An Dũ - âu lo và hoài vọng
7:42', 8/3/ 2010 (GMT+7)

Lại Giang là con sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp lưu của hai dòng sông An Lão và Kim Sơn ở địa phận huyện Hoài Ân, rồi từ đó, chảy qua các xã của huyện Hoài Nhơn và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ (Hoài Nhơn). Nhắc đến An Dũ là nhắc đến nỗi ám ảnh về nạn xói lở, xâm thực; nhưng đồng thời, cũng phải nhắc đến một vùng đất nhiều tiềm năng chưa được đánh thức…

Sông Lại phía thượng nguồn khá khúc khuỷu, gập ghềnh và chật hẹp, nhưng đến đồng bằng Hoài Nhơn trở nên thoáng đãng, lòng sông rộng vài trăm mét. Mùa mưa nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy mang phù sa ra cửa biển. Mùa nắng, nước trong xanh, lặng lờ chảy như vừa đi vừa nghĩ ngợi. Hai bên bờ sông xanh mát những vườn dừa, rặng tre, bãi mía, nương dâu, ruộng ngô tốt mượt…

Vậy nhưng, tại cửa biển An Dũ - nơi sông hòa mình vào biển cả - hàng chục năm  qua, người dân nơi đây đã phải gánh chịu biết bao “cơn giận của thủy thần”…

 

Khu tái định cư Diêu Quang - “bến đậu” của những người “chạy sóng”. Ảnh: Bảo Sương

 

* Khi “thủy thần nổi giận”

Vậy là đã bốn mùa xuân trôi qua, 72 hộ dân di dời khỏi vùng sạt lở An Dũ nay đã được sống yên bình trong những ngôi nhà khang trang, vững chắc tại khu tái định cư mới ở xóm 5, thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải. Quãng thời gian dài “sống trong sợ hãi” đã chấm dứt với họ.

Dẫu vậy, trong ký ức của ông Nguyễn Văn Phố, một người dân sống lâu năm bên cửa An Dũ, nay đã được định cư ở thôn Diêu Quang, vẫn còn nguyên nỗi khiếp đảm: “Mỗi mùa mưa đến, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, hung dữ, làm cho đoạn sông phần hạ lưu tiếp giáp với biển Đông rộng gần 1 km như sắp bể tung ra. Ở phía bên kia dải đất Kim Giao, từng đợt sóng khổng lồ liên tiếp nối đuôi nhau trườn lên đập vào, như muốn nhấn chìm mảnh đất nhỏ hẹp này. Cứ vào mùa mưa bão, vợ chồng tôi lại chia nhau thức trắng đêm, canh chừng con nước, chuẩn bị sẵn sàng thoát hiểm khi sóng biển tấn công”…

Tính ra, hơn 30 năm qua, ông Phố đã gia cố lại móng nhà và tường rào đến bốn lần, bởi sóng nước cứ dần ăn sâu vào đất liền, làm sạt lở và sụp đổ nhiều công trình, nhà cửa của dân. Đến năm 2006, khi đã di chuyển vào nơi ở mới này, sân nhà cũ của ông không còn đủ chỗ cho một người đứng. Nhiều năm, ông đành bỏ những chuyến đi làm biển ở miền Nam, để ở nhà cùng vợ con giữ nhà, giữ đất…

Nỗi ám ảnh về những “cơn giận của thủy thần” vẫn còn thường trực trong lòng người dân xứ biển. Một ngày đầu năm, theo chân người cựu chiến binh Ngô Văn Yến (ở thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải), tôi tìm ra tận nơi, nhìn tận mặt cửa biển quá ư nổi tiếng này. An Dũ hiền đến lạ. Sóng trong lòng sông lăn tăn gợn theo gió. Và bọt biển trắng xóa bãi cát dài lặng im. Thế nhưng, nhìn những căn nhà bỏ hoang loang lổ gạch ngói, chợt giật mình khi nghĩ đến những thiên tai mà con người nơi đây phải gánh chịu. Ông Yến chỉ cho tôi doi đất chơ vơ giữa sóng và gió, trên đó còn sót lại mấy hàng đá làm móng nhà, những viên ngói vỡ, và bảo: “Nơi đây từng là làng, là xóm, là nơi chợ cá xôn xao mỗi sáng, là nơi bọn trẻ tụ tập nô đùa…”.

Ông nhìn về phía những căn nhà đổ nát. Hầu như không có khoảng cách giữa chúng và những căn nhà khác còn trụ lại. Và tôi nhìn thấy trong mắt ông một nỗi lo âu não lòng. Giọng ông lạc đi trong gió: “Cứ cái đà này, mai mốt, chúng tôi cũng sẽ đi…”…

 

Những ngôi nhà bỏ hoang loang lổ gạch ngói như minh chứng cho những “cơn giận của thủy thần”. Ảnh: Văn Trang

 

* Chỉnh trị cửa An Dũ?

Theo những người dân đã sống lâu đời bên cửa An Dũ, dấu hiệu sạt lở của cửa biển này đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Càng về sau, tốc độ sạt lở càng mạnh. Đất đai, nhà cửa dần biến mất. Theo ông Ngô Kim Sĩ (ở xóm 3, thôn Ca Công Nam, xã Hoài Hương), từ năm 1960 trở lại đây, cửa biển đã mở rộng ra khoảng 300 m (mỗi bên bờ khoảng 150m). Một số người dân khác thì cho rằng, từ năm 1980 trở lại đây, bờ biển đã lấn sâu vào đất liền ít nhất là hơn 100m. Đặc biệt, hình dạng của cửa biển này luôn biến đổi, có xu hướng chuyển dần từ phía Nam sang phía Bắc.

