Đầu năm đi lễ chùa, cầu cho một năm mới mọi sự tốt đẹp, bình an đến với gia đình và bản thân là một sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Đi lễ chùa, với nhiều người, không hẳn vì tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là để cảm nhận không khí lễ hội của mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi và để thanh tịnh lòng mình.
|
Đông đảo du khách đến chùa Ông Núi (Cát Tiến) vào các ngày lễ, Tết. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Chùa gần - chùa xa
Tổ đình Long Khánh. Đêm 14 tháng giêng. Phật tử, thiện nam tín nữ, khách hành hương, lễ bái nhộn nhịp từ cổng chùa. Lễ rằm tháng giêng trùng với lễ sám hối (diễn ra vào ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng) nên càng có đông người đến chùa. Trước và sau giờ lễ, điện thờ chính của Tổ đình Long Khánh tấp nập người ra vào thắp nhang lễ Phật và cầu khấn, trong đó không thiếu các nam thanh nữ tú.
Không chỉ Tổ đình Long Khánh, dịp này, những ngôi chùa khác ở Quy Nhơn như: Minh Tịnh, Lộc Uyển, Tâm Ấn, Hiển Nam… và ở các huyện như: chùa Thiên Phước (Phù Mỹ); Thiên Đức (Tuy Phước)... cũng đón nhiều người đến lễ Phật. Tuy không đông đúc như ngày rằm tháng tư (Phật đản) và rằm tháng bảy (Vu lan) nhưng rằm tháng giêng vẫn là một dịp các chùa chiền thu hút nhiều người đến lễ Phật bởi quan niệm: “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.
Với nhiều người, ngày rằm chỉ là một trong nhiều thời điểm đi lễ chùa của tháng giêng. Mùa lễ lạt, hành hương về với các chùa chiền đã bắt đầu trước đó, từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới và kéo dài cho đến hết tháng giêng.
Dân gian nói rằng, nếu từ đầu năm đến rằm tháng giêng mà đi lễ đủ 10 chùa thì phúc đức cả năm. Tin vậy, nên mới mùng 4 Tết Canh Dần, bà Lan - một tiểu thương ở phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) - đã cùng nhóm bạn bè phật tử của mình hơn chục người thuê xe lam hành hương về 10 ngôi chùa trong tỉnh, từ chùa Tâm Ấn, Liên Hoa đến Thập Tháp, Ông Núi... Tại các chùa, bà Lan đều cùng mọi người thắp nhang lễ Phật, cầu an và cúng dường. Không chỉ cầu cho mình, bà Lan còn lễ Phật và cúng dường giùm vài người bạn không đi được nên nhờ bà giúp.
Cũng đi lễ chùa đầu năm nhưng hơi khác bà Lan một chút là anh Lê Quang - một công chức, sống ở phường Trần Hưng Đạo (Quy Nhơn). Sau đợt nghỉ Tết dài ngày, muốn thay đổi không khí và cũng theo phong tục tháng giêng thường đi chùa, nên vợ chồng anh cùng vợ chồng một người bạn rủ nhau đi chùa Ông Núi (Cát Tiến, Phù Cát). Anh Quang kể lại: “Chúng tôi cùng thắp nhang trong điện thờ Phật. Tôi cầu mong cho gia đình mình một năm mới ai cũng được khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc, công việc suôn sẻ; rồi làm công đức chùa. Trên đường lên hang đá nơi ông Núi từng tu, câu chuyện dọc đường của chúng tôi là về lịch sử ngôi chùa, vị sư tổ sáng lập chùa, các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ở khu vực này trong chiến tranh. Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Ông Núi nên chuyến đi đã giúp tôi mở rộng tầm mắt. Không chỉ thế, được đắm mình trong không gian thanh tịnh nơi cửa Phật, tôi thấy lòng mình chợt bình yên hẳn, mọi xô bồ, bon chen của cuộc sống đều tan biến”.
Với chị Vinh (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) - chủ một cơ sở sản xuất nhỏ - thì không chỉ đi chùa vào ngày rằm mà trước đó, vào sáng mùng 1 Tết, chị đã lên chùa thắp nhang lễ bái và xin lộc. Chị Vinh cho biết, vì bận việc gia đình nên năm nay chị chỉ đi các chùa gần nhà, chứ như mọi năm trước, chị thường cùng các bạn làm ăn rủ nhau hành hương các chùa ở xa như chùa Ông Núi (Phù Cát), chùa Hang (Phù Mỹ), có khi đi vào tận chùa Bà ở Tây Ninh.
|
Đông đảo người dân, phật tử đi lễ chùa đầu năm để cầu được bình an cả năm. Ảnh: N.S
|
* Cầu an, hái lộc
Nhiều người tin rằng rằm tháng giêng - rằm đầu tiên trong năm - là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử. Mặt khác, trong không khí vui xuân và cũng chưa bận bịu nhiều với công việc, nên nhiều người chọn đi chùa như một hoạt động làm phong phú đời sống tinh thần cho mình. Và dù có là phật tử hay không thì những người đi chùa đầu năm đều có chung một ước nguyện: cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh. Ngoài ra, người chưa có gia thất đang mơ về một ý trung nhân thì thêm ý nguyện cầu duyên; người khó khăn đường con cái thì cầu tự; người buôn bán làm ăn thì cầu tài cầu lộc...
