Tôi nghe nhiều người kể về bề dày thành tích, tính cách khẳng khái, tinh thần làm việc xông xáo của chị. Tình cờ, tôi lại thấy chị trong một chương trình giao lưu về phụ nữ của Đài PT-TH Bình Định. Để rồi, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, khi có dịp được làm việc trực tiếp với chị, tôi càng có thêm căn cứ xác tín những lời ngợi khen kia. Chị là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Võ Thị Huy, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Nhơn.
|
Anh hùng LLVTND Võ Thị Huy (người mặc quân phục) trong một chương trình giao lưu phụ nữ nhân ngày 8.3.
|
* Nữ anh hùng 24 tuổi
* Mảnh đất Hoài Nhơn những năm 1970 nổi tiếng với Đội Thiếu niên quyết tử diệt ác Chim én, chị tham gia Đội khi mới 15 tuổi. Hẳn sự khởi đầu này còn đọng lại trong ký ức chị?
- Những năm sau cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, lực lượng tại chỗ của Hoài Nhơn hầu như không còn. Ngay Sư đoàn Sao Vàng cũng đã bị đẩy lần khỏi đồng bằng và cuối cùng bị đẩy bật lên thượng nguồn sông Côn. Những người còn trụ được ở các thôn, ấp phải âm thầm rút vào hầm bí mật. Khắp Hoài Nhơn, đồn bót mọc lên dày như nấm. Những trận đánh vừa và nhỏ không sao thực hiện được. Tình hình đó buộc phải thực hiện một phương thức tác chiến: diệt ác. Người lớn tiếp cận địch không được thì sử dụng đám trẻ. Đội Chim én ra đời như thế. Chúng tôi được trang bị súng đạn, cũng ăn ngủ tập trung, nằm hầm bí mật như người lớn. Ngày 1.1.1970, tôi gia nhập Đội Chim én. Cũng mùa xuân năm đó, ngày 14.3.1970, Đội ra quân trận đầu tiên. Nhóm thực hiện nhiệm vụ là ba đội viên: chị Đào, chị Ngân và anh Phước. Cả ba đều hy sinh. Tôi lúc ấy đang trong giai đoạn tập sự, thử thách, hòa lẫn trong dòng người chứng kiến cái chết thảm khốc của ba anh chị ấy. Không lâu sau đó, tôi được phân công nhiệm vụ.
* Đang trong giai đoạn thử thách, lại tận mắt chứng kiến cái chết của đồng đội, chị vẫn quyết định ở lại Đội?
- Tôi không phải cá biệt. Nhiều người cũng hành động như thế. Còn vì sao không sợ, không xin về với gia đình thì tôi không lý giải nổi, gọi là yêu quê hương, căm thù giặc thì có lẽ mơ hồ, to tát quá. Chỉ biết là, trong làng xã mình, thi thoảng cái chết lại ập đến với người này người kia, cái chết sao dễ dàng quá, nên bọn trẻ chúng tôi vì thế cũng lỳ đòn, không sợ. Suốt những năm tháng tham gia cách mạng, tôi cứ dặn lòng mình đừng kỳ vọng sẽ sống đến ngày hòa bình, sợ rằng sự kỳ vọng đó làm mình không dám lăn vào bom đạn.
* Thay đổi quan niệm về phong trào phụ nữ
* Người ta hay nói đến những cái nhất, những cái tiên phong mà phụ nữ Hoài Nhơn làm được: đi đầu trong xây dựng mô hình các câu lạc bộ (CLB) phụ nữ như CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB phụ nữ neo đơn chính sách, CLB phụ nữ truyền thống…, rồi là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đầu tiên đứng ra tổ chức Hội thi Tiếng hát ru. Năm 1995, phụ nữ Hoài Nhơn có hẳn một đội văn nghệ đi biểu diễn khắp trong huyện… Những sự tiên phong này xuất phát từ đâu, thưa chị?
