Đi dọc đường mai
7:51', 8/2/ 2010 (GMT+7)

Không đâu như Bình Định, từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Xuân về, người đi qua vùng đất này lại càng thêm náo nức bởi sắc mai tràn ngập như giục giã: Tết, Tết, Tết… Tết đến rồi! Xuân nay, dọc theo Quốc lộ 1 từ Phú Tài đến Gò Găng… mật độ mai “đổ” ra đường dày đặc hơn. Trong nắng gắt của ngày hăm ba tháng Chạp, mai bung nở đồng loạt càng rạo rực khách qua đường, rạo rực người trồng mai và cả người bán mai.

 

Mai nở sớm rực rỡ ở làng mai Háo Đức.

 

Tính thời gian thì tôi chơi mai cũng được xếp cùng thời với ông tổ làng mai Háo Đức- ông Đặng Xuân Lang. Ấy cũng là vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Song sự nghiệp của ông Lang được cả làng mai Háo Đức, rồi cả xã mai Nhơn An, huyện mai An Nhơn, thậm chí là tỉnh mai Bình Định ghi nhận. Và biết đâu chừng, nay mai ông chẳng được hậu thế trồng mai lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ tổ làng mai như đã từng có ngày giỗ tổ làng tuồng, giỗ tổ nghề may, giỗ tổ nghề đúc… Còn với tôi, mười lăm năm có lẻ trồng mai, từ nghìn cây giờ còn vài chục vẫn coi như “đồ của nợ”, chỉ mong mỗi năm “đẩy đi” được vài mươi chậu là mừng!

Thế mới biết trồng mai, chơi mai cũng đủ năm- bảy đường. Khi cầm kéo tỉa cành, lúc chèo kéo người mua mai ở chợ hoa xuân; trằn trọc, gặm nhấm nhiều niềm vui, nỗi buồn cùng cây mai với ngần ấy thời gian, xin chia sẻ cùng bạn đọc về cây mai giữa xứ sở mai vào những ngày tưng bừng mai nở này.

* Vẻ đẹp cây mai

Tôi mê cây mai cũng bắt đầu từ những câu thơ của các thi hào thuở trước. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, rồi thì “Mai là bạn cũ, Hạc là người quen” của Nguyễn Du. “... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai) của Mãn Giác Thiền sư. Hay “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Người anh hùng có mười năm giao du trong thiên hạ để cầu thanh gươm cổ cùng một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai!) của Chu thần - Cao Bá Quát. Quả với câu thơ này, cái sự thanh quý của hoa mai đã được đẩy đến tận cùng, trở thành “tuyên ngôn nghệ thuật” của giới chơi mai đời đời. Và có lẽ vì thế, trước những năm 80 của thế kỷ trước, thú chơi mai thường chỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Có người lý giải rằng, nói đến truyền thống chơi mai thì cả nước Việt chỉ có Huế và Bình Định là đáng kể; bởi đây là đất kinh kỳ có nhiều bậc trí giả, phong lưu. Và do vậy, Bình Định vẫn luôn được coi là vùng đất chơi mai sành điệu nhất nước. Dù là dáng trực, dáng huyền hay dáng đổ, cây mai muốn được coi là có giá trị phải bảo đảm những yêu cầu mang tính nguyên tắc về đế, dáng, hoa và chi. Cây mai đẹp phải có gốc to, mạnh mẽ và hình thù cổ quái; dáng phải bảo đảm tính hài hòa; hoa phải kín cánh, có màu vàng nhung thẫm, còn chi thì phải đều và nhỏ dần về ngọn. Dáng và chi có thể nhờ thời gian mà thành, còn đế thì thời gian chỉ mới là điều kiện cần… 

 

Anh Trần Quang Thiện và cây mai đổ ký trên đá.

 

* Mai thị trường, mai thế...