Đứng ở góc nhìn của đạo Phật, Hòa thượng Thích Nguyên Phước - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, trụ trì Tổ đình Long Khánh - lý giải: “Đi chùa trong tháng giêng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt ta. Vào lúc giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người ta đi chùa cầu cho năm mới được an vui, may mắn, cầu Phật gia hộ cho gia đình mình được bình an. Mùng 1 Tết là ngày vía đức Phật Di lặc, ngài là biểu thị cho sự hoan hỉ, vui vẻ, nên nhiều người đi chùa để mong niềm vui đến với mình cả năm. Những ngày xuân sau đó, người ta đi chùa cầu an. Rằm tháng giêng, còn được gọi là thượng nguyên giai tiết, là ngày rằm đầu năm, nên người đi chùa hướng tâm cầu nguyện cho bản thân, gia đình, gia đạo được bình an, may mắn, đắc tài đắc lộc trong năm mới. Tóm lại, tục đi chùa tháng giêng là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam với những ý nghĩa như trên, dù trong Phật giáo, ngày rằm tháng giêng không có nhiều ý nghĩa như rằm tháng tư (Phật đản) và rằm tháng bảy (Vu lan)”.
Ngoài ra, theo cư sĩ Nguyên Hiệp Nguyễn Văn Đệ - Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - thì sở dĩ nhiều người đi chùa trong tháng giêng còn là bởi đây cũng là thời gian công việc còn rảnh rỗi, lại trùng thời điểm nhiều chùa có các lễ hội, giỗ tổ (lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức ngày 25, giỗ tổ Tổ đình Thập Tháp ngày 22, chùa Tâm Ấn ngày 21 tháng giêng) nên người ta đi chùa lễ Phật kết hợp với đi dự hội, vãn cảnh.
Đi chùa, ngoài lễ bái, thì trong niềm tin của nhiều người, xin được một chút lộc của nhà chùa sẽ được may mắn cả năm. Lộc đầu năm, đó có thể là một cành lá non hái trong vườn chùa, bởi cành lá đang đâm chồi là biểu thị cho sự tiến tới, cho tương lai tươi đẹp. Có khi lộc là một phong bao trong đó có tờ 500 đồng hoặc 1 ngàn đồng mới mà nhà chùa ban cho thiện nam tín nữ. Và lộc xuân của nhà chùa, lại có lúc là một phong bao đỏ trong có tấm hình đức Phật và lời chúc Tết. Một hòa thượng ở Tổ đình Long Khánh cho biết, Tết Canh Dần qua, chùa làm mấy ngàn “lộc xuân” như thế và đã được hái hết veo trong tối giao thừa và sáng mùng 1 Tết.
Và đi chùa, với không ít người, tín ngưỡng, niềm tin còn mách bảo họ rằng, hành hương càng xa, càng chứng tỏ lòng thành… Vì thế, không chỉ đi chùa trong tỉnh, nhiều người còn góp tiền cùng nhau thuê xe đi Miếu Bà chúa Xứ (An Giang), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), chùa Bà (Tây Ninh). Ngoài ra, một số chùa cũng tổ chức các đoàn hành hương cho phật tử. “Việc hành hương là để các phật tử thăm và lễ Phật các chùa; đồng thời được tiếp xúc, nhận lời chúc đầu năm, nghe lời khuyên làm điều thiện và nhận lộc từ quý chư tôn hòa thượng” - Hòa thượng Thích Nguyên Phước cho biết.
Đi chùa đầu năm, với nhiều người, có lẽ không chỉ là để cầu an, xin lộc, vãn cảnh, du xuân. Đó còn là dịp để gặp gỡ bạn bè, người quen, họ hàng, thăm hỏi nhau, chúc phúc cho nhau, cùng nhau gắn kết hơn những mối thâm tình, vun vén cho những tình cảm vừa nảy nở, hay đơn giản là chỉ để thanh lọc tâm hồn...
|
Thắp nhang trước chánh điện Tổ đình Long Khánh ngày rằm tháng giêng. Ảnh: N.S
|
* Vĩ thanh
Trong những ngày cao điểm lễ chùa tháng giêng cũng như ngày Tết, ngày rằm, giỗ tổ, một số chùa lớn thường tổ chức lực lượng gồm phật tử và các vệ sĩ để đảm bảo trật tự. Điều này đã giúp an ninh trật tự các chùa được tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khiến khách lễ chùa phiền lòng. Anh Lê Quang cho biết, ở chùa Ông Núi, giá giữ xe là 5 ngàn đồng/xe máy nhưng chất lượng dịch vụ không tốt. Còn trong khuôn viên chùa thì có rất nhiều rác ở sân, trên đường đi và cả dưới suối.
Ngoài ra, ở chùa Long Khánh vào ngày rằm có rất đông người ăn xin ngồi dọc hai bên lối đi từ cổng tam quan vào đến sân, trong đó có nhiều người già, trẻ em, và đã xuất hiện tình trạng chèo kéo khách để xin tiền. Dịch vụ bán sách báo mê tín, bán nhang cũng có, tuy không nhiều. Tuy nhiên, mỗi thẻ nhang được bán với giá 2 ngàn đồng và chỉ có phân nửa số lượng nhang so với thông thường. Tình trạng trộm cắp, móc túi cũng xuất hiện tại một số chùa lớn có đông khách đi lễ.
Những điều này, vô hình chung đã làm nhiều người vướng bận, cho dù họ đến với cửa chùa là để cầu mong sự an lành và tìm một chốn thư thái cho tâm hồn.
|