Thành phố êm đềm…
16:26', 22/3/ 2010 (GMT+7)

Với bài hát “Quy Nhơn, thành phố thi ca”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha không chỉ tôn vinh danh hiệu “thi ca” mà còn “định tính” xúc cảm “bình yên”, “êm đềm”… cho thành phố biển xinh đẹp này qua câu hát “Quy Nhơn thành phố bình yên, thành phố êm đềm và thành phố… như em.”! Quả thật, quá nửa đời người sống ở đây, tôi cũng chẳng có cảm nhận nào khác hơn là sự “bình yên” và “êm đềm” cho thành phố của tôi. Dẫu rằng trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng tỉnh nhà, ngày 31.3 tới đây, tỉnh sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

 

Một góc Quy Nhơn.

 

* “Quy Nhơn gầy”

Tôi sinh ra bên dãy Sơn Triều, cách thành phố Quy Nhơn chừng 20 cây số về hướng Tây. Tuổi ấu thơ của tôi ở vào thời đất nước chia cắt nên Quy Nhơn trong ký ức là một khoảng cách dịu vợi. Xa xôi về địa lý và cách sống, cách cảm. Cha tôi làm cai thầu chẻ đá, ông hay đi Quy Nhơn và thường mang về nguyên cả con cá ngừ. Đó là những ngày ấu thơ tươi đẹp, bởi khi tôi lên bảy tuổi, ông đã không còn. Mẹ lam lũ nuôi đàn con bốn đứa. Đường về Quy Nhơn của tôi chỉ còn là những dịp đi chữa bệnh! Song những lần hiếm hoi ấy, tôi cũng kịp ghi vào ký ức của  mình một Quy Nhơn phố thị bụi mù, những cửa hiệu sáng choang điện màu, những trại lính lổn nhổn thép gai, và dĩ nhiên là chiếc xe lam ba bánh chở người như nêm cối, vắt vẻo những rổi cá phía sau thùng…

Thời ấy, lứa chúng tôi hay lẩm nhẩm câu “Tìm về cô đơn, đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến” trong bài hát “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cũng chẳng hiểu “Quy Nhơn gầy” là như thế nào? Tôi lớn lên cùng sách vở lấm lem lọ than và bùn đất của núi rừng, đồng bãi và được trở về cùng phố thị Quy Nhơn năm 1985, khi đã hoàn thành chương trình đại học. Cả một quãng đời thanh niên nhiệt huyết sẻ chia cùng đất nước những khó khăn của “đêm trước đổi mới”, Quy Nhơn đã trở nên gần gũi và máu thịt trong tôi tự bao giờ. Phố thị nhỏ bé sau năm 1975 vỏn vẹn 60 đường phố và 12 cây số vuông nội thành, 10 năm sau, cũng chẳng được mở rộng thêm lên là mấy! Lúc này, tôi mới lờ mờ hiểu khái niệm “Quy Nhơn gầy” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

 

Biển Quy Nhơn.

 

Sống 5 năm trong khu tập thể ở phố Trần Hưng Đạo, gần bến xe liên tỉnh, tôi đã hiểu đến tận cùng những phức tạp của cuộc sống thị dân, chứng kiến đủ các thứ tệ nạn tồn tại ở những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước và cả những hình ảnh yên bình không nơi nào có được… Song sự phát triển của thành phố thì không dừng lại bao giờ. Quy Nhơn nới lên hướng núi Bà Hỏa, rồi chuyển trung tâm về khu Sân bay, san lấp đầm mở ra khu dân cư Đống Đa, di dời nghĩa trang mở rộng khu Trại Gà… Số cán bộ viên chức chúng tôi có cơ hội thoát dần ra những ngôi nhà tập thể tối tăm, chật hẹp… Tôi chuyển về ở nơi làng hoa Xuân Quang dưới chân núi Bà Hỏa.

Ngày 18.6.1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định nâng cấp và mở rộng thị xã Quy Nhơn lên thành phố thuộc tỉnh.

Ngày 4.7.1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg công nhận thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 2.

Ngày 25.1.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/QĐ-TTg công nhận thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

Thành phố cứ lớn dần lên, rộn rã dần lên cùng những công trình mới. Khái niệm “đất Quy Nhơn gầy” càng trở nên khó hiểu!

Hình như ở tỉnh này, mỗi một vị lãnh đạo cao nhất tỉnh đều nỗ lực để lại một công trình ghi dấu ấn mình. Và vì thế, TP Quy Nhơn luôn được sự quan tâm lớn. Có công trình mở rộng cửa ngõ đi vào thành phố, lại có công trình mở ra đường lớn Quy Nhơn – Sông Cầu và công trình mở lối đi vào khu kinh tế… Các công trình đều được thực hiện bằng nhiệt huyết sục sôi của lãnh đạo. Điều đó, người đời sau sẽ ghi công!

