Trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Mạnh Tưởng từng kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau. Hiện nay, ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn (TSHN). Dưới bàn tay lèo lái của ông và các cộng sự, con thuyền doanh nghiệp (DN) đã vững vàng vượt qua những cơn “sóng dữ” của thị trường, ngày càng vững bước đi lên…
|
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn. Ảnh: N.T |
* Doanh nhân “bất đắc dĩ”
Ông Trần Mạnh Tưởng tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1972. Sau năm 1975, ông công tác ở Huyện Đoàn Hoài Nhơn và trước khi chuyển sang làm Phó Giám đốc Trạm Thủy sản Tam Quan (TTSTQ - tiền thân của Công ty CP TSHN ngày nay), ông là Phó Văn phòng UBND huyện Hoài Nhơn và chưa một ngày làm việc trong môi trường sản xuất kinh doanh (SXKD). Do vậy, lâu nay bạn bè vẫn thường hay trêu đùa rằng, ông là doanh nhân “bất đắc dĩ”…
- Ông có thể cho biết duyên cớ nào đã “biến” một cán bộ hành chính, trở thành một doanh nhân thành đạt?
Xin hãy gọi tôi là doanh nhân được rồi, còn thành đạt thì tôi không dám nhận, bởi có nhiều người còn thành đạt hơn tôi. Còn duyên cớ đưa tôi từ một cán bộ làm việc trong môi trường hành chính sang môi trường SXKD, là do cấp trên điều động. Khi ấy, TTSTQ đang thiếu người, cấp trên điều động tôi về tăng cường. Khi nhận lệnh, lãnh đạo cấp trên có nói là điều động tôi về công tác ở đây một thời gian, nhưng sau đó thì không thấy điều động lại. Thế là tôi gắn bó với đơn vị này suốt từ đó cho đến nay.
- Vậy, đâu là khó khăn lớn nhất của một doanh nhân “bất đắc dĩ” như ông?
Môi trường hành chính khác với môi trường SXKD rất nhiều, nên những ngày đầu tôi gặp phải không ít khó khăn. Hoạt động SXKD thì phải năng động, cường độ làm việc rất lớn, phải hiểu biết nhiều về lĩnh vực này, đặc biệt là phải táo bạo và quyết đoán. Khi sang nhận công tác mới, tôi lo nhiều lắm. Lo rằng liệu mình có phù hợp với công việc này không, có đảm đương được hay là làm thất vọng cấp trên và gây ảnh hưởng đến nhiều người khác… Từ những nỗi lo đó, tôi liên tục tìm tòi, học hỏi những người đi trước và những đồng nghiệp, nhân viên của mình. Trong khó khăn, việc giữ vững tinh thần là quan trọng nhất, tuyệt đối không được hoang mang. Gần 25 năm kể từ khi về với TTSTQ cho đến nay, mọi gian truân, thử thách của những ngày “vạn sự khởi đầu nan” đã qua, công việc SXKD cũng đã vào guồng, nên bây giờ tôi đỡ vất vả hơn.
|
Đóng tàu thuyền tại Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn. Ảnh: N.T |
* Chọn lối đi bền vững
Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, hàng loạt công ty, xí nghiệp quốc doanh cấp huyện ồ ạt xuất hiện. Rầm rộ được một thời gian, đến những năm 90, sức ép của cơ chế thị trường khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bị loại thải. Vượt qua được cuộc sàng lọc đầy khắt khe của thương trường và nhờ chọn lối đi đúng, Công ty CP TSHN đã ngày càng phát triển mạnh mẽ.
- Bây giờ, nếu làm một cuộc tổng kết nho nhỏ thì ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển của Công ty CP TSHN?
