Đổi thay Cát Hanh
7:45', 1/2/ 2010 (GMT+7)

Nói đến Cát Hanh (Phù Cát), những người từng sống và chiến đấu ở vùng đất này đều khẳng định rằng, đó là một địa bàn vô cùng ác liệt, nhưng quân dân Cát Hanh thì lòng dạ muôn người như một đi theo cách mạng. 35 năm sau chiến tranh, Cát Hanh đã vươn lên, đạt nhiều thành tích nổi bật. Bí quyết thật đơn giản, không mới nhưng chưa bao giờ cũ: tinh thần tự lực và đoàn kết.

 

Đầu tư để khu vực chợ Gồm thành đô thị loại V là mong ước của người dân Cát Hanh.

 

* Áp lực... dễ chịu

Tâm tư về chuyện xã mình, anh Nguyễn Đình Khanh, cán bộ văn phòng UBND xã, kể, mỗi lần trực báo ở huyện, nếu một số chỉ tiêu của Cát Hanh như đàn bò, heo, năng suất lúa… mà thấp thì thể nào cũng bị lãnh đạo huyện “khích”: Cát Hanh mà không đạt, các xã khác (có cùng điều kiện như Cát Hanh) thì sao? Cái kiểu lấy Cát Hanh làm “chuẩn” như thế, anh Khanh bảo, đó cũng là một áp lực cho xã, nhưng là một áp lực… dễ chịu, bởi có tác dụng tích cực, kích thích cán bộ, nhân dân xã phải cố gắng hơn nữa.

Cát Hanh bị “khích” là có nguyên nhân. Từ chiến tranh, dân Cát Hanh đã nổi tiếng ngoan cường. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Cát Hanh được tặng danh hiệu: “Xã kiểu mẫu của Quân khu 5”. Thời chống Mỹ, nơi đây là địa bàn chiến tranh rất ác liệt. Địch bắn người, đốt nhà không gớm tay và răn đe người dân các nơi khác rằng: “Ai theo cộng sản thì tới Cát Hanh mà coi”.

Ông Lê Ngọc Lâm, từng là du kích xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nhớ lại: “Chóp Đầu Voi, núi Lường Cày, núi Một, hồ Ngô đều có địch đóng quân cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, còn có các trạm pháo. Ngày chúng càn quét, khủng bố; đêm thì phục kích. Nhưng không vì thế mà người dân sợ sệt. Địch càng khủng bố ác liệt, nỗi căm thù, sự phẫn nộ của người dân càng cao. Hồi đó, Cát Hanh đã vinh dự được nhận lá cờ thêu 6 chữ “Kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng. Năm 1970, xã Cát Hanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Kết thúc chiến tranh, thành tích của Cát Hanh được ghi nhận bằng 18 huân chương”.

Đất nước giải phóng, người dân Cát Hanh trở về với ruộng vườn và ra sức gầy dựng lại cuộc sống. 10 năm trở lại đây, Cát Hanh đã bứt phá và tạo nên sự thay đổi lớn. Đời sống nhân dân ổn định, mức sống tăng rõ rệt. 100% hộ dân có nhà ngói, điện chiếu sáng; 90% đường giao thông nông thôn được đổ bê tông. Xã có 7/11 thôn được công nhận là khu dân cư tiên tiến, 80% hộ dân là gia đình văn hóa. Các phong trào văn hóa - xã hội đều nổi bật.

Công bằng mà nói, Cát Hanh có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Địa bàn xã nằm trên trục Quốc lộ 1A, có tỉnh lộ 633 đi Đề Gi, tỉnh lộ 634 đi Cát Sơn. Toàn bộ diện tích hơn 2.000 ha lúa đều nhận được nước từ hồ Hội Sơn. Với một xã nông nghiệp như Cát Hanh, đó là điều kiện lý tưởng. Cũng từ đây, đã xuất hiện những mô hình thâm canh cho thu nhập cao như: 65 ha dưa hấu cho thu nhập 80 triệu đồng/ha, 49 ha xoài cát Hòa Lộc: 55 triệu đồng/ha, mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ đậu - 1 vụ rau màu/năm: 60 triệu đồng /ha.

Năm 2009, xã Cát Hanh đạt tốc tộ tăng trưởng kinh tế là 10,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 10,2% (năm 2009) còn 9,46% (năm 2010).

Những năm qua, cơ cấu kinh tế của xã dịch chuyển theo hướng giảm tỉ lệ nông nghiệp; hiện nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 37%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: 63%. Riêng với dịch vụ, nói đến Cát Hanh, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến dịch vụ vận tải hàng hóa. Cát Hanh hiện được mệnh danh là “thủ phủ” xe tải, bởi cả xã có đến gần 200 chiếc chuyên chạy tuyến Bắc - Nam.

 

Trong 2 năm 2008 và 2009, xã Cát Hanh đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để tu bổ lại Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

 

* Đoàn kết, tự lực

Từng là du kích xã trong chiến tranh, 35 năm làm cán bộ xã, anh Nguyễn Đình Khanh - người dẫn tôi đi thực tế - đã chứng kiến những đổi thay trên quê hương mình và hiểu cặn kẽ sự đổi thay đó. Tôi thấy mình may mắn khi gặp anh, bởi tin chắc rằng mình sẽ được thỏa mãn khi đặt câu hỏi: Điều gì là yếu tố quyết định làm nên sự thay đổi mạnh mẽ của Cát Hanh thời gian qua. 