Khái niệm “mai thị trường” hay “mai thương phẩm” chỉ mới hình thành ở Bình Định chừng 15 năm nay, khi xuất hiện làng mai Háo Đức. Khác với cây mai thế, mai thị trường thường giống nhau về dáng thế do được “nhân bản” hàng loạt. Nếu đặt trên mặt phẳng thì cây mai thị trường có hình chữ chi với biên độ ngắn dần ở phần ngọn và mỗi chỏ đóng một cành. Vài năm gần đây, khi cây mai ở Bình Định đã trở nên phổ biến đến mức “người người trồng mai, nhà nhà trồng mai” thì cây mai thị trường đã lấn lướt cây mai thế và trở nên quen mắt với người chơi mai cả nước. Bây giờ đi bất cứ đâu, người ta cũng dễ dàng nhận ra cây mai Bình Định bởi nét đặc trưng của dáng mai thị trường!

Theo thống kê, xã Nhơn An (An Nhơn) có khoảng hơn 2.500 hộ, với gần 11 ngàn nhân khẩu thì đã có khoảng 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp, chiếm khoảng 65%. Trong số này, có đến 95% số hộ sống nhờ vào cây mai. Nhiều hộ trồng cả ngàn cây. Năm 2009, cả 6 thôn của xã Nhơn An đều đã đăng ký làng nghề- làng nghề trồng mai- và đã có 3 thôn là Háo Đức, Thanh Liêm, Thuận Thái được công nhận. Quả thật về xã Nhơn An giờ đây sẽ thấy quanh các nhà đều không còn một khoảng trống; nhiều hộ đã tự động biến ruộng lúa thành vườn mai. Mà ở Bình Định không chỉ có xã Nhơn An là có đông người trồng mai… Bởi thế, ông Đặng Xuân Ngữ, một người trồng mai có tiếng ở Háo Đức, ví von: “Nếu căn cứ các tiêu chí của Hội Sinh vật cảnh để phong nghệ nhân thì số nghệ nhân ở Bình Định đã lên cả vạn!”

Lặng lẽ hơn cây mai thị trường, cây mai thế ở Bình Định vẫn lan tỏa trong giới sành chơi. Đặc điểm của mai thế là tuổi tác và nét độc đáo trong dáng thế! Ở TP Quy Nhơn, chơi mai thế đặc sắc và với số lượng nhiều phải kể đến cơ sở bonsai Ruby – Tuấn hay anh Lương Văn Bình ở phường Ngô Mây. Hội chợ Hoa Xuân năm nào, 2 cơ sở này cũng trưng ra bán hàng trăm chậu mai thế. Còn ở An Nhơn người ta lại biết thêm một nghệ nhân mai thế nổi tiếng là anh Trần Quang Thiện. Cơ sở của anh nằm ven Quốc lộ 1 thuộc thôn Cẩm Văn xã Nhơn Hưng. Anh Thiện có lẽ là nghệ nhân đầu tiên ở Bình Định ký cây mai thế lên đá san hô hay chơi mai lũa theo kiểu bán tử bán sinh… Hiện trong vườn nhà anh có cây mai trị giá 170 triệu đồng. Mai thế thường chẳng cây nào giống cây nào và khi nó được xuất bán thì giá trị của nó phải lớn gấp mười, thậm chí gấp trăm lần cây mai thị trường đồng tuổi…

 

Nguyên đám mai của anh Bình phải trở lại nhà vào ngày 23 tháng Chạp.

 

* Đắt đầm ế chợ

Người trồng mai ngày càng nhiều, sự cạnh tranh càng gay gắt và do vậy cây mai cũng dần mất giá. Anh Nguyễn Quang Liệt (ở thôn Tiên Hòa, xã Nhơn Hưng, An Nhơn), một người bán mai ven đường tâm sự: “Anh thấy đấy, trước từ Phú Tài trở ra chỉ có vài ba đoạn đất trống ven đường Quốc lộ 1 đặt bán mai, giờ gần như suốt con đường, hễ chỗ nào có đất trống là chỗ đó có bán mai. Mà không phải chỉ ở đây. Lên Gia Lai, ra Đà Nẵng, Huế… đi đâu cũng đụng đầu mai Bình Định”.

