Tôi biết Đinh Thị Thươn (SN 1990) khi cô từng là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vài năm trước. Thật bất ngờ khi gặp lại cô bé Bana ngày nào ngay tại làng K2, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) quê cô trong bộ đồng phục của sinh viên. Cô sinh viên năm thứ hai của Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh đang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để về quê lấy tư liệu cho đề tài nghiên cứu khoa học của mình.
|
Thươn được vinh dự là 1/500 sinh viên dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh lần thứ IV (2010 - 2015). |
* Bạn có phải là nữ sinh viên người Bana đầu tiên ở huyện Vĩnh Thạnh thi đậu đại học?
- Dạ, em là nữ sinh viên người Bana đầu tiên và là người thứ hai ở Vĩnh Thạnh thi đậu vào đại học, trước đó cũng đã có nhiều bạn Bana khác được Nhà nước cho đi học theo diện cử tuyển.
* Bạn có cảm thấy tự hào vì điều đó không ?
- Có chứ ạ, ở quê em con gái ít khi được đi học lắm, nhiều người vừa lớn lên đã lấy chồng, chẳng bao giờ được bước chân xuống núi.
* Lúc bạn quyết định đi thi đại học, bố mẹ có đồng ý ngay không?
- Sau khi thi đậu tốt nghiệp THPT, em về xin bố đi thi, bố bảo: Mày mà thi cái gì, mày bệnh tật suốt, nhà lại không có tiền, mày ở nhà đi, rồi bố xin cho một chân văn phòng ở xã, rồi lấy chồng, con gái như thế là được rồi. Lúc đó em khóc rất nhiều, tủi thân lắm. Chị gái em ngày xưa cũng học rất khá, cũng xin bố mẹ cho đi thi nhưng không được, khóc lóc mãi rồi cũng phải ở nhà làm rẫy, lấy chồng… Em không muốn mình lặp lại nỗi buồn của chị, em dùng mọi cách thuyết phục bố mẹ. Em nói với bố: Bố cứ cho con đi thi, nếu con đậu con sẽ đi học, còn nếu không đậu con chắc chắn ở nhà. Lúc đó bố cũng mủi lòng, bố bảo: Ừ! Thôi thì bố cho mày đi, nếu không đậu thì mày ở nhà cho yên con ạ! Lúc ấy em sướng rơn và quyết chí đi thi.
Em lên đường đi thi mà bố mẹ cố lắm mới vay mượn được mấy trăm ngàn để mua vé xe. Em cũng có mấy trăm ngàn từ học bổng Vừ A Dính vừa nhận nữa nên cũng đủ xoay xở. Đến ngày thi xong, em nghĩ rằng mình chỉ đạt kết quả trung bình thôi, không ngờ hôm xuống thị trấn, vào quán Net dò điểm thi thì thấy mình đậu. Lúc đó em sung sướng vô cùng, chỉ muốn nhảy cẫng, hét ầm lên thôi.
* Tại sao bạn khao khát được đi học đến như vậy?
- Hồi nhỏ, em muốn làm ca sĩ. Em nghĩ là làm ca sĩ phải biết chữ nên cố đi học. Ngày ở Trường PTDTNT tỉnh, cô giáo nói với chúng em: Các em hãy nghĩ, học là để làm người; nếu mình có ước mơ, thì ước mơ sẽ là cầu nối hiện tại đến tương lai và các em sẽ thành công. Nghe lời dạy của cô, em quyết tâm học và mong mình sẽ trở thành ca sĩ trong tương lai.
* Bạn mơ ước trở thành ca sĩ, vì sao lại thi vào Học viện Hành chính?
- Hồi đó em thi đậu 2 trường là Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Bình Định. Bố em chỉ cho đi học nếu chọn trường Hành chính. Em cảm thấy ngành học này cũng phù hợp, dù không phải là mơ ước ban đầu, nhưng giờ thì em cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Khi em học ở trường, em cũng có thể đi hát, tham gia rất nhiều phong trào văn hóa, thể thao. Em vẫn muốn được hát để thỏa niềm đam mê của mình.
|
Thươn (giữa) tham dự Hội thi Học sinh thanh lịch các trường PTDTNT toàn quốc năm 2006, tại Bắc Giang. |
* Thành tích của bạn ở trường trong năm qua?
- Nói thành tích thì to tát quá! Em chỉ nói những cái gì mà mình đạt được thôi, căn bản là em đã cố gắng hết mình. Năm đầu em được xếp loại sinh viên giỏi; đoạt nhiều giải đơn ca các hội diễn văn nghệ. Năm ngoái, em được bầu chọn là nữ cầu thủ xuất sắc nhất Học viện.
* Vì sao bạn là cô gái đến từ một vùng quê miền núi hẻo lánh, mà ngay năm đầu tiên đã được chọn làm Bí thư Chi đoàn?
- Ồ, chuyện này lạ lắm! Ngày mới vào lớp, em và các bạn phải trải qua một cuộc thi kiểm tra kỹ năng công tác Đoàn. Em được chú ý từ hôm đó là do có thâm niên làm công tác Đoàn suốt mấy năm phổ thông. Sau buổi thi độ một tuần em được chỉ định làm Bí thư Chi đoàn tạm thời, về sau được các bạn tín nhiệm cương vị ấy luôn.
* Trở thành Bí thư Chi đoàn, bạn đã làm gì để Chi đoàn mình vững mạnh?
- Hoạt động Đoàn của trường đại học và phổ thông khác nhau. Phổ thông thì phụ thuộc vào thầy-cô, giáo viên chủ nhiệm, còn ở môi trường đại học thì tự tổ chức, tự hoạt động cho thật tốt, phù hợp với hoạt động chung của Đoàn cấp trên. Hồi đó em cũng nhờ các anh chị làm công tác Đoàn cấp trên dìu dắt cho các bài học, cách tổ chức như thế nào cho thu hút, cho hiệu quả. May mà em cũng sớm hòa nhập nên không thấy lúng túng trong vai trò mới.
