Làng bánh Tam Quan
9:2', 22/2/ 2010 (GMT+7)

Từ vài cơ sở sản xuất, đến nay, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đã có đến vài chục cơ sở làm bánh truyền thống. Từ phố nghề xưa đến làng bánh hôm nay, những người thợ tài hoa vẫn đang nối nghề truyền thống để giữ hương vị mùa xuân...

 

Bánh tổ làm từ bột giã bằng cối sẽ mềm, đẹp và giữ được hương vị lâu.

 

* Theo dấu “phố nghề” xưa

Phố Tam Quan xưa - nay thuộc thôn Tân Thành 1 và thôn Tân Thành (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) - là nơi định cư, làm ăn của người Hoa. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nói về “gốc gác” của Phố Tam Quan xưa: “Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, làn sóng di cư của người Trung Hoa sang Việt Nam khá ồ ạt. Người Hoa đến Bình Định chọn những nơi gần cửa biển, cửa sông để tiện giao thương, buôn bán. Riêng ở huyện Hoài Nhơn, họ tập trung nhiều ở xã Tam Quan Bắc, thành lập các khu phố buôn bán sầm uất, phồn thịnh”. 

Phố Tam Quan xưa có 2 bến là bến Vạn và bến Sáu Cát ngày đêm tàu thuyền vào ra Kim Bồng hải khẩu (tức cửa biển Tam Quan) tấp nập. Bến Vạn là nơi dành cho các loại ghe bầu, tàu, thuyền lớn, vận chuyển hàng hóa lên xuống; còn bến Sáu Cát là bãi đỗ của ghe nhỏ. Hàng sẽ được chuyển thẳng lên quốc lộ để đi tiếp bằng đường bộ. Hàng hóa lúc đó là những sản phẩm địa phương như bánh trái, nước mắm, dừa, dây dừa đánh neo... xuôi Nam vào tận Phan Rang, Phan Rí, Sài Gòn hoặc ngược Bắc ra mạn Nam Định, Hải Phòng. 

Dấu tích về Phố Tam Quan xưa sầm uất và thịnh vượng giờ vẫn còn. Nhưng theo thời gian và biến thiên của lịch sử, nhiều làng nghề của phố dần mất đi, chỉ còn làng nghề làm bánh truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thi, 68 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tam Quan Bắc, vốn là thợ giỏi nghề làm bánh ngày ấy, áng chừng Phố Tam Quan có khoảng 80 hộ gia đình người Hoa (với hơn 700 nhân khẩu) phần đông sống ở khu vực gần biển, chính là thôn Tân Thành nay. Ở đó, có những cơ sở làm bánh, kẹo quy mô lớn như cơ sở của ông Diệp Dũng Dũ, bà Lý Thị Dư, bà Tôn, ông Lộc... có sản suất gần cả trăm tấn bánh mỗi năm, nứt tiếng cả xứ Trung kỳ.

Ông Thi nhớ lại: “Hồi đó, người dân ở các nơi đến Phố Tam Quan xin làm công trong các cơ sở sản xuất bánh kẹo của người Hoa nhiều lắm. Đời cha tui, rồi đời tui cũng là thợ làm bánh của họ”. Bánh ở đây gồm: bánh in nhân mứt (thường gọi bánh mứt), bánh in hình quạt, bánh đậu và bánh tổ (còn gọi là bánh ổ). Đi đến đâu cũng nghe những âm thanh đóng bánh vào khuôn “cắt, cắt, cắt, bụp, bụp...” nhộn nhịp cả một góc phố. Bánh được làm quanh năm, nhưng “rộ” nhất là các dịp Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán, để cúng ông bà tổ tiên. Những cơ sở làm bánh kẹo lớn còn trữ hàng tấn nguyên liệu đậu, nếp trong nhà.

 

Tết đến xuân về, người dân Tam Quan Bắc có thú vui nhâm nhi trà bánh, hàn huyên tâm sự.

 

* Bánh ngon bằng cả tấm lòng

Hằng năm, vào tháng chạp, làng bánh bắt đầu sản xuất nhộn nhịp. Đến thôn Tân Thành 1 vào thời điểm này sẽ được nghe tiếng chày nện đều đều; những bếp lửa bập bùng chuẩn bị cho những mẻ bánh mới. Ban đêm, cả một góc trời rực sáng ánh điện, người người tất bật chuẩn bị bánh bán trước và sau Tết.

Ông Thi dẫn chúng tôi sang Cơ sở làm bánh Như Yện ở thôn Tân Thành. Gia đình người Hoa ông Châu Như Yện (87 tuổi) và bà Trương Thị Mười (81 tuổi) làm bánh đã hơn 50 năm. Ông Thi giải thích: “Chỉ một cái khuôn, nhưng thợ có thể làm ra 3 loại bánh mứt có độ lớn - nhỏ, dày - mỏng khác nhau. Bánh quạt cũng có 3 loại, nhưng bắt buộc phải dùng 3 cái khuôn riêng. Nhưng phổ biến nhất ở làng là bánh đậu xanh, bởi loại này có thể tiêu thụ quanh năm”.

