Vất vả, khổ cực từ nhỏ, nhưng anh Nguyễn Văn Thu (chủ Cơ sở sản xuất nem chả Năm Thu, số 113 Hoàng Quốc Việt, Quy Nhơn) không bao giờ than thân trách phận. Bằng nỗ lực và “tầm nhìn” của mình, từ hai bàn tay trắng, anh Thu đã gầy dựng được cơ nghiệp vững chắc, với thương hiệu nem chả Năm Thu…
|
Anh Nguyễn Văn Thu. Ảnh: H.Thu |
* Kiếm sống bằng đủ mọi nghề
- Được biết anh có tuổi thơ xa quê hương và rất cơ cực?
Tôi sinh ra ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Cha mất khi tôi mới 5 tuổi, quê hương bị giặc chiếm đóng, nên tôi đã cùng gia đình phiêu bạt vào tận Nha Trang vào năm 9 tuổi. Ở đó, gia đình tôi kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Gần 9 năm xa quê, đến ngày đất nước giải phóng, mẹ dẫn 3 anh chị em của tôi về lại Cát Hải. Tôi quyết định ở lại Nha Trang thêm 2 năm nữa bán báo, bán thuốc lá dạo… để kiếm tiền cung cấp thêm cho gia đình, rồi mới về quê.
- Trở về quê hương, chắc cuộc sống của gia đình anh đỡ cực khổ hơn?
Gia đình tôi tham gia hợp tác xã và được cấp cho 2 mẫu ruộng. Cả nhà, từ mẹ già đến con thơ đều tập trung lao động cật lực, riêng tôi được người làng phong là “lão nông tri điền” vì làm ruộng rất giỏi. Do quê tôi đất đai bạc màu và kinh tế còn khó khăn, nên khi tôi tổng kết lại hơn 10 năm làm ruộng của gia đình mình thì chỉ dư được một chỉ rưỡi vàng. Nhận thấy không thể thoát nghèo với nghề làm nông, tôi quyết định xuống Quy Nhơn đi biển. Tôi tính nghề đi biển có thu nhập khá, mà lại chỉ cần mình tôi là lao động chính, mẹ tôi đã già yếu có thể nghỉ ngơi, con cái có điều kiện học hành…
- Việc lựa chọn nghề đi biển sau đó có thành công?
Xuống Quy Nhơn năm 1989, chúng tôi không có tiền, nên cất nhà sống tạm bợ trong xóm nhà rầm ở phường Hải Cảng. Tôi không thể nào quên những năm tháng đi biển với niềm vui trong nỗi đắng cay nguy hiểm “hồn treo cột buồm”. Những đêm sóng to gió lớn lại là thời điểm câu mực được nhiều, tôi lấy dây cột mình vào cột tàu để khỏi bị sóng đánh rơi xuống biển, thức trắng đêm câu mực để kiếm thêm tiền cho gia đình. Sau gần 10 năm, nghề đi biển lâm vào cảnh khó khăn, chủ bán tàu, nên tôi cũng đành bỏ nghề. Với nghề này tôi dành dụm được gần lượng vàng cộng với căn nhà rầm, tính ra vẫn khá hơn công việc làm nông trước đó.
* Gầy dựng thương hiệu nem chả Năm Thu
Chia tay nghề đi biển, cách đây hơn 12 năm, anh Nguyễn Văn Thu chuyển sang một công việc mới, đó là làm nem. Vượt qua những thất bại ban đầu, anh Thu kiên trì bám trụ để dồn hết tâm huyết tìm ra “chìa khóa” mở cánh cửa thành công…
|
Khách mua nem tại Cơ sở nem chả Năm Thu. Ảnh: H.Thu |
- “Cơ duyên” nào đưa anh đến với nghề làm nem?
Hết đi biển năm 1997, tôi suy nghĩ tìm kiếm nghề mới để kiếm sống. Là người không ngại thử thách, tôi quyết định khăn gói vào Nha Trang nửa tháng để học nghề làm nem từ cậu em rể. Nhưng học xong, trở về làm thì do kỹ thuật kém, nem hư lên hư xuống, vị nem Nha Trang cũng không được chấp nhận. Biết vậy, em rể tôi cùng 2 thợ lành nghề quyết định ra Quy Nhơn hỗ trợ làm nem trong nửa tháng nhưng vẫn thất bại. Trước khi về lại Nha Trang, em rể nói với tôi: “Buôn bán như vậy chắc chắn anh Năm phải dẹp nghề thôi”.
- Thất bại, vậy sao anh vẫn theo đuổi nghề làm nem?
Tôi không nản, vì đã xác định trước kế hoạch đương đầu khó khăn: năm đầu tiên vừa hết vốn vừa nợ, năm thứ hai vừa trả nợ vừa đủ ăn cho gia đình, năm thứ ba ngoài việc đủ ăn còn dư chút ít. Không nản, nhưng tiền vốn tích góp được của cả quãng đời trước đó đã hết sạch sau những thất bại liên tiếp; may sao lại được dì vợ thương và tin tưởng cho mượn 3 chỉ vàng để tôi tiếp tục “ném” vào việc làm nem…
- Vậy anh đã tìm “lối ra” cho con đường làm nem của mình như thế nào?