* Với một sinh viên xuất thân từ vùng núi thì việc học tập trong môi trường đại học với nhiều bạn có điều kiện học tập tốt hơn mình ngay từ nhỏ, thì bạn làm cách nào để có thể tiếp thu kiến thức và có một thành tích tốt?
- Khó khăn thật sự cho các bạn học sinh, sinh viên miền núi đó là tiếng Việt (Kinh); riêng em thì tiếp thu tiếng Việt không đến nỗi, nên không ảnh hưởng nhiều đến học tập. Tiêu chí học của em là vừa học vừa chơi, không quá căng thẳng; sắp xếp làm sao việc chơi không ảnh hưởng đến học tập và ngược lại trọng học tập nhưng không để hạn chế các hoạt động khác. Mình vừa thực hành, vừa áp dụng lý thuyết trong học tập và đời sống.
* Bạn đã rất tự hào khi mình là một cô gái Bana, bằng nghị lực, kiến thức của bản thân đã tự thi đỗ vào đại học. Vậy bằng cách nào bạn có thể xoay xở để có thể sống, học tập bình thường ở chốn đô thành?
- Em thuộc diện tự thi đỗ và phải tự lực từ A đến Z, chỉ được miễn học phí và nhận trợ cấp mỗi tháng 140 ngàn đồng thôi. Nhưng ở TP Hồ Chí Minh, các khoản chi tiêu rất đắt đỏ, cùng với quá nhiều chi phí khác liên quan đến học tập… cho nên em phải tự đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Em từng đi làm nhân viên tư vấn ở trung tâm ngoại ngữ, rồi em đi dạy kèm cho học sinh tiểu học, rồi làm phục vụ ở quán ăn, nhà hàng, đi phát tờ rơi quảng cáo… mỗi tháng cũng kiếm được 300-400 ngàn đồng, nhưng những việc này chiếm quá nhiều thời gian. Sau đó, có một bạn trai cùng nhóm, thấy em có sức khỏe nên rủ đi làm bốc vác theo thời vụ, lương mỗi buổi được 200 ngàn đồng, em thấy cũng được nên theo làm luôn. Mỗi ngày vừa đi học vừa đi làm, sau đó nhận được một khoản tiền do mồ hôi, nước mắt của mình làm ra nên em quý lắm. Em dùng tiền ấy mua những quyển sách giáo trình và ghi vào đó những dòng kỷ niệm, để nhớ những ngày gian khổ.
* Ở trường, bạn có tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học không ?
- Trước Tết vừa rồi em đã nộp đơn đăng ký đề tài “Vấn nạn tảo hôn ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) hiện nay”. Trong những năm gần đây, nạn tảo hôn ở quê em ngày một nhiều. Thời gian nghỉ Tết ở nhà vừa rồi, em đã tranh thủ thu thập một ít tài liệu về nạn tảo hôn, như: số lượng, hậu quả, tác động xã hội,… của những cặp vợ chồng còn quá trẻ, cũng như những giải pháp làm thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là những bậc cha mẹ; cũng như biện pháp ngăn chặn nạn tảo hôn.
* Sau này khi ra trường bạn có dự định làm việc ở đâu chưa?
- Nếu tìm được một công việc ở TP Hồ Chí Minh là rất tốt, bởi vì đây là một thành phố lớn, năng động, hiện đại, dễ có môi trường giao lưu, hòa nhập quốc tế. Nhưng với hoàn cảnh gia đình em bây giờ, em sẽ không chọn làm việc ở TP Hồ Chí Minh, mà em sẽ về Bình Định, xin một công việc phù hợp với khả năng của mình và mình thích nó là được.
Đinh Thị Thươn (SN 1990), tại huyện Vĩnh Thạnh. Sinh viên giỏi năm học 2008-2009. Bí thư Chi đoàn xuất sắc, được nhận Giải thưởng Tuổi trẻ làm theo lời Bác của Học viện Hành chính Quốc gia (26.3.2010). Là gương sinh viên nghèo, miền núi vượt khó học giỏi trong chương trình “Thắp sáng ước mơ”, phát sóng tối 25.3.2010, trên VTV1. Đóng góp nhiều thành tích cho Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh. |
* Bạn có nghĩ là mình cần tiếp tục làm một điều gì đó cho quê hương của mình, ví dụ như là việc kết nối vấn đề mà bạn đang nghiên cứu chẳng hạn?
- Mong muốn của em là tuyên truyền những kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật cho mọi người dân miền núi, để họ nhận ra rằng tảo hôn là một vấn nạn cần phải chấm dứt. Bởi vẫn còn nhiều người chưa biết tảo hôn là vi phạm luật; họ cho rằng khi nam nữ yêu nhau thì có quyền lấy nhau… Thứ mà bà con quê em còn thiếu là kiến thức. Bởi cái nghèo, cái đói ở đây đều là do cách sống, quan niệm sống của bà con còn lạc hậu. Đó là điều mà thế hệ trẻ như chúng em đang trăn trở.
* Vài năm nữa học xong bạn sẽ trở về quê hương, hãy thử tưởng tượng lúc đó sẽ như thế nào?
- Em hy vọng mọi người sẽ cảm thấy vui mừng khi quê mình có thêm nhiều bạn trẻ như em được học hành và đem kiến thức về phục vụ cho bà con dân làng. Em sẽ cố gắng học tập, làm việc và cống hiến hết mình để xứng đáng với sự tin tưởng ấy của mọi người.
* Chúc bạn thành công!
|