả: tài năng, tâm huyết và một khí chất, tâm hồn nghệ sĩ. Nói thêm: anh cũng mê nghệ thuật gỗ lũa và hoa phong lan, bộ sưu tập của anh đã có hàng trăm tác phẩm gỗ lũa, mấy chục giò lan đẹp. Những mảnh lũa còn lại sau bao mục nát, những đóa lan cao khiết, kiêu hãnh và sang quý, đâu đó quá thực mà cũng mong manh những còn, mất, những vẻ đẹp và các giá trị, như những phù vinh kiêu bạc.
|