27 năm tham gia giảng dạy, 10 năm làm Bí thư Chi bộ, 11 năm đảm nhận chức Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Trường trở thành lá cờ đầu thi đua khối THCS nhiều năm liền. Trong nhiều thành tích, đáng chú ý là danh hiệu Trường chuẩn quốc gia (đạt đầu tiên trong khối THCS và giữ vững từ 2001) và Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng năm 2005.
|
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc luôn nỗ lực trong giảng dạy, để mỗi tiết học là một tiết vui với học sinh. |
* “Vì lợi ích chung sẽ được ủng hộ”
Gánh vác nhiều trọng trách như vậy, hẳn cô chịu áp lực lớn trong công việc?
- Cũng có chút ít khó khăn lúc ban đầu, nhưng mọi việc rồi đâu cũng vào đấy cả. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi may mắn luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ban giám hiệu và sự đồng thuận của Hội đồng Giáo viên. Có được những điều ấy thì việc khó mấy cũng có thể làm được.
Nhưng để được cả tập thể ủng hộ là điều không dễ chút nào?
- Đúng vậy, vì ông bà ta đã có câu “chín người mười ý” mà. Nhưng tôi tin nếu mình làm vì cái chung, vì tập thể thì mọi người sẽ hiểu và ủng hộ mình. Tận tụy vốn là bản chất của tôi xưa nay. Khi đứng lớp, tôi quan tâm đến tất cả học sinh của mình. Em nào học lực khá giỏi hay yếu kém tôi đều nắm rõ, kể cả những khó khăn trong cuộc sống gia đình các em. Nhờ vậy mà tình cảm thầy trò luôn thắt chặt. Còn nhớ, có năm, tôi bị đau nằm tại Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn hơn nửa tháng ròng. Các em học sinh đã thay nhau chăm sóc tôi. Có em đem đàn ghita đến ca hát để tôi vui. Xúc động nhất là chuyện các em đi lấy mủ của bông hoa sứ về cho tôi đắp vết thương để tránh bị áp xe.
|
Cô Cúc (thứ hai, phải sang) trao phần thưởng tại một buổi sinh hoạt của CLB Ngữ văn khối 7. |
Còn với tư cách là một lãnh đạo phụ trách chuyên môn thì sao, thưa cô?
- Tôi cũng sử dụng cách tiếp cận chính là bằng con đường tình cảm hơn là dùng mệnh lệnh và gây áp lực. Khi muốn đưa ra kế hoạch gì, tôi đều tham khảo đồng nghiệp, xin ý kiến Ban Giám hiệu và bàn bạc trước với ba tổ trưởng tổ chuyên môn để đạt sự đồng thuận rồi mới triển khai. Tôi luôn tâm niệm cần phải sống tình nghĩa, biết chia sẻ, tạo đoàn kết, dân chủ, công bằng trong nội bộ trường.
Báo chí lâu nay cũng phản ánh nhiều chuyện giáo viên luôn chịu áp lực trong công tác, trong khi lương bổng vẫn còn ở mức thấp. Biết vậy, nên tôi thường động viên các thầy cô rằng đã không làm thì thôi, còn đã bắt tay vào làm thì cần cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Phần tôi luôn nỗ lực hết sức mình, với hy vọng mọi người thấy tôi tâm huyết sẽ cùng chung vai sát cánh với tôi.
* “Kiên trì và làm quyết liệt thì sẽ đến nơi đến chốn”
Liên tục nhiều năm qua, Trường THCS Lê Hồng Phong là trường trọng điểm chất lượng cao, với số lượng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp luôn ở tốp đầu trong khối, chắc cô có nhiều “bí quyết” về chuyện này?
- Bí quyết của tôi là làm gì thì phải nỗ lực hết sức, kiên trì và làm quyết liệt để đạt kết quả cao nhất. Để có được những thành tích trên, không chỉ một mình tôi, mà đó là nỗ lực của toàn thể giáo viên và học sinh trong Trường.
Chúng tôi có những kế hoạch và phương pháp dạy- học rõ ràng, cụ thể và bám sát những chỉ đạo của Phòng Giáo dục- Đào tạo TP Quy Nhơn. Mọi hoạt động đều phân chỉ tiêu xuống từng tổ chuyên môn. Chẳng hạn, trong một năm học, 100% giáo viên đều được dự giờ; thanh tra nội bộ (toàn diện và chuyên đề) từ 7-8 giáo viên/tháng. Tôi luôn theo sát và nắm rõ khả năng giảng dạy, khả năng chủ nhiệm của từng giáo viên để kịp thời động viên, góp ý hoặc có những điều chỉnh hợp lý. Vào cuối mỗi năm học, chúng tôi lên kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên dạy giỏi dự kiến cho năm học tới.