Để đời sống của người dân sống ven cửa biển này ngày càng ổn định, tận dụng được nguồn lợi từ thiên nhiên, tạo nên sự trù phú cho một vùng đất ven biển, cần phải có phương án “chỉnh trị”, bắt “con ngựa bất kham” phục tùng ý muốn con người.

Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề “chỉnh trị” cửa An Dũ. Từ năm 2000, UBND tỉnh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời các nhà khoa học cùng nghiên cứu, đề xuất phương án chống sạt lở. Ban Dự án thủy lợi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ theo dõi công trình nghiên cứu này. Có rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra; trong đó, phương án được nhiều người đề xuất là xây dựng kè chống sạt lở. Phương án này đã từng được áp dụng cho việc “chỉnh trị” cửa biển ở một số tỉnh bạn, song hiệu quả mang lại chưa cao. Các nhà chuyên môn và lãnh đạo tỉnh ta cũng chưa đồng thuận, nên chưa thể phát triển thành dự án xây dựng.

TS. Lương Thị Vân, Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Quy Nhơn, từng có một thời gian dài quan tâm, theo dõi tình hình nghiên cứu chống sạt lở cửa An Dũ. Năm 2008, bà Vân cũng đã hướng dẫn các sinh viên khoa Địa lý, Trường Đại học Quy Nhơn, thực hiện công trình nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu sạt lở khu vực cửa biển An Dũ, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định” (đạt giải Ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 19, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức). Theo bà Vân, sông Lại Giang hợp lưu từ hai con sông lớn là An Lão và Kim Sơn, là trung tâm của các đợt mưa, nên lượng nước đổ về đây vào mùa mưa là rất lớn. Trong khi đó, độ che phủ của rừng đầu nguồn sông An Lão và Kim Sơn chỉ còn 32%, thấp hơn độ che phủ rừng trung bình của cả tỉnh (khoảng 33%), nên khi có mưa lớn, lũ về hạ nguồn rất nhanh. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tốc độ, tần suất sạt lở sẽ rất khó lường.

Lâu nay, các giải pháp hạn chế sạt lở tại cửa An Dũ chỉ mang tính chất tạm thời như dùng bao cát đắp bờ, trồng phi lao giữ đất, giữ cát, di dời các hộ dân trong vùng sạt lở… Còn vấn đề “trị thủy” để bảo vệ bờ sông chống xói lở, giữ ổn định cho cửa sông mới; phòng chống lũ và tiêu thoát lũ tốt cho lưu vực sông Lại Giang, chống ngập úng kéo dài cho các khu dân cư trong lưu vực… thì đến nay vẫn còn thiếu những công trình mang tính dài hơi, bền vững…

 

Hạ nguồn Lại Giang. Ảnh: hoainhon.vn

 

* Hoài vọng không dứt

Cửa biển An Dũ nằm ở cuối dòng sông Lại hướng ra đại dương mênh mông, là cửa ngõ chính tỏa ra các ngư trường, tạo thuận lợi cho tàu thuyền của bà con ngư dân các làng cá ra vào làm ăn sinh sống. Ngày trước, cửa biển An Dũ luôn tấp nập thuyền bè của ngư dân ra khơi vào lộng, chăn lưới bủa câu, phục vụ nhu cầu tại chỗ và trên các chiến trường. Trong chiến tranh, cửa biển này còn là nơi lưu thông quá cảnh một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ các vùng bị địch tạm chiếm, kể cả số súng đạn lấy được của địch, đưa vào tiếp tế để bổ sung thêm khả năng củng cố an ninh quốc phòng và chiến đấu trên các chiến trường. Nhờ đó, vùng đất tự do của huyện Hoài Nhơn, của tỉnh và của Liên khu V luôn được bảo vệ an toàn trong kháng chiến.

Vùng cửa biển An Dũ hôm nay đã hình thành một thị tứ sầm uất theo hướng đô thị hóa. Các khu dân cư đông đúc được hình thành, những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng, khu chợ mới được xây dựng mở rộng. Tuyến đường Tam Quan - Nhơn Hội đi vào hoạt động cũng đã mở ra cơ hội phát triển cho các khu dân cư quanh vùng cửa biển An Dũ. Thế nhưng, tiềm năng của vùng đất này vẫn chưa được khai thác hết. An Dũ chưa thể là bến đậu của đội ghe thuyền hùng hậu của các xã Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Thanh… Do đó, không thể phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, không thể giải quyết được việc làm cho một lượng lớn lao động dôi thừa, lại hạn chế hiệu quả của nghề khai thác thủy hải sản, cản trở việc mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ…

* * *

Bao năm qua, những con sóng dữ dằn nơi cửa biển An Dũ vẫn chưa bị khuất phục. Và từng mảng đất vẫn cứ trôi ra biển trước sự bất lực của con người. Dầu vậy, trong lòng những ngư dân bám đời vào biển - dù là người đã ra đi như ông Phố, hay người vẫn còn ở lại như ông Yến - vẫn cháy bỏng một hoài vọng. Hoài vọng về những mùa nước trong xanh, những con sóng hiền hòa. Ngày ấy, biển sẽ thôi không lấn vào bờ…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tính cách người bộ đội dẫn lối tôi trong làm việc”  (07/03/2010)
Tháng giêng đi lễ chùa  (01/03/2010)
Người con của bản làng  (28/02/2010)
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)
Triển vọng từ nuôi đà điểu  (18/01/2010)
“Đã làm là làm tới nơi tới chốn”  (17/01/2010)
Xóm nhà rầm  (11/01/2010)