Cắn miếng bánh giòn rụm trong miệng, uống ngụm nước chè do gia chủ đãi khách, chúng tôi cảm nhận được mùi thơm hòa quyện của đậu xanh rang cùng trứng gà lan tỏa trong miệng. Bà Mười nói vui pha lẫn tự hào: “Nhiều người đi xa về quê, hay khách thập phương đến Bình Định thường mua bánh đậu làm quà bởi nó rất ngon, tốt cho sức khỏe”.

Rời nhà ông bà Yện, ông Thi dẫn chúng tôi đến nhà bà Huỳnh Thị Huyền (72 tuổi), cũng là người có thâm niên hàng chục năm làm bánh, gặp lúc bà cùng các con đang ngồi gói bánh. Những chiếc bánh được xếp vuông vức, rồi gói bằng giấy điều đố (loại giấy mặt đỏ, mặt trắng), sau đó xếp gọn vào giỏ.

Hiện nay, làng bánh Tam Quan tự hào là một trong số ít nơi còn có những hộ làm bánh thủ công theo truyền thống.

Ở thôn Tân Thành 1, có 5-7 hộ làm bánh tổ, song chỉ có cơ sở của ông Thự, gốc gác Hoa kiều, là làm hoàn toàn bằng thủ công vì làm như vậy tiền công thuê thợ tốn gấp chục lần. Ông Thự giải thích: “Bánh tổ làm bằng bột giã, rồi ray kỹ sẽ mềm, đẹp, để bao lâu cũng không hư. Còn nếu đem xay khô thì bánh nứt; mà xay ướt thì bánh nhão và nhanh bị mốc. Chính vì vậy, dù giá bánh của tui “nhỉnh” hơn các cơ sở khác một chút, nhưng hàng vẫn không đủ bán”.

Trung bình một ngày, cơ sở của ông Thự làm 20 kg bột nếp, cho ra lò khoảng 90 cái bánh tổ. Bà Nguyễn Thị Công - vợ ông Thự - vốn con gái Sài Thành, theo chồng về Tam Quan, rồi yêu luôn nghề làm bánh tổ của nhà chồng. Bà Công còn là một trong số ít người chằm hộp đựng bánh khéo nhất trong vùng, nên bánh làm ra luôn tròn, đều và đẹp mắt. Bà tâm sự: “Hàng chục năm qua, bánh vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Bánh ngon là nhờ bàn tay lao động của thợ lành nghề”.

 

Bà Huỳnh Thị Huyền có thâm niên hàng chục năm làm bánh.

 

* Ước vọng đầu năm mới

Làng nghề là một nét đặc trưng văn hóa của địa phương, một cơ sở dữ liệu để nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.

Nếu Phố Tam Quan xưa chỉ có vài cơ sở làm bánh nứt tiếng, thì nay, làng bánh thôn Tân Thành 1 đã tăng lên gần 20 cơ sở. Ngoài một số hộ là con cháu đời thứ hai, thứ ba của người Hoa, còn có khá nhiều cơ sở của người Việt, trước đi làm công, nay có chút vốn liếng mở cơ sở riêng. Dẫu rằng trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh mới, nhưng bánh ở Phố Tam Quan xưa vẫn phát triển được và ngày càng chất lượng hơn.

Như một thói quen đã in sâu trong tiềm thức của người dân sinh sống tại Phố Tam Quan xưa và cả những vùng lân cận, mỗi khi các cơ sở làm bánh giã bột, nổi lửa là họ thấy không khí ấm áp của mùa xuân. Những phong bánh được bày bán khắp nơi, khách thập phương biết tiếng tìm đến mua nhiều. Sui gia thăm viếng nhau, gởi tặng quả bánh tổ, ấm nghĩa tình. Hàng xóm trao nhau phong bánh in, bánh quạt, được gói bằng giấy đỏ. Mấy ngày Tết, đến nhà nào ở Tam Quan cũng có quả bánh của làng đãi khách...

Thị trường tiêu thụ bánh Tam Quan giờ đã mở rộng, vào Nam ra Bắc. Sau Tết, bánh Tam Quan còn được chọn làm quà đặc sản theo chân Việt kiều, khách thập phương đi khắp nơi. Vì thế, một số cơ sở có vốn, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất bánh đậu xanh để nâng công suất, tiêu thụ quanh năm. Ông Thự bảo, năm nào cũng có người đến muộn, năn nỉ đặt bánh, nhưng ông phải từ chối vì không có thợ.

Dẫu vậy làng bánh Tam Quan vẫn còn nhiều trăn trở khi lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề truyền thống; rồi một số chủ cơ sở mới, do không nắm vững kỹ thuật, đã cho ra những mẻ bánh chất lượng không cao, ảnh hưởng đến danh tiếng làng bánh lâu nay.

Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Từ trước đến nay, xã chưa có quy hoạch gì để phát triển các cơ sở này thành làng nghề”. Nhưng trong năm tới, khi huyện Hoài Nhơn đang có kế hoạch sáp nhập Tam Quan Bắc vào thị trấn Tam Quan, cơ hội phát triển làng nghề mở ra, nhiều cơ sở làm bánh hy vọng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

  • Ngọc Tú - Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)
Hồi sinh chè Gò Loi  (28/12/2009)