Còn để tạo ra đội ngũ học sinh giỏi, cứ vào tháng 10 hàng năm, Trường tổ chức tuyển vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi. Lớp 6, 7 tuyển 3 môn: Văn, Toán, Anh văn. Lớp 8 thêm 2 môn: Lý, Hóa. Sang lớp 9 tiếp tục thêm 3 môn: Sinh, Sử, Địa. Trong quá trình học, có tổ chức thi xét tuyển để củng cố kiến thức và loại dần hoặc chuyển một số em yếu hơn sang những môn khác của lớp 9.
|
Là một lãnh đạo Trường, cô Cúc luôn cố gắng tạo sự đoàn kết, dân chủ và tiến bộ trong nhà trường. |
Liệu việc chú trọng gầy dựng đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi có tạo áp lực cho việc dạy và học trong nhà trường?
- Không những không gây áp lực mà còn giúp tạo ra những nền nếp tốt trong công tác dạy và học, vì mọi người phải không ngừng nỗ lực để ngày càng tiến bộ. Ngoài đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi, chúng tôi cũng quan tâm và có biện pháp với những trường hợp chưa tốt. Chẳng hạn, sau kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu năm, Trường rút danh sách học sinh yếu kém, phân công giáo viên dạy phụ đạo, mỗi khối 3 người. Vừa học không tốn tiền lại có cơ hội củng cố kiến thức, nên các em đến học rất đông và không ít em cho thấy những tiến bộ rõ rệt.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ chất lượng dạy và học của Trường luôn cao vì đầu vào của học sinh khá tốt. Cô nghĩ sao về điều này?
- Đó là một trong những lợi thế của Trường, nhưng không phải tất cả. Vì nếu tổ chức không tốt việc dạy và học, thì chất lượng cũng không cao đến thế. Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Thời gian gần đây, không còn chuyện học trái tuyến, nên học sinh vào Trường có trình độ khá chênh lệch nhau.
* “Phổ biến rộng rãi phương pháp dạy bằng giáo án điện tử”
Thành tích của Trường so với trong toàn khối THCS rất đáng nể. Cô còn có điều gì cảm thấy chưa hài lòng?
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc sinh năm 1956 tại xã Cát Lâm, huyện Phù Cát. Học sinh miền Nam từ năm 1968-1975. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán, Trung cấp lý luận chính trị, Cử nhân Quản lý giáo dục. Năm 1979-1982 dạy tại Trường PTCS Cát Trinh 1 (Phù Cát). Từ 1983 đến nay: công tác tại Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn). Từ năm 1999-2009 làm Bí thư Chi bộ; làm Hiệu phó phụ trách chuyên môn từ năm 1999 đến nay.
Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2004; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT năm học 2005-2006; Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” năm 2008; năm 2000 được tặng Bằng khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 5 năm 1996-2000”.
Giải Nhất Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp phường và giải Ba cấp thành phố năm 2004. |
- Có hai việc lớn tôi đang rất muốn làm. Một là xây dựng phòng chuyên dùng để giảng dạy bằng giáo án điện tử. Phòng này sẽ gắn cố định các thiết bị như máy tính, đầu chiếu; giáo viên chỉ cần đến và cài chương trình vào là có thể dạy được. Phòng có hệ thống bàn ghế di chuyển được để phục vụ các tiết học có tổ chức sinh hoạt nhóm.
Thứ hai là tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên cách soạn bài giảng bằng giáo án điện tử. Mới đây, tôi đã liên hệ được với một số thầy cô trong Trường Đại học Quy Nhơn. Họ đã nhận lời sẽ ra tập huấn miễn phí cho Trường.
Lâu nay, phần lớn giáo viên trong Trường dạy giáo án điện tử theo cách tự mày mò, tự học là chính, chứ chưa được tập huấn bài bản. Đây sẽ là dịp tốt để họ biết thêm về phương pháp dạy học này, từ đó có thể áp dụng nhiều hơn, nhằm tạo hứng thú cho học sinh trong các tiết học với những minh họa sinh động, rõ ràng mà chỉ giáo án điện tử mới có được.
Chừng ấy năm gắn bó với nghề, lại đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong Trường, cô chiêm nghiệm ra điều gì?
- Chính sự tâm huyết với nghề đã buộc tôi không ngừng nỗ lực và không dừng bước trước mọi khó khăn. Ở cương vị lãnh đạo, tôi luôn cố gắng tạo sự đoàn kết, dân chủ, công bằng và tiến bộ trong nhà trường. Ngoài những hoạt động về chuyên môn, tôi còn thường xuyên tham gia và kêu gọi mọi người góp mặt trong các sinh hoạt tập thể để thắt chặt thêm sự thân thiện, gắn kết, tạo hiểu biết, sẻ chia để cùng nhau nỗ lực xây dựng Trường ngày một phát triển.
Xin cảm ơn cô!
|