Những ngày trước và sau Tết, làng xe tải ì xèo. Con nợ lẩn trốn, chai lì; chủ nợ mệt mỏi nài nỉ, rồi vác dao hăm dọa. Đó là cảnh ở nhiều làng xe tải mà chỉ mới cách đây hơn một năm, sự làm ăn giàu có của họ đã làm nhiều người phải ghen tị.
Làng xe tải đường dài ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) và xã Cát Hanh (Phù Cát) những năm trước ăn Tết tưng bừng thì năm nay lại thảm hại. Một không khí ảm đạm đang bao trùm các làng xe tải. Vì đâu nên nỗi?
|
Làng xe tải những ngày không tải.
|
* Mua xe như mua rau
Ở các thôn: Vĩnh Trường, Bình Long, Chợ Gồm mấy năm nay dấy lên phong trào mua xe tải rầm rộ. Ông Lê Ngọc Thạch (thôn Vĩnh Trường) cho biết: “Xã Cát Hanh có gần 200 chiếc xe tải thì thôn Vĩnh Trường đã chiếm gần một nửa. Tết đến, xe tải về đậu chật các sân bãi, nhiều nhà sắm 2-3 chiếc là chuyện thường”. Tại thôn Bình Long, ngôi làng có chưa tới 100 hộ đã có 40 chiếc xe tải, hộ nhiều nhất có đến 6 xe tải, 1 xe đầu kéo. Những làng dọc Quốc lộ này chiều dài khoảng10 km nhưng đã có khoảng 500 chiếc xe tải các loại.
Thấy nhà xe làm ăn khá giả, nhiều người dân lâu nay chỉ bán chè, hớt tóc, chăn vịt cũng quyết đổi đời bằng việc mua xe tải. Không có tiền thì vay mượn, họ cầm cố sổ đỏ nhà mình và mượn sổ của bà con thế chấp ngân hàng. Mỗi sổ đỏ được vay khoảng 30 triệu đồng, con nợ luôn hào phóng rút ngay 5 triệu đồng trả cho chủ và hứa chịu trả lãi suất ngân hàng. Thấy có tiền, lần lượt người dân ở đây lấy sổ đỏ đưa cho các nhà xe hoặc những người làm dịch vụ cho vay nóng. Làng xe tải trở thành làng không sổ đỏ.
Mỗi chuyến chạy hàng từ Nam ra Bắc đem lại lợi nhuận cho nhà xe từ 15 - 30 triệu đồng; nếu có hàng, mỗi tháng chạy được 2-3 chuyến. Thời ngân hàng còn “mở cửa”, chỉ cần mượn hoặc thuê chục sổ đỏ nhà là vay được vài trăm triệu đồng, thế chấp mua xe rồi lấy giấy tờ xe đưa tiếp vào ngân hàng. Vậy là “tay không cũng bắt được giặc”. Với lợi nhuận từ một chuyến hàng, thì chuyện lãi suất dù có lúc lên đến 1,75% thì cũng không ảnh hưởng gì.
* Quá nhiều rủi ro
Làm ăn khấm khá, nhiều dịch vụ mở ra. Từ những mặt hàng phục vụ xe, đến quán sá, chơi huê hụi và cho vay nóng. Mỗi chuyến xe về là những cuộc nhậu thâu đêm, những vỏ bia chất đầy, những dây chuyền vàng đeo oằn cả cổ…
Anh Q., ở làng xe tải Cát Hanh, cho biết: “Thấy người ta làm ăn khấm khá, mình cũng vay tiền mua xe làm ăn với họ”. Chỉ có 50 triệu đồng trong tay, nhưng anh vẫn tậu được chiếc xe tải 4 chân với giá trên 1 tỉ đồng. Trong đó, 1/3 giá trị xe vay ngân hàng, còn lại là hốt tiền nóng và vay mượn của bà con. Ngày xuất hành, trong túi không còn tiền, anh nhờ người vay hộ để làm phí tổn. Nhưng không may, lúc xe bắt đầu chạy là lúc hàng hóa khan hiếm, xe phải nằm bãi chờ hàng. Không xoay được tiền, nợ chồng lên nợ, mỗi tháng anh phải trả tiền lãi ròng lên hơn 30 triệu đồng. Bản thân không biết chạy xe, anh phải mướn hai tài xế, mỗi tháng chi phí thêm 10 triệu đồng. Anh cho biết thêm, ở vùng này, kiểu nợ như anh thì không thể đếm hết.
Theo các nhà xe, từ cuối năm ngoái đến nay, hàng hóa ít, xe nào có mối thì một tháng chạy được 2 chuyến, có xe nằm chờ cả tháng không có chuyến nào. Vì ít hàng, nằm lâu ở bến cũng tốn tiền, nên nhiều xe nhận giá thấp để có hàng đi. Cuộc đua hạ giá kéo theo thu nhập của nhà xe ngày càng teo tóp. Trước, một chuyến hàng về là rủng rỉnh; bây giờ mỗi chuyến chỉ kiếm được 5-7 triệu đồng. Khoản lời này, nếu không phải trả lãi thì cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày.