Anh hùng LLVTND Võ Thị Huy sinh năm 1954, được kết nạp Đảng năm 1971, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1978.
Năm 1984, chị Võ Thị Huy về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; năm 1986 chị giữ chức Phó Chủ tịch Hội, đến năm 1995 là Chủ tịch Hội, trải qua 3 nhiệm kỳ, về hưu tháng 12.2009. Những phần thưởng cao quý đã được nhận: Huân chương Lao động hạng Ba (1999), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007… |
- Trong xây dựng, phát động phong trào, đề ra chỉ tiêu… tôi cố gắng thực hiện cho bằng được. “Quân lệnh như sơn”, trong tôi có cái “tính khí” ấy của thời bộ đội, cộng với tinh thần xông xáo những năm làm ở Huyện Đoàn. Có thể nói, nhịp sống, tính cách bộ đội đã dẫn lối, tạo đà cho tôi làm tốt công việc của mình. Đôi khi sự nghiêm ngặt, một cộng một bằng hai của Quân đội và sự rộn ràng của thanh niên cũng gây khó khăn cho tôi trong công tác phụ nữ. Tôi dần khắc phục, vận động phụ nữ không phải bằng thuyết giảng, tài liệu, mà cái chính là quan tâm, những buổi thăm hỏi, thủ thỉ, giúp đỡ nhau… Tôi cho rằng, để mỗi mô hình phát huy hiệu quả, từng chi hội phụ nữ ở cơ sở có cách làm riêng để Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của chị em. Mỗi cán bộ chi hội cơ sở phải thực sự đi đầu, từng chi hội phụ nữ thôn tốt sẽ tạo ra hội phụ nữ xã mạnh, cứ thế.
* Điều gì thôi thúc chị tạo ra những sân chơi văn nghệ, thể thao cho chị em như thế?
- Tôi muốn thay đổi quan niệm về phong trào phụ nữ. Nhiều người cho phong trào phụ nữ là phong trào lặng, hoạt động theo bề chìm, không sôi nổi như phong trào thanh niên được. Tôi lại nghĩ khác, sao không tạo một vóc dáng trẻ, khỏe, sôi nổi; sao không trẻ hóa hoạt động phụ nữ? Sao hoạt động phụ nữ chúng tôi lại lặng, chìm? Sao không ca lên hát lên, chơi thể thao? Khi tôi trình bày ý tưởng trên, một số ban, ngành, đoàn thể e ngại, vì dễ gì “đổi gió” cho phong trào, vì cắm trại, hội thao là việc của đàn ông, tụi thanh niên! Hết đi từ trên xuống, tôi lại đi từ dưới lên, tôi về các xã, về chi hội thôn vận động. Ban đầu, chị em có ngại ngần, ngượng ngùng, nhưng rồi trước cái vui, cái háo hức của văn nghệ, thể thao lành mạnh, ai lại lắc đầu!
* Và hiệu quả thực tiễn của các phong trào ấy là rất lớn?
- Đúng vậy. Năm 2003, lần đầu tiên Hội Phụ nữ huyện tổ chức cắm trại cho hội viên tất cả các xã. Để heo gà, ruộng đồng, con cái cho chồng chăm sóc, chúng tôi đi chơi một ngày, vui nổ trời! Bắt đầu từ huyện, chúng tôi lập đội văn nghệ phụ nữ. Cơ sở gởi lên cho chúng tôi những phụ nữ có năng khiếu ca hát, nhiệt tình văn nghệ, cả trăm chị em. Chúng tôi mày mò luyện tập ca hát, múa may và đi về xã, thôn biểu diễn. Rồi từ những hạt nhân văn nghệ đó, họ lại gầy dựng phong trào cho địa phương mình. Phụ nữ Hoài Nhơn nổi tiếng cả tỉnh về phong trào bóng chuyền là một ví dụ tương tự. Đàn ông Hoài Nhơn xem việc vợ mình ca hát, chơi thể thao là bình thường, là lành mạnh, có ích, nên thể nào cũng tăng quỹ thời gian của mình tham gia sản xuất, giúp việc nhà… Những việc này, đều quy về một mối: Tôi muốn những tiêu chí bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… cho phụ nữ phải được cụ thể hóa.