* Thành phố bình yên

Quy Nhơn có núi, có biển, có đầm, có hồ và có cả danh lam thắng cảnh ngay trong nội thành được coi là một thành phố biển sở hữu những nét đặc trưng độc đáo. Tôi có đông bạn bè. Một lần về thăm Quy Nhơn là một lần họ biểu lộ những xúc cảm chân thành. Nhà thơ Bế Kiến Quốc gọi màu nắng Quy Nhơn là màu nước mía; còn cô bạn Miên Khánh người Hà Nội một lần thăm Ghềønh Ráng đã xuýt xoa trên báo: “Hẳn không ai đến Ghềnh Ráng, thăm bãi tắm Hoàng Hậu mà không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi này. Dẫu không phải lần đầu ghé lại, tôi vẫn ngồi hàng giờ, ngắm mặt biển xanh lấp lánh trải dài trước mặt, háo hức đợi những đợt sóng lăn tăn, trong vắt xô nhẹ, vỡ òa trên bãi đá cuội. Để rồi chợt thấy nuối tiếc, bẽ bàng như một kẻ có lỗi, khi không thể là thi sĩ, viết nên những vần thơ nói hộ lòng mình. Cảm ơn, Quy Nhơn!...”.

 

Đường Xuân Diệu.

 

Biển, núi, hoa, lá và cả con người hòa quyện làm nên sự êm đềm của thành phố Quy Nhơn. Song sự “bình yên”, “êm đềm” còn biểu lộ một xúc cảm khác: sự hướng nội, sự chậm rãi trái ngược với nhịp điệu của những thành phố năng động. Có lẽ vì thế chăng mà khá nhiều các dự án “đòn bẩy” của thành phố vẫn cứ nằm bình yên đâu đó đợi thời, như: dự án khu du lịch hồ Phú Hòa, dự án khu du lịch Hải Giang… hay như tốc độ thực hiện đề án cho khu du lịch Ghềnh Ráng cũng cứ rỉ rả, cầm chừng…

Những thành tựu của thành phố Quy Nhơn:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trong 5 năm qua là: 13,18%; GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 26,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: CN&XD 50,16% - DV 44,02% - nông, lâm, thủy sản 5,82%.

Ngày 31.3 tới đây, Quy Nhơn tròn 35 năm giải phóng. Trong buổi lễ mít-tinh trọng thể, lãnh đạo tỉnh sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh sau gần 12 năm phấn đấu ở bậc đô thị loại 2, dù rằng thành phố vẫn còn một số chỉ tiêu phải phấn đấu như: quy mô dân số, mật độ đường trong khu vực nội thị, tỉ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, khu đô thị mới kiểu mẫu… Ở cấp đô thị mới này, chất lượng cuộc sống mà người dân được thụ hưởng chắc chắn sẽ cao hơn do những yêu cầu phải đạt tới. Thêm một điều đáng mừng nữa là những động thái mới của lãnh đạo tỉnh về việc thu nạp những ý tưởng quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai. Trong quý 2 này, dự kiến Khu du lịch ốc đảo Mũi Tấn và Khu đô thị xanh Vũng Chua do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Kim Cúc làm chủ đầu tư sẽ khởi động. Diện mạo Quy Nhơn sẽ sáng sủa hơn.

Đón nhận niềm vui thành phố lên đô thị loại 1, Chủ tịch UBND thành phố Thái Ngọc Bích, xác định: “Quỹ đất còn lại của thành phố không nhiều, chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch đô thị theo đúng kiểu mẫu xây dựng mới ở những vùng ngoại thành; tập trung quy hoạch hệ thống giao thông theo hướng chống ùn tắc trong tương lai và không để xe tải vào trung tâm thành phố; tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè…; phát triển các ngành dịch vụ của thành phố, đặc biệt là dịch vụ cảng biển, du lịch, khu vui chơi giải trí…”.

 

Một góc KCN Phú Tài.

 

* Vĩ thanh

Có lẽ vì quá yêu nơi sinh sống của mình mà tôi đã không nhận ra những “khuyết tật” ở thành phố của tôi. Bạn tôi, người Huế, một lần thăm Quy Nhơn, nhận xét: “Nếu so sánh về nhịp điệu sống, có lẽ thành phố Huế gần gũi với Quy Nhơn song vỉa hè ở Huế thực sự là của công cộng chứ không phải đã được xí phần đến mức còn trưng biển “cấm để xe”; con đường Xuân Diệu đẹp là thế, dải cây xanh tuyệt vời là thế là để du khách nhìn ngắm chứ không phải để những người gần nhà ra mắc võng, thậm chí phơi phóng áo quần… Đó là hành vi ứng xử của cư dân, còn nữa, là sự nghèo nàn về các dịch vụ giải trí!!!”.

Có lẽ bạn tôi đã đúng. Thành phố đã được nâng tầm, mỗi một cư dân đô thị loại 1 cũng cần “nâng cấp” mình lên!

  • Bài: Quang Khanh
  • Ảnh: Đào Tiến Đạt
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nếu không giữ gìn, thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất”   (21/03/2010)
Người xin tiền có... thương hiệu  (17/03/2010)
“Bão” qua làng xe tải  (15/03/2010)
“Tâm huyết với nghề buộc tôi không ngừng nỗ lực”   (14/03/2010)
An Dũ - âu lo và hoài vọng  (08/03/2010)
“Tính cách người bộ đội dẫn lối tôi trong làm việc”  (07/03/2010)
Tháng giêng đi lễ chùa  (01/03/2010)
Người con của bản làng  (28/02/2010)
Làng bánh Tam Quan  (22/02/2010)
Không đầu hàng gian khó   (21/02/2010)
Vui - buồn một mùa hoa Tết  (20/02/2010)
Đi dọc đường mai  (08/02/2010)
Giá trị đích thực của doanh nghiệp là thương hiệu và niềm tin   (07/02/2010)
Đổi thay Cát Hanh  (01/02/2010)
Làm giáo dục cũng phải biết lắng nghe cuộc sông   (31/01/2010)