Người xin tiền có... thương hiệu
11:14', 17/3/ 2010 (GMT+7)

Ở tuổi 74, ông Chi không ngại lặn lội đi về các vùng xa giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Khuya. Người phụ nữ ngập ngừng gõ cửa ngôi nhà 143 Ngô Mây, Quy Nhơn. Đèn sáng, mái đầu bạc trắng nhô ra: "B đó hả con. Vào đi".

B từ Đồng Nai, vừa rời chuyến tàu muộn đến ga Diêu Trì, trong khi chờ sáng vào thăm chồng đang thập tử nhất sinh sau ca tai nạn giao thông, tìm đến bác sĩ Trang Xuân Chi - tình nguyện viên Hội Chữ thập Đỏ Bình Định. Trang Xuân Chi - cái tên quá quen với độc giả Lao Động trên mục "Cảnh đời". Ở Bình Định, ở Phú Yên, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, vì ân đức tái sinh, hàng trăm, hàng ngàn người vẫn gọi ông là bố Chi.

Trung tá về hưu và chân “chạy vặt”

Nhà ông Chi hẹp, nhưng lòng ông rộng thênh thang. Bất cứ giờ nào, từ chị thợ may, cô chủ đại lý vật liệu xây dựng, bà bán vé số, ông chạy xe ôm, thằng nhỏ đánh giày... ai cũng có thể làm người chỉ đường giúp những bàn chân cơ nhỡ lần hồi tìm kiếm “bố Chi” mà không cần sợ chủ nhân tiếng bấc tiếng chì. Các cuộc viếng thăm, nhờ cậy như vậy không hiếm, song thường thấy hơn vẫn là những chuyến đi tự ông lên kế hoạch, những cuộc hành trình mải miết khắp hang cùng ngõ hẻm để ghi nhận, truy vấn, thẩm tra nguồn tin mà ông được thông báo.

Có lúc lại như “cơ trời sắp đặt”. Chẳng hạn dịp Tết Canh Dần vừa rồi về Quảng Nam thắp hương phần mộ gia tiên, lân la trò chuyện, ông phát hiện ra người thanh niên lâu nay vật vạ ăn nhờ, ở đậu cạnh hồn ma bóng quế nơi nghĩa địa quê nhà có mang dị tật nặng trên đầu. Anh chàng sống trong cảnh mấp mô gò bãi đã không hay biết hành trang trở lại Quy Nhơn của ông bác sĩ già hom hem, tóc tai trắng phớ, có đầy đủ hình ảnh, thông tin về thân phận, triệu chứng bệnh tật của mình.

Ông Chi gọi đó là món nợ mới nhất. Sớm muộn phải tìm ra cơ hội để trả, giống như với vô vàn hồ sơ nhân đạo từng được ông kêu gọi rồi được can thiệp, hỗ trợ suốt 12 năm qua. Rời cương vị Chủ nhiệm khoa Nội, Viện Quân y 13, Quân khu V năm 1992, trung tá hồi hưu Trang Xuân Chi quyết định dành phần đời còn lại cho sự nghiệp nhân đạo - từ thiện.

Năm 1998, ông ra giữ “chân” nhân viên tình nguyện Hội Chữ thập Đỏ Bình Định, gồng gánh mảng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật. Tả xung hữu đột như một chuyên gia, ông tất bật lên rừng xuống biển, ra Lộ Diêu, Xuân Vinh (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn), Cát Tài, Cát Tân (Phù Cát); lên Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Thành, Nhơn Hậu (An Nhơn)...

Ông phổ biến chuyên đề khử độc chất phơi nhiễm dioxin. Ông điều tra, thu thập danh sách, ghi hình ảnh đối tượng. Hồi đoàn đại biểu Việt Nam sang Hoa Kỳ tiến hành cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam, những tấm ảnh do ông chụp tại Bình Định được sử dụng làm tài liệu tuyên truyền trực quan trước dư luận quốc tế. Trong tập sách ảnh công bố tại Tokyo năm 2007 của vợ chồng Nishimura - thành viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Nhật Bản, ông cũng góp hàng chục tác phẩm...
Ông Chi thuận nhiều tay. Làm mảng da cam, song ông không nề hà bất cứ thứ công việc có tên và không tên nào. Ông tham gia cứu trợ bão lụt, tiếp xúc các nhà hảo tâm, vận động, tuyên truyền hiến máu nhân đạo. Có những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao đến Bình Định, thậm chí người ta còn bắt gặp ông chân bước vai chen, tay lăm lăm máy ảnh. Những chuyến đi, những lần xông pha “tác nghiệp” ấy, giúp ông tìm thấy một lợi khí hữu dụng phục vụ cao vọng cứu người: Những bài báo.