Cát Hanh có những thuận lợi như đã nói. Tuy nhiên, để làm nên một diện mạo Cát Hanh như hôm nay, chỉ những thuận lợi đó thôi chưa đủ. So với các xã khác có cùng điều kiện và điểm xuất phát, Cát Hanh được đánh giá là phát triển khá nhanh, mà chủ yếu bằng nội lực. Người dân địa phương vẫn nhớ như in những ngày cơm vắt muối hột đi làm hồ thủy lợi Bờ Sề, Hóc Chợ; đi khai hoang vỡ hóa đất đai để sản xuất cách đây 30 năm. Tự làm thủy lợi cho địa phương mình xong, dân Cát Hanh còn được điều đi đắp đập cho xã khác. Rồi người dân đã tự nguyện góp công, góp của xây dựng nghĩa trang liệt sĩ để ghi nhớ công ơn của 665 người con Cát Hanh đã ngã xuống vì quê hương, đất nước...

Có vẻ như ngại người đối diện nhận xét rằng mình không khách quan, nên hầu như trước khi trả lời một câu hỏi nào của tôi, anh Khanh luôn mào đầu: “Nói thì người ta bảo mình nói tốt cho mình, nhưng thực tế đúng là như vậy”. Cũng thế, với câu hỏi về yếu tố làm nên sự thay đổi mạnh mẽ của Cát Hanh trong thời gian qua, anh lại “mào đầu” rồi trả lời như không cần suy nghĩ: “Đó chính là sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, điều hành công việc. Cán bộ đoàn kết thì dân mới tin”. Tôi tin vào câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy sức nặng đó, như tin vào sự chiêm nghiệm của người cán bộ có thâm niên mấy chục năm gắn bó với công tác địa phương này. 

Tôi tin vào điều đó còn là bởi, Chủ tịch UBND xã Huỳnh Thu Công, người từng có 15 năm liền là Bí thư Xã Đoàn trước khi giữ chức Chủ tịch UBND xã, đã tâm sự rằng, điều anh tâm đắc nhất ở quê hương mình chính là việc nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Dù có lúc này lúc nọ, nhưng cán bộ, đảng viên ai cũng nhiệt tình, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là truyền thống của quê hương Cát Hanh chứ chẳng phải gần đây mới có.

 

Thế hệ tương lai của Cát Hanh.

 

* Gắn bó và trăn trở

Về Cát Hanh, tôi ghé thăm nhà ông Trần Ngọc Đạo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện đang nghỉ hưu tại quê ở thôn Hòa Hội. Cuộc đời ông, như ông nói, trừ 10 năm làm việc cơ quan tỉnh, ở tại TP Quy Nhơn, còn lại là gắn bó với xứ cát quê mình. Trước, ông là du kích xã, rồi làm cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Đảng ủy, Mặt trận cấp xã lẫn huyện. Nghỉ hưu, ông về lại quê nhà an hưởng tuổi già, nhưng còn vì một điều lớn lao, thiêng liêng hơn nhiều, như lời ông tâm sự: “Tôi tham gia cách mạng và được sự dìu dắt của các chú, các anh; được nhân dân giúp đỡ, đùm bọc từ hạt cơm, lát mì, manh áo. Đó là lý do tôi quyến luyến, không thể rời nơi này, dù tôi có đủ điều kiện để sống ở nơi khác tiện nghi hơn”.

Cũng như nhiều người khác, ông Đạo nhận xét rằng, cuộc sống trên quê hương ông hôm nay đã thay đổi rất nhiều, đời sống nhân dân khá lên, cuộc sống bình yên. Các phong trào như: đền ơn đáp nghĩa, văn hóa- thể thao, khuyến học khuyến tài… đều nổi trội. Vì thế, mong muốn của ông, không gì hơn là Cát Hanh luôn giữ vững truyền thống, đổi mới và được đầu tư để vươn lên.

Tuy có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Cát Hanh cũng còn những cái chưa được như mong muốn. Điều này khiến Chủ tịch UBND xã Huỳnh Thu Công không khỏi trăn trở. Đi đôi với việc nhận diện vấn đề, anh nói về những kế hoạch, ước mơ, dự định trong tương lai: “Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; nhân rộng các mô hình cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Rồi chợ Gồm đã xuống cấp cũng cần được xây dựng lại, đi kèm theo đó là phải đẩy nhanh việc phát triển khu vực chợ Gồm - trung tâm của xã - thành đô thị loại V; đẩy nhanh tiến độ Khu công nghiệp Hòa Hội. Chúng tôi phấn đấu cuối năm hạ tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 8,5%; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Hơn lúc nào hết, giờ đây, Cát Hanh đang rất cần và mong muốn được đầu tư để phát triển, xứng tầm với bề dày truyền thống của xã. Và người dân Cát Hanh cũng ý thức được rằng, mình phải cố gắng hơn để xứng đáng với truyền thống ấy.

Những danh hiệu quân và dân Cát Hanh nhận được:

- Xã kiểu mẫu Quân khu 5 (trong kháng chiến chống Pháp)

- Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1970)

- Anh hùng Lao động ngành Giáo dục (1985)

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (cho lực lượng An ninh nhân dân của xã thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - 2002).

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)