Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người vì lợi nhuận đã đánh mất uy tín và chất lượng của rượu Bầu Đá (RBĐ). Tuy vậy, có một người vẫn ngày đêm trăn trở với sự sống còn của loại rượu nổi tiếng này và quyết tâm giữ “lửa” cho làng nghề. Đó là ông Lê Quang Tâm - Chủ cơ sở sản xuất RBĐ Tâm Hường, Chủ tịch Hiệp hội RBĐ Bình Định.
|
Ông Lê Quang Tâm bên gian hàng RBĐ Tâm Hường. Ảnh: N.T |
* Duyên nợ với RBĐ
Là một công chức nhà nước và không uống được rượu, nhưng vì hoàn cảnh đã đưa ông trở thành một chủ quán rượu nhỏ, rồi chủ một trong những nhãn hiệu RBĐ uy tín nhất hiện nay trên thị trường và Chủ tịch Hiệp hội RBĐ Bình Định. Đối với ông bây giờ, RBĐ đã trở thành một phần của cuộc sống…
- Duyên cớ nào đã đưa ông từ một công chức nhà nước trở thành một người kinh doanh RBĐ khá sành sỏi?
Năm 1989, cả hai vợ chồng tôi đều là cán bộ thuộc biên chế của Nhà văn hóa huyện An Nhơn, tôi làm kế toán, còn vợ làm văn thư. Rất tiện tặn nhưng đồng lương cán bộ nhà nước lúc bấy giờ không đủ trang trải cho cả gia đình. Qua nhiều đêm trăn trở, bàn tính, cuối cùng hai vợ chồng đi đến quyết định: xin nghỉ việc, mở quán nhậu bình dân để kiếm sống.
Từ khi còn làm ở Nhà văn hóa huyện, mặc dù không biết uống rượu nhưng tôi đã nghe tiếng RBĐ. Khi ra kinh doanh, tôi đã nghĩ ngay đến loại rượu đế nổi tiếng của quê hương mình. Để có RBĐ bán, mỗi tuần tôi phải đạp xe đạp mấy chục cây số từ thị trấn Bình Định lên làng nghề nấu RBĐ để mua. Quán mở được một thời gian thì bị giải tỏa. Nghỉ bán, nhưng nhiều người cứ đến hỏi mua RBĐ do đã “ghiền” loại rượu này. Từ đó, vợ chồng tôi xoay sang bán RBĐ, vừa để mưu sinh, vừa để giữ bạn hàng chờ ngày phục hồi quán nhậu bình dân. Không ngờ, việc kinh doanh RBĐ của tôi ngày càng ăn nên làm ra. Từ đó, việc kinh doanh RBĐ gắn với tôi cho đến ngày hôm nay.
- Vậy đâu là khó khăn lớn nhất của ông khi bắt đầu bước vào nghề kinh doanh RBĐ ?
Tôi là người không biết uống rượu, nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mua rượu. Có nhiều lần, đã kiểm tra rất kỹ về nồng độ rượu, mùi thơm… nhưng cuối cùng lại mua nhầm RBĐ dỏm. Từ đó, tôi cố gắng tìm mọi cách để phân biệt cho được đâu là RBĐ thật, đâu là RBĐ dỏm… Nhờ trời, qua một thời gian gắn bó với rượu, khả năng nhận diện rượu dở, rượu ngon của tôi đã khá hơn.
Ngoài khó khăn này, môi trường kinh doanh cũng khác xa so với môi trường công chức nhà nước. Ban đầu, tôi rất ngượng ngùng với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình. Nhưng sau đó, đã quen dần vì nghĩ rằng: mình đang nói về sản phẩm do mình làm ra và nói một cách trung thực về nó thì có gì đâu mà ngại.
|
Khách hàng thưởng thức RBĐ Tâm Hường. |
* Hữu xạ tự nhiên hương
Để thành công trên thương trường, người sản xuất phải giữ được uy tín, chất lượng. Với quan điểm như vậy, thời gian qua ông Lê Quang Tâm đã không ngừng xây dựng, vun vén cho thương hiệu RBĐ Tâm Hường nói riêng và làng nghề nấu RBĐ nói chung. RBĐ Tâm Hường đã vinh hạnh nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng lớn của tỉnh và Trung ương; có mặt ở nhiều thị trường trong nước và theo chân những Việt kiều, khách du lịch xuất ngoại… Ông được người dân trong làng nghề và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh RBĐ tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội RBĐ Bình Định.
- Để có tên tuổi RBĐ Tâm Hường như ngày hôm nay, ông đã xây dựng và phát triển nó như thế nào ?