 

Bác sĩ Trang Xuân Chi khám bệnh tại nhà cho các cháu nhỏ.

 

Xin để cho

Báo cáo tổng kết năm 2009 của Hội Chữ thập Đỏ Bình Định có một gạch đầu dòng như sau: “Thông qua bác sĩ Trang Xuân Chi, đã vận động giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh trên báo, đài trị giá trên 700 triệu đồng”. Ông Chi là cây bút từ thiện cừ khôi, độc đáo của làng báo cả nước. Ông “đánh đâu trúng đó”, theo nghĩa hễ có bài ký tên Trang Xuân Chi thì sớm muộn cũng có nhà hảo tâm lên tiếng. Trăm lần như một, nhất hô bá ứng. Ông “mát tay” ngay bài viết đầu tiên về Võ Ngọc Anh (Phước An, Tuy Phước) đăng báo Công An TPHCM.

Ngọc Anh mắc chứng u xơ thần kinh do nhiễm chất da cam, được một doanh nghiệp tài trợ gần 100 triệu đồng cho ca phẫu thuật cắt bỏ cánh tay tật nguyền nặng tới 29,3kg. Với Anh, có thời điểm chính ông Chi cũng hoang mang, dằn vặt, bằng chứng là cái tít ray rứt ở một bài viết khác: “Bác vẫn còn nợ cháu Ngọc Anh”, khi khối u trên tay Anh tái phát. Ngày khởi công khu B, Khu kinh tế Nhơn Hội, một doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Bình Định 100 triệu đồng, ông xin... để dành cho Anh 6 triệu, cộng 6 triệu vận động từ một nguồn khác.

Tháng 4.2009, Hội nghị nội khoa toàn quốc họp ở Quy Nhơn, ông thở phào khi gặp bạn học cũ giờ là chuyên gia Bệnh viện 103 - Học viện Quân y. Ngày 20.5.2009, phép màu đến với Ngọc Anh: Em là trường hợp đầu tiên ngoài đối tượng chính sách được đích thân PGS-TS Đỗ Quyết - Phó Giám đốc Bệnh viện 103 - mời ra Hà Nội chữa bệnh miễn phí, cắt tiếp khối “thịt thừa” lủng lẳng 7,3kg.

Nay, mỗi ngày Anh có thể đạp 50 – 60km trên đường mưu sinh với xấp vé số. Ông Võ Kim Tới - cha đẻ của Anh - trong lá thư nguệch ngoạc gửi xuống 143 Ngô Mây, cảm kích gọi bác sĩ Chi là ân nhân cứu mạng và 2 ca phẫu thuật cho con mình là “quá sức tưởng tượng”. Còn nhớ cơ thể đỏ lừ, da thịt bong tróc vì bỏng của cháu Nguyễn Thị Trà My (Quy Nhơn) đăng trên Lao Động Điện tử đầu năm 2009 đã làm đông đảo độc giả xúc động. Chỉ một thời gian ngắn, số tiền ủng hộ gửi tới My đã gần 60 triệu đồng, đủ giúp gia đình trang trải chi phí chữa bỏng, phục hồi chức năng.

Tương tự là chị Đỗ Thị Nuôi ở Hoài Đức, Hoài Nhơn; anh em Phan Thanh An ở Nhơn Hậu, An Nhơn; cháu Kiều Mân, phường Quang Trung, TP.Quy Nhơn... Giúp người, ông Chi không dúi một cục tiền rồi phủi tay. Đi cùng ông lên phường Đống Đa trao tiền bạn đọc Báo Lao Động cho 5 đứa trẻ mồ côi, thấy ông xét nét, riết róng. Ông căn vặn ngược xuôi, thấy bầy trẻ có dấu hiệu “xây xẩm” trước món tiền quá lớn, ông “áp giải” cô chị Phạm Thị Minh Phương ra ngân hàng lập sổ tiết kiệm. Cuốn sổ hiện do ông giữ quyền giám sát chi tiêu!