Năm nay, cây mai mất giá lại còn vì thời tiết! Cái lạnh đầu tháng Chạp đánh lừa người chơi mai, khiến ai cũng lo lặt lá sớm dù là năm nhuận. Trong cái nắng gắt khác thường vào ngày hăm ba tháng Chạp, tôi làm cuộc hành trình theo Quốc lộ 1 từ Quy Nhơn về làng mai Háo Đức. Mai hai bên đường bung nở tưng bừng cứ như là ngày Tết đã đến rồi! Ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), tôi gặp anh Lê Văn Toàn đang trung chuyển 150 cây mai 5 năm tuổi có xuất xứ từ Nhơn Mỹ (An Nhơn) về Hội chợ hoa xuân ở Quy Nhơn. Anh Toàn lắc đầu: “Cứ mỗi sáng phải lặt bỏ cả thùng hoa mai nở. Đưa xuống đây mai còn nụ, mới qua một tuần, cơ bản là nở xong, không biết về đến chợ hoa có còn bán được cây nào”.

Và ngay chỗ bờ tràn ở bến Bầu Sáo (thuộc thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An), tình cảnh đám mai của anh Nguyễn Thanh Bình càng tồi tệ hơn. Anh Bình thuê đất ở đây mất 500 ngàn đồng để đưa 200 cây mai từ vườn nhà thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, ra đón bán cho người mua sỉ, nhưng qua một tuần, chưa bán được cây nào, mai đã nở sạch bách. Mới hăm ba tháng Chạp, anh đã phải dùng kéo cắt trụi cành và thuê 2 chiếc ba gác máy chở hoa trở lại nhà. “Cũng mong kiếm được ít tiền để bù công sức đầu tư, nhưng như thế này lại mất thêm 2 triệu tiền thuê đất và chuyên chở đi về”- giọng anh Bình như chùng hẳn.

Với anh Toàn, anh Bình dẫu sao cũng là mai vườn nhà, bán không được thì mang về năm sau. Chứ cứ như anh Huỳnh Đăng Minh (ở Nhơn Hòa, An Nhơn) mới méo mặt. Minh tuyển cả nửa thiên mai 5 năm từ các vườn ở Háo Đức với giá 400 ngàn đồng/chậu những mong đi bán kiếm ít lời tiêu Tết; chẳng ngờ, nắng gắt mai nở đồng loạt phải hạ nửa giá bán vẫn chẳng xong; lại thuê xe đi Hà Nội, ra đến nơi thấy Hà Nội cũng nắng như mình bèn quay xe trở về…

Ở chợ thì ế vậy, nhưng về các vườn mai ở Háo Đức, Thanh Liêm thấy bà con vẫn tươi vui. Gặp ông Lê Văn Điều, thôn trưởng thôn Háo Đức, vừa đi nghiệm thu cổng làng nghề trở về, háo hức khoe: “Mùa mai năm nay, cả thôn thu hoạch được khoảng gần 7 tỉ đồng, hơn năm ngoái nửa tỉ đồng. Dù mai nở sớm nhưng nhờ bà con bán lai rai từ trước khi lặt lá, nên việc mai nở sớm tuy có ảnh hưởng nhưng bà con vẫn có thu. Kỷ lục của thôn năm nay thuộc về ông Bùi Thành Long thu được hơn 500 triệu; anh em Hồ Minh Nhựt, Hồ Minh Nguyệt mỗi người thu được từ 250-270 triệu; Đặng Văn Ngọc thu 200 triệu….”.

Tôi mang niềm háo hức trở về kiểm tra lại vườn mai hơn 60 gốc của mình cũng thấy mai nở “cơ bản là xong”! Năm nay, lần đầu tiên trong 16 năm chơi mai, tôi không phải thức đêm canh mai ở hội hoa xuân. Chẳng biết buồn hay vui?

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)