Sở dĩ rượu Bầu Đá có chất lượng tuyệt hảo và hương vị độc đáo để phân biệt với các loại rượu đế khác, bởi nó được nấu theo một công thức bí mật gia truyền. Ngày nay, RBĐ ồ ạt tung ra thị trường nên “vàng thau lẫn lộn”. Để giữ uy tín với khách hàng, tôi đã ký hợp đồng mua RBĐ dài hạn với 14 hộ nấu rượu lâu năm tại thôn Cù Lâm và yêu cầu họ nấu theo quy định của tôi đưa ra. Khi nhập rượu về, hai vợ chồng kiểm tra thật kỹ lưỡng rồi đem ủ rượu theo kiểu gia truyền trong hầm lúa để giữ hương vị đặc trưng. Tôi không quảng bá sản phẩm một cách rầm rộ và cũng không gửi hàng đi chào bán ở các nơi. Bởi lẽ, RBĐ của tôi giá rất cao, gấp đôi so với các loại RBĐ của các đơn vị khác, nên rất ít người nhận bán, chỉ những chỗ biết tiếng thì họ mới mua. Mặc dù vậy, nhưng sản lượng rượu của tôi bán ra ngày càng tăng, có nhiều khi hết rượu đành phải khất với khách hàng chứ không dám nhập rượu khác về bán. Phần lớn khách hàng của tôi là người trong tỉnh mua làm quà hoặc những người lâu nay đã dùng RBĐ Tâm Hường rồi họ tìm đến mua.
- Thương hiệu RBĐ Tâm Hường được định hình bởi chất lượng sản phẩm, vậy trong thời gian đến ông sẽ có những kế hoạch gì để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu này ?
Hiện nay, tôi cố gắng giữ và phát triển thương hiệu RBĐ Tâm Hường trở thành một thương hiệu mạnh và có uy tín hơn. Tôi đang chuẩn bị kế hoạch phát triển cơ sở sản xuất này lên công ty để có thể dễ dàng cạnh tranh trên thương trường. Ngoài ra, tôi sẽ thường xuyên đến thăm và vận động những hộ nấu rượu trong làng nghề cố gắng giữ vững chất lượng RBĐ, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất đi hình ảnh của rượu làng nghề trong mắt người tiêu dùng. Tôi luôn nói với bà con rằng, nếu sản phẩm mình làm ra đạt chất lượng tốt thì khách hàng sẽ đến với mình thôi.
* Trăn trở cùng RBĐ
RBĐ hiện đã trở thành một thương hiệu rượu nổi tiếng được nhiều nơi trong cả nước biết đến và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là tín hiệu vui cho RBĐ và người sản xuất RBĐ Bình Định. Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở có thương hiệu và uy tín còn rất ít, RBĐ dỏm và không đảm bảo chất lượng được tung ra thị trường còn nhiều, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của làng nghề. Trước thực trạng này, ông Tâm đã nhiều lần lên tiếng và yêu cầu các cơ quan chức năng ra tay can thiệp…
|
Khách tham quan gian hàng RBĐ Bình Định tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại Quy Nhơn. |
- Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội RBĐ Bình Định, ông cảm nhận như thế nào về việc mua bán, kinh doanh RBĐ hiện nay trên thị trường?
Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, dọc quốc lộ đều có nhiều quầy hàng bán RBĐ. Nhiều nhất là dọc hai bên Quốc lộ 1 A và 19, đoạn đi qua địa phận huyện An Nhơn, ở khu vực ngã ba Cầu Gành thuộc xã Phước Lộc - Tuy Phước, qua địa phận huyện An Nhơn nhan nhản những hàng quán bán rượu có trương biển RBĐ. Còn ngay tại xã Nhơn Lộc, quê hương của RBĐ, việc nấu rượu cũng tràn lan, chất lượng thì… tùy theo yêu cầu của người mua. Không chỉ ở xóm Bầu Đá mà nhiều người trong xã đã học cách nấu rượu này. Để có một lít RBĐ, công việc nấu rất công phu. Ở làng nghề, mặc dù ai cũng biết công thức nấu RBĐ, nhưng chỉ khi nào có người đặt hàng với giá cao thì họ mới nấu đúng theo công thức, còn không thì vẫn nấu để lấy rượu có chất lượng thấp hơn, giá thấp dễ bán. Tôi thấy RBĐ được nấu và bày bán tràn lan như hiện nay mà lo cho tương lai của làng nghề.
- Vậy theo ông, để giữ gìn và phát huy thương hiệu RBĐ cần có những giải pháp gì?
Không phải đến bây giờ, mà lâu nay tôi đã thường xuyên lên tiếng, yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở, các điểm kinh doanh RBĐ không phép, RBĐ dỏm để lập lại thị trường cho RBĐ, tránh chuyện “vàng thau” lẫn lộn.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ làng nghề nấu RBĐ, các ngành chức năng cần hỗ trợ trong việc xây dựng, khôi phục, phát triển làng nghề một cách đồng bộ, vững chắc và toàn diện. Bao gồm cải tiến công nghệ, nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, đưa nghề truyền thống thành nghề sản xuất chính, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Ngoài ra, bản thân người dân trong làng nghề phải ý thức giữ gìn thương hiệu của làng nghề, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu không có sự hỗ trợ của các ngành chức năng và sự nỗ lực trong việc giữ gìn thương hiệu của người dân trong làng nghề, thì chẳng bao lâu nữa thương hiệu RBĐ sẽ mất tiếng.
- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện chân tình này!
|