Anh Hùng, một chủ doanh nghiệp vận tải ở đây, cho biết: “Chi phí cho nhà xe rất lớn. Ngoài việc quan hệ tìm hàng hóa còn phải chi phí bảo trì xe. Chỉ thay một bộ xăm lốp cũng đã trên 50 triệu đồng, chưa nói những rủi ro có thể xảy ra trên đường”. Anh tính toán, mỗi xe phải làm ra lãi ròng ít nhất là 30 triệu đồng/tháng thì mới có thể xoay vòng và hoàn vốn được.
Từ năm 2008, ngân hàng bắt đầu siết chặt việc cho vay, các khoản vay mua xe tới kỳ đáo hạn, có chủ xe đành phải vay nóng để trả nợ ngân hàng và mong được vay lại. Tuy nhiên, những toan tính đó đã không thành. Tiền nóng, lãi “sáu mươi”, “tám mươi”, thậm chí là 120%/ tháng cũng phải chấp nhận để chiếc xe được tồn tại.
Hơn một năm nay, xe tải làm ăn thua lỗ liên tục, lãi mẹ đẻ lãi con. Những gương mặt ngơ ngác nhìn những chiếc xe ngày đêm gồng mình chạy Bắc – Nam chở oằn hàng hóa mà vẫn không đủ tiền trả nợ. Họ nôn nóng nhìn vào sổ nợ ngày càng nhiều hơn giá trị chiếc xe… Nhiều nhà xe không còn sức trả nợ đành phải để chủ nợ đến xiết xe. Những chiếc xe bị xiết giá trị chỉ bằng một nửa. Xe mất, tiền nợ trả vẫn chưa xong.
Chị H., mua xe cuối năm 2008 với tổng giá trị lên đến 1 tỉ đồng, khi vỡ nợ, chủ nợ định giá chiếc xe chỉ còn 500 triệu đồng nên chị phải cầm hai sổ đỏ đất ở nữa mới đủ trang trải. Nhiều người ở đây cho biết, chị đang làm ăn như diều gặp gió, vậy mà đùng một cái là vỡ nợ!
|
Gom sổ đỏ vay ngân hàng lấy vốn làm ăn lâu nay vốn phổ biến ở các làng xe tải. - Trong ảnh: Anh Đức rất vui vì nhận lại được sổ đỏ nhà và ruộng đất của mình.
|
* Và những nạn nhân
Trong thời gian này, hàng chục vụ vỡ nợ của những con hụi cũng làm cho làng xe thêm ảm đạm. Bà Phạm Thị Vân, Trưởng thôn Bình Long, cho biết: “Đã có người bị vỡ nợ bỏ trốn, nhưng không thể thống kê được số tiền là bao nhiêu, vì khi làm ăn họ tự thương lượng bằng mối quan hệ quen biết”. Có vụ đã đâm đơn ra tòa, có vụ con nợ bỏ trốn khỏi địa phương, nên người bị nạn chỉ còn cách ngồi… chờ.
Điều đáng nói là khi nhiều chủ xe hết khả năng xoay trả, các chủ hụi vỡ nợ kéo theo hàng loạt người dân cũng trở thành con nợ. Số nợ vay ngân hàng trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình trót lỡ cho họ vay. Đến kỳ hạn trả lãi, nhiều người phải bán lúa non, heo bò hoặc lại đi vay để trả nợ.
Anh Trần Văn Vinh (ở thôn Vạn Phước Đông, xã Mỹ Hiệp) cầm hai sổ đỏ vay được 50 triệu đồng đưa cho chủ hụi, cho biết: “Đã đến hạn trả nợ ngân hàng nhưng gia đình không có tiền để trả, buộc phải đi vay người quen 3%/tháng trả ngân hàng lấy lại sổ đỏ nhà. Một sổ đất vườn còn nằm ở ngân hàng thì chưa biết tính sao”.
Anh Trần Đức, ở cùng địa phương, một trong những nạn nhân may mắn nhất vì đã được trả lại sổ đỏ, cho hay: “Trước kia tôi cho một người quen mượn sổ vay 40 triệu đồng không lấy tiền lãi. Khi bà ấy vỡ nợ, tôi phải đến năn nỉ hàng tháng trời mới được trả lại sổ”. Nhưng may mắn như anh Đức thì không có người thứ hai. Hầu hết người dân cho vay sổ đỏ đang đối mặt với một khoản nợ ở ngân hàng mà nhiều người không có khả năng trả nợ.
Tiếp chúng tôi, ông Võ Văn Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo bà con về việc cho vay sổ đỏ mua xe, nhưng nhiều người vẫn âm thầm cho vay, nên khó kiểm soát được. Khi chuyện vỡ nợ xảy ra, chúng tôi chỉ đạo quán triệt hạn chế việc gây rối mất trật tự, vận động những người vay nợ phải trả nợ và chuộc lại sổ đỏ cho dân, nhưng thực tình là nhiều hộ đã mất khả năng trả nợ”.
Những chiếc xe luân chuyển hàng hóa cần mẫn góp phần tạo công ăn việc làm, đóng ngân sách cho địa phương và tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nay đứng bên bờ vực thẳm. Để vực dậy, họ tự dang tay ra bảo vệ lẫn nhau. Rất nhiều cá nhân cho vay đã giảm dần và xóa hẳn lãi, giãn nợ để những chiếc xe tiếp tục những chuyến hàng.
|