Tôi bắt đầu thử nghiệm những công thức làm nem khác nhau do mình tự “phăng” ra trên căn bản kỹ thuật làm nem truyền thống. Đối với mỗi công thức làm nem, tôi đều theo dõi kỹ và ghi chép lại cụ thể sản phẩm làm ra ngày đó, mùa đó có màu sắc ra sao, hương vị cụ thể thế nào, bảo quản được bao lâu… Sau khi thử nghiệm cả trăm công thức, tôi chọn ra 20 mẫu công thức đạt nhất, rồi tiếp tục theo dõi thử nghiệm sản phẩm để loại dần còn lại 10 rồi xuống 5, 3 và cuối cùng chọn ra 1 công thức tối ưu nhất cho sản phẩm nem của mình.
- Tìm ra công thức làm nem ngon là anh đã gặt hái được thành công?
Thời gian đầu, tôi chở nem trên chiếc xe đạp cà tàng đến khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Quy Nhơn, tìm những người bán đồ ăn nhỏ lẻ năn nỉ họ bán giùm cho mình theo cách lời họ ăn, nếu không bán được hàng thì mình nhận lại. Lúc đó, ngang qua các quán bia, tôi chỉ ao ước giá như mình vào được đó để… bán nem. Mong ước đó cũng thành hiện thực vào năm thứ tư làm nghề, khi vài quán bia chấp nhận tiêu thụ sản phẩm. Dịp may đã đến, khi tôi đi bỏ nem ở một quán bia thì lại bắt gặp 4 chủ quán bia khác là khách hàng mua nem của mình đang ngồi nhậu chung một bàn. Tôi thật tình đem vài chục nem đến biếu họ nhậu, không ngờ được mời ngồi nhậu, tâm sự và hiểu nhau hơn. Nhờ sự giúp đỡ của những chủ quán nhậu này, tôi bắt đầu bỏ hàng được cho rất nhiều quán bia hơi nở rộ lên ở Quy Nhơn lúc ấy… nên ngày càng chinh phục được đông đảo khách hàng.
* “Khách hàng đã giúp tôi có được ngày hôm nay”
Hiện tại, cơ sở sản xuất nem chả Năm Thu (số 113 Hoàng Quốc Việt, TP Quy Nhơn) có gần 30 lao động, sản xuất trung bình khoảng… 3 tấn nem chả mỗi tháng, được hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực miền Trung đặt hàng tiêu thụ. Sản phẩm nem chả Năm Thu vào năm 2008 đã được trao Cúp Sen vàng cho thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và quốc tế, Huy chương Vàng và chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên hiệp Các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam xét tặng.
|
Sản phẩm nem chả Năm Thu đã đạt nhiều giải thưởng. Ảnh: Hoài Thu |
- Anh đã có “bí quyết” gì để nem chả Năm Thu có thể chinh phục thị trường mạnh mẽ đến thế?
Sau khi có những thành công nhất định, tôi suy nghĩ đã đến lúc mình phải lựa chọn đối tượng khách hàng cụ thể để tập trung phát triển thị trường. Đối tượng khách hàng mà tôi nhắm đến là những người kỹ tính, có đòi hỏi cao về chất lượng thực phẩm. Muốn vậy, nem chả Năm Thu phải có đặc trưng riêng. Trên cơ sở đó, tôi có sự đổi mới đột phá chất lượng, đặt vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Khi phát hiện ra hàn the là chất độc hại, tôi là người đầu tiên ở Bình Định nghiên cứu làm nem chả đảm bảo độ thơm ngon, nhưng không có hàn the và chất phụ gia có hại cho sức khỏe. Tôi cũng là người đầu tiên nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật hút chân không khi đóng gói sản phẩm nem, giúp khắc phục được hạn chế lớn nhất từ bao đời nay của nem là bảo quản chỉ được 7-10 ngày. Nhờ việc hút chân không khi đóng gói, nem Năm Thu có thời hạn sử dụng đến một tháng theo như đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực ra, tôi đã thử để sản phẩm nem của mình đến… 3 tháng trong tủ lạnh, nhưng khi ăn chất lượng vẫn đảm bảo.
- Nhìn lại một chặng đường đã qua, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng cuối cùng anh đã gặt hái thành công. Theo anh, điều gì là quan trọng nhất để có được thành công đó?
Tôi không nghĩ mình thành công là nhờ giỏi giang gì mà chỉ là nhờ gặp “thời”. Nhưng cái “thời” có được là nhờ tôi tâm huyết với nó. Điều quan trọng nhất tôi luôn xác định rõ, mình có được thành quả ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của khách hàng. Do đó, tôi luôn cố gắng theo kịp nhu cầu của khách hàng để có thể phục vụ tốt nhất. Đó cũng là cách bày tỏ tấm lòng biết ơn của tôi đối với khách hàng.
- Xin cảm ơn anh! Chúc Cơ sở nem chả Năm Thu gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong năm mới!
|