Là một DN cấp huyện, những năm đầu mới thành lập, đơn vị chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do tiềm lực tài chính yếu, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, và sự canh tranh khốc liệt trên thị trường. Công ty đã vượt qua giai đoạn này chủ yếu bằng sự nỗ lực của người lao động cùng chia sẻ khó khăn với DN. Đến tháng 2.1999, DN tiến hành cổ phần hóa. Sau khi đi vào hoạt động theo mô hình mới, DN đã từng bước khắc phục những hạn chế, phát huy những thế mạnh, nên ngày càng phát triển ổn định hơn. Nếu như năm đầu tiên cổ phần hóa, vốn điều lệ của DN chỉ có 1 tỉ đồng, doanh thu 16 tỉ đồng; sau 10 năm, vốn điều lệ đã tăng lên 9 tỉ đồng, doanh thu tăng lên 420 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn có 3 công ty thành viên (phần vốn của công ty mẹ chiếm trên 60%) là: Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thương mại Quy Nhơn và Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn.
- Thương hiệu của Công ty CP TSHN được định hình bởi thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, nhưng hiện nay, Công ty còn vươn sang các lĩnh vực khác, vậy đâu sẽ là lĩnh vực mũi nhọn?
Chiến lược của Công ty CP TSHN sau cổ phần hóa là phát triển sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Chúng tôi cũng xác định, đây là một lối đi bền vững. Phải đa dạng, trước tiên là để chia sẻ rủi ro, thứ đến là tránh trường hợp phụ thuộc hẳn vào một ngành nghề nào đó. Do vậy, từ chỗ chỉ hoạt động trên những lĩnh vực “quanh đâu đó” gần với ngành thủy sản, thời gian qua, DN đã tiến vào các lĩnh vực khá mới như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống; tư vấn đầu tư xây dựng; cung cấp điện dân dụng; chế biến lâm sản xuất khẩu; thương mại… Nhờ đa dạng hóa ngành nghề nên những biến động tiêu cực của thị trường, của nền kinh tế đã không tác động lên toàn bộ hoạt động SXKD của DN.
* Tài sản vô giá là thương hiệu và niềm tin
- Gần suốt cuộc đời gắn bó với Công ty CP TSHN với vai trò “đầu tàu”, đến bây giờ ngồi tính toán lại, ông thấy rằng tài sản lớn nhất ở DN là gì ?
|
Ông Trần Mạnh Tưởng |
Người ta thường căn cứ vào tài sản hữu hình và tài sản vô hình để đánh giá sự bề thế của một DN. Theo tôi, thành công của một DN cũng phải xét trên hai khía cạnh này. Về tài sản hữu hình của Công ty CP TSHN thì như đã nói ở trên. Còn về tài sản vô hình, đó là thương hiệu và niềm tin của mọi người đối với DN. Trong thời gian qua, Công ty CP TSHN ngày càng có thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng, đến quan hệ làm ăn. Trong DN, đội ngũ cán bộ, công nhân viên luôn sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm để đem lại hiệu quả cao nhất cho đơn vị. Đáp lại mọi cống hiến của họ, DN đã có những khen thưởng kịp thời, không chỉ bằng vật chất mà còn tôn vinh những cá nhân có cống hiến xuất sắc. Chính vì thế, ở Công ty CP TSHN, người lao động thường xuyên phấn đấu để có được vinh dự “người lao động xuất sắc”.
- Và mục tiêu mà ông muốn xây dựng ở Công ty CP TSHN trong thời gian đến là gì ?
Một DN muốn tồn tại và phát triển bền vững thì mọi thành viên phải tôn trọng và giúp đỡ nhau, sống chân thành, cởi mở, ủng hộ cái tốt, đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng. Chính điều tâm đắc này mà tôi đã và đang tiếp tục xây dựng ở Công ty CP TSHN một đội ngũ cán bộ, công nhân viên không chỉ có năng lực mà còn đoàn kết, hướng đến lợi ích chung trong một môi trường làm việc hài hòa, thân thiện. Cùng chăm lo tốt cho sự nghiệp chung thì quyền lợi riêng của mỗi người cũng sẽ tốt hơn. Bản thân người lãnh đạo phải tạo được niềm tin cho nhân viên, cùng hòa đồng, chia sẻ buồn vui với anh em; phải tạo được sự đồng thuận, kích thích tinh thần làm việc trong DN…
- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện chân tình này!
|