Trên những nẻo đường nhân ái, thầy thuốc kiêm “nhà báo” Trang Xuân Chi có 3 thứ đồ dùng vật bất ly thân: Dụng cụ khám bệnh, bút, máy ảnh. Chiếc máy Nikon D40, ngoài sản phẩm xuất ngoại như đã biết, còn có ảnh đoạt giải ở các cuộc triển lãm địa phương và khu vực, vẫn chỉ đề tài hậu chiến. Sản phẩm của ông không phải bài báo, nó là tiếng kêu thương. Ông không giỏi chữ, không biết khoe văn.

Ông kể lại những cảnh đời, những câu chuyện một cách thẳng băng, hồn hậu, tựa con người ông ngoài đời thật: “Xin cứu cháu Kiều Mân bị bệnh tim quá nặng”; “Ở khối phố 7, phường Mỹ An, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có vợ chồng anh Nguyễn Đức Khánh, chị Đoàn Thị Kim Niên...”. Giản đơn thế, mà lạ, bài ông viết đánh động được vô số tấm lòng, thức tỉnh được nhiều nỗi niềm trắc ẩn.

Ông cộng tác hàng chục tờ báo: Lao Động, Thanh Niên, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Phụ Nữ Việt Nam, Dân Trí, Bình Định, Tây Ninh, Yên Bái... Trông mặt bắt hình dong, bài nào gửi báo nào đều có lớp lang, tính toán. Ông “thắng” nhờ thế, nhưng điều quan trọng hơn là bạn đọc tin ông như tin một nhịp cầu bền bỉ, thẳng ngay, không tì vết.

 

Bác sĩ Trang Xuân Chi trao quà từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động.

 

Cả nhà làm từ thiện

Trước tết, ông đèo vợ đi một vòng thăm bệnh nhân được ông giúp mổ tim, lì xì mỗi cháu 50.000 đồng. Tiền góp từ hai suất lương hưu không nhiều nhặn gì cho lắm. Về Hội An thăm quê, ông bà ghé các cụ già yếu, neo đơn ở trại dưỡng lão, lại chụp ảnh, cho tiền. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng, nguyên dũng sĩ diệt Mỹ những năm 1970, trước khi nghỉ hưu, là đồng nghiệp của ông.

Bà Hoàng giờ làm trợ lý thường trực, không công cho hoạt động từ thiện của chồng. Thỉnh thoảng, bà hộc tốc lên bến xe, nhận sữa, quà từ các tổ chức thiện nguyện ở Sài Gòn do ông Chi kết nối, gần thì bà trực tiếp đưa tới, xa thì trung chuyển bằng xe đò ra Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão... Ông Chi kéo cả nhà vào công cuộc từ tâm. Trong những đồng tiền dành cho các thân phận ngặt nghèo, có tiền cưới của con gái, tiền thưởng của con trai...

Xa hơn, ông được cảm thông, chia sẻ rất nhiều, từ doanh gia, nghiệp chủ tới giới tiểu thương buôn thúng bán bưng, cán bộ, công chức, dân thường... Nhiều Việt kiều ở Pháp, ở Mỹ, ở Thụy Sĩ nhờ nghe đài, xem báo mà biết, ủy nhiệm niềm tin, ý nguyện nơi ông. Biết vậy, nên về phía mình, ông nói cũng chỉ là một kẻ chịu ơn.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bão” qua làng xe tải  (15/03/2010)
“Tâm huyết với nghề buộc tôi không ngừng nỗ lực”   (14/03/2010)
An Dũ - âu lo và hoài vọng  (08/03/2010)
“Tính cách người bộ đội dẫn lối tôi trong làm việc”  (07/03/2010)
Tháng giêng đi lễ chùa  (01/03/2010)
Người con của bản làng  (28/02/2010)
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)
Shop thời trang ở Quy Nhơn  (25/01/2010)
Nên có hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho người Bình Định   (24/01/2010)