Người con của bản làng
10:16', 28/2/ 2010 (GMT+7)

Trong những ngày đầu Xuân Canh Dần 2010, chúng tôi đã gặp Thượng tá Trần Thái Học, Phó trưởng Công an huyện Vân Canh khi anh đang chuẩn bị cho chuyến công tác đến một số bản làng xa xôi để tìm hiểu đời sống bà con sau Tết và triển khai công tác giữ gìn ANTT cho Đại hội Đảng các cấp, sắp tới. Dù bận rộn, anh vẫn dành cho phóng viên Báo Bình Định cuộc trò chuyện đầy cởi mở.

 

Vui cùng già làng bên chóe rượu cần.

 

* “Ba cùng” với bà con

* Đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh đã gọi anh là “Người con của bản làng”, chắc anh rất vui vì điều đó?

- Gắn bó với đồng bào miền núi hơn 30 năm, tôi thông thuộc từng nhà, hiểu được hoàn cảnh từng hộ dân; bà con cũng hiểu rất rõ về tôi. Bản thân tôi luôn xác định đến với dân phải thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), và trở thành người của bản làng từ lúc nào không biết. Muốn đồng bào đùm bọc, thương yêu  trước hết phải thật sự gần dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Tôi nhớ mãi lời đồng chí Đinh Nhút - nguyên Bí thư Huyện ủy: “Với đồng bào dân tộc thiểu số, phải hòa mình như con của làng và được đồng bào công nhận là con của làng thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao”.

* Nhưng, để trở thành “Người con của bản làng” không hề đơn giản?

- Tôi nghĩ là khó đấy! Bà con chỉ tin tưởng, quý mến những người thật sự hiểu và gắn bó với bà con. Đời sống của người dân tộc thiểu số ở Vân Canh còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp đỡ đồng bào, trước hết cần khảo sát, nắm chắc tình hình về mọi mặt ở từng bản làng. Muốn vậy, bản thân tôi luôn xung phong đi đầu, làm gương cho CBCS Công an huyện, cố gắng gần dân hơn, sát dân hơn.

Gần dân để vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường; gần dân để xây dựng các phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, vận động đồng bào tự giữ làng mình, nhà mình. Có nhiều nhà bình yên thì có làng bình yên; có nhiều làng bình yên thì có xã bình yên, có huyện bình yên. Gần dân để phát hiện ngay những sơ hở, vướng mắc, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ nhân dân giúp đỡ, chúng tôi đã nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện âm mưu, ý đồ của kẻ xấu, kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ bản làng bình yên.

 

Những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi của thượng tá Trần Thái Học ở nhà riêng.

 

* Thành tích thuộc về nhân dân

* Anh có thể kể lại một vài vụ việc phức tạp mà anh và các chiến sĩ an ninh đã tháo gỡ?

- Một bộ phận bà con người dân tộc thiểu số vẫn còn giữ tập tục lạc hậu, dễ xảy ra mâu thuẫn nội bộ, đòi hỏi lực lượng an ninh phải luôn chủ động giải quyết vấn đề ngay từ khi mới nảy sinh. Nhờ chủ động ngăn chặn, hàng chục vụ việc nghi cầm đồ thuốc độc, tranh chấp ranh giới địa lý… được lực lượng an ninh hóa giải kịp thời. Tôi nhớ năm 2003, tại làng Đắk Đâm đã xảy ra vụ một thanh niên ở Canh Hiệp đến đây chơi, rồi không hiểu lý do gì mà treo cổ tự tử. Ngay sau đó, rất đông bà con dân tộc thiểu số ở Canh Hiệp đã kéo đến Đắk Đâm, dự định “san bằng” làng này, vì cho rằng người ở làng Đắk Đâm đã sát hại người làng họ. Ngay khi nhận được tin báo, tôi đã trực tiếp đến làng Đắk Đâm động viên bà con giữ bình tĩnh để vụ việc được giải quyết một cách công bằng, đúng pháp luật. Bà con Canh Hiệp đã nghe tôi. Các biện pháp nghiệp vụ điều tra được triển khai và nhanh chóng có kết luận: nạn nhân bị bệnh, quẫn chí tự tử. Tôi đã trực tiếp đến Canh Hiệp thông báo cho bà con về bản chất của vụ việc. Bây giờ, hai làng này đã qua lại khắng khít với nhau.