|
Chị Võ Thị Huy cùng người đồng đội trong Đội Chim én (ông Võ Thanh Sơn) ôn lại kỷ niệm chiến đấu.
|
* Về hưu làm “nội tướng”
Một điều thú vị, Anh hùng LLVTND Võ Thị Huy có những nét rất giống với Quy – nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Chim én bay”, tác giả là nhà văn Nguyễn Trí Huân, từng là một chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng đã sống, chiến đấu trên chiến trường Hoài Nhơn. Cuốn tiểu thuyết này đã đoạt Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 1984-1989, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989.
* Chị có thấy mình gặp gỡ với nhân vật này?
- Cách đây vài năm, tôi tình cờ đọc tiểu thuyết này. Tôi có ý định “kiện” ông nhà văn này (cười). Nhân vật Quy trong tiểu thuyết có một số nét giống tôi, có thể tác giả biết tôi và mượn một số điểm. Huy - Quy, hai cái tên đã hao hao. Cô Quy ấy cũng là một thành viên của Đội Chim én, người xã Hoài Hương, được tuyên dương Anh hùng, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện… Tôi cũng thấy cổ giống chị Đào, Ngân… Đó là ý đồ của tác giả. Cô Quy ấy phải chịu những nỗi đau lớn: Gia đình bị giết hại dẫn đến gia nhập Đội Chim én, bị ức hiếp trong tù, cả đời hiu quạnh trong cảnh không chồng không con… Tôi thì may mắn hơn nhiều.
Song, có một điểm gặp gỡ lớn nhất, tôi và cô gái trong truyện đều muốn “khép lại quá khứ”. Tôi luôn lắc đầu, né tránh và từ chối một cách kiên quyết trước đề nghị kể lại thành tích diệt ác của mình, bất kể đó là chương trình giao lưu, nói chuyện trước đám đông hay chỉ một nhóm người thân cận trò chuyện. Như một số đội viên Chim én khác, tôi vẫn sống tại đất này, tất cả đều là bà con lối xóm, là người cùng quê hương. Chiến tranh là bất đắc dĩ, tôi cam đoan hết thảy mười mấy đội viên Chim én không ai muốn tuổi thơ mình phải làm những việc ấy cả, mặc dù nếu phải sống lại những năm tháng cũ, chắc chắn tôi và các bạn vẫn sống như thế.
* Về hưu, chị có những dự định gì?
- Phụ nữ về già thì chỉ muốn loanh quanh, chăm chút cho tổ ấm của mình. Tôi lấy chồng tôi, anh Nguyễn Hồng Tư, năm tôi 25 tuổi. 3 đứa con lần lượt ra đời. Chính anh ấy đã thay tôi làm “mẹ” chăm sóc chúng. Về hưu rồi, tôi có thời gian làm “nội tướng” cho gia đình. Tôi có một tâm nguyện, viết lại theo trí nhớ về Đội Chim én, một dạng hồi ký. Không quá vắn tắt như tàng thư lưu trữ về Đội, cũng không nhiều hư cấu như tiểu thuyết “Chim én bay”. Đợi cho thằng cháu ngoại lớn, gởi trẻ được, tôi sẽ tranh thủ thời gian rảnh để viết. Có sao tôi nói vậy, nhớ tới đâu viết tới đó, chỉ muốn đem vào đó hết thảy hoạt động, con người trong Đội mà tôi còn nhớ, mong vẽ ra gương mặt cụ thể của từng đội viên. Tôi cứ muốn viết ra hết.
* Xin cảm ơn chị!
|