Thượng tá Trần Thái Học (SN 1960), vào ngành Công an tháng 3.1979. Công tác tại Đội trinh sát bảo vệ chính trị huyện Phước Vân (sau tách ra thành huyện Tuy Phước và Vân Canh). Từ đó đến nay, anh đã gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh, từ một chiến sĩ an ninh đến lãnh đạo đội An ninh và hiện là Phó trưởng Công an huyện, phụ trách lực lượng An ninh.

* Còn việc ngăn chặn thành công vụ truyền đạo trái phép, thì sao, thưa anh?

- Năm 2001, Mang Lịch ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên), có vợ ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh đã cấu kết với Đoàn Văn Khiêm lén lút truyền bá đạo trái phép cho 9 người phía gia đình vợ và 2 người dân ở làng Hiệp Hà. Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, và phải mất khá nhiều thời gian, vừa giáo dục, vận động, vừa răn đe, mới có thể kiểm soát được đối tượng này trong suốt 5 năm (từ 2001 đến 2004).

Việc truyền đạo trái phép của Mang Lịch bị ngăn chặn. Chúng tôi đã thu giữ hàng trăm cuốn tài liệu, kể cả đĩa CD tuyên truyền đạo trái phép. Mang Lịch cũng đã tự nguyện giao nộp luôn số tài liệu mà anh ta đang giữ ở huyện Đồng Xuân và hứa với chính quyền không làm điều sai trái nữa.

 

Thượng tá Trần Thái Học thăm, tặng quà các bản làng còn khó khăn sau bão lũ năm 2009.

 

* Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn?

- Huyện Vân Canh có 28 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là phải tuyên truyền cho bà con hiểu hơn vai trò của mình trong công tác bảo vệ ANTQ. Đồng thời, chỉ rõ cho bà con thấy được âm mưu đen tối của các thế lực thù địch để cảnh giác.

Xuống cơ sở, chúng tôi đến từng bản làng, để thực hiện “3 không” với nội dung đơn giản, dễ hiểu, đó là: “không để Fulro, tổ chức Đề-ga xâm nhập, móc nối hoạt động; không để tà đạo phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không để các tập tục lạc hậu được khôi phục, phát triển và phải giải quyết sớm những vấn đề mâu thuẫn từ cơ sở”. Phong trào “3 không” được gắn với “3 cùng”, đó là: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Về với dân, phải thật sự gần dân, sát dân, nghe dân nói và nói dân nghe; dân tin, dân yêu, dân chăm lo và dân dạy cho mình, thì mình trưởng thành.

Đẩy mạnh phong trào kết nghĩa giữa lực lượng Công an, các ban ngành với các bản làng. Đến nay, đã có 14/28 làng ở Vân Canh kết nghĩa với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh; thực hiện các quy ước, quy chế vùng giáp ranh; xây dựng các mô hình tự quản, các làng tự quản, các dòng họ không tội phạm, làng ổn định về ANTT, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Đáng mừng là đến nay, đã có 24/28 làng ở Vân Canh đạt chuẩn làng không tội phạm và tệ nạn xã hội. Có những làng như Cà Xim, Canh Liên, Đắk Đâm, Suối Mây đã hơn 15 năm không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

Lãnh đạo Công an huyện luôn xác định thành tích của mỗi chiến sĩ công an, trước hết thuộc về nhân dân, thuộc về đồng bào. Đồng bào ủng hộ nhiều thì Công an thành công nhiều, đồng bào ít ủng hộ thì Công an gặp khó khăn trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.

* Xin hỏi thêm, trong gia đình “Người con của bản làng” đã thể hiện trách nhiệm của người chồng, người cha như thế nào?

- Những thành tích trong công tác, chiến đấu mà tôi đạt được luôn có sự đóng góp công sức thầm lặng của vợ tôi, cũng là một cán bộ công an (công tác tại Đội Tổng hợp - Hậu cần Công an huyện Vân Canh). Đối với tôi, mái ấm gia  đình với người vợ hiền và 2 con: cháu trai đã nối nghiệp cha (hiện cũng đang công tác tại Công an huyện), cháu gái học năm 3, Đại học Kinh tế chính là nguồn động viên to lớn để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi!

  • Ngọc Diên (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)
“Già làng” văn hóa ở An Lão   (10/01/2010)
Xe ôm đêm  (04/01/2010)
“Tôi vẫn gắn bó với tuồng”   